Sau khi mình viết
bài “Yêu đương luận” đã có bạn nữ tìm tới kết bạn và nói chuyện tình cảm gia
đình của cô bé, một mối quan hệ gia đình đang trên đường đi tới bờ vực của sự “giải
tán”. Một câu chuyện như biết bao câu chuyện khác, ở đây chúng ta sẽ không quy
lỗi lầm cho ai cả, từ việc giảm sút tình cảm, của ít nhất một người, bất chấp
người kia vẫn còn rất nhiều tình cảm đến sự có mặt của một người thứ ba… Viết
bài này, mình xác định sẽ không viết về nguyên nhân của sự tan vỡ, vì điều này
nói muôn hình muôn vẻ, và cũng không biết đến đâu mà viết, vậy chỉ xin bàn một
chút về cách nhìn nhận đối với nó (sự tan vỡ) và cách chúng ta “đối phó” với hậu
quả của nó.
Cũng như bài
trước, mình xác định viết bài này từ góc độ hiểu vấn đề của một người học Phật.
Từ thời của mình, Đức Phật đã dành nhiều quan tâm đến quan hệ gia đình, và Ngài
dạy rằng cần phải cố gắng tốt nhất để có được một quan hệ gia đình ổn thỏa,
chính đó là nền tảng của một xã hội ổn định, hòa bình. Trong hệ thống giáo pháp
của Đạo Phật Không có quy luật nào trong Phật giáo buộc con người phải kết hôn,
hoặc là ở độc thân hoặc là sống một đời sống hoàn toàn trinh bạch. Sau này khi
học về Luật Hôn nhân gia đình thấy người làm luật xây dựng nó trên cơ sở “hôn
nhân tự nguyện, bình đẳng…”, nhưng hóa ra từ trước đây hàng nghìn năm, Đức Phật
đã đưa ra được những tư tưởng hôn nhân cực kỳ tiến bộ.
Chúng ta đã
đi qua những tư tưởng của Ngài về cơ duyên vợ chồng, trong đó “ân” có và “oán”
cũng có. Cơ duyên để con người gặp được nhau đã khó, lại còn gắn kết được với
nhau để nên vợ nên chồng, lại càng khó. Thời của Đức Phật, xã hội còn tồn tại
nhiều tập quán như “đa thê đa thiếp”, và vai trò của người phụ nữ còn phải hứng
chịu nhiều điều bất bình đẳng, nên Đức Phật đã quan tâm nhiều hơn đến vai trò của
người đàn ông trong gia đình. Có những sự liên hệ phong phú trong những bài
pháp của Ngài rằng người ta nên khôn ngoan và khéo léo trung thành với chế độ một
vợ một chồng và không tham đắm vào sắc dục và bỏ vợ mình đi theo những người phụ
nữ khác. Ðức Phật nhận ra rằng một trong những nguyên nhân chính của sự suy vi
của người đàn ông là sự dính líu của anh ta đối với những người phụ nữ khác (Kinh
Parabhava).
Không phải là,
Đạo Phật chính là một hệ thống giáo dục tuyệt vời hay sao? Ngày nay quan hệ nam
nữ đã bình đẳng hơn, người phụ nữ lao động kiếm tiền, làm lãnh đạo, tham gia
các hoạt động xã hội… và do đó, những giáo lý của Đức Phật đã dạy, còn phải được
ứng dụng cho cả hai giới, không riêng gì người đàn ông. Trên thực tế, chúng ta
thấy việc tan vỡ của những mối quan hệ hôn nhân hiện nay, đến từ cả hai phía. Mạch
logic của Đức Phật như vậy đi từ việc cha mẹ cần phải giúp con cái lựa chọn được
một mối quan hệ hôn nhân phù hợp (về nhiều khía cạnh như giai tầng xã hội,
trình độ, tuổi tác… để lúc khác viết); đến bổn phận của vợ chồng với nhau, với
con cái… để giữ được gia đình hòa thuận, ấm êm, hạnh phúc. Cứ giữ được như thế,
thì đã chẳng có bài viết này. Tuy nhiên, không phải ai cũng được như thế, và Mặc
dù quy luật tất yếu chắc chắn là không thể phát sinh nếu những mệnh lệnh (giới
luật) của Ðức Phật được tuân giữ một cách nghiêm khắc. Nam và nữ phải có quyền
tự do chia ta nhau nếu họ thực sự không thể hợp tình hợp ý nhau. Chia tay là
cách chọn lựa thích hợp nhất để tránh cảnh khổ đau của cuộc sống gia đình phải
diễn ra trong một khoảng thời gian dài.
Một khi đã cạn
tình, mà một trong hai bên vẫn cố níu kéo vì nhiều lý do, thì “ân” sẽ chuyển
thành “oán”. “Oán” nếu đã có, sẽ tăng thêm lên đến “oán thù sâu sắc” thậm chí
coi nhau như kẻ thù. Nhất là lúc một trong hai người đã có hạnh phúc mới, hoặc
có cơ hội xây dựng cái mà gọ nghĩ là “hạnh phúc hơn”, người kia cố níu kéo sẽ
là cố tình ngăn trở hạnh phúc… cứ cố quá thành “quá cố” như chơi, chuyện thượng
cẳng chân hạ cẳng tay chẳng biết thế nào.
Có nhiều lý
do biện minh cho sự níu kéo. Một trong số những lý do lớn nhất là đến từ phía
cha mẹ, gia đình, họ hàng: “Có con bị vợ/chồng bỏ”. Logic ở đây cũng dễ hiểu
thôi: “Con mình cũng phải như thế nào thì mới bị nó bỏ chứ!” – không sai, nhưng
không hết. Có đầy người “ngon nghẻ” thành đạt giàu có, xinh đẹp lộng lẫy, vẫn bị
bỏ, vì người kia muốn đi tìm cái phù hợp hơn, hoặc đi tìm cái người ta ham muốn
và người này còn thiếu… khó nói lắm. Vậy cha mẹ nào thương con, phải là người
thấu hiểu được cái lẽ tất yếu nếu sự “chia tay” phải đến, mà đùm bọc con, giúp
con vượt qua, chứ không phải là làm khó cho con. Xin nhớ rằng, nhiều khi chỉ một
cái chép miệng, một hơi thở dài, một giọt nước lăn trên khóe mắt của mẹ… đã là
cả một khó khăn lớn cho con. Bổn phận làm con ngược lại, lựa lời mà nói để cha
mẹ hiểu với từng hoàn cảnh, điều gì là tốt hơn, “chia tay” không phải lúc nào
cũng là thảm họa.
Lý do quan trọng
hơn nữa, là “còn con còn cái”. Đúng vậy, còn con cái – ai đã ở trong hoàn cảnh
này mới hiểu về cái sự thiếu thốn tình cảm của con cái khi chỉ được sống với mẹ
hoặc cha. Nhưng cũng rất nhiều trường hợp, đó cũng không hẳn là thảm họa: có
khi sự thiếu vắng của một người cụ thể nào đó, lại tốt hơn là có. Giống kiểu,
thiếu thì thấy thiếu, nhưng có, lại thấy không thể chấp nhận được, “đúng là thiếu
thì tốt hơn là có!”.
Bây giờ ngẫm
nghĩ kỹ, vẫn có những người con hạnh phúc, vì được cha hoặc mẹ vẫn tiếp tục
gieo vào trong tâm hồn con về một người mẹ hoặc cha tốt, cả cuộc đời còn lại không
một câu nói xấu người kia, bất chấp những gì đã xảy ra trên thực tế. Không chỉ
người cha/mẹ đó làm được điều là giữ được cho tâm hồn mình trong sáng, thanh thản;
mà còn giúp cho con có được một tâm hồn biết yêu thương và loại bỏ hận thù. Dần
dần con lớn lên, con sẽ hiểu, sự gắn kết gia đình của cha mẹ, không phải ai
cũng có được, và đó nhiều khi không phải là lỗi của ai cả, là duyên của cha mẹ
đã cạn, là nợ giữa cha mẹ đã trả xong, là nghiệp của chính mình vẫn còn nặng…
Với người
trong cuộc còn dễ, nhưng nghiêm trọng hơn nữa là với người ngoài cuộc. Bạn cứ
thử tưởng tượng một tâm hồn con trẻ mà nghe thấy hai người lớn nói chuyện với
nhau: “Đứa bé này là con của thằng “A” con “B” đấy, nó bỏ vợ/chồng; đúng là chẳng
ra cái gì mới bỏ nhau…” Những vết thương đeo đẳng suốt cả đoạn ấu thơ đến tuổi
học sinh đi học, nặng lắm, đau lắm. Nó còn đau hơn khi đứa bé nhìn thấy bạn bè
trong hoàn cảnh ấm êm…
Vết thương
nào cũng sẽ lành, kể cả vết thương do miệng lưỡi người đời gây ra. Với mình,
cũng đã có nhiều vết thương, và những vết thương trong tâm hồn mình đã khỏi gần
hết, nhờ người thày thuốc vĩ đại Đức Phật. Nay xin viết cho cặp bạn nào đã, đang đi đến
ngã ba mà buộc hai ta phải rẽ phải rẽ trái, nghĩ hơn nữa về mẹ về cha, về con về
cái… mà có cái nhìn tích cực hơn, còn xây dựng một cuộc sống mới, hạnh phúc hơn
chứ! Có cái gì là ngay lập tức phải kết thúc đâu, “life goes on!”. Trời chẳng bao
giờ lấy đi tất cả...
“Ðạo Phật
không có giới luật để ngăn cấm người chồng và người vợ không được phép ly dị nếu
họ không sống hòa thuận với nhau. Nhưng, nếu mọi người thực hiện lời khuyên dạy
của Ðức Phật, có bổn phận và trách nhiệm đối với nhau thì những điều bất hạnh
như ly dị hoặc ly thân chẳng bao giờ xảy ra.” (Hòa thượng Sri K. Dhammananda, Tỳ
kheo Thiện Minh dịch).
Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment