Một. Ngồi
trong ô tô điều hòa máy lạnh rét run trong khi trời ở ngoài nắng chang chang,
đúng là sướng rồi. Rất nhiều người có ý kiến là từ khi đi ô tô khỏi bệnh viêm
mũi viêm họng hạt. Nhưng chắc có một điều nhiều người chưa chú ý, đó là chính
cái môi trường nóng, khói bụi, nắng chang chang ấy, khắc nghiệt với con người
thì cũng khắc nghiệt luôn với vi khuẩn. Nôm na là, rất nhiều vi khuẩn chết thẳng
cẳng không thể sống được với cái môi trường độc hại của chúng ta.
Nhưng chúng lại
có một môi trường cực kỳ thuận lợi để khu trú, để sinh sôi nảy nở, đó là bộ lọc
không khí của máy điều hòa ô tô. Trong khi bộ ở nhà chỉ là cái lưới lọc, không
khí trong phòng như thế nào thì nó cứ thế nó làm lạnh thôi, thì bộ lọc không
khí của ô tô ngoài chế độ lấy gió trong nó còn lấy gió ngoài. Mấy ai để ý mà
thay nó kịp thời. Xứ Việt Nam ta nóng, ẩm, mưa nhiều… lại bụi mù mịt, một môi
trường quá thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở và ngày ngày phát tán vào
trong xe.
Chưa nói đến
những loại lọc khí công nghệ khử khuẩn nọ kia như quảng cáo, cứ chăm vệ sinh bộ
lọc, giặt giũ phơi phóng và thay kịp thời cũng đã tốt rồi.
Hai. Tìm
thông tin trên các diễn đàn ô tô Việt Nam xem người ta so sánh để mà chọn mua lấy
một cái ô tô, máy điêden (máy dầu) và máy xăng… đại đa số (chưa muốn nói là tất
cả mọi người) đều viết: máy dầu độc hại hơn máy xăng. Họ bảo, mua cái xe máy dầu
về, đỗ trong nhà hôi thật là hôi. Thế là độc hại!
Mà họ nghĩ vậy
kể cũng không oan, đi đường bị xe tải xe bus phả khói đen xì, thối hoắc vào mặt,
ai chẳng nghĩ là nó độc hại. Cái Camry chạy êm ru ngoài đường, không phả ra cái
gì… ai chẳng cảm tình. Nhưng xe bus xe tải, nó là mấy con trâu con voi đã phục
vụ đến vài chục năm, hình ảnh xấu xí là phải. Trên thực tế về lý thuyết, máy dầu
có hiệu suất cao hơn máy xăng rất nhiều, do đó nó đốt nhiên liệu cũng triệt để
hơn. Chỉ cần lên trang How Stuff Work mà đọc, là đã thấy hàm lượng các khí carbon
monoxide (CO – cực độc), hydrocarbon (CnH2n+2) và carbon
dioxide (CO2 hay
cácbôních) đều thấp hơn động cơ xăng. Đó là chưa kể ngày xưa còn có loại xăng
pha chì (để hạn chế bay hơi xăng) thì còn độc hại nữa.
Chính vì thế
mà động cơ xăng chính là “sát thủ dịu êm”, còn động cơ dầu thì bị thiệt hại danh
tiếng do nó dễ tính quá, ăn uống cái thứ nhiên liệu thuộc thành phần nặng của dầu
mỏ, và thối hoắc ra…
Ba. Nhắc đến carbon
monoxide (CO) lại nhớ đến những vụ chết ngạt do sưởi lò than trong nhà – thường
muốn cho viên than cháy lâu lại đóng bớt cửa lò lại, làm cho lò bị ức chế, hiếm
ôxy đi vào nên lượng CO tăng lên. Cái giống CO này nó còn có thể cháy được tiếp
vì nó còn “hảo ngọt” thêm một nguyên tử ôxy nữa để thành CO2 (cácbôních). Chính
vì nó háo ôxy đến vậy nên hít vào, nó chiếm luôn ôxy trong máu, não không có
ôxy nuôi, chết ngay lập tức sau vài giây. Nếu có ai đã được tập huấn Phòng cháy
– chữa cháy rồi sẽ được biết rằng phải bò ra khỏi đám cháy, mặc dù bò thì chậm
hơn là chạy, nhưng vì khói sẽ bay ở phía trên nên nếu chạy, sẽ hít CO mà trúng
độc, ngã vật xuống đất. Cán bộ cảnh sát PCCC cho biết, phần lớn những cái chết
trong đám cháy, là chết ngạt vì khí độc trước, rồi mới bị cháy.
Bốn. Lại nhắc
đến so sánh ô tô chạy xăng và ô tô chạy dầu… hai xe cùng công suất, đem so
sánh, dường như không ăn uống nhiều hơn nhau bao nhiêu, cái 8,5 lít dầu cho
100km, và cũng quãng đường đó anh kia có khi chỉ ăn đến 9,5 lít xăng. “Hóa ra
máy dầu cũng không tiết kiệm hơn máy xăng bao nhiêu nhỉ…” “Đúng, bình thường
thì có thể chỉ tiết kiệm hơn một tí, nhưng nếu máy xăng của anh phải leo đèo
leo dốc dựng đứng, lại chở nặng hết tải, thì có thể nó sẽ ăn một phát lên 13
lít ngay, trong khi máy dầu nó chỉ ăn lên đến 9 lít rưỡi…” Sự khác nhau về hiệu
suất của hai loại động cơ là ở chỗ đó, tùy nhu cầu sử dụng mà mua sắm thôi. Và
sự so sánh cũng rất cần phải đa diện, ở nhiều điều kiện khác nhau.
Năm. Lại nhắc
đến xe máy. Bây giờ hầu hết là mua xe máy mới với những loại xe thông dụng, do
đó trong ít nhất 3 đến 5 năm đầu tiên, chẳng phải sửa chữa lớn gì cả, với xe ga
chỉ là kiểm tra áp suất lốp, mức nước bình điện, thay dầu đúng tiêu chuẩn… chấm
hết. Với xe số, thêm vụ tăng xích, tra dầu xích, cũng chấm hết. Nhưng có một điều
rất nên làm thường xuyên, là thay mút lọc gió. Thay cả bộ như xe Honda, Honda
Việt Nam chỉ bán có 70 nghìn thôi, còn mua cái mút không đâu chỉ 20 nghìn. Cứ
tính khoảng 3 lần thay dầu, vệ sinh hoặc thay mút lọc gió một lần, đi xe lúc
nào cũng ngon và tiết kiệm xăng. Điều kiện Việt Nam môi trường ô nhiễm, bụi nhiều,
lọc gió chóng tắc. Mà đã ít không khí, cứ bắt xe phải gồng lên chở nặng chạy
nhanh, nó đòi ăn thêm xăng là đúng rồi còn gì. Bây giờ xe đời mới chạy FI lại
càng cần sạch sẽ. Do đó ra cửa hàng, nếu chúng nó gạ “bảo dưỡng toàn thân” thì
đừng có nghe. Cứ đi rửa xe, thay dầu… rồi định kỳ thay mút lọc gió là được. Thấy
lọc xọc ở đâu thì xiết ốc vít ở đấy là đủ. Xe ga đi ở thành phố ít đường dốc ít
chở nặng còn lâu mới phải đụng vào hệ puli – cuaroa, đừng nghe thợ nói lăng
nhăng mà mất tiền oan. Ít nhất cũng phải 7, 8 vạn (km) trở ra hẵng hay.
Sáu. Lại nói
chuyện ô nhiễm – như thế là động cơ xăng, ô nhiễm hơn động cơ dầu. Xe máy chạy
xăng cả - do đó một trong những sai lầm của chính quyền là không quan tâm đúng
mức phát triển giao thông công cộng (điện, hoặc ít nhất xe bus chạy dầu đời mới
đạt Ơ-rô 2 Ơ-rô 4 gì đó) mà hạn chế dần xe máy. Chính xe máy chứ không phải ai
khác, là nguồn gây ô nhiễm không khí chính. Nhưng các hãng xe máy họ không để
chúng ta yên, họ “lóp-bi” cho các cơ quan Nhà nước ra chính sách ủng hộ… Lợi
ích nhóm lợi ích ngành ở đâu à? Ở đây chứ đâu nữa! Vì thế nếu nghe “Tôi yêu Việt
Nam” thì cũng chỉ nên tin vừa vừa thôi. Với lượng xe máy chiếm 60% thị phần thì
tác hại của họ gây ra cũng chẳng kém.
Bảy. Lại nói
chuyện hít vi khuẩn vào mũi thông qua cái lọc không khí “nóng ẩm”. Hơi thở của
chúng ta có đủ các thứ, nhưng cái thứ cần quan tâm nhất là hơi nước – hà hơi
vào gương rồi vẽ quả tim, trò lãng mạn nhỉ? – đấy, hơi nước đấy. Hít vào thở
ra, thở vào cái miếng vải bịt mặt, dùng hết ngày ngày sang ngày khác, không phải
là môi trường sinh sôi nảy nở vi khuẩn quá tốt à? Mà ngày nào cũng thay giặt thì
có thực hiện được không? Mỗi ngày ít nhất thay một chiếc, như mua cái của y tế
rồi vứt đi luôn thì tốt hơn là dùng lưu cữu ba bốn hôm mới giặt một lần – thà
chẳng dùng còn hơn.
Tám. Nhân nói
chuyện khí than… kinh tế mấy năm nay suy thoái, nhà nhà khó khăn, ngành ngành
cũng khó khăn, vật giá leo thang nhưng túi tiền không to thêm, ai cũng muốn móc
túi người khác, trong khi tổng thể xã hội không làm ra thêm xu nào. Nếu như giá
gas, giá điện cứ đều đều tăng, thì nhiều nhà sẽ phải quay trở lại dùng than tổ
ong, đồng nghĩa với việc môi trường sẽ lại có thêm nhiều khí than carbon monoxide
(CO). Nghĩa là cả xã hội chúng ta đang phải đánh đổi, tránh cái chết trước mắt
(chết đói) bằng cái chết từ từ (chết ngạt).
Tham gia thảo
luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment