Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Tuesday, August 12, 2014

"Cụ" chuột vàng

Alaska -
cái bẫy "chuột" Nhật
Tranh cổ động thời
Thế chiến II
Ở khu vực nhà mình bây giờ, có kha khá chuột. Trong số đó, có một số con chuột rất to, chạy không nhanh lắm vì người chúng nó to phình ra, chân thì lại bé tí. Hội này, là chuột cống, chứ không còn là chuột nhà nữa rồi.

Trong số những con chuột rất to, lại có một bác rất rất to, to nhất hội. Mình để ý nó từ năm ngoái, hồi nó còn chạy được nhanh nhanh. Bộ lông của nó màu vàng, đã trụi nhiều chỗ, xù lên. Màu vàng của bộ lông thật kỳ lạ, không vàng rực lên như con hổ hay đỏ như cáo, mà đây nó cứ hoe hoe thế nào, thật như một thằng nhóc hay đi bêu nắng ngày xưa tóc cháy nắng vậy. Mình đoán nó đã rất già, nên lông nó mới vàng xuộm đi như thế. Những chỗ lông trụi của nó, chỗ thì có vẻ là do nó chui hàng rào nhiều quá mà rụng, nhưng cũng có những chỗ trông như những vết sẹo.

Tay này là giang hồ thứ thiệt đây! Bình thường, các nhà trước giờ xe rác đến, hay đem túi rác để dọc ngõ, thật là những bữa tiệc thịnh soạn cho lũ chuột. Chúng nó đục tan túi ra, bới rác rơi lung tung ra ngõ. Đi thành đàn, lũ lượt kéo ra, nhưng thấy người là chạy. Riêng “cụ” chuột vàng, không bao giờ đi cùng với ai. Toàn “sôlô” hết. Sở dĩ gọi nó là “cụ”, vì năm nay gặp lại, hắn ta chậm hẳn đi. Bò lừ lừ, bất chấp người xe qua lại, cũng chẳng thèm đoái hoài gì đến mấy con mèo. Mình thử “suỵt”, nó lờ đi, từ từ đi tiếp. Hình như nó đã điếc, và mắt cũng đã kém rồi. Vẫn ra lục túi rác như mọi khi, một cách chậm chạp…

… tính ra, nếu theo lý thuyết, “cụ” này khoảng 3, 4 tuổi; tương đương với người khoảng 80 tuổi. Con chó nhà mình, mắt lòa tai điếc, 14 tuổi, khoảng trên 100 tuổi người; nó cũng già quá rồi, nên “cụ” chuột thoát. Nếu không thì đã toi đời với con chó từ lâu rồi, sao sống được đến giờ này.


Kể cũng lạ, con chuột có một vai trò rất quan trọng trong văn hóa dân gian của nhiều nước, từ lâu lắm rồi, mà vẫn bị người ta cứ coi nó như kẻ thù – vì đã từ lâu nó được coi là loài độc hại. Ngược lại, nó đứng đầu 12 con giáp, và trong tiếng Hoa, chỉ có nó và con hổ, là hai con trong 12 con giáp, có chữ “lão” ở đầu: “lão thử” và “lão hổ”. Mình thì chẳng sợ chuột, nhưng ngày xưa, hồi thanh niên, ghét nó như nhiều người khác ghét nó. Ghét nhất là cái đuôi của nó, thường không có lông hoặc rất thưa, da vằn vằn y như cái vỏ dây phanh xe đạp, ghê hết cả người.

Ấy thế mà cũng ăn thịt chuột hai lần. Lần thứ nhất, ông nội bọn trẻ con nhà mình bây giờ, túm được con chuột đồng, làm thịt. Ông chén gần hết, chỉ còn bốn cái đùi, ông cho mình ăn hai cái, còn hai cái, phần bà nội bọn trẻ. Bà nội về, ông bảo, hôm nay bẫy được con chim, phần mẹ nó hai cái đùi. “Mẹ nó” không để ý, chỉ hỏi qua loa là hai bố con ăn chưa, rồi ăn cơm với hai cái đùi “chim” ngon lành. Lúc sau, lại ngờ ngợ hỏi lại: thế cho con (là mình, lúc đó chỉ 3 tuổi thôi) ăn cái gì, lườn con chim à? Ông cụ bảo: hai bố con cũng ăn đùi “chim”, mỗi bố con một cái. Bà cụ ngớ ra, “chim” gì có những bốn cái đùi như thế? Lúc đó mới hét váng lên vì vừa ăn thịt chuột… còn đe: “Thằng bé nó làm sao thì ông chết!” – ông cụ cười ha hả, còn “thằng bé” tròn xoe mắt, chẳng biết gì…

Đến khoảng 5 tuổi, có lần hai anh học sinh của mẹ đến chơi, đuổi đập được con chuột đồng to tướng ở ngoài hiên dãy tập thể giáo viên. Các anh kéo nhau lên phòng hội đồng nhà trường chỉ còn ông bảo vệ gác đêm, rủ ông ấy làm thịt nó. Họ còn ướp lá chanh, ép nó ở giữa hai cái ghế băng. Mình cũng được mấy miếng, nói chung là không tệ, nhưng chẳng có gì đặc sắc.

Ăn không chết, ít ra chuột đồng hồi cách đây ba mấy năm không thể độc hại bằng thịt lợn bây giờ được. Bây giờ theo Phật rồi, đến thịt lợn thịt bò, tôm cá còn chẳng ăn, nữa là thịt chuột.

Cứ mỗi lần nhìn thấy “cụ” chuột, lại nghĩ đến một chuyện “một tuổi người bằng bảy tuổi chó”; con chó sống 10 tuổi bằng ông lão 70. Lại nhớ ra đọc ở sách Phật nào, nói ở cõi trời gần chúng ta nhất: “tam thiên”, một ngày trên đó bằng 100 năm trên cõi Ta Bà của chúng ta. Cũng như những truyện khoa học viễn tưởng ngày xưa, người dùng tàu vũ trụ đi chu du chán chê sang tận thiên hà nào xa lắc lơ, về nhà thấy mình thì già đi vài tuổi, còn bà vợ đã thành một bà cụ mồm miệng móm sọm.

Bây giờ chúng ta bàn đến chuyện “hậu sự” cho “cụ”. Chắc chỉ tầm ít lâu nữa thôi, là “cụ đi”. “Cụ” sẽ nằm ở một xó xỉnh nào đó, thậm chí chui dưới cống, chỗ “cụ” có hộ khẩu thường trú, mà chết.

Nếu hiến xác “cụ” cho khoa học thì sao nhỉ? Ý là “cụ” sẽ được kết thúc trong một lọ phoócmôn chẳng hạn. Ngày xưa ở Hàng Bài, đối diện Công ty Xổ số Hà Nội ấy, có cái Trung tâm y tế, bây giờ nó vẫn là trung tâm y tế. Hồi đó ở sau cửa sổ kính sát mặt đường, người ta bầy rất nhiều lọ phoócmôn, đựng đủ thứ, nhất là mấy cái bào thai dị dạng, trông sợ kinh khủng. Đi học trên Cung thiếu nhi, đi bộ qua đó là phải xem, mãi sau quen, hết sợ. Khái niệm “quái thai ngâm dấm” là từ chuyện này đây.


“Lưu lại với hậu thế” theo kiểu này, chắc gì “cụ” chuột đã ham. Cách thông thường nhất của việc mai táng chuột, tức là theo phong tục tập quán, “thuần phong mỹ tục Việt Nam” và đơn giản nhất, là nếu “cụ” nằm xuống ở đâu đó, thì nhặt và vứt “cụ” ra đường. Chiếc xe đầu tiên cán qua “cụ”, tim gan phèo phổi của “cụ” sẽ tóe ra, đỏ au. Chiếc xe thứ hai cán qua “cụ”, cả những mảnh thịt của “cụ” cùng máu me, nát ra, vẫn đỏ au. Chiếc xe thứ ba, chiếc xe thứ tư… dần dần, cái xác của “cụ” nó cũng khô dần, mỏng dẹt như miếng bìa. Rồi cứ thế, “cụ” “tan” dần ra, thành những hạt bụi, bay lên không khí, và nhiều hạt trong số đó, chui vào phổi của chúng ta. Cát bụi lại trở về với cát bụi – “hạt bụi nào hóa kiếp thân “cụ”, để một mai “cụ” về làm cát bụi…”

“Cụ” vẫn sống mãi trong lòng chúng ta, cụ thể là trong phổi của chúng ta. Cách mai táng này, làm cho “cụ” sống mãi trong lòng dân tộc, hơn là cách ướp xác bằng phoócmôn nhiều, lại rẻ tiền, không tốn kém. Đất nước còn nghèo, nhân dân còn nhiều khó khăn, không nên tốn phoócmôn cho những trường hợp không cần thiết, nhất là với những “cụ” chuột thầm lặng, không ầm ĩ…

Nhân sáng nay đi xe máy, một ô tô vượt lên chẹt đúng vào một ống sơn xịt bằng khí gas đã hết khí, nhưng còn sơn, bị vứt ngoài đường. Nó nổ bùm, sơn vung ra đường, mình dính một tí, còn hắt trọn vào một cô đi đường phía trước mình, xanh lè. Đi thêm vài chục mét, bắt gặp xác một “cụ” chuột tầm cỡ như “cụ” ở ngõ nhà mình, đang ở trong giai đoạn “chiếc xe thứ hai” mà nghĩ đến cái “thuần phong mỹ tục đậm đà bản sắc dân tộc” mà chạnh nhớ “cụ” chuột vàng “thân thương” ở khu nhà, tự bảo mình câu chuyện phải được viết lại.

Có lẽ chưa có vòng đời của chúng sinh nào, đem lại nhiều bài học về triết học, về nhân sinh quan, về xã hội học và cả chính trị học, nhiều như mấy “cụ” chuột già này.

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây

No comments:

Post a Comment