Bạn học cùng
từ cách đây 30 năm, đầu năm nay gặp lại khi họp khóa – tổ chức được cũng là nhờ
Facebook. Ai ghét Facebook thì kệ, cái gì ích lợi thì ta phải sử dụng nó, đừng
để nó ảnh hưởng dính thị phi như Thày Thích Thanh Cường là được rồi.
Chuyện con cà
con kê, dây khoai ra dây muống, từ ảnh ọt viết lách, chuyện học hành xưa nay
tây ta đủ cả, đến chuyện bạn chung, bạn riêng thôi thì không thiếu bất cứ một
chuyện gì.
Chuyện tớ học
Đức mà không yêu được con người và văn hóa Đức, chỉ thích đọc truyện của Đức… 7
năm tuổi trẻ học tập và không biết bao nhiêu lần quay lại, lại từ bấy đến nay
làm ăn với các doanh nghiệp Đức, không yêu được như người Việt Nam ta yêu nước
Nga, văn hóa Nga, con người Nga. Chuyển sang chuyện Nga, nước Nga bây giờ nếu
chính những người Việt Nam yêu nước Nga mà cho sang đó chơi, chắc hẳn ngã bổ ngửa.
Các hình ảnh của nó vẫn tươi đẹp như thế, những người Nga tốt bụng, chất phác,
hồn hậu… chỉ còn ở mấy bà già bán dưa chuột muối ngoài ga tàu điện ngầm hay bà
giáo già dạy tiếng Nga cũng xấp xỉ 80 tuổi rồi. Còn những người Nga trẻ, họ
nhìn dân “đầu đen” chúng ta một cách khinh khỉnh, chẳng cần biết chúng ta là
ai… rồi đến chuyện nếu như cách đây mười mấy năm, ở những vùng nước Đức trung
tâm của chủ nghĩa phát-xít mới, việc người Việt Nam đi đêm ngoài đường là không
tưởng thì nay hoàn toàn bình thường, đi bar, đánh bi-a thâu đêm; còn ở Nga, người
Việt Nam vẫn tiếp tục nơm nớp. Quên không kể hàng xóm nhà mình có anh bạn bằng
tuổi học cơ khí chế tạo máy ở Mátxcơva về từ 1996, thề không bao giờ quay lại
nước Nga nữa.
Hỏi thăm chuyện
công chuyện việc, đều thống nhất không bao giờ có thể quay lại với “Nhà nước”,
dù cơ quan Nhà nước nhiều việc rất hay, rất nhiều người giỏi, cũng như làm
doanh nghiệp ở ngoài thì chán kinh khủng vì ông chủ Việt Nam cũng như đầy nhân
viên lởm khởm. Đâu cũng có thế nọ, thế kia.
Sang chuyện
lang thang khắp chốn cùng quê, mình là thích đi đến tận nơi một đất nước nào
đó, học ngôn ngữ, sống cùng người dân, ngày nghỉ đi vào vùng nông thôn, để ghi
chép, cảm nhận, chụp những tấm ảnh. Lần đầu tiên cách đây cũng mười mấy năm,
sang Trung Quốc học tiếng Hán, mình thấy mất thời gian quá không học chữ, chỉ học
khẩu ngữ và những chữ cơ bản, nhớ được chữ nào thì nhớ. Nhưng mình đi khắp nơi
những chỗ trên đất nước Trung Quốc, mình có thể đi được mình đi hết. Lại nhớ ở
nhà có cuốn niên biểu lịch sử Việt Nam in từ cách đây mấy chục năm, các triều đại
vua chúa Việt Nam đều có một cột đối chiếu triều đại phương Bắc bên cạnh. Lịch
sử Việt Nam luôn luôn có những mối liên kết rất chặt chẽ với lịch sử nước láng
giềng phương Bắc.
Mình không
thích cái bá quyền của họ, nhất là nhà cầm quyền hiện nay của họ, nhưng mình
yêu đất nước Trung Quốc, yêu văn hóa, con người Trung Quốc. Mình nhớ bữa ăn
cháo cám ở nông thôn Trung Quốc của những người nghèo. Lại nói đến, mình ước mơ
được đi đến, được sống trong thế giới phương Đông huyền bí của Ả-rập, của Ấn Độ,
của Tây Tạng, Nêpan… mãi cách đây hơn hai năm mình mới thực hiện được chuyến đi
đến Ấn Độ. Mình đi bộ khắp những chỗ có thể đi được, sau những chuyến tàu hỏa
ngồi trong cái toa chật chội và bẩn, “chém gió” bằng tiếng Anh chỉ sau một
ngày, giọng của mình đã như một người Hindu nói tiếng Anh rồi. Có lẽ mình mê đất
nước Ấn Độ như điếu đổ, không chỉ vì đó là quê hương của Đạo Phật, mà còn là những
điều gì đó cực kỳ khó cắt nghĩa…
Với mình,
Trung Quốc, Ấn Độ… hấp dẫn hơn Âu Mỹ nhiều. Nhưng nay Trung Quốc chỉ là những sự
phát triển hào nhoáng, họ sang ta họ chê đình chùa miếu mạo của ta bé xíu, kinh
thành Huế bé hơn cái thành huyện của họ. Cũng đúng – nhưng ta giữ được nhiều
hơn, còn Cách mạng văn hóa của họ, họ phá sạch rồi. Ta bây giờ không cẩn thận,
công cuộc trùng tu còn phá ác liệt hơn nữa.
Mình kể với bạn
là đã từ những lần đầu tiên bước chân lên đất nước Trung Quốc, ngày nghỉ nào ở
quảng trường trung tâm thành phố, cũng đều thấy có những người phụ nữ trẻ nhưng
nghèo, ngồi che mặt bế con, trước mặt để cái biển: “Tôi nghèo không nuôi được
con, bán con với giá… nhân dân tệ.” Và ngày nghỉ nào cũng có vài trường hợp đôn
đáo đi tìm con, do dắt đi chơi ở quảng trường trung tâm mà bị “mẹ mìn” bắt mất.
Chính sách một con làm cho đất nước Trung Quốc trở nên méo xẹo, nếu bố mẹ đã có
tuổi mà một lý do nào đó, mất con… thì chỉ có nước đi mua trẻ con. Và người thì
bán, người thì đi bắt trẻ con đem bán…
Và thành phố
Nam Ninh, thành phố lớn gần Việt Nam nhất, cứ ngày nghỉ dài dài là gặp lũ lượt
các gia đình Việt Nam từ Hà Nội, Hải Phòng… sang chơi. Họ không có gì để xem cả,
mà chỉ có “Pải Hua Ta Lấu” (Bách Hóa Đại Lầu) để mà xem thôi - ở Việt Nam thì
đi Vincom, nay có thêm hàng đống những Lotte gì gì đó… còn hơn. Dẫn trẻ con
sang hoàn toàn không có ích lợi gì, mà tiềm tàng khả năng bị bắt mất vô cùng lớn.
Và cũng không biết bao nhiêu khách du lịch Việt Nam sang Trung Quốc bị móc sạch
túi, tiền nong giấy tờ… trình móc túi của Việt Nam ta chưa là gì cả. Quên không
kể cho bạn chuyện một bác già chơi máy ảnh, ước mơ cả đời sang du lịch nước
Nga, bị móc mất cả bộ máy ảnh trong balô. Nước Nga không dành cho khách du lịch.
Họ không thích khách du lịch nước ngoài đến đất nước họ. Và những khách Nga
sang Việt Nam hiện nay thì thuộc tầng lớp bình dân, mang theo những điều không
hề hay ho, tốt đẹp.
Lại nói đến
chuyện so với việc cho con nhỏ đi sang Trung Quốc chơi (nếu đi Disney Land ở
Hongkong hay Singapore thì đi một nhẽ), tốn kém và nguy hiểm, chưa cần thiết bằng
mỗi ngày nghỉ, bạn có ô tô đi ô tô, có xe máy đi xe máy, chở con đi những bảo
tàng, những làng cổ, những chùa chiền nhà thờ trong vòng bán kính 4, 5 chục cây
số từ Tháp Rùa, có ích hơn nhiều.
Lại cóc nhảy
sang chuyện, anh em mình có con trai lớn, chỉ vài năm nữa thôi, sự kèm cặp của
bố đúng cách, cực kỳ cần thiết, nên bận rộn làm ăn, cũng nên vừa vừa thôi. Kể
tiếp sang chuyện một doanh nhân sàn sàn tuổi, vì cần tiền cho vợ đầu tư bất động
sản mà vay tiền Ngân hàng làm cú nhập hàng về bán, nhưng lừa Ngân hàng bảo
không bán được trong khi đã rút ruột kho bán hết rồi… hai con gái lớn, nay vợ
đi đẻ thêm được chú con trai, trong khi bố phải trốn truy nã, nhắn bạn ở nhà đi
bán hộ cái tivi 60 inches mới mua để vợ có tiền đi bệnh viện đẻ… Đó, niềm vui
có con trai không trọn vẹn, cũng chỉ vì cái tham. Được cái tham cả hai vợ chồng,
hậu quả nó tăng lên theo cấp số nhân. Ngẫm lại, như mình vẫn còn là may… không
tham…
… câu chuyện
kết thúc là lúc cả hai thằng đứng dậy, trả tiền nước, đã đến giờ đi đón con…
Tham gia thảo
luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment