Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Saturday, October 18, 2014

50 cái điện thoại

Cách đây khoảng 10 năm, mình làm tư vấn luật cho một doanh nghiệp Trung Quốc tại Hải Phòng, cứ một tuần xuống Hải Phòng 3 ngày, công việc là chỉ soạn hợp đồng xuất nhập khẩu bằng tiếng Anh, giải quyết một số việc liên quan đến pháp luật của doanh nghiệp, của công nhân nước ngoài.

Ông chủ của nhà máy ở tận Triết Giang xuống đầu tư, ông ta lăn lộn vừa giống công nhân, vừa giống kỹ sư. Trong số các công nhân, kỹ sư có những người đã theo ông ấy 20 năm, từ khi bắt đầu lập nghiệp khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa cải cách kinh tế. Lương lậu thấy cũng vừa phải, kỹ sư cỡ khoảng 400 đô-la Mỹ thôi, không hơn. Nhưng ông chủ gửi tiền tiết kiệm cho họ rất đàng hoàng, coi như sau này là một khoản lương hưu. Mình nhận thấy, họ cực kỳ chăm chỉ, rất trung thành và tận tụy. Dường như cái sự tự trọng nó ăn sâu vào máu thịt của họ, chưa bao giờ thấy họ phải được nhắc nhở mới làm việc, mà làm đến cùng, khi nào xong mới thôi.

Cũng chính những người công nhân Việt Nam được thuê để làm việc cho nhà máy đó thì khác một trời một vực. Chú quản lý nhà máy người Trung Quốc, nói: “Đất nước Việt Nam thiên nhiên ưu đãi, sản vật nhiều… nên con người không cần làm việc. Công nhân chỉ cần nói nặng một câu là có thể bỏ việc ngay lập tức.” Không phải ai cũng là người thành phố để mà về bán nước chè đầu phố hoặc ăn bám bố mẹ có cửa hàng cho thuê, nhưng bỏ, là cứ bỏ đã.

Họ chưa bao giờ coi người chủ doanh nghiệp, người đã tạo công ăn việc làm cho mình, người mang đến cho mình tiền lương lo cuộc sống… là người đáng phải chịu ơn. Người chủ doanh nghiệp trong mắt họ, là người bóc lột, cần phải tìm mọi cơ hội để “chơi xấu.” Ông chủ Việt Nam cũng đã bị như vậy, thì ông chủ nước ngoài càng khổ hơn.

Đầu tiên là B., sau đó là tỉnh T., tập đoàn S. của nước ngoài đã đầu tư xây dựng nhà máy có khi phải lớn nhất thế giới không chừng. Hàng ngày đi trên đường cao tốc cứ là gặp lũ lượt cả trăm cái ô tô Hyundai Aerospace to đại, đón cả vài ngàn công nhân nữ lắp ráp điện tử đi làm. Cũng chính những chiếc ô tô đó, cuối năm chở các cô bé đó về tận đầu làng, với một cái điện thoại thưởng và ra Tết lại về đón - ấy thế mà vẫn đầy cô bé ở tịt nhà, để lấy chồng.

Năm kia năm kìa, tự dưng có “một chú em” có công ty bán máy tính, nó bảo: “Anh có mua máy tính bảng không? Rẻ lắm…” (Giá khoảng 2/3 hàng chính hãng). Đồ mới 100%, là đồ ăn cắp từ nhà máy lắp ráp của S. bên B. ra.

Chuyện ô tô đưa đón Tết, là chú “cán bộ đường lối” công ty mình kể, chả là trước cậu lái xe cho chuyên gia nước ngoài. Còn chuyện xe lũ lượt đi đón buổi sáng, thì ngày nào mình đi công tác chẳng nhìn thấy. Cậu ta kể, chuyện ăn cắp điện thoại di động trong nhà máy, đã thành hệ thống. Cả nhà máy chỗ nào cũng ăn cắp, và việc mang ra ngoài, phải có sự thông đồng của nhiều khâu từ dây chuyền ra đến cổng bảo vệ… việc qua soi chiếu, tất cả được dồn cho những cô đang có bầu, không phải qua máy soi chiếu. Mỗi cô như thế, có thể giấu được vào trong người 50 cái điện thoại các loại… “Cán bộ” người nước ngoài có mỗi việc ngồi soi camera, mà còn không xuể.


Những thông tin nghe kể lại thôi, chẳng biết ra sao, nhưng chuyện ăn cắp trong nhà máy ra, là có thật, bằng chứng là không phải một lần mình tiếp cận với thông tin đồ điện thoại, máy tính bảng… hàng xịn, mới cứng nhưng là “hàng ngoài” giá rất rẻ. Đồ “Made in Vietnam” thì lấy đâu ra “xách tay” ở nước ngoài về cơ chứ… Cũng tầm cách đây hơn chục năm, “Chợ Giời quê mình” chính là ổ tiêu thụ phụ tùng linh kiện được chôm ra từ nhà máy: SYM có, DAEWOO, LG… đều có cả. Nguồn cung cấp rất đều, gần như tháng nào cũng có đợt “hàng ra.”

Có lẽ đây là một trong những hành động vô ơn nhất của người Việt Nam chúng ta. Nào, có ai còn “tôi tự hào là người Việt Nam” nữa thôi…

Hình ảnh trong bài nguồn kiếm trên internet chỉ có tính chất minh họa.

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây

1 comment:

  1. Đoạn viết thêm: Bài viết tối hôm qua. Sáng nay ngồi nhớ lại thì cả cuộc đời đi làm, cũng một, hai lần “tắt mắt”, chủ yếu là một số dụng cụ thích quá, ở Việt Nam không mua được mà “cầm lòng không đậu”… đó là thời cũng cách đây cả hai chục năm và ngay cả hồi đó chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện ngày nào tháng nào cũng lấy đồ về bán, như là một khoản “tiền lương bổ sung” hay “phân phối lại thu nhập”. Nhưng cái thời nhà ở Chợ Giời, cũng vài lần giúp người quen tiêu thụ đồ và cũng kiếm được vài đồng – hồi đó mặc nhiên coi chuyện đó là “có lộc”, bây giờ mới nghĩ những việc đó thực sự có hại và cực kỳ hối tiếc.

    ReplyDelete