Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Monday, October 13, 2014

Xin lỗi cả khi không có lỗi


Vẫn tiếp tục chương trình học lịch sử bằng cách đi thăm các di tích lịch sử. Tuần vừa rồi, Bôn Ba Nhi Bá học về Ngô Vương Quyền, người đã chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng và có lẽ, là người đầu tiên chấm dứt chế độ “Tiết Độ Sứ” – Bắc Thuộc, thời mà Việt Nam mình có tên là “Tĩnh Hải Quân”.

Và mấy ba con kéo nhau đi thăm thành Cổ Loa, học hai bài sử, về Mị Châu Trọng Thủy, về An Dương Vương, nhưng ta sẽ nói chuyện đó sau, trước mắt lần này đi học về Ngô Vương Quyền định đô của Ông ở Cổ Loa…

Một nhóm các anh chị sinh viên kéo nhau đến. Cổng đền thượng Cổ Loa có hai con rồng đá, ba đứng ở một con nhìn sang con kia, thấy có một bà cụ đang dựng chiếc xe đạp cũ, hình ảnh thật đẹp để có một kiểu ảnh. Cũng để ý thấy các anh chị sinh viên đang kéo vào qua chính cái cửa mình đang đứng, nên đứng sát sát vào con rồng đá để chụp. Sang say sưa điều chỉnh khuôn hình, đo sáng, lấy nét và “tách”, thì một bóng áo đỏ đi qua ống kính. Không thể chụp lại được nữa, bà cụ đã đi ra chỗ khác, tiếc, thì cũng tiếc. Mình đi vào trong sân đền, nói với cái anh áo đỏ trong hội sinh viên một cách tiếc rẻ: “Chú vừa đi qua ống kính làm anh mất một kiểu ảnh.” Thái độ cũng bình thường thôi, hơi trách móc tí ti, không đáng kể, nhưng không hề có ý gây sự hay cáu bực gì.

“Tại anh chứ! Anh đứng chụp anh phải nhìn!” – Chú ta trả lời lập tức, thái độ khá căng thẳng và quả quyết. Đâm ra mình hoang mang tợn, rõ ràng là đã có ý đứng sát vào con rồng đá, chú ta đi cả đoàn đông không chịu tụt lại, cố lách vào cái khe nhỏ xíu giữa “nhiếp ảnh gia” và con rồng đá… nay hóa ra chú ta có lẽ phải, còn mình thì không.

“Ơ thế hóa ra lỗi tại anh à? Anh tưởng anh đứng đó ngắm chụp trước mà…” Bây giờ mới để ý trong hội đó khoảng chục bạn trẻ… một bạn trong số đó nhảy vào “tham chiến”: “Anh chụp ảnh anh phải nhìn trước nhìn sau… bờ la bờ la…” thái độ hoàn toàn không hiền lành hơn chú “thủ phạm áo đỏ”. Thái độ của họ càng quả quyết, khẳng định làm lòng tin của mình càng lung lay tợn, lại còn đâm ra yếu thế trước số đông, chuyển sang phân trần với người anh em mới “nhảy vào”: “Anh đã đứng sát vào rồi, và đứng ngắm chụp trước, các em đi qua sau…” ngay lập tức, bị chú áo đỏ quát: “Gớm, nói nhiều quá…” đúng, mình nói nhiều thật, nhưng là nói với nhiều người, dù mỗi người chỉ một câu thôi. Cũng là phép lịch sự, người ta nói với mình thì mình phải trả lời, vậy thôi.


Đến nước này thì đúng là chịu. “Thôi chú nói thế anh chịu rồi, lại còn nạt anh nói nhiều. Thôi anh xin lỗi chú vậy!” Câu xin lỗi của mình như có phép mầu, làm tất cả đồng loạt dịu lại. Chính chú áo đỏ có vẻ tỉnh trước, nói hơi tự ái: “Vâng em cũng xin lỗi anh!” – thái độ còn chưa phục hẳn, nhưng cũng đã là tốt. Chuyện dừng lại ở đó.

Bài học thứ nhất. “Con thấy không, mình làm gì cũng phải có ý không làm phiền người khác, nhưng còn có những trường hợp người khác vẫn không chú ý và vẫn sinh chuyện… Với ba, một kiểu ảnh, không là gì cả, không chụp tấm này, ta chụp tấm khác, không sao. Vì đi cùng với con, nên ba nhắc chú ấy trước mặt con, để con có một bài học mới. Và thế là, con lại có thêm bài học mới hơn nữa!” “Là bài học gì hả ba?” “Ngoài bài học có ý có tứ, chú ý không làm phiền, còn bài học nữa, là khi được người khác góp ý, không nên ngay lập tức cãi cọ ngay như vậy, phải nghĩ xem tại sao người khác lại góp ý như thế, mình có làm gì để người khác cảm thấy bị làm phiền hay không?” “Vậy như các anh ấy là không tốt ba nhỉ?” “Đúng thế, ngay lập tức nghĩ ngay mình đúng, người khác sai, và cãi cọ… đã thế lại lấy số đông để áp đảo người khác, càng không tốt con ạ.” Vì nhà xa nên chuyện trên xe máy, dừng ở đó.

Bài học thứ hai. Sáng hôm sau hai ba con đưa nhau ra bến xe bus trường. “Con có nhớ hôm qua, ba xin lỗi các anh ấy không?” “Có ba ạ, tại sao lúc đó ba đúng, mà ba lại xin lỗi?” “Vì lúc đó, các anh ấy căng thẳng quá, và ba chủ động xin lỗi để các anh ấy bớt căng thẳng. Nếu ba không làm thế, câu chuyện căng lên thêm nữa, không có ích lợi gì cả. Con thấy không, có lúc mình không sai, thậm chí đúng, nhưng mình vẫn xin lỗi. Trong trường hợp này, mình xin lỗi để giảm căng thẳng cho người khác con ạ. Về nhà, các anh ấy nghĩ lại, sẽ nghĩ ra thế nào là đúng, thế nào là sai… như thế là được rồi.” “Thế có lúc nào mình đúng mà mình vẫn xin lỗi nữa không hả ba?” “Nhiều chứ con. Nếu con quý bạn, con sẽ góp ý cho bạn nếu bạn sai. Nhưng nếu bạn chưa nghe ra lẽ phải ngay mà căng thẳng quá, con có thể chủ động xin lỗi. “Xin lỗi bạn, chắc là mình hiểu lầm rồi!” Nhưng sau đó, bạn con là người biết nghĩ, sẽ nghĩ ra là con góp ý đúng và chân thành. Trường hợp đó, là con coi trọng quan hệ của con với bạn, và con không muốn mất người bạn đó.”

Vậy đấy, nhiều khi tôi xin lỗi bạn, không phải là bạn đúng, tôi sai; mà đơn giản, là tôi vẫn rất yêu quý bạn và tôi coi trọng mối quan hệ giữa chúng ta…

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây  

No comments:

Post a Comment