“Ba ơi Lê Văn
Luyện là ai ạ?” “Con nghe ở đâu thế?” “Các bạn ở lớp hay nói: “Lê Văn Luyện đến
đấy, chạy đi!” bây giờ con mới nhớ ra để hỏi ba, hôm qua con cũng hỏi ông ngoại
rồi ạ.” “Thế con hỏi như thế nào và ông trả lời sao con?”
Anh cu cười,
kể lại. “Con hỏi ông, Lê Văn Luyện là ai, thì ông kể có một anh đi đâm chết mấy
người như thế để lấy vàng. Con hỏi tiếp thế anh Luyện có phải người xấu không?”
Ông đáp “Không có người xấu, chỉ có việc làm xấu thôi con ạ.”
Ông đã giải
đáp được góc độ đạo đức học theo Phật, còn góc độ “phổ cập kiến thức pháp luật
cho trẻ em” là giành cho mình đây…
“Anh Lê Văn
Luyện đã làm một việc kinh khủng, là vào nhà người khác, đâm chết mấy người,
trong đó có cả em nhỏ để lấy vàng con ạ.” “Anh ấy lấy vàng để làm gì?” “Để đem
bán lấy tiền tiêu, mua cái này, cái khác… mà anh ấy thích. Anh ấy chưa đi làm,
nhưng lại muốn có tiền ngay và chọn cách kiếm tiền đó, một việc thật kinh khủng.”
“Thế sau đó thì sao ba?” “Công an đến bắt anh ấy, và tòa án xử anh ấy 18 năm
tù.” “Thế tại sao anh ấy lại không bị xử bắn như anh Nguyễn Văn Trỗi?” “Câu hỏi
của con tốt đấy. Hôm trước ba giải thích cho con, “mình” (ý là “bên thắng cuộc”,
he he) thì cho rằng anh Trỗi bảo vệ hòa bình bằng cách đặt bom, mìn để giết ông
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, nhưng hồi đó ở Sài Gòn có những người khác đang quản
lý, và họ cho rằng anh Trỗi đã vi phạm luật của họ, và họ đem anh Trỗi ra xử bắn
theo luật của họ. Với anh Lê Văn Luyện cũng vậy thôi, đâm chết một lúc đến mấy
người rồi lấy vàng đi, vàng không phải của anh ấy, những điều đó trong luật có
hết: không được cướp đi sự sống của người khác, không được cướp đi của cải của
người khác… công an sẽ bắt, tòa án sẽ xử…” “Ơ thế tại sao anh Trỗi thì bị xử bắn,
còn anh Luyện thì không hả ba?” “À là vì lúc anh Trỗi đặt bom, anh ấy 23 tuổi,
còn anh Luyện lúc đâm người thì còn một tháng nữa mới đủ 18 tuổi. Mà luật quy định
chưa đủ 18 tuổi thì không bị tử hình, tức là đưa ra xử bắn ấy mà.”
Cậu cả nghĩ
ngợi căng thẳng, mặt biểu lộ một nỗ lực phi thường.
“Vậy thì, tại
sao luật lại quy định chưa 18 tuổi thì không bị xử bắn?” “À là vì luật cho rằng
chưa đủ 18 tuổi là chưa hoàn toàn nhận thức được đầy đủ việc làm nào là đúng,
sai, tốt, xấu… nên còn giành cơ hội cho anh Luyện sửa chữa, làm lại cuộc đời.
Con thấy không, ông ngoại nói với con rồi: “không có người xấu, chỉ có việc làm
xấu” – nếu sau 18 năm ngồi trong nhà tù anh Luyện anh ấy nhận thức được và
không làm những việc như thế nữa, thì vẫn có thể là người có ích mà con.” “Thế
nhỡ anh ấy làm việc xấu nữa thì sao?” “Thì tùy mức độ mà xử tiếp thôi con ạ.
Như thế chứng tỏ rằng, 18 năm ngồi trong tù không có tác dụng giáo dục anh ấy.
Thôi con đi học bài đi…”
Đến đây thì
phải ngừng, không thì lượng thông tin vào đầu nhiều quá, cậu ta không tiêu hóa
được hết. Nhớ chuyện Lê Văn Luyện ngày xưa, anh luật sư bảo vệ cho quyền lợi của
bên bị hại (nhà tiệm vàng) lên nhiều báo chí, phát ngôn rằng “cần phải sửa luật
để tử hình được những trường hợp như Lê Văn Luyện…” nghe mà sợ, lại hoảng…
không rõ người ta dạy luật sư ở Việt Nam theo kiểu gì mà có những tư duy hoàn
toàn thiếu kiến thức cơ bản về luật đến thế. Hồi đó trên diễn đàn “Nghề luật”
mình có dẫn Lênin, cụ viết về tội phạm và hình phạt như thế này: “Vấn đề của
hình phạt không phải ở chỗ nó nặng hay nhẹ, mà là ở chỗ, không một tội phạm nào
không bị phát hiện, không một tội phạm nào là không bị trừng trị.” Nghĩa là,
Lênin quan tâm đến tính nghiêm minh của pháp luật và tính nghiêm cẩn trong thực
thi pháp luật, chứ không quan tâm đến việc hình phạt phải nặng hay nhẹ…
Hồi đó còn có
những ý kiến cho rằng, “Nếu không tử hình Lê Văn Luyện thì có những tội phạm
khác tiếp tục xảy ra” (1); “Nếu không tử hình Lê Văn Luyện thì sau khi hắn ra tù,
hắn lại phạm tội tiếp” (2) và “Đáng nhẽ ra phải sửa luật để tử hình hắn, chứ cứ
còn một tháng nữa đủ 18 tuổi thì cứ phạm tội cho thoải mái à” (3)… nhân bài này
mình sẽ viết vài lời để chúng ta cùng hiểu thêm về tinh thần xây dựng pháp luật
của nhân loại.
(1) Pháp luật
nói chung, hình phạt (tù tội, tử hình…) nói riêng có tính phòng ngừa chung và
phòng ngừa riêng. Phòng ngừa chung là để người khác nhìn thấy mà kinh, không
dám phạm tội còn phòng ngừa riêng, là người nào phạm tội phải bị trừng phạt
theo pháp luật. Cả hai điều này chỉ cần đọc lại lời Lênin là đủ: miễn là pháp
luật được thực hiện nghiêm minh, đã phạm tội, là phải bị trừng phạt. Các nước
tiên tiến đã bỏ hình phạt tử hình, và cùng với sự phát triển của nền văn minh
nhân loại, thì tất cả các nước cũng sẽ phải tiến đến tới sự văn minh đó. Điều
đó cũng có nghĩa là tính cân xứng giữa hành vi phạm tội và hình phạt sẽ giảm
đi, hoặc được bù đắp bằng một cách khác, như ở Mỹ người ta có thể tuyên một án
tù lên đến cả trăm năm mà chẳng ông nào sống được đến cái thời hạn đó cả - sao
thế nhỉ? Là họ cho đền tiền để mua số năm tù xuống đến thời hạn nào đó thì dừng
lại, vậy thôi (điều này cần được kiểm chứng, trước thấy thày giáo bảo thế nhưng
mình cũng chưa có thời gian và điều kiện nghiên cứu kỹ.) Điều này cũng đồng
nghĩa với việc tư duy “đoạt mạng phải đền mạng” của thời phong kiến, cũng phải
bỏ. Như Lê Văn Luyện giết ba người thì phải tử hình ba lần à? Hay lôi cả bố mẹ
cậu ta ra mà xử? Hai tính chất “nghiêm minh” và “nhân đạo” của luật nói chung,
luật hình sự nói riêng, luôn luôn cần phải được giữ vững.
(2) Nếu Lê
Văn Luyện sau 18 năm ra tù phạm tội tiếp, đề nghị xem lại hiệu quả giáo dục của
hệ thống nhà tù, trại cải tạo. Mục đích của hệ thống thi hành án phạt tù xã hội
chủ nghĩa là giáo dục con người cơ mà – đó là tính nhân đạo của pháp luật xã hội
chủ nghĩa, trong giáo trình luật viết sờ sờ ra đó.
(3) Luật là
luật, người ta không thể quy định “Người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi,
trong một số trường hợp đặc biệt như phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thì thì thời
hạn này có thể trừ đi một tháng…” lịch sử làm luật thế giới rất nhiều trường hợp
“thoát chết” như vậy, không phải một mình Lê Văn Luyện. Cũng là một cách tạo cơ
hội cho pháp luật thể hiện tính nhân đạo.
Đôi lời nói
thêm về những gì ông ngoại nói với anh cu con. Nhà mình cả nhà theo Phật, nên từ
ông bà, bây giờ đến các con, đều học Phật và cố giải quyết các khúc mắc của cuộc
sống, theo Phật pháp. Đúng vậy, “Không có người xấu, chỉ có việc làm xấu”, Lê
Văn Luyện hoàn toàn có khả năng nhận ra việc làm xấu và sửa chữa… Lại nói đến
việc có “đạo hữu” (bạn cùng học Phật) nhắc mình, đừng “chấp” vào những gì người
khác làm, “đừng nói lỗi người” – rất đúng theo giáo lý Phật pháp. Nhưng mình
cũng băn khoăn lắm, phải chăng do viết nhiều bài dạy con, trong đó có nhiều ví
dụ lấy từ những hành động của những người xung quanh…
Thực tế, “nói
lỗi người” là “thấy việc làm xấu, cho rằng người có việc làm đó là xấu”. Còn nếu
thấy “việc làm xấu” nhưng không cho rằng người đó là xấu; chỉ biết đó là chưa đúng
đắn và coi đó là một cơ hội, một bài học để sửa mình, và dạy con mình, thì đâu
phải là “nói lỗi người”? Vì thế, chắc là mình sẽ không chọn cách tu tập là nhắm
mắt, bàng quan trước mọi chuyện đúng, sai, tốt xấu… cách đó tiêu cực quá. “Tu”
là gì? – là “làm lành, tránh ác”; nhưng không biết phân biệt việc làm đúng, việc
làm sai, việc làm tốt, việc làm xấu… thì sao mà “tu”?
Bài trên Fanpage Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment