Chỗ ngoặt sông Đông |
Nước Nga là một
đất nước rộng lớn, trải dài từ Tây sang Đông trên cả hai lục địa Âu – Á, địa
hình đa dạng, nhiều núi non, bình nguyên, cao nguyên và đồng bằng, có nhiều biển
và đại dương bao bọc nên đương nhiên nguồn nước tự nhiên của nước Nga là rất
phong phú.
Như trên đã
trình bày sơ qua về sông trên phần châu Âu của nước Nga, gồm có 4 con sông
chính (sông chính ở đây được hiểu là sông đổ ra biển, khác với sông nhánh đổ
vào một con sông khác) là sông Vônga, sông Đông, sông Đnepr và sông Nhêva. Sông
Đông bắt nguồn từ vùng đất cao miền trung nước Nga (Средне-Русской
возвышенности), rồi đổ ra biển Adốp.
Sông Đông có
các tên cổ là Ghirghis, Tanaix (Гиргис, Танаис), thời trung cổ có tên là Đại
Đông (Большой Дон), thua các sông Vônga và Đnepr về độ dài và độ lớn. Ở đây cần
đề cập đến nó trước vì sông Đnepr là sông chung của ba nước SNG: Nga, Bêlôruxia
và Ucraina.
Diện tích
vùng lưu vực sông Đông là 422.000 ki-lô-mét vuông và sông chính dài 1970
ki-lô-mét.
Như trên đã
nói, sông Đông bắt nguồn từ vùng đất cao Trung Nga, ở độ cao trung bình 180 mét
so với mặt biển. Trước đây ở nguồn sông Đông có chỗ thông nhận nước từ hồ Ivan,
nhưng trên thực tế thì nước không chảy từ hồ Ivan vào sông Đông. Hiện nay sông
Đông nhận nước từ hồ chứa nước Sátxki ở về phía bắc thành phố Nôvômatxcôpxcơ, tỉnh
Tulxki, nước không thể chảy ngược trở lại được bằng một đập chắn bằng thép. Hiện
nay đầu nguồn con sông ở một công viên ở cách từ 2 đến 3 ki-lô-mét về phía đông
bắc thành phố (khe Urvanka).
Vùng cửa sông
Đông - vịnh Đông - Taganrốcgxki (Дона — Таганрогский) ở biển Adốp - một vũng biển
thông với Biển Đen ở chỗ bán đảo – mũi Kécsơ. Từ thành phố Rôxtốp trên sông
Đông (Ростов-на-Дону) hình thành vùng tam giác delta có diện tích 340 ki-lô-mét
vuông, ở đây dòng sông Đông được chia thành nhiều chi lưu và sông nhánh:
Pêrêvôlôka, Egupcha, Kalancha, Đông Cũ (Переволока, Егурча, Каланча, Старый
Дон).
Đặc tính của
vùng triền sông và lòng sông Đông rất điển hình của sông vùng đồng bằng và bình
nguyên. Nó có mặt cắt dọc và độ dốc khá trơn tru, nhẹ nhàng, vì thế mà dòng chảy
của sông Đông hoàn toàn “êm đềm”, đúng như nhà văn Sôlôkhốp đã đặt tên cho cuốn
tiểu thuyết của mình (độ dốc trung bình hình thành của sông Đông chỉ là 0,1‰
(phần nghìn)). Trên hầu hết chiều dọc sông với những bãi bồi rộng, có nhiều
sông nhánh, chảy đến hạ lưu lòng sông mở rộng ra đến 12 tới 15 ki-lô-mét. Ở
vùng thượng nguồn (chỗ thành phố Kalach thuộc cao nguyên Trung Nga), thì lòng
sông bị thu hẹp. Ở khu vực này, sông không có những bãi bồi.
Vùng sông
Đông, cũng như lưu vực của những sông khác, thường có cấu trúc lòng sông không
đối xứng. Bờ sông bên phải (hữu ngạn) – cao và dốc dựng đứng; còn bờ trái (tả
ngạn) thì thấp và thoai thoải. Bờ sông thường có cấu trúc ba bậc. Đáy sông thường
là phù sa trầm tích.
Toàn bộ vùng
lưu vực sông Đông nằm trên vùng thảo nguyên và rừng, điều đó giải thích phần
nào việc sông Đông không có nhiều nước lắm. Lưu lượng trung bình hàng năm là
900 mét khối/giây. Tạm so sánh, lưu lượng nước trung bình của sông Đông thấp
hơn so với những sông vùng phía bắc (như sông Bắc Đvina, Pechôra) từ 5 đến 6 lần.
Do đó, chế độ nước của sông Đông mang đặc thù của vùng rừng thảo nguyên. Tỷ lệ
tuyết cao (70%) so với tỷ lệ mưa tương đối thấp. Sông Đông có đặc tính là khả
năng đóng băng vào mùa xuân cao, và cạn vào những thời gian khác trong năm. Từ
mùa băng tan cuối xuân năm nay đến đầu xuân năm sau, mực nước sông dâng lên và
mức hao hụt nước sông giảm đi. Mùa thu, sông Đông có những cơn lũ nhỏ còn những
cơn lũ lớn về mùa hè thì cực kỳ hiếm.
Mức nước sông
có biên độ dao động lớn, từ 8 đến 13 mét. Lòng sông tràn ngập các bãi bồi, nhất
là ở hạ lưu. Những trận lũ do tan băng mùa xuân thường diễn ra (theo kiểu) hai
đợt. Đợt thứ nhất là bởi băng tan từ những nhánh sông, suối vùng thấp của lưu vực;
còn đợt thứ hai thì gây ra bởi nước từ thượng nguồn sông Đông (nước ấm). Có đợt,
do tuyết tan muộn ở những vùng thấp của lưu vực mà cả hai đợt lũ cùng xảy ra một
lúc tạo nên những đỉnh lũ rất cao, nhưng khả năng này cũng khá hiếm.
Sông Đông
đóng băng vào cuối tháng Mười một – đầu tháng Chạp. Mùa băng thường kéo dài khoảng
140 ngày ở thượng nguồn và từ 90 đến 100 ngày ở hạ lưu. Quá trình tan băng thường
bắt đầu vào cuối tháng Ba hàng năm, đầu tiên là ở hạ lưu và nhanh chóng lan dần
đến vùng thượng nguồn.
Ngược dòng từ
cửa sông, khả năng thông tàu của sông Đông là 1590 ki-lô-mét, tới tận Varônhez
(Воронеж), giao thông đường sông thường xuyên nhất là tới thành phố Lixki
(Лиски) (cách cửa sông 1355 ki-lô-mét). Ở vùng thành phố Kalach, chỗ uốn cong của
sông Đông làm nó xích lại rất gần dòng Vônga và chúng chỉ còn cách nhau có 80
ki-lô-mét. Chính ở chỗ này, người ta đã tiến hành đào con kênh Vônga – Đông
(Волго-Донский канал), đi vào hoạt động năm 1952. Ở khu vực xã Tsimlianxkaia
(станица Цимлянская), người ta còn thiết kế một con đập dài 12,8 ki-lô-mét,
ngăn mực nước sông ở vùng đó dâng lên cao tới 27 mét và tạo thành hồ chứa nước
Tsimlianxkôie, trải dài từ Gôlubinxkaia đến kênh đào (Vônga – Đông), với lượng
nước chứa ước tính 21,5 ki-lô-mét khối (dung tích hiệu dụng là 12,6 ki-lô-mét
khối nước) và có diện tích 2600 ki-lô-mét vuông. Ở gần đây cũng được quy hoạch
xây dựng một nhà máy thủy điện. Nước từ hồ chứa nước Tsimlianxki được dùng làm
nước tưới cho nông nghiệp vùng thảo nguyên Xalxki và cả vùng thảo nguyên các tỉnh
Rôxtốp và Vôngagrát.
Theo tài liệu
Địa lý Liên Xô của A.A. Xôcôlốp (Соколов А. А. Гидрография СССР – 1964)
Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment