Dù không theo
dõi nhưng những thông tin dồn dập ngày càng nhiều về những “lùm xùm” ở Chùa Bồ
Đề (Long Biên, Hà Nội) làm người bàng quan nhất trong số chúng ta cũng phải
quan tâm. Báo chí, dư luận… sự việc ngày càng ồn ào, và rõ ràng là những gì dư
luận và truyền thông đang quan tâm, không mấy đẹp đẽ cho Phật giáo. Với trách
nhiệm Phật tử (*), tôi xin phép nhìn nhận sự việc từ khai khía cạnh.
Thứ nhất,
khía cạnh Đạo Phật.
Trong tương
quan với các Tôn giáo khác, nếu không tính “Đạo Mẫu” thì Đạo Phật được truyền
bá vào Việt Nam có lẽ là sớm nhất và có ảnh hưởng rất sâu sắc đến đời sống văn
hóa, tâm linh của dân tộc. Suốt chiều dài lịch sử, Đạo Phật đã đồng hành cùng
dân tộc Việt và góp phần hình thành nền văn hóa Việt rất đặc sắc. Việt Nam với
lịch sử 1000 năm Bắc thuộc mà nền văn hóa Hán chỉ có ảnh hưởng sâu đậm mà không
đồng hóa được dân tộc Việt, chính là nhờ những “pháo đài bất khả xâm phạm”: những
ngôi làng. Văn hóa làng xã Việt Nam từ lâu đời đã là sự kết hợp khéo léo giữa
quản lý chính quyền quân chủ, phong kiến với tính tự quản của làng trong đó có
sự trợ giúp của tín ngưỡng thờ cúng: thờ Thành Hoàng làng kết hợp với thờ Phật,
đình kết hợp với chùa. Những ngôi “chùa làng” vì thế, đã trở thành nơi sinh hoạt
tâm linh không thể thiếu của làng xã Việt Nam. Dần dà, người Việt Nam không còn
nhiều phân biệt nhiều giữa Trời, Phật và kết hợp luôn với truyền thống, tập
quán lâu đời “thờ cúng tổ tiên” vào mà “tiến hành một thể”. Cũng chính vì thế,
người Việt Nam đã từ rất lâu, quen với việc “vòi vĩnh” tổ tiên, Trời, và cả Phật,
“phù hộ” cho bản thân, cho gia đình, rộng hơn, cho cả đất nước. Mong mỏi có được
một cuộc sống tốt đẹp hơn, đó là ước nguyện chính đáng, hầu hết những người tìm
đến một tín ngưỡng, đều có mục tiêu đó và chúng ta cần tôn trọng. Tuy nhiên, với
Đạo Phật thì có một số điểm khác, mà ngay cả các Phật tử nếu không tìm hiểu thấu
đáo, không phải ai cũng hiểu.
Vì gắn với
truyền thống quá lâu đời của dân tộc, người Việt Nam ngày nay tìm đến chùa chiền
nhiều, cũng là tìm đến một sự phù hộ của Phật và không hiếm người trong số
chúng ta, đến cầu xin Phật phù hộ cho “mua may bán đắt, thăng quan tiến chức”.
Với người Phật tử đã được học qua những điều đó, thì hiểu rằng đó là những cầu
xin không có ý nghĩa gì cả, mà điều quan trọng với người Phật tử, là phải xây dựng
trong bản thân mình một cái “tâm thanh tịnh”. Nhưng người đến chùa nói chung,
trong đó có cả nhiều Phật tử vẫn còn mang nhiều tài vật đến chùa để “hối lộ thần
thánh”. Từ những việc nho nhỏ như họ ném tiền xuống chân tượng, xuống bể nước
trong chùa, nhét tiền vào các khe xung quanh tượng đến những việc lớn hơn là họ
“cúng dường” chư tăng bằng những số tiền rất lớn. Kinh tế xã hội phát triển,
người giàu ngày càng nhiều nhưng không hề tỷ lệ thuận với số người hiểu biết sẽ
tăng lên. Càng giàu, càng muốn dùng nhiều tiền để mua lấy sự phù hộ độ trì. Tam
Bảo của Nhà Phật có “Phật, Pháp, Tăng” – Phật thì ở đâu, người phàm không nhìn
thấy, Pháp là giáo pháp, người học được, người không, người ngại học… chỉ có
Tăng, các Hòa thượng thì sờ sờ ra đó. Họ “hối lộ” các Tăng bằng những phong bì
dày cộp, hòng “kiếm” được ở các Tăng một sự “ưu ái” hơn so với các Phật tử
khác: từ sự nhiệt tình hơn của Tăng khi được thỉnh đến nhà cầu kinh, cúng kính
hay được đọc thêm vài bài kinh kệ trong các lễ cầu nguyện… Chúng ta đang sống
trong một thời đại mà các sản phẩm vật chất đang tràn ngập, ít ai cưỡng được sức
cám dỗ của một xã hội phát triển về vật chất đến như thế, kể cả các Tăng, vốn
cũng là người phàm chúng ta thôi. Và chính chúng ta đang làm “hư” các Tăng như
vậy.
“Đất của Vua,
Chùa của Làng” – từ hàng trăm cả nghìn năm nay ở Việt Nam ta đã có truyền thống
cả làng chung sức góp công góp của xây dựng chùa, cả những người thành đạt,
giàu có, những người đã “vinh quy bái tổ” làm quan… đóng góp nhiều hơn người
khác. Từ cái chùa làng bé lụp xụp như cái am, rồi dần dần nhiều lần “trùng tu,
nâng cấp” mà thành những ngôi chùa mà đến nay vẫn được coi là kiệt tác về kiến
trúc và giá trị lịch sử. Điều quan trọng ở đây là, ngày xưa, các Tăng không được
tự xây chùa, mà chùa là do làng xây rồi đi thỉnh Tăng về trụ trì. Làng nào có
“phước”, thỉnh được vị Tăng hiểu Đạo Phật pháp uyên thâm, đạo đức mẫu mực, làng
nào “vô phước” thỉnh được vị “Sư hổ mang” ngày ngày vẫn chém to kho mặn, lại
còn tòm tem cả con gái của làng…
Ngày nay, vẫn
có nhiều người thành công về tài chính và mong mỏi dùng những tài vật đó để
phát triển Đạo Phật ngay từ việc xây chùa, từ chùa bé đến chùa to, hoành tráng
– đều là những điều tốt cả. Cũng có thể là ngoài cái thành tâm với phát triển Đạo,
thì còn có những mong muốn khác, từ như lưu lại đời chút “danh thơm” đến “PR”
cho doanh nghiệp của mình… Trong Phật pháp có câu “tùy duyên”, kể cả sự hiểu biết
Đạo – với những việc làm tốt đó, cần phải được khuyến khích. Dần dần trong quá
trình nhận thức của các “đại gia”, được trợ duyên của những Phật tử khác có tâm
và hiểu Đạo, lại có duyên gặp được minh Sư thì mới dần dần biết sử dụng những
tài vật cúng dường Tam Bảo, cúng dường chư Tăng và chúng sinh một cách thực sự
có ích và có ý nghĩa.
Vì sao tôi chọn
khía cạnh của chúng sinh làm xuất phát điểm? Vì thời gian này tìm những ý kiến
mổ xẻ nhà chùa từ chuyện chùa Bồ Đề, không hiếm. Như trên đã viết, ngày xưa,
các Tăng không được tự xây chùa, không được có tiền. Nhà chùa thường có mảnh vườn
mảnh ruộng, các Tăng tự trồng cấy lấy mà ăn, dân làng nay có ai làm được hũ
tương ngon, mai có người giã cân nếp mới… thỉnh thoảng mang đến cúng dường thết
trai Tăng. Ngày nay, thì mọi thứ, quy ra bằng tiền cho tiện, mà kể thì cũng phải
thôi: đến quần áo cũ mang lên mạn ngược cứu trợ bà con, bà con còn chưa chắc
dùng được và nhiều khi không thích dùng vì nhiều lý do, thì cứ thử tưởng tượng
quần áo cũ, để đầy ngập một kho... Đồ ăn thức uống cũng vậy, ăn chưa chắc đã hợp,
nhiều quá chưa chắc ăn đã kịp, đổ đi thì phải tội. Cứ quy ra “thóc”, ý bây giờ,
là tiền, nhà chùa tùy ý chi tiêu. Nhiều yếu tố kết hợp lại, đâu phải vị Tăng lữ
nào cũng chống lại được sức cám dỗ của vật chất. Thậm chí, với xã hội ta hiện
nay, việc các Tăng có của nả riêng, tài sản riêng, đã trở nên phổ biến. Từ đó,
các Thày lại xây chùa to điện lớn, và lại tiếng tăm đồn xa đồn rộng mà con
nhang đệ tử lại càng kéo đến ngày một đông hơn, thứ sức hút hào nhoáng đánh vào
cái “mắt ưa nhìn” vẻ ngoài đẹp đẽ của chúng sinh. Trước đây sức hút đối với Phật
tử chân chính đối với các Tăng, chỉ có
là Đạo, là Đức mà thôi.
Về cám dỗ của
danh vọng và vật chất đối với các vị Tăng, Đức Phật nói trong Kinh Tương Ưng Bộ
(Tập 2 Trang 415 mục 10, NXB Tôn giáo 2001, Hà Nội): “Này các Tỳ Khéo, vị Tỳ
Kheo nào là bậc ứng cúng, đã đoạn tận các lậu hoặc, ta nói nói lợi đắc cung
kính danh vọng vẫn là pháp chướng ngại cho vị Tỳ Kheo ấy. Đối với những vị đã
chứng bất động tâm giải thoát (**), ta không nói rằng, các lợi đắc cung kính
danh vọng trở thành một chướng ngại pháp cho các vị ấy. Và này A-nan, đối với
những ai sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cầu, những người chứng được hiện
tại lạc trú (***) đối với những vị ấy, ta nói rằng, lợi đắc cung kính danh vọng
là chướng ngại pháp.”
Xin kết thúc
phần này bằng những câu nói cũng vẫn của Đức Phật nói về thời Mạt Pháp:
Trong kinh Đại-Bi,
Đức Phật bảo: “Nầy A-Nan! Khi ta niết-bàn rồi, trong thời gian 500 năm rốt sau,
nhóm người giữ giới, y theo chánh-pháp, lần lần tiêu giảm; các bè đảng phá giới,
làm điều phi pháp, ngày tăng thêm nhiều. Do chúng-sanh phỉ báng chánh-pháp, gây
nhiều ác hạnh, nên phước thọ bị tổn giảm, các tai nạn đáng kinh khiếp nổi lên.
Bấy giờ có nhiều Tỷ-khưu đắm mê danh lợi, không tu thân, tâm, giới, huệ. Họ
tham trước những y, bát, thức ăn, sàng tòa, phòng xá, thuốc men, rồi ganh ghét
tranh giành phỉ báng lẫn nhau, thậm chí đem nhau đến quan ty, lời nói như đao
kiếm…” Trong kinh Pháp-Diệt-Tận, Đức Phật bảo: “Về sau, khi pháp của ta sắp diệt,
nơi cõi ngũ trược nầy tà đạo nổi lên rất thạnh. Lúc ấy có những quyến thuộc ma
vào làm Sa-môn để phá rối đạo pháp của ta. Họ mặc y phục như thế gian, ưa thích
áo cà-sa năm sắc, ăn thịt uống rượu, sát sanh, tham trước mùi vị, không có từ
tâm tương trợ, lại ganh ghét lẫn nhau. Bấy giờ có các vị Bồ-Tát, Bích-Chi, La-Hán
vì bản nguyện hộ trì Phật-pháp, hiện thân làm Sa-môn, tu hành tinh tấn, đạo hạnh
trang nghiêm, được mọi người kính trọng…”
Thứ hai, từ
khía cạnh xã hội.
Đã bao giờ
chúng ta tự hỏi, tại sao bây giờ trẻ bị bỏ rơi và các cô gái chửa hoang “phải
được” nhà chùa cưu mang, nhiều đến như thế? Có nên nhanh chóng đổ lỗi cho một nền
kinh tế thị trường có đầy rẫy những mặt trái hay không? Con số trung bình mỗi
năm có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở độ tuổi 15-19, trong đó 60-70% là học
sinh, sinh viên, Việt Nam vẫn là nước có tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành
niên cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ năm thế giới liệu có làm chúng ta giật
mình? Cũng đã bao giờ chúng ta tự hỏi, tại sao những việc cưu mang, nuôi nấng
trẻ bị bỏ rơi, và những cô gái sa chân lỡ bước, lại phải “đến tay” nhà chùa?
Lại cũng bao
giờ chúng ta tự hỏi, tại sao gần đây chúng ta nháo nhác lên đi làm từ thiện nhiều
thế? Không dám nghi ngờ lòng tốt chân thành của “những tấm lòng từ thiện”,
nhưng trong đó có bao nhiêu phần trăm là lo sợ cho cái giai đoạn kiếm tiền phi
pháp vừa qua mà bỏ bớt ra vài đồng lẻ để hối lộ thần thánh mong “tai qua nạn khỏi”?
Một câu hỏi cuối cùng, là tại sao cứ đi làm từ thiện, là mong muốn phải “dúi” tận
tay người nhận với lý do “đưa cho “chúng nó” (những đơn vị trung gian, cá nhân,
tổ chức, cơ quan Nhà nước, chính quyền), “chúng nó” “ăn” hết!”. Xã hội đầy tệ nạn
tham nhũng dễ thấy rồi, và con người do đó còn lòng tốt nhưng mất lòng tin.
Thời đại của
chúng ta cuối thế kỷ XX, bước sang đầu thế kỷ XXI như người ta gọi là kỷ nguyên
của truyền thông, của công nghệ thông tin, hay còn mệnh danh là “thế giới phẳng”.
Chùa Bồ Đề đi từ một chốn từ bi mở rộng vòng tay đón những hoàn cảnh cơ nhỡ, đi
đến tăng cường PR, nâng cao danh tiếng “ngọn cờ đầu trong từ thiện tốt đời đẹp
đạo” để rồi nâng cao “hiệu quả” trong thu hút quyên góp tài trợ cho những hoạt
động từ thiện đó.
Tất cả những
yếu tố trên đây, tổng hợp lại, ra câu chuyện Chùa Bồ Đề. Con người còn le lói hảo
tâm, được chỗ bấu víu cuối cùng là nhà chùa để thỏa mãn mong muốn chính đáng của
mình để được làm từ thiện, nay có nguy cơ mất nốt và thế là, chúng ta thất vọng
– người im lặng, và rất nhiều người lên tiếng trên các diễn đàn trực tuyến.
Không thiếu người hơn cả lên tiếng, người ta mạt sát. Còn báo chí, vẫn như mọi
khi, bắt đầu đào bới, hết những chuyện liên quan trực tiếp, người ta đào bới cả
đời tư các cá nhân liên quan trong câu chuyện.
Tôi không dám
bàn quá nhiều về cách hành xử của mọi người đang thể hiện ra là “dư luận”, chỉ
xin bàn đôi chút từ hai khía cạnh nho nhỏ, để chúng ta cùng có cái nhìn bình
tĩnh, tỉnh táo và sáng suốt hơn không chỉ trong việc này, mà còn nhiều việc
khác nữa sẽ xảy ra trong tương lai.
_____
(*) Khái niệm
“Phật tử” trong bài, tôi dùng với ý nghĩa là những người đã quy y Tam Bảo.
(**) Chỉ bậc
gần thành Phật đến nơi.
(***) Chỉ những
bậc tu thiền.
Hình ảnh trong bài chỉ có tính chất minh họa
Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment