Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Monday, August 4, 2014

Tùy...

Một. Ai chiếu cố quan tâm đọc kỹ kỹ một tí cũng sẽ phát hiện ra mình theo học Phật. Nhưng thật ra, mình không dám viết nhiều về Phật pháp – phần vì học sơ hiểu lậu, không dám nho nhoe, phần thì bản thân viết lên mạng, môi trường phức tạp, có phải lúc nào cũng tìm được người tri kỷ mà chia sẻ đâu (và cũng đã có lần “được chém” rồi ấy chứ). Mà nếu có duyên gặp được người hợp ý, thì chỉ cần viết ý ý, là đủ, đâu cần viết nhiều.

Mọi chuyện, nên tùy duyên. Trước vẫn nghe câu Đức Phật tùy căn cơ mà nói pháp, nên nhiều khi cùng một vấn đề có bao nhiêu là cách trình bày, lý giải. Đó cũng là vì Đức Phật lúc còn tại thế đã giảng cho nhiều đối tượng khác nhau vậy. Hôm qua nghe một Hòa Thượng giảng trong một cuộc trao đổi ngắn, mình càng ngấm cái câu “Tùy căn cơ mà nói pháp”.  


Một đạo hữu hỏi, con bây giờ mới ăn chay, rất thành tâm phát nguyện ăn chay trường, nhưng chồng con thì không đồng ý và còn có chiều khó chịu, con phải làm thế nào… “Đức Phật còn nói chúng sinh là u mê, bướng bỉnh… đạo hữu mới tu học, Phật lực còn chưa nhiều, thì việc cảm hóa người trong gia đình còn khó khăn. Tuy nhiên điều quan trọng trong gia đình thì cần phải giữ cho được chữ hòa, nên tế nhị, nếu chồng khó chịu thì vẫn cứ ăn thịt cá cùng bình thường cho vui vẻ, đừng chấp vào đó là thịt, là cá là được rồi. Còn nếu phải chế biến thịt cá để chuẩn bị bữa ăn, đãi đằng khách khứa, giỗ chạp… thì nên niệm Phật hồi hướng cho “nó” (con gà con cá…) và hồi hướng cho cả người thân trong gia đình chưa theo Phật vẫn còn “xơi” cái con gà con cá đó. Lại không nên thiếu tế nhị với những biểu hiện “ui tanh quá…” hay đi lấy nước sôi tráng bát tráng đũa trước mặt người khác… dễ gây bất hòa trong gia đình.”


Ngày xưa viết bài “Cỗ chay” thấy mình viết cầu kỳ, lằng nhằng ý tứ. Nay nghe thày Hòa Thượng nói, sẽ có nhiều người dè bỉu chê bai rằng đã ăn chay rồi, lại còn làm giả nọ giả kia… nhưng đó, chúng sinh thế gian còn biết bao nhiêu người, thiếu gà thiếu cá một bữa đã run rẩy chân tay thì cũng phải làm như thế cho người ta đỡ thèm chứ… Đó, nói cao nói siêu như mình định làm, trình độ của Thày chẳng thượng thừa, nhưng trước tập thể chúng sinh đạo hữu, cũng phải biết cách mà nói giản dị đi… “Tùy căn cơ mà nói pháp” là vậy.

Bàn thêm:
1. Không nên mua động vật còn sống về nhà giết mổ, nó sẽ trở thành các oan hồn tụ tập trong nhà, bản thân chúng ta là người phàm không thấy được các oan hồn đó chúng đang kêu la thảm thiết, vô tình, chúng ta đã biến nhà của mình thành nơi đầy âm khí oán khí, như cảnh địa ngục vậy.
2. Trước đây đi nghe giảng pháp, những điều do đạo hữu khác hỏi mình biết rồi, thường ít tập trung nghe, nhưng nay phát hiện ra, tập trung nghe và ngẫm nghĩ, thấy rất bổ ích. Học Thầy không tầy học bạn, người khác hỏi mình ngẫm nghĩ, cũng đã học được nhiều điều. Lại còn tùy Thầy, có Thầy nói y trong sách mình đã đọc, đã học… nhưng cũng có những Thày vẫn nói như thế thôi, nhưng nếu nắm được cái ý tứ sâu xa, thật là vi diệu.



Hai. Nói sang chuyện làm từ thiện. Mình dạo này chỉ lên Facebook và vào một vài trang nước ngoài đọc tin tức, không dạo các diễn đàn cũng như báo chí trong nước, nên cũng không biết gì. Thấy một bạn Facebook hỏi, bác theo Phật mà không thấy viết gì về những chuyện đang diễn ra bên chùa Bồ Đề… rồi bây giờ có hiện tượng một số người cứ đến giúp việc cho nhà chùa, với tư cách đó là một việc dễ kiếm tiền, và dễ chịu. Mình thì những việc không rõ như thế, lại không phải việc của mình, không dám bàn. Nhưng có một ý kiến mình thấy là đúng: nhà chùa là nơi các Hòa Thượng tập trung tu học, nếu đèo bòng thêm cả việc xã hội như bên chùa Bồ Đề đang làm, chắc chắn không chuyện này, có chuyện khác, thị phi không tránh được, thì các Thày làm sao mà tu! Nhà chùa nên đi đầu trong hoạt động từ thiện, bảo trợ xã hội, còn thực hiện, nên để các cá nhân, tổ chức thực hiện, tốt hơn. Còn về việc những người đến làm Phật sự ở nhà chùa, thì dù ít, dù nhiều, đều có chút công quả - nếu ai đó làm Phật sự chỉ duy nhất một mục đích nhàn hạ tấm thân, dễ kiếm tiền… thì trong Kinh đều có dạy về tạo tội, tạo nghiệp khi lợi dụng sự cúng dường Tam Bảo để mưu lợi cá nhân rồi (Kinh Lương Hoàng Sám thì phải).


Nhân chuyện làm từ thiện, thì cái chữ “tùy duyên” thực sự cần thiết. Có cơ hội, có điều kiện thì nên làm, không nên bỏ lỡ. Nhưng đã không có điều kiện thì đừng cố, lại càng không nên đắm đuối quá bỏ bê cả công việc gia đình, cũng là điều không phải. Lại có ý kiến cho rằng doanh nhân thành đạt bỏ tiền tỉ làm từ thiện, nhân tiện PR luôn cho bản thân cá nhân, doanh nghiệp… cũng chẳng sao. Cái gì cũng có hai mặt tích cực và không tích cực. Lợi nhiều hại ít và lợi ít hại nhiều… đều có cả. Có làm còn hơn là không làm.

Cũng có lần mình hô bà con làm đôi chương trình từ thiện, nhưng chỉ dám tính sát về thời gian, để chuyện hô hào nó nhanh nhanh chóng chóng rồi đủ luôn; bác nào nhỡ không kịp nắm tình hình coi như chưa có duyên với nhau mà đề nghị để dành sang chương trình khác. Nếu như mình kéo dài chuyện hô hào, hô đi hô lại, bạn bè đã kết bạn với mình thì toàn người tốt cả, thấy trường hợp khó khăn chẳng nhẽ không giúp, nhưng có phải lúc nào cũng có điều kiện đâu, cơm áo gạo tiền, mọi kế hoạch chi tiêu sít sao hết cả rồi… bạn không tham gia được, ngày ngày lên mạng cứ thấy kêu kêu gọi gọi, chẳng áy náy lắm sao? Cố gắng càng nhanh gọn càng tốt, bạn bè đỡ khó xử. Việc này rất đúng với những trường hợp giúp đỡ những người có hoàn cảnh ngặt nghèo.

Ba. Nói chuyện “Tháng cô hồn”. Hôm trước còn thấy trên mạng có chuyện nhảm: “Những việc không nên làm trong tháng cô hồn” đọc mà thấy buồn cười: không mua nhà mua xe, không may áo trắng... Đúng là vô minh u mê ở thời đại internet lại càng lan nhanh. Nhiều người sợ chết, sợ tai nạn vào cái tháng này. Người chết thì quanh năm, lúc nào chẳng có người chết. Nhưng nếu mà chết vào tháng khác thì mấy ông bà dị đoan thể nào cũng lại lục lọi trong ký ức “Chao ôi, kênh quớ, bảo đừng mua nhà vào tháng Bẩy âm lịch mà vẫn cứ mua, nay thì ra nông nỗi như thế…”


Mình đề xuất, trong tháng cô hồn, không nên ăn quả thanh long cả hạt, nên ngồi mà nhằn hạt ra… hi hi hi

Có bác bảo ngày bao nhiêu đó mở cửa địa ngục… nhưng quan trọng hơn trong Kinh Vu Lan, Phật dạy tháng Bảy là hết mùa An Cư Kiết Hạ, chư Tăng tề tựu lại, thì nhân dịp này cúng lễ để nhờ cậy tha lực của chư Tăng giúp đỡ cho vong hồn thoát cảnh địa ngục. Để hôm nào tìm hiểu kỹ xem Kinh Vu Lan có chỗ nào ý nói về mở cửa địa ngục hay không, nhưng theo mình hiểu thì địa ngục để mà lộn cổ xuống đó, lúc nào cánh cửa cũng mở rộng với bất kỳ ai còn vô minh không biết nhìn rõ con đường mà tu học.  


Bốn. Bây giờ thấy nhiều bạn trẻ, tuổi chỉ đáng tuổi con cháu… thậm chí đang học trong những trường Đại học danh giá của xã hội ta cả, lại bén duyên Phật pháp muốn xuất gia. Tiếp xúc chưa nhiều, nhưng thấy các bạn đầu óc trẻ trung, “mới cứng” như tờ giấy trắng, nghe học Đạo Pháp thật là sáng láng, đúng là có phước lớn, thật là “thiện tai, thiện tai!”. Bản thân Đạo Phật từ khía cạnh triết học, cực kỳ khoa học, nên sự tiếp cận của thế hệ trẻ đạt kết quả đáng khích lệ như thế, cũng là điều dễ hiểu.

Lại nghĩ đến những người có tuổi hoặc hơi hơi có tuổi như chúng ta, cũng học đông, học tây… lại bằng này cấp nọ, nhưng thật ra, cũng chỉ là những hiểu biết nông cạn trước những vấn đề quá lớn về bản chất tự nhiên, vũ trụ mà thôi. Nước là gì? H2O, hai nguyên tử hydro và một nguyên tử oxy. Đầu thế kỷ 20 chỉ khoảng 10 nguyên tố tự nhiên nữa được phát hiện, các nguyên tố còn lại là các nguyên tố nhân tạo và có tính phóng xạ. Tận đến tháng 12 năm 1994, hai nguyên tố nhân tạo là darmstadti (Ds) và roentgeni (Rg) mới được tạo ra… thế đấy, đến nay nền khoa học của con người mới tìm ra được có 103 nguyên tố hóa học thôi, trong khi Phật đã đề cập đến “tam thiên đại thiên thế giới” thì nó có đến hàng tỉ nguyên tố như thế thì sao?

Học thì vẫn phải học rồi, nhưng phải hiểu là học mãi cũng chưa bằng một hạt cát so với vũ trụ, nếu không phá được cái “chấp” mà khăng khăng bám lấy vài điều ta thu thập được vào trong đầu, lại lên mặt đóng vai làm thầy người khác (như một ông anh gọi hiện tượng này là “độc quyền kiến thức”), thì làm gì còn cơ hội để thu thập thêm kiến thức mới. Thấm thía câu một chú em đạo hữu nói hôm qua: “Học nhiều lại mất công phá chấp nhiều” thật tâm đắc!

Tháng trước đi họp khóa, ông bạn cũ học lớp bên cạnh, nay gặp trên Facebook cứ khen: “Bạn viết tốt tớ rất thích!” – mình chẳng dám nghĩ gì đến điều đó đâu bạn ạ, bạn khen, mình cảm ơn, nhưng mình không dám mê mải vào điều đó, suy cho cùng, huyễn hoặc cả ấy mà.

Phật dạy về điều này rồi, học nhiều chấp nhiều, “Sở tri chướng” là mắc kẹt vào cái mình biết chính ở chỗ này đây.

Năm. Mong mỏi mãi mới được gặp Cụ Thích Phổ Tuệ, nhưng đến chùa Viên Minh nhằm ngày 8 tháng Bảy Âm lịch lại là Chủ Nhật, các đoàn đến đông quá. Đoàn nào cũng thích được chụp ảnh chung với Cụ, lại nhiều bà nhiều chị cũng đã năm mươi cả rồi, tíu tít như trẻ con xin Cụ xoa đầu “cho thông minh” (he he, đùa tí, nhìn các chị chả khôn lõi đời rồi í), đâm ra mình cũng không dám phiền Cụ, chỉ đứng xa xa mà nhìn thôi. Lại nhớ chuyện Đại lão Hòa thượng Daiichi Yoshimuzu từ Nhật Bản sang Việt Nam, gặp Cụ chẳng phải chuyện dễ, thế mà mình “mèo mù vớ cá rán”, loạng quạng thế nào được gặp Cụ, nói chuyện với Cụ…

Mọi sự, nên tùy duyên.


Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment