Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Wednesday, October 29, 2014

Gặp lại bác thằng bần (2)

Hồi Chợ Giời “đỉnh cao” của sự buôn bán đông đúc, đã có những gièm pha lời ra tiếng vào, “học hành làm gì, đi buôn nhiều tiền giàu nhanh hơn…”, và ngay thời sinh viên đi học, cũng không tránh khỏi cái vòng xoáy đó, nhà nghèo, không bươn chải lấy đâu ra tiền đóng học, phụ gánh sinh hoạt gia đình, rồi lúc ốm đau… Nhưng vốn truyền thống gia đình không có máu cờ bạc, nên tuyệt đối ngồi đó, xem đó nhưng hoàn toàn không học được những trò đó.

Cứ thỉnh thoảng Chợ Giời lại xuất hiện những hội cờ bạc mới, loại cờ bạc bịp móc túi người tỉnh xa đi chợ mua hàng, chứ với dân hàng phố và dân Hà Nội nói chung, không ăn thua. Trò đầu tiên là trò “Tôm Cua Cá”, cụ thể như thế nào thì mình không rõ, thấy họ rải ra đất tờ giấy in hình con cua, con cá, quả bầu, đồng tiền… để người chơi đặt tiền.

Thời gian sau, xuất hiện trò “tám ba ba tám”, thì trò này rõ là cờ bạc bịp, và mình nắm rõ “cơ chế”, vì chúng nó chọn cửa nhà mình làm “trụ sở”. Đại khái trò ấy như thế này: dụng cụ hành nghề gồm có một tờ giấy to kẻ một đường ở giữa chia hai bên, một bên vẽ số 8, bên kia vẽ số 3 to tướng; một cái chai rỗng, thường là chai bia Trung Quốc loại “quả táo” hoặc “vạn lực”, có chiều cao vừa đủ chứ chai bai Hà Nội thì hơi thấp; một cái chén vại thường thấy ở hàng nước, hoặc dân nghiện hay dùng uống rượu, làm sao để cái chiều cao của nó cũng vừa phải khoảng 4, 5cm, nếu thấp hơn thì không đạt yêu cầu và bên trong của nó cong đều đặn, vừa phải, để làm gì tí nữa mình sẽ giải thích sau. Cái chén này phải được đậy lên bằng một cái nắp làm bằng bìa, có quai xách hẳn hoi. Một miếng bìa nhỏ tròn, đường kính khoảng 1 cm có hai mặt đều màu trắng, một mặt viết số 3, một mặt viết số 8 gọi là “quân”. Tạm thời như thế đã, và sau đây là “trò chơi”. Nhà cái cho “quân” vào cái chén, lắc tròn nhanh tay liên tục, nhìn không ra được là số 3 hay số 8, người chơi ngỏng cổ nhìn vào trong khi nhà cái mồm vẫn liến thoắng “Tám ba ba tám nào, nhanh mắt bắt nhanh tay nào, một gấp đôi nào…” cho đến khi nhà cái dừng tay, thường thì chỉ chưa đầy một giây để cho người chơi có thể kịp nhìn thấy là “3” hay là “8” và đặt tiền, cái chén được đậy nắp khá nhanh và đặt lên trên cái chai. Nhà cái mở nắp cái chén, “8” hay “3” thì chuyển tiền từ bên thua sang bên thắng, người thắng lấy tiền của mình về, một gấp đôi, vậy thôi. Ấy thế mà ngày nào cũng cả chục bác đi chợ sạch túi, ngẩn ngơ ra về…

Bí quyết nằm ở mấy điểm. “Quân” làm từ vỏ cây thuốc Vinataba, dùng hai miếng dán chập vào nhau cho mặt trắng ra ngoài sau khi đã bóc lớp bóng vàng vàng. Ở trong được “đội” ép chặt giữa hai lớp bìa một mảnh thép bẻ ra từ dao cạo râu, thường thì họ sẽ nướng đỏ lên rồi để nguội cho dễ nhiễm từ. Mình đã thử nghiệm thực tế, “quân” sau khi cho vào chén, đậy nắp, nếu dùng một cục nam châm di bên ngoài chén từ đáy chén lên miệng chén, nó sẽ chạy lên trên thành chén, chạm vào cái nắp và lật ngược, rơi xuống. Bao giờ thì “8” sẽ lộn thành “3” và “3” sẽ lộn thành “8”. Vì thế, cái chén phải được đặt lên cái chai, để cục nam châm đủ để đưa xuống thấp hơn cái chén. Vậy cục nam châm ở đâu? Trong “đội” ngoài nhà cái là một cha khéo tay dẻo mồm, còn có một chú nhanh chân (tại sao phải nhanh chân, tí mình giải thích sau), mắt mũi gian giảo đảo như rang lạc, chuyên mặc áo sơ mi dài tay cài kín luôn, gọi là thằng đeo “máy”. “Máy” chính là cục nam châm đập phá từ cái loa cũ ra, bán đầy ở đầu chợ Giời. Chúng nó bó cục nam châm vào phía trong cổ tay, và thằng đeo “máy” cũng đóng giả người chơi như bình thường, y như “gà.” Căn cứ vào tình hình “gà” đặt tiền, nếu đặt bên thua, nó không cần “vận hành” máy làm gì. Nếu đặt bên “được”, nó cầm một xấp tiền, đặt tiền rồi nhẹ nhàng kéo cổ tay lướt qua cái chén, từ dưới lên trên và xong đời “con gà.” Một “con gà” thường phải có 3, 4 ông “cò” đứng chăn dắt, chơi cho “đông vui, hấp dẫn.” “Đội trưởng” nhiều khi cũng chơi, trong khi thằng khác đóng vai trò cảnh giới hai đầu phố, bình thường thì “đội trưởng” hay đứng cảnh giới nhiều hơn.


Công an phường thường xông vào bắt, tập trung vào “nhà cái” và thằng đeo “máy”, mà thằng đeo “máy” là đối tượng được quan tâm hơn nhiều. Vì thế mà thằng đeo máy là thằng rất nhanh chân để bỏ chạy. Hội hoạt động ở khu nhà mình lâu nhất có đến hàng tháng trời, là hội bên Vạn Hoàng sang, riêng “máy” là thằng Quân “lếch”. Quân mắt lác nên có biệt hiệu đó, người cao, dáng thể thao khỏe mạnh, sáng sớm nào cũng tập chạy ngoài công viên Thống Nhất, nên không mấy khi bắt được hắn. Không biết bao nhiêu lần hắn phi thẳng vào cổng ngõ nhà mình, chạy vào nhà lên cầu thang, ra ban công phi thân sang nhà hàng xóm, biến mất. Cũng không biết bao nhiêu lần, anh N. “hình sự phường”, nay đã là phó giám đốc công an thành phố, chỉ huy vào “úp” bọn “tám ba ba tám” này. Không thiếu lần “máy” bị bắt, thậm chí bắt được cả “đội trưởng.” Chắc tại cơ chế, luật của ta còn thiếu và hổng, khó xử lý, nên chỉ vài hôm, “đội” lại hoạt động.

Vì hoạt động ở vỉa hè ngay cửa nhà mình, nên “đội” chúng nó đóng luôn trụ sở ở đó, hàng nước chè vỉa hè của ông cụ nhà mình. Sáng nào “đội” cũng “động viên” cụ ra thả một tiếng “lấy may”, nhưng là một cách đóng góp “nhờ chỗ”, và cụ chẳng bao giờ từ chối, cũng ra thả một phát, không hơn, khoảng 10 nghìn, và cầm 20 nghìn về… Còn thằng em con bà dì ruột thì cứ hết tiền đi chơi với bạn, nó lại ra mượn của ông cụ nhà mình 10 nghìn, ra “thả” một phát, là có tiền đi chơi rồi. Toàn tiền của “gà” cả, không phải của ai khác…   

Đời là vậy, cũng chẳng biết thế nào, mỗi thời một kiểu nghiệp u mê.

Đọc lại phần một tại đây

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment