Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Wednesday, August 6, 2014

“Yêu đương luận” hay “đào hoa luận”


Bây giờ trông mình như thằng đánh bả gà thế thôi, chứ thời thanh niên trông ngon giai phết. Có thằng bạn đến chơi nhà buổi tối, thấy mình đang đứng nói chuyện với hai cô bạn gái ở cổng, rồi hai cô đi về hai phía, có vẻ chẳng liên quan gì đến nhau, nó than lên: “Thằng này đào hoa quá, mình chỉ mong được một phần ba như nó còn khó!”

Hồi đó mình toàn phóng xe “phân phối nhớn”, chơi thể thao, trông “gấu” ra trò… nên chuyện có nhiều bạn gái, cũng là bình thường thôi. Một ông bạn bảo, nếu cứ có một cô mới mà dán lên thân xe một ngôi sao, như mấy cái máy bay MiG của không quân ta ấy mà, thì khi nào được 9 sao sẽ phong anh hùng như anh Cốc, hì hì… không khéo phải được phong hai ba lần anh hùng ấy chẳng chơi. Đùa thế thôi - khổ chứ báu cái giề!

Đại khái là khi anh thích một ai đó mà người ta không thích lại anh, anh đang hi vọng trở nên thất vọng, khá là mệt mỏi. Nhưng nếu anh được ai đó thích mà không thích lại được, buộc phải trả lời “khờ ông không” thì cũng mệt mỏi không kém đâu.

Mình một khi đã thích cô nào, thì cũng phải toan tính một chút, nghĩa là xem xét hoàn cảnh một cách nghiêm túc, hướng tới hôn nhân, không có vớ vẩn. Cũng tìm hiểu vài cô mà các cô ấy chẳng thèm thích lại, ngơ ngẩn mất đến vài tuần ấy, không hơn. Bây giờ nghĩ lại, kể cũng áy náy, thất tình thì phải điên điên dại dại lấy vài tháng một năm trở ra, ai lại ba bảy hăm mốt ngày đã quên béng như thế, thật chẳng ra làm sao. Cứ như một ông bạn thân của mình, hắn thất tình mà khóc rống lên cả tháng, rồi điên dại đến 5 năm trời không quên… đó mới là tình yêu đích thực!

Nhưng vì hướng tới hôn nhân, nên cũng cần phải giữ gìn cho nhau một chút, chứ tình hình thực tế bây giờ, thật là khủng khiếp quá: “Với trung bình mỗi năm có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở độ tuổi 15-19, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên, Việt Nam vẫn là nước có tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ năm thế giới – đây là số liệu được thạc sĩ – bác sỹ Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ công bố tại hội thảo “Ngừa thai hormone - Hiểu biết nhu cầu và lựa chọn của phụ nữ” do Công ty MSD tổ chức vừa diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh.” (Minh Hạnh (VIETNAM+) ngày 02/04/13)

Chúng ta đâu có cần nói nhiều về tác hại của chuyện này đối với thế hệ trẻ nói riêng, đối với cái phước đức của chúng sinh nói chung, chỉ cần lên mạng nhờ đốc-tờ Gúcgồ tí thôi là đầy thông tin rồi.

Thôi thì xã hội nó phát triển, không còn thời “nam nữ thụ thụ bất thân” như ngày xưa, (cách đây 30 năm đến mẹ mình vẫn còn dặn con đi học đừng đụng vào người các bạn gái nhé), thì bao cao su nó cũng còn đầy ra đó, mua đâu chẳng có, mà sao chẳng biết mà giữ gìn cho nhau? Sung sướng liệu có được 5 phút rồi khổ cả một đời?

Ở mức độ cao hơn, không biết bao người phụ nữ lấy chồng xong rồi, mới đâm đầu vào một sự bất hạnh lớn, là chồng không thể chấp nhận được một người vợ đã mất trinh từ tám mươi đời. Bao nhiêu ý kiến cộng đồng về chuyện này, không ít người chê bai ông chồng cổ hủ. Nhưng nếu cứ nghĩ thử, “Ba mươi chưa phải là Tết”, từ yêu đến cưới còn xa lắm các cháu ơi, vậy sao không nghĩ sâu xa hơn một chút mà giữ cho nhau? Giải tỏa thì thiếu gì cách? Các cháu nên nhớ, “petting” (quan hệ yêu đương nam nữ đạt cực khoái không cần quan hệ tình dục), phương Tây họ có từ những năm 1960 của thế kỷ XX lận…

Cách đây mấy tuần có lễ ra mắt một tập thơ, “Ngủ nữa đi anh em phải dậy lấy chồng” của một cô nhóc con – chẳng biết ra sao nhưng đọc rìviu của một người khác, đại để, anh không định lấy em thì em phải lấy chồng thôi… tiêu đề liếc qua đã thấy có yếu tố quan hệ tình dục trong đó rồi. Nhưng nếu đã không hướng tới hôn nhân, thì dính vào nhau làm gì? Cô bé con đã biết gì về “mùi đời”, hay chỉ cứ buông theo dòng nước, xã hội phát triển như thế nào thì ta sống theo như thế ấy?

Âu Mỹ tự do tình dục hơn ta, vậy sao Việt Nam ta tỷ lệ nạo phá thai lớn hơn họ nhiều thế? Các Mác thì phải, viết ở đâu đó – bản thân tình dục không có gì là xấu nếu như nó xuất phát từ tình yêu. Nhưng điều đó, chưa đủ với một xã hội càng ngày càng phát triển phức tạp. Tình yêu và tình dục của con người nó còn phải có lý trí nữa, nghĩa là phải biết “giữ cho nhau”…

Không có cái tỷ lệ nạo phá thai kia, thì làm sao có những chuyện lùm xùm bên Chùa Bồ Đề, chẳng phải những đứa bé vô tội đó là hậu quả của vụ “có những người do sơ ý sinh ra” hay sao? Hôm trước Vietnamnet có bài “Gái ngoan đi bơi dính bầu”, thôi khỏi bàn luận thêm về vụ “siêu nòng nọc sống trong dung dịch sát trùng” đó – nghiêm trọng ở cái chỗ họ giật cái tít “Gái ngoan” – gái nào ngoan mà như thế?     

Nói tiếp đến duyên vợ chồng.

Vợ chồng nên duyên đúng là do cái duyên, nhưng cũng có cặp còn do nợ nần tiền kiếp, do nghiệp của một trong hai người nữa… chẳng gì đầy những chuyện “chồng nó đánh cho bôm bốp vẫn nai lưng ra cầy như trâu, rồi vẫn phải mua rượu về cho nó uống…” đấy sao. Như thế ngoài ân thì nhiều khi quan hệ vợ chồng còn có oán thù nữa… Đức Phật dạy “Năm trăm năm tu của tiền kiếp mới đổi được một lần đi qua chạm vai nhau”. Vậy kiếp trước chúng ta đã phải tu bao nhiêu năm mới đổi được sự gặp gỡ của kiếp này?

Như thế, quan hệ vợ chồng là ân nghĩa oán cừu sâu xa lắm, thiêng liêng lắm, nếu xác định hết lòng được thì hẵng gá nghĩa với nhau, chứ nếu còn chưa hết lòng, thì còn dễ sinh oán thù… và nếu duyên đứt thì cũng có nghĩa là sạch nợ với nhau, trong họa có phúc, lại dễ dàng đường tu… nhưng mấy ai nhìn ra điều đó, có khi lại than thân trách phận “sầu lẻ bóng”… Hôn nhân, gia đình là nền tảng của sự phát triển xã hội – Đạo Phật khuyến khích quan hệ vợ chồng chính đáng là nền tảng của luân lý xã hội. Tình yêu trong khuôn khổ quan hệ vợ chồng, chính đáng, thanh cao, trong sáng… còn nếu quan hệ vợ chồng mà đứt rồi, thì cơ hội nghìn năm có một để mà tu tập đã đến, có gì đâu mà buồn? Chỉ sợ không ngộ để mà nhìn ra điều đó mà thôi.

Nhiều người trong số chúng ta biết bài thơ rất hay “Những phút xao lòng” của Thuận Hữu:

Có thể vợ mình ngày xưa cũng có một người yêu
(Người ấy gọi vợ mình là người yêu cũ)
Cũng như mình thôi , mình ngày xưa cũng thế
Yêu một cô, giờ cô ấy có chồng
Có thể vợ mình vì những phút mềm lòng
Nên giấu kín những điều suy tư, không kể về giấc mộng
Người yêu cũ vợ mình có những điều mà mình không có được
Cô ấy không nói ra vì sợ mình buồn
Mình cũng có những phút giây cảm thấy xao lòng
Khi gặp người yêu xưa với những điều vợ mình không có được
Nghĩ về cái đã qua nhiều khi như nuối tiếc
Mình cũng chẳng nói ra vì sợ vợ buồn…
Sau những lần nghĩ đâu đâu mình thương vợ mình hơn
Và cảm thấy mình như người có lỗi
(Chắc vợ mình hiểu điều không nói
Cô ấy cũng thương và chăm chút mình hơn)
Mà có trách chi những phút xao lòng
Ai cũng có một thời để yêu và để nhớ
Ai cũng có những phút giây ngoài vợ ngoài chồng
Đừng có trách chi những xao lòng…

Chỉ định trích vài câu, nhưng bài thơ hay quá, bỏ chỗ nào cũng tiếc nên đành paste cả bài vào vậy. Đúng, ai cũng có những phút xao lòng, nhưng sau những lúc đó, lại nghĩ đến vợ đến chồng mà yêu quý người ấy hơn, chẳng phải tốt hay sao. Đức Phật dạy, sau lúc lỡ chân thì ta biết sám hối, chân thành hối lỗi và không phạm phải nữa, thì tội lỗi có thể được rũ bỏ.


Sám hối không bao giờ là muộn cả.  Vì thế, quan hệ nam nữ, chính là oan gia, chứ không có hay ho gì. Mà oan gia, thì nên giải, chứ không nên kết. Quan hệ nam nữ không chính đáng, không thích hợp, không được đạo đức xã hội chấp nhận nên xem oan gia gặp nhau, là sự thể hiện của nghiệp ác.

Hôm qua lại đọc trên tờ báo, mà nay đã có thể được mệnh danh là siêu lá cải Vietnamnet bài báo về mấy ông toan về già đi bơi để tìm của lạ ở các chị sồn sồn. Còn mình thì với kinh nghiệm nửa cuộc đời, nhìn cũng nhận ra được ở ngoài đời có nhiều bác (thậm chí đã có tuổi), nhưng vẫn thích tỏ ra trai lơ, thích tỏ ra hào hoa phong nhã (thơ thẩn, nhạc nhẽo, ảnh ọt… hiện nay vẫn bị lạm dụng như những công cụ dễ dàng để thực hiện những trò mèo mả gà đồng này), đào hoa được các em vây quanh, nghiện mùi son phấn khó bỏ. Chúng sinh là u mê mà, đời có người thế này, người thế khác, cũng là bình thường thôi. Tu học theo Phật, thì là bơi ngược dòng – người đời ham hố những cái khoái lạc “dễ hiểu dễ thấy khó bỏ”, thì người tu học phải làm ngược lại. Người không hiểu, thì dễ cười cợt vào mũi người tu học, rằng đời có mấy cái khoái cảm lại tiêu diệt nó đi, nhưng nếu hiểu được "Tất cả đàn ông đều là cha của ta, tất cả đàn bà đều là mẹ của ta" (Kinh Phạm Võng) thì đâu có khó khăn gì trong việc nuôi dưỡng một cái tâm trong sáng. Với người mong muốn hiểu, thì dễ dàng, còn cố tình không hiểu, cái gì chẳng khó khăn.

Nhưng nếu cứ tiếp tục buông thả, tự hào vào những điều như “đào hoa” “nhiều duyên” thì thật là u mê, rất có hại, cần từ bỏ càng sớm, càng tốt.

Bài liên quan: Lấy vợ xem tông và "Chia tay luận"

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment