Hồi đại học
chơi với “mấy cô em” trường y rất nghịch. Chúng nó cứ trêu một thày giáo trẻ
người tận Thái Bình Nam Định Thanh Hóa gì đó, mới ra trường. Thày lúc giảng cứ
khăng khăng, một điều “lô-ghích”, hai điều “lô-ghích”… mấy cô bé cử một em xinh
xắn nhất, mắt bồ câu mi cong vút, chớp chớp, hỏi thỏ thẻ: “Thưa thày, thế
lô-ghích là cái ghì ạ?”, rồi “lũ đểu” về mà cười hi hí với nhau…
Vậy “lô-ghích”
là cái “ghì” vậy?
Trong các trường
Đại học khác như thế nào không biết, chứ từ lâu rồi, môn “Logic (tiếng Việt đọc
là “lô-dích”) học” đã được dạy và học từ lâu. Theo wiki tiếng Việt thì “Logic
hay luận lý học, từ tiếng Hy Lạp cổ điển λόγος (logos), nghĩa nguyên thủy là từ
ngữ, hoặc điều đã được nói, (nhưng trong nhiều ngôn ngữ châu Âu đã trở thành có
ý nghĩa là suy nghĩ hoặc lập luận hay lý trí)”. Nói một cách nôm na, logic là một
môn khoa học của tư duy.
Một bữa cơm tối,
ông con trai hỏi mình. “Ba ơi, sau này con muốn làm một nghề có thể viết sách
được. Nhà văn phải không ba?” “Nhiều nghề đều có thể viết sách. Nhà văn, viết
truyện, tiểu thuyết… nhà báo, viết các bài báo, phóng sự. Các nhà khoa học đều
có thể viết các công trình của mình thành sách cả.” “Vậy con phải làm như thế
nào để trở thành nhà văn?” “Con đọc nhiều sách để có vốn từ giàu có, và đi nhiều,
gặp nhiều người, trải nghiệm nhiều…” “Thế con muốn làm nhà báo, cũng như làm
nhà văn hả ba? Còn nếu viết những sách khác thì sao?” “Muốn viết gì thì viết,
nhưng có một môn rất quan trọng mà gần đây người ta mới quan tâm in sách cho
các con đọc từ nhỏ, đó là môn “Logic học” con ạ.” “Logic là cái gì hả ba?” (Nhớ
chuyện “Lô-ghích” lại buồn cười.) “À logic là một môn khoa học, học nó chúng ta
sẽ có cách suy nghĩ thật khoa học và hợp lý.”
Mặt mũi anh
cu con căng thẳng hẳn lên, quên cả ăn. Mình quyết định phải đưa ví dụ. “Ví dụ
thế này nhé. Ba nói câu thứ nhất “Người tóc đen, da vàng là người châu Á.” Câu
đó đúng không con?” “Dạ đúng ạ.” “Vậy ba nói tiếp câu thứ hai: “Bôn Ba Nhi Bá
là người châu Á, vậy Bôn Ba Nhi Bá có tóc đen và da vàng.” Điều này đúng không
con?” “Dạ chưa chắc ba ạ.” “Vì sao nào?” “Vì có những người châu Á da không
vàng, như người Ấn Độ.” “Con khá lắm. Đúng đó là tư duy logic đấy. Sau này con
sẽ học mỗi câu ví dụ như vậy, trong logic được gọi là một mệnh đề, và con học
được là làm thế nào chứng minh được mệnh đề nào đúng và mệnh đề nào sai.”
Mình cảm thấy
rất mừng vì ông con đã có được cách tư duy rất… “lô-gích”, gì chứ hơn hẳn bố nó
thời còn đi học. Mình hồi ra trường một số năm, do được đọc sách ngoài chương
trình mới được biết cả hệ thống giáo dục xã hội chủ nghĩa nói chung, khá yếu
trong đào tạo một môn “Logic hình thức”, mặc dù ngay cả trong hệ thống xã hội
chủ nghĩa việc nghiên cứu khoa học kinh viện “academic” về môn này là khá… kinh
khủng chứ không đùa. Ấy thế mà không hiểu tại sao, việc “phổ cập hóa” logic
hình thức vào giáo dục, ý mình là phải làm thế nào biến nó thành công cụ thường
xuyên sử dụng của mọi người trong suy nghĩ hàng ngày cơ, thì hệ thống giáo dục xã
hội chủ nghĩa, dường như không làm được. Theo mình nhớ, hồi đại học, người ta
coi trọng cùng các môn khác trong “bộ môn Mác Lênin”, là các vấn đề liên quan đến
logic biện chứng kia.
Trong khi “Logic
hình thức là môn học nghiên cứu những quy luật và hình thức cấu tạo chính xác của
tư duy, nhằm đi tới hình thức đúng đắn hiện thực khách quan.” (theo wiki tiếng
Việt), một môn học quá hay, quá cần thiết, thì lại không được coi trọng.
Và thế là sau
khi ra trường Đại học mấy năm rồi, mình lại phải đi học bù môn này, một cách
nghiêm túc. Việt Nam không dạy thì ta ra nước ngoài học, sách trong nước không
đủ, ta mua sách nước ngoài.
Thật lòng
mình không có ý “dìm hàng”, nhưng được đào tạo đã yếu, ý thức tự học tập của thanh
niên sinh viên Việt Nam, cũng yếu, dẫn tới tư duy không mạch lạc và không đủ độ
chặt chẽ, cũng như các phương pháp lý luận như “quy nạp”, “diễn dịch”… đều yếu.
Tất cả những điều đó, dẫn tới hầu hết, không đủ sức trình bày một bài viết, bài
phát biểu thực sự thuyết phục.
Một ví dụ chuyện của bạn đại học. Hồi đó câu chuyện liên quan đến một nhà ngoại cảm tạm gọi là PBH. Bạn ấy kể các chi tiết như thế này: “Bố tớ có một người em trai là liệt sỹ
chưa tìm ra mộ (1) Bố tớ có công việc cộng tác với PBH một số buổi làm việc (2)
Sau một số buổi làm việc PBH vẫn không biết tớ có một ông chú (hay bố tớ có em
trai) là liệt sỹ và chưa tìm được mộ (mệnh đề phụ: Bố tớ cũng không tin PBH) (3)
PBH có những dự án làm ăn rất lớn và (4) Quan hệ xã hội của PBH ở những tầm rất
cao, những quan chức cỡ lớn. Kết luận: tớ không tin PBH có năng lực ngoại cảm.”
Mình hỏi: (1) và (2) Bạn nói “PBH vẫn không biết bố bạn có người em là liệt sỹ,
điều đó chứng minh rằng bố bạn không nói, đúng không nào?” “Đúng thế, bố tớ
không nói, và điều đó chứng tỏ PBH chẳng có khả năng tâm linh ngoại cảm.” “Thế
này nhé, những người có năng lực về tâm linh ngoại cảm, cũng không có nghĩa là
lúc nào họ cũng “bật” cái chức năng đó của cơ thể lên. Bình thường thì nên tắt
đi cho đỡ tốn pin chứ, he he… và chắc gì PBH biết, thì cứ phải bô bô ra là tôi biêt đấy; còn các luận điểm (3) và (4) đưa ra giống như là “Anh
kia to khỏe. Anh ta có những mối quan hệ tốt với bố mẹ anh ấy. Kết luận: tôi
không tin anh ấy học giỏi”.”
Vậy đấy, mỗi
người một khả năng, chúng ta không bàn, nhưng có những môn, nếu chúng ta học tốt,
chúng ta sẽ cảm thấy rất dễ dàng xử lý các công việc trong cuộc sống, từ suy
nghĩ, đến chọn phương án xử lý và hành động.
Đôi lời chia
sẻ với các bố mẹ có con còn đi học, giúp các cháu có được một phương pháp tư
duy tốt, học hành cho nhẹ nhàng hơn…
Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment