Trụ sở Ủy ban xã, chú áo kẻ ngang kia là một công an viên đang chuẩn bị vào xử lý "đối tượng." |
Thật lòng mà
nói, mình là một tay siêu ẩm ương, thật nhiều khi nghĩ cũng không ra cái kiểu
gì. Một trong những kiểu đó, là chúa trùm hay trêu… các anh công an. Cũng một
phần xuất phát từ cái tính tự cao tự đại, cho rằng ta đây là nắm được luật, còn
các anh các chú công an thì hầu hết “tư duy hình sự” (ai cũng là tội phạm cả)
và “tư duy quyền lực” (anh mày là chính quyền.) Và thế là, càng bị trêu khỏe.
Đầu tiên là,
bản thân phải không vướng cái gì với pháp luật thì mới “nghịch dại” kiểu đó được.
Thứ hai, cũng phải có một cái bộ dạng bên ngoài không ra kiểu gì, vừa giống cán
bộ nhà nước kiểu phất phơ, vừa giống xe ôm nên giống luôn… “cảnh xát hềnh xợ”,
nhưng cứ mở mồm ra là đọc luật vanh vách, từng chương từng điều khoản.
Hôm nay có ba
“nhiếp ảnh gia” bị công an bắt. Rủ nhau đi chụp một làng nghề vùng nông thôn, chẳng
là ông anh nhiều tuổi nhất hội hôm qua đã vào một lần, gặp đúng mấy gia đình hiếu
khách quá, đâm ra thích, hôm nay kéo mấy thằng em quay lại. Không những được chụp
ảnh thỏa thích, đã thế lại còn được mời cơm. Nhiệt tình hiếu khách quá ơi bà
con, từ chối không tiện, ô kê ta chén. Tình quân dân như cá với nước, thật thân
ái cảm động. Đang bận chén chú chén anh, chợt một “cán bộ thôn” bước vào… hoạnh
một trận to, rồi đe: “Tôi gọi chính quyền!” Ai dè, mười phút sau chính quyền đến
thật. Đầu tiên, là một anh chàng lơ ngơ vào hỏi ba lăng nhăng. Lại mười phút
sau nữa, kỳ này là những người có trách nhiệm ầm ầm kéo tới: trưởng công an xã,
công an viên… thật chẳng có chuyện nào giống chuyện nào, đã bụng bẩu dạ lâu rồi
là đừng có dại đâm đầu đi tìm rắc rối, nay thì tự rắc rối nó đến tìm mình.
“Đề nghị các
anh xuất trình giấy tờ!” “Thế này nhé, chúng tôi là những người đàng hoàng còn
các anh, chưa xuất trình bất cứ giấy tờ nào chứng minh, các anh là “chính quyền
địa phương”, do đó tôi đề nghị chúng ta cùng đi ra ủy ban xã, chúng ta làm việc
cho đàng hoàng.” Mình đề xuất vậy, và họ đồng ý liền. Ừ thì đi, sợ cái gì chứ.
Cái buồn cười đầu tiên, là họ sợ “ba ông tội phạm” chạy mất, đề nghị ngồi sau
xe, để các cán bộ chính quyền chở. Được, thì ngồi, tốt quá, đang buồn ngủ sau cốc
bia buổi trưa…
Câu chuyện với
trưởng công an xã. “Anh có giấy tờ gì không?” “Có chứ, tôi có chứng minh thư nhân
dân.” (Lục lọi, lục lọi đưa giấy chứng minh từ nãy cho anh ta rồi còn gì.) “Anh
cho hỏi, anh ở đâu nhỉ?” “Đâu là đâu, hiện nay tôi đang ngồi ở đây, còn nhà ở
đâu, có in trong chứng minh thư.” “À là anh ở cơ quan nào?” Mình bắt đầu giở
“trò đểu”.
“À, tôi ở…
trên bộ”. “Bộ nào?” “Thì bộ mình chứ bộ nào…” “Anh cũng ở trong ngành à?” “Vâng
tôi ở trong ngành…” “Thế anh có thẻ ngành không?” “Có chứ, thẻ ngành thì phải
có chứ!” “Anh cho xem được không?” “Thế này nhé đồng chí. Tôi cực kỳ thông cảm
với các đồng chí là gần đây, xã hội có nhiều vấn đề phức tạp về trật tự, trị
an. Có nhiều người giả vờ bán hàng đa cấp, rồi giả vờ vào gạ bà con bốc thăm
trúng thưởng… rồi lừa đảo, tôi biết. Việc nắm tình hình trị an, là chức phận của
các đồng chí, tôi tuyệt đối ủng hộ, vì thế nên tôi mới đề nghị ra Ủy ban xã làm
việc cho đàng hoàng, và tôi không chạy đi đâu cả. Như thế là tôi đã ủng hộ các
đồng chí hết mức, và tôi biết quyền công dân của tôi. Tùy các đồng chí, cứ làm
đúng chức phận theo pháp luật, còn tôi, tôi không có nghĩa vụ phải chứng minh với
các đồng chí điều gì cả. Tôi có quyền im lặng, các đồng chí hiểu chứ?”
He he, ba
lăng nhăng thật. Các đồng chí mà truy kỳ cùng thì “Tôi ở một bộ là Bộ năng lượng.
Ngành của tôi là ngành năng lượng. Chính xác, tôi chuyên đóng than tổ ong…”
(năng lượng chuẩn luôn còn gì!) “Thẻ ngành năng lượng” xé sổ tay viết cho đồng
chí chục cái luôn.
Uống một bụng
nước chè. Quạt trần của Ủy ban xã mở ầm ầm, lạnh thế không biết. Lúc sau có một
công an viên vào tỉ tê, “Anh ạ, anh em mình nói chuyện tình cảm…” “Ô kê, tình cảm
thì anh nói chuyện với chú!” Chuyện ba lăng nhăng, lại đi vào “khai thác đối tượng”:
“Anh ở đơn vị nào…” “Này chú em, ba cái nghiệp vụ khai thác đó, anh chẳng thuộc
lòng, chú bảo nói chuyện tình cảm thì được, đừng có tính chuyện khai thác anh.”
“Ấy không, em không khai thác anh. Nhưng chuyện cũng là công việc. Nếu anh nói
vậy thì chúng em phải mời công an huyện xuống làm việc với các anh.” “Tùy các đồng
chí, thích mời ai đến cũng được, cứ làm đúng pháp luật. Thích thì các đồng chí
đề xuất chủ tịch ủy ban ra quyết định tạm giữ hành chính 24 giờ, tôi thừa thời
gian ngồi đây với các đồng chí, nhưng nói trước là các đồng chí sẽ đối mặt với
một cái đơn kiện đấy!”
Mình nghĩ kỹ
ra, đúng là cũng phải trả giá cho cái trò đùa khỉ gió “trên bộ” này rồi. Họ
nhìn thì biết, ba ông này chắc chắn không phải tội phạm hình sự. Nhưng là ai,
thì họ không rõ, mà lại vác mấy cái máy ảnh lỉnh cà lỉnh kỉnh… đã thế lại nhất
quyết không chịu khai “công tác ở đâu.” Ông anh mặc dù đã trình thẻ cựu chiến
binh ra cùng chứng minh thư, kiên quyết không tha.
Trưởng công an xã đang mời "đối tượng" thứ ba, trẻ nhất và cũng có vẻ ít nguy hiểm nhất, uống nước chè. P.S. Hắn đang tắt Facebook |
“Anh ạ, nếu
các anh bên báo chí vào xã, phải có giấy giới thiệu…” “Khổ quá đã trình bày ở
trong xóm rồi, chúng tôi đi chơi, chụp ảnh chơi, “sáng tác”, “săn con nghệ thuật”
đồng chí có hiểu không ạ? Nếu chúng tôi là báo chí định kiếm bữa bia của các đồng
chí, chúng tôi sẽ vào. Còn nếu địa phương các đồng chí “có vấn đề”, thì còn lâu
chúng tôi mới đi khơi khơi như thế này cho các đồng chí túm được…” Chú công an
viên thừ người ra… hừm, lô-gích ra phết ấy chứ đùa à. “Nhưng vào chụp ảnh phải
có giấy tờ…” – vẫn cố vớt vát. “Tôi nói cho đồng chí nghe nhé, đồng chí đang vi
phạm quyền tự do của công dân được quy định trong Hiến pháp rồi đấy. Đồng chí
có cần tôi đọc luật ra cho đồng chí rõ không?”
(Hừm, mình
đúng là cái đồ tinh tướng. Xuống nước xin xỏ cho xong - ờ mà xin xỏ có khi còn
chết hơn, gân là gân đến cùng!) Hoàn toàn không để ý, ông anh đã alô cho cô bạn
báo chí nào đó, và cô đó đã gọi điện cho trưởng công an huyện. Anh cán bộ công
an huyện cầm giấy tờ vào trả đàng hoàng…
Công an ở Hà
Nội thì khôn lắm, họ nhiều khi nhìn đối tượng đang tiếp xúc, trông không có vẻ
dễ bắt nạt, hoặc rắn mặt, họ tránh ngay. Chẳng biết cái cha ẩm ương đó là dạng
như thế nào, có khi “hắn chơi với sếp mình”, chẳng dại dây dưa, thả ông đi luôn
cho nhẹ đầu. Mình thì cậy thuộc vài điều luật, lại cậy bao giờ cũng tôn trọng
pháp luật mà không vi phạm, nên hay “đầu gấu” vớ vẩn như thế. Nghĩ cũng tội
nghiệp cho họ, ở cái vị trí thấp nhất trong cơ quan công quyền, trên ép xuống,
dưới ép lên… càng ngày dân càng hiểu luật hơn, trong khi “chui” được vào đến
đó, cũng muốn ra oai một chút, ai dè, “rắn câng.”
Khổ thân cô
bé nhà trong xóm hiếu khách, cứ nhắn tin hỏi đi hỏi lại mãi, lại còn xin lỗi rối
rít. Lại còn ông anh, bảo anh ngại quá, xin lỗi chú, rủ đi rồi phức tạp. Anh ạ,
chắc địa phương họ có khúc mắc, uẩn khúc gì đó, nên họ sợ “páo chế” mò vào dòm
ngó, nên thần hồn nát thần tính họ làm thế thôi. Họ mà hiểu biết pháp luật hơn,
lại trong sạch thì có gì mà sợ… Nghĩ kỹ ra, ai cũng tội nghiệp cả. Nghe nói “chạy”
vào chân công an xã, chẳng phải là công an thật đâu (hình dư chỉ có trưởng công
an xã là được hưởng chế độ như công an thật dù không được phong hàm, cụ thể như
thế nào thì phải tra cứu chứ bây giờ thì chịu và cũng chẳng cần thiết, ai quan
tâm thì chỉ cần đọc Pháp lệnh Công an xã và Thông tư 12/2010 của Bộ Công an ấy.)
nhưng mất khá nhiều tiền, nhận thức thì không phải ai cũng có kiến thức pháp luật,
lại học hành nhiều vị dở dang, nên bước huỵch cái sang “hống hách” “nách thước
tay đao ào ào như sôi” ngay. Còn dân ta nhiều khi cũng cứ nhìn thấy chính quyền
là sợ, chẳng biết đầu cua tai nheo ra sao… chẳng phải bao chuyện công an xã
đánh chết người ở trụ sở, xuất phát từ chuyện này rồi còn gì.
Bụng bảo dạ,
thôi thì lần sau chẳng đùa cái trò “trên bộ” kiểu đó nữa, chẳng hay ho gì. Lại
cũng là một câu chuyện để mà suy nghĩ…
Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment