Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Tuesday, August 5, 2014

Trận đầu đánh thắng ngay

Ảnh hai người bạn chiến đấu Việt Nam
của ông cụTodorasko,
được cụ giữ từ hồi đó đến giờ.
Bên trái, bác Trương Văn Ta,
bên phải, liệt sĩ Trần Phúc Cán
Năm 2007, có mấy ông cụ cựu chiến binh Xô-viết từ Nga sang Việt Nam thăm lại chiến trường sau 42 năm tham gia chiến đấu cùng bộ đội tên lửa phòng không Việt Nam “trận đầu đánh thắng”. Hôm nay kỷ niệm 50 năm vụ đó… Nhớ hồi mấy năm đó, mình tham gia vào một diễn đàn online có liên quan đến Nga, do đó cũng có đôi hoạt động cho việc tổ chức đón tiếp mấy ông cụ này. Và thế là, có nhiều chuyện hồi “Trận đầu đánh thắng”, nay được nghe kể lại, mới biết – xin lại thuật lại, nhớ đến đâu, viết lại đến đó, bà con đọc cho vui nhé!

Đầu tiên là việc đi tìm lại nhà của vài người bạn chiến đấu cũ của các ông cụ cựu chiến binh Xô-viết kia – họ giữ lại được vài tấm ảnh cũ được các bác Việt Nam tặng, toàn là những người lính tên lửa được học tiếng Nga, nên đề tặng cũng bằng tiếng Nga, luận ra tiếng Việt không dấu, mù mà mù mờ.

Bia liệt sĩ Trần Phúc Cán
ở Hải Phòng
Bác thứ nhất, liệt sĩ Trần Phúc Cán người miền Nam tập kết, đã hi sinh năm 1967 ở Hải Phòng bằng một quả tên lửa Shrike. Số là cái thứ tên lửa này nó được chế tạo đặc thù để “nện” tên lửa đất đối không, nên nó bám vào sóng rađa mà bắt mục tiêu. Phi công máy bay hải quân Mỹ chỉ cần được báo là có rađa phát trên đất liền, là họ khai hỏa ngay, đã thế phi công hải quân Mỹ bay rất giỏi, rất tài tử, là là mặt sóng, nên tên lửa cũng bay là là… không chống được. Bác Cán hi sinh vì một quả như thế - nó bao giờ cũng nổ cách mặt đất vài mét, hắt xuống đất một chùm hình nón các “viên bi” kim loại hình khối lập phương mỗi chiều khoảng 1mm, một “phát minh” kinh khủng về hiệu quả sát thương, giết người. Bác bị “dính” duy nhất một viên bé tí như thế vào thái dương, khoan một lỗ bé xíu, không chảy máu… thế mà chết. Một thành viên của diễn đàn từ Hải Dương, chạy ô tô xuống một xã ở Hải Phòng, tìm vào tận nơi, ghi chép lại được hết. Về sau, người nhà liệt sĩ ra Bắc cất mộ, đưa về quê trong Nam cải táng.

Chỗ này ngày xưa là trận địa tên lửa thật, "Trận đầu đánh thắng"
Bác thứ hai, cũng đã khuất núi, nhưng mới cách đây chục năm gì đó. Tìm hết hơi mới vào được đến nhà, vợ bác ấy thì đi bán hàng nước ở một sân bay dã chiến, nay dùng để tập lái ô tô vùng Sơn Tây. Con trai, nay đã là thiếu tá, tiểu đoàn trưởng một tiểu đoàn tên lửa, đang đi học ở Học viện Phòng không. Nhà ông thiếu tá tiểu đoàn trưởng, con của một cán bộ tên lửa đợt đầu, mà lụp xụp nghèo ơi là nghèo. Đến khi dẫn được ông cụ người Nga, hay Ucraina gì đó nhưng gốc gác lâu đời của cụ là người Hung, họ của  cụ là Todorasko, ông cụ nhìn ảnh của bạn chiến đấu trên bàn thờ, so lại với ảnh của mình đang giữ, kêu lên: “Đúng ông ấy đây rồi!” Cuộc gặp mặt cảm động lắm, nhất là gia đình đồng chí thiếu tá, sụt sịt khóc. Tự dưng có ông bạn chiến đấu của bố, bốn mấy năm quay lại tìm còn gì!

Cuộc gặp gỡ, tiếp đón lúc đầu tưởng chừng không tổ chức được, vì các cán bộ được bọn mình tiếp xúc của Quân chủng, đều không có quyền quyết định gì cả. Sau đó một thành viên của diễn đàn, chị ấy có cậu ruột là Phó tư lệnh Quân chủng, tác động thì mọi việc mới chạy bon bon, và tổ chức đón tiếp thật hoành tráng.

Đại tá Quách Hải Lượng
Cũng chính vì có “trận” này, mà mình được biết Liên Xô ngày xưa có các loại tên lửa “Dvina”, sau này họ còn cung cấp cho Việt Nam loại mới hơn, tên là “Vonga” (toàn tên sông cả). Lại được tiếp xúc với nhiều bác bộ đội tên lửa già, mà nghe kể khối chuyện hay. Bác Thân, hồi đó là tiểu đoàn trưởng một tiểu đoàn tên lửa tham gia đánh trận đầu tháng Tám năm 1964 hiền lành như một ông thày giáo; bác Quách Hải Lượng, đại tá, ngoại ngữ Pháp Nga Trung bắn pằng pằng… lại còn có một bác Thân nào nữa, cao to… mình thân với bác Quách Hải Lượng, hỏi chuyện bác ấy suốt. Bác Lượng thống nhất, trong những câu chuyện thì bác Thân “không”, là bác cao to; còn bác hiền lành, là bác Thân “điếc” (nói chuyện với bác ấy gào hết cả hơi.) Cũng vì có những câu chuyện đó, mới biết, hồi đó cứ cùng một phiên hiệu, có hai tiểu đoàn tên lửa, ví dụ như “312A” và “312B”; A là “bạn”, “B” là ta. Trận đầu, “bạn” đánh, “ta” đứng xem. Trận sau, “ta” đánh, “bạn” hướng dẫn. Đại khái thế. “Ta” non trẻ, bắn trượt là chính; “bạn” tranh thủ, mấy khi có cơ hội được “đánh Mỹ”, đôi bên cùng có lợi. Trận đầu tiên, thật ra là “bạn” bắn, ngày hôm sau hay vài hôm sau đó gì đó, hình dư ta cũng tự tay bắn được một chiếc thì phải.

Từ trái sang phải: nhà thơ Trần Hữu Việt, cụ Todorasko, ông Nga nào chẳng nhớ và
nhà thơ Dương Xuân Nam (Dương Kỳ Anh)
Còn nghe chuyện không chì tên lửa, mà còn cả máy bay tiêm kích, cũng do phi công “bạn” lái trong thời kỳ đầu, đánh giỏi luôn, chứ “ta” chưa được như thế. Có lần chiếc MiG của Không quân nhân dân Việt Nam rơi đâu mạn thị trấn Trúc Sơn trong Hà Đông, bà con ra ngó lại thấy “phi công Việt Nam” kiểu gì tóc râu cứ như râu ngô… lúc sau thì Quân chủng và cả chuyên gia Liên Xô kéo vào, lấy xác anh phi công Nga đó đi.

Hồi đó máy bay Mỹ chưa có thiết bị GPS nên phải bay theo các địa tiêu trên mặt đất, do đó nó bay từ Thái Lan sang ta cứ đến ngã ba sông Đà đổ vào sông Hồng, thì chia nhau ra, tốp dọc theo sông Hồng xuống Hà Nội, tốp theo sông Hồng lên Việt Trì, tốp lại vào Thanh Hóa… nên “bạn” và “ta” quyết định tổ chức ổ phục kích ở vùng ngã ba sông đó…

Cụ Todorasko chụp ảnh chung với gia đình bác Trương Văn Ta
Chạy xe máy lên cầu Trung Hà, vào tận trong xã  để tìm những người cũ còn nhớ về trận đầu bắn rơi máy bay Mỹ, tìm được vào đến tận nhà một bà cụ. Bà cụ Hoán bảo, gớm, năm nào các bác chẳng về đây, bà biết hết các bác ấy chứ, kể cả bác Tài (Phùng Thế Tài), hồi đó còn ở nhà bà bao nhiêu lâu. Cụ còn nói ê a về một “con bé” nào đó chết chỉ 6 tuổi, vào năm 1965, do “hít khói tên lửa nhiều quá”. Hóa ra đó là cháu của bà cụ, gọi bằng bác. Chị ấy nếu còn sống, thì năm nay ngoài 50 tuổi rồi. Lúc về mình có viết một bài phóng sự, “phi” lên mạng và báo Quân đội Nhân dân có đăng lại, xóa béng mất chi tiết “hít khói tên lửa” mà chỉ còn lại là “hít khói đạn” mà thôi.

Nhà thơ Dương Xuân Nam (Dương Kỳ Anh)
lúc đó là Tổng biên tập báo Tiền Phong phát biểu
Lại có chuyện bác Lượng kể, hồi đó “ta” bắn kém lắm. Có quả tên lửa lái kiểu gì, nó nhào xuống đất đâu như bên Hưng Yên hay Hải Dương gì đó (hồi đó là Hải Hưng mà). Quân chủng chạy sang đến nơi đã thấy khăn trắng nửa làng, xã triệu tập bà con mít tinh hô khẩu hiệu “ghi sâu mối thù giặc Mỹ” ầm ầm rồi… Các bác các chú hết hồn hết vía, nhặt vội những mảnh tên lửa còn nguyên chữ tiếng Nga mà mang về. Như bây giờ bọn báo chí kền kền nó sang nó chụp ảnh được thì chí nguy, hồi đó không có tiếng Nga tiếng Anh nào bị nhìn thấy, đổ tội cho giặc Mỹ là xong…

Sau khi Quân chủng tiếp đón các ông cụ cựu chiến binh Xô-viết, thì báo Tiền Phong tổ chức một buổi lễ thật là trọng thể, anh Dương Xuân Nam hồi đó là Tổng biên tập, lôi cổ anh Hữu Việt lên làm phiên dịch bất đắc dĩ, Hữu Việt lâu ngày lưỡi cứng, lại nhờ Phan Việt Hùng báo Nhi Đồng chữa cháy…

Bây giờ đọc lại thấy hồi đó viết ngô nghê giọng điệu y như… trung tá Nguyễn Văn Minh báo Quân đội nhân dân, hi hi… post lên để hầu bà con, nay viết thêm tạm vài dòng bà con đọc cho vui.


Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment