Sau khi mình
viết bài “Giở võ 6: Hong Kong chỉ là điểm khởi đầu” có kết một câu “Như vậy sự
tan rã của Trung Quốc sẽ diễn ra một cách tất yếu, “dân chủ” là “li khai” là
hai yếu tố chủ đạo để thúc đẩy tiến trình này.” Sau đó có một số bạn (chắc là
trẻ) cho rằng điều đó là không chính xác với lý luận “Trung Quốc chưa bao giờ
tan rã cả!” Về cơ bản, mình đồng ý với các bạn ấy vì xét từ góc độ từ ngữ, điều
đó có thể chưa đủ độ chặt chẽ. Tất nhiên, để chặt chẽ, không thể viết gói gọn
trong một câu như vậy được.
Trong bài “Mối đe dọa của Trung Quốc không phải là bất ổn xã hội, mà là sự phân rã của nó”,
giáo sư xã hội học Trung Quốc Tôn Lập Bình dùng từ “phân rã” (bản dịch tiếng
Anh ông ấy dùng từ “decay”) để chỉ sự biến đổi, hay vận động của xã hội Trung
Quốc hiện nay. Theo ông, những gì hiện nay đang diễn ra ở xã hội Trung Quốc, nhất
là các phong trào phản kháng (khoảng 200 nghìn cuộc biểu tình diễn ra trong một
năm là con số trung bình) – hay sự bất ổn xã hội, chỉ là cái thể hiện ra bên
ngoài, cái kết quả; còn nguyên nhân, là sự phân rã xã hội. Nhưng câu chuyện ở
đây, là liệu Trung Quốc có tan rã được hay không?
Khi mình viết
câu kết của bài “Giở võ 6”, hình ảnh của một đất nước Liên Xô năm 1991 vẫn còn
hiển hiện rất rõ ràng – và chính các bạn trẻ đóng góp ý kiến là “Trung Quốc sẽ
sụp đổ” (ý là sự sụp đổ của chế độ cộng sản ở Trung Quốc), đúng là ý của mình
muốn nói, tức là phải dùng từ “collapse” thay cho “disintegrate”, nhưng mình
cũng luôn luôn cảm thấy, chỉ dừng ở đó, là chưa đủ, sự “sụp đổ” của Trung Quốc,
phải có cả “tan rã” trong đó.
Về phương pháp
nghiên cứu. Mình không phải là nhà sử học, cũng không phải là nhà Hán học hay “Trung
Quốc học”, chữ nghĩa, tiếng Hán học lỗ mỗ, không đủ để là một nhà nghiên cứu.
Do đó, việc “tầm chương trích cú” gần như là không thể làm được, và cũng không
cần thiết. Vậy cách tiếp cận vấn đề của chúng ta ở một bài viết ngắn ngủn như
thế này, sẽ căn cứ trên những thông tin dễ tìm thấy trên internet và ít bị tranh
cãi, hay nói chính xác, là đã được nhiều người thừa nhận rồi. Sau đó, chúng ta
đành dùng phương pháp suy luận, có lẽ là tốt nhất trong hoàn cảnh hiện nay.
Về lịch sử
Trung Quốc hai lần mất nước, mình đã viết trong một bài ngắn: “The Losers”, nôm
na Trung Quốc hai lần bị xâm lược và mất nước, nhưng cả hai lần đó, họ (người
Trung Quốc hay chính xác, người Hoa Hạ) đều trở thành những người chiến thắng.
Hai dân tộc xâm lược đất nước Trung Quốc đều thua kém về văn hóa, mức độ văn
minh nên bị đồng hóa và trở thành hai triều đại của Trung Quốc: Nhà Nguyên và
Nhà Thanh. Sau bài đó, nhiều người đóng góp ý kiến hết sức quý báu trên
Facebook, xin dẫn một số bình luận như sau:
“Theo tôi Trung hoa coi nhà Nguyên và nhà Thanh là hai triều đại của mình không hẳn là thắng lợi của văn hóa, mà do người Trung hoa hợm mình, tránh mặc cảm là bị đô hộ; chẳng lẽ nước trung tâm mà bị bên ngoài đô hộ sao, nên họ đánh đồng triều đại đô hộ với triều đại chính thống theo phép thắng lợi tinh thần của người Trung hoa mà ông Lỗ Tấn đã phát hiện ra. Người Kim không hề bị Trung hoa đồng hóa, mà ngược lại. Bằng chứng là cả dân tộc Trung hoa phải để tóc duôi sam theo lối người Kim, đến nỗi phải coi đó là di sản tổ tiên, không được cắt, mãi tới khi Tôn Dật Tiên làm cách mạng người ta mới luyến tiếc cắt đi như ngày nay, nên nhớ là phải cưỡng bức cắt đi đấy nhé.”
“Có thuyết kể người Hoa Hạ (Hán Trung Nguyên) được sinh ra từ hậu quả xâm lược của người Mông Cổ đối với cộng đồng Việt Cổ, rồi chính người Mông Cổ bị đồng hóa với người Việt, hình thành nên văn hóa Trung Hoa sau này. Thế tức là người Hán hiện đại là thằng con lai giữa người Mongoloit phương Bắc với người Mongoloit phương Nam (tổ tiên người Việt cổ)… Các chứng cứ khoa học hiện đại (khảo cổ, di truyền học) đang dần phủ định thuyết Hoa tâm mà suốt cả trăm năm nay cả làng, gồm giới khoa học đều tin vào. Tiếc là Việt Nam mình chưa có ai, chưa có nhà khoa học nào chịu đi sâu nghiên cứu những vấn đề như thế này, thay vì cứ vô tư tin vào huyền sử, hay những bộ sử của các cụ chép lại, bản thân những bộ sử này cũng dựa nhiều vào những gì người Tàu viết ra…”
Về “thuyết Hoa tâm”: “Từ cuối thế kỷ 20 trở về trước, giới khoa học thế giới và bản thân giới học giả và khoa học Tung kủa đều tin vào một giả thuyết, cho rằng người Hoa Hạ, tổ tiên người Hán hiện đại đã vượt sông Hoàng Hà từ phía Bắc, vào Trung Nguyên, lập ra nước Trung quốc. Một thuyết khác thì cho rằng tổ tiên người Trung Hoa từ cao nguyên Thiên Sơn di cư xuống, tạo dựng nước Trung Hoa. Cả 2 trường phái tuy có dị biệt, nhưng đều thống nhất ở một điểm: Trung Hoa là cái nôi văn hóa của cả vùng Đông Á. Trung Hoa tự sáng tạo ra văn hóa của riêng mình. Từ đây họ đã đi đồng hóa, ban phát văn hóa của mình cho các dân tộc Đông Á, đặc biệt là ngôn ngữ. Trung Hoa chính là trung tâm của thế giới (Hoa tâm)!!!
Khi phương Tây đánh chiếm phương Đông trong làn sóng xâm lược, vơ vét thuộc địa, giới khoa học phương Tây khi nghiên cứu, tìm hiểu nguồn gốc, lịch sử,văn hóa cư dân Đông (Nam) Á lại căn cứ trên kho sử liệu của người Tàu, và mặc nhiên công nhận thuyết Hoa tâm. Một phần lý do là họ bị choáng ngợp bởi nền văn hóa đồ sộ, bề dày lịch sử của nước Trung Hoa lúc bấy giờ, phần khác là do những hạn chế về phương pháp luận và trình độ của các ngành khoa học liên quan thời đó. Ngay cả những tài liệu nghiên cứu của Viện Viễn Đông Bác Cổ cũng hoàn toàn ngả theo cái thuyết tai hại này!
May là cho tới những năm gần đây, những phát hiện về khảo cổ học, những công trình nghiên cứu về gen di truyền của người Hán, và của dân Đông Nam Á, Úc do các nhà khoa học phương Tây, và của chính các nhà khoa học Tàu mới cho thấy sự thiếu căn cứ của cái thuyết Hoa tâm này. Niên đại của văn hóa Hòa Bình, niên đại của các cổ vật được phát hiện ở Việt nam, của trống đồng Việt cổ... tất cả đều vượt xa so với những thứ được phát hiện, khai quật ở Tàu. Cùng với việc phát hiện ra và vẽ lại hành trình tiến hóa và di cư của con người cổ đại tới lục địa Đông Nam Á, thuyết Hoa tâm đang bị lung lay dữ dội và chắc chắn sẽ sụp đổ trong nay mai với ngày càng nhiều những bằng chứng khoa học " không thể tranh cãi".”
Xét về mặt địa
lý – hành chính hợp thành hiện nay của Trung Quốc, tồn tại quy chế các “Khu tự
trị”, cũng nằm trong “chiến lược giải quyết vấn đề sắc tộc” của chính quyền Cộng
hòa nhân dân Trung Hoa. Trên thực tế, có thể nói những Khu tự trị đó (tạm thời
chưa xét Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây) là những nước có đầy đủ các yếu tố
để cấu thành quốc gia: có đất đai (như dân Do Thái và Palestin trước đây có dân
tộc, nhưng không có đất đai), có cộng đồng dân cư – dân tộc chiếm đa số (người
Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ Hồi giáo và người Mông Cổ) [1]. Họ chỉ còn thiếu có
mỗi tổ chức chính quyền của riêng mình nữa là hình thành quốc gia.
Xét về mặt
dân tộc, không thể coi ba dân tộc đó là người Hán, hay người Trung Quốc được,
và thời gian 65 năm từ năm 1949 đến nay, là cực kỳ ngắn ngủi so với cái thời
gian cần để đồng hóa được một dân tộc một cách triệt để. Đến 1000 năm Bắc thuộc
mà chẳng đồng hóa nổi dân Việt Nam nữa là…[2]
Người Nhật
không thành công trong việc khôi phục một “Mãn Châu Quốc”, có lẽ lịch sử Trung
Quốc trong thế kỷ 20, lại sau khoảng 300 năm của triều đại Mãn Thanh người Mãn “được”
đồng hóa quá triệt để chăng, và ngay cả vùng Đông Bắc Trung Quốc cũng “được”
Hán hóa quá triệt để chăng… nên chúng ta không có hy vọng gì đưa “Mãn Châu Quốc”
vào trở thành một đối tượng nghiên cứu cả bây giờ lẫn trong thời gian sắp tới.
Nhưng nếu
nhìn lại vụ “Người Tân Cương ở Bắc Phong Sinh” và những cuộc bạo loạn, đơn cử
như bạo loạn Urumqi 2009… chúng ta thử tưởng tượng, một dân tộc mà bị cấm cửa,
không được tự do đi lại trên đất nước [3] thì mầm mống của sự ly khai mang tính
sắc tộc sẽ như thế nào.
Và các vụ tự
thiêu của người Tây Tạng vẫn tiếp tục diễn ra để chống lại sự chiếm đóng của
chính quyền Trung Quốc từ năm 1949, hoàn toàn không có chiều hướng suy giảm.
Còn người
Mông Cổ ở Nội Mông, chẳng có gì chắc chắn khi nói rằng, họ không muốn thống nhất
với đất nước Mông Cổ để trở thành một quốc gia. Với họ, chỉ là “coming home” mà
thôi.
Tạm thời với
vấn đề “dân tộc” và “ly khai” cứ như thế đã. Bây giờ chúng ta nói đến một vấn đề
quan trọng đối với tiến trình dân chủ hóa ở Trung Quốc: tầng lớp tư sản dân tộc.
Theo những thông tin chưa kiểm chứng, thì cứ ba ứng viên tổng thống Hoa Kỳ, có
một người nhận được tiền tài trợ của tài phiệt Hoa Kiều để tranh cử. Các phong
trào dân chủ trong nước từ thời Cách Mạng Tân Hợi và cả trước và sau cuộc Cách
Mạng này, đều có những nhà tư sản dân tộc lớn của Trung Quốc đứng đằng sau. Có
thể khẳng định một điều rằng, hai nghề “đi buôn” và “đút lót” (lobby) người
Trung Quốc đã làm cách đây hàng nghìn năm và đến nay, họ vẫn làm rất tốt. Một mặt
khác, nếu như ở Việt Nam từ ông Bạch Thái Bưởi đến nay, hầu như không có tầng lớp
tư sản dân tộc [4] thì ở Trung Quốc tầng lớp này đã cực kỳ lớn mạnh và rất có
truyền thống, trong cả làm giàu và ủng hộ dân chủ. Vậy thì tại sao họ lại muốn ủng hộ dân chủ?
Đơn giản thôi, nhà Mãn Thanh trước đây và chính quyền trung ương Trung Quốc
ngày nay đều đang khoác lên sự phát triển của đất nước cái áo quá chật, và sự
thay đổi, do đó là tất yếu và hợp quy luật.
Các cuộc biểu
tình đòi dân chủ ở Hồng Kông trong thời gian vừa qua không phải do một hoặc vài
tỉ phú đứng đằng sau hậu thuẫn hay sao (khi mình viết “Giở võ 6”, chưa nghe
thông tin này, và chỉ nghe về nó sau đó vài ngày). Không có gì phủ nhận một
cách chắc chắn, họ có đứng đằng sau những phản kháng khác trên toàn đất nước
Trung Quốc.
Vừa hôm qua
nghe tin bên Trung Quốc tiếp tục có những cuộc phản kháng lớn lên đến cả trăm
nghìn người tham gia ở Quý Châu, ở Triết Giang. Những điều đó chỉ chứng minh,
những gì mình dự đoán, có thể sẽ không đúng hết, nhưng phương pháp tư duy là hợp
lý và đúng hướng. Sự “tan rã” của Trung Quốc có thể sẽ bao gồm cả “sụp đổ” của
chính quyền trung ương, và “ly khai”, ở mức độ nào, theo kịch bản nào, vào thời
điểm nào và như thế nào… chúng ta còn chưa hình dung ra được cụ thể [5] nhưng
xin nhắc lại, “ly khai” và “dân chủ” là hai cái chân mà hiện nay, xã hội Trung
Quốc đang dùng chúng để vận động đi tới tương lai.
_______________
[1] Trường hợp
có đất đai nhưng không còn dân tộc hoặc còn nhưng rất ít, không đáng kể như người
da đỏ châu Mỹ chẳng hạn.
[2] Gần đây
có nhiều thuyết cho rằng văn minh Trung Hoa “chôm chỉa” nhiều thành tựu của người
Việt cổ, chứng minh được điều đó thì tốt quá.
[3] Mình đã
viết trong bài “Almira”, trong vài năm gần đây, người Tân Cương đi lại trên đất
nước Trung Quốc rất khó khăn và bị kiểm soát, nhất là khu vực biên giới Khu tự
trị với các tỉnh khác của đất nước.
[4] Đại gia
Việt Nam, trong đó có nhiều “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới” hầu hết đã và
đang làm giàu bằng những cách thức hết sức khó hiểu.
[5] Không loại
trừ những kịch bản như “ly khai cục bộ”, bản thân nếu chính quyền trung ương này
sụp đổ, chưa chắc Nhà nước khác lên nắm quyền sẽ ủng hộ “ly khai”, thậm chí còn xiết chặt
hơn, và đó lại vẫn là mầm mống gây hỗn loạn Trung Quốc.
Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment