Nhiều bạn Facebook cứ thắc mắc, là mình làm nghề
gì, học cái gì… mình thì chẳng thích công bố chuyện đó. Nhưng sau những diễn biến
ở bán đảo Crimée, mình quyết định phải thú thật, là nghề được đào tạo là “Lịch
sử quan hệ quốc tế”. Vậy thôi, trong bài này, xin giở võ tí chút.
Bán đảo Crimée (tiếng Pháp, tiếng Nga và Ukraine
là Crưm) có vị trí địa chính trị chiến lược đối trong khu vực, đối với cả Nga
và Ukraine, thậm chí với nhiều nước trong vùng xung quanh biển Đen. Nếu như ai
đó đã đọc hồi ký “Đất nhỏ” của L. Breznev sẽ thấy bán đảo có vị trí cực kỳ quan
trọng – hồi năm 1943 trong Chiến tranh Vệ quốc, khi Hồng quân Liên Xô chiếm được
một bàn đạp trên bán đảo mà họ gọi là “Đất nhỏ”, từ đó mở rộng vùng giải phóng
đóng góp quan trọng vào chiến dịch giải phóng Ukraine.
Về những hành động của Nga nói chung và Putin
nói riêng gần đây đối với Ukraine và Crimée, đầu tiên, chúng ta phải đánh giá,
đó là thành công thực sự lớn, có ý nghĩa với đất nước Nga. Hành động kịp thời,
quyết liệt, có tính toán… thể hiện đúng bản chất con người Putin, một cựu trung
tá KGB – lạnh lùng và quyết đoán. Nếu chỉ chậm hơn vài ngày, Mỹ và Phương Tây
nhảy vào, coi như là vứt. Và Nga đã thắng. Tất nhiên, không có thắng lợi nào là
không phải trả giá. Vậy cái giá phải trả là gì?
Đầu tiên có thể nói việc đưa quân đội vào lãnh
thổ một nước khác, đó là hành động bất chấp pháp luật quốc tế. Và Nga đã làm,
nhưng sau đó thì gọi “trại” các lực lượng này sang thành “các đội tự vệ” nào đó…
nhưng việc xảy ra thì đã xảy ra. Tiếp theo là việc Crimée tổ chức trưng cầu dân
ý, mà ngay từ trước khi nó diễn ra cả tuần ai cũng có thể đoán được kết quả sẽ
như thế nào.
Dễ dàng tìm thấy số nước không công nhận kết quả
này, không phải vì các con số, không phải vì những lời phát biểu của các công
dân Xô-viết cũ ở bán đảo Crimée… mà là do “những gì ẩn giấu” phía sau để có được
cái kết quả chắc chắn đó. Không phải vô cớ mà các nước, toàn cường quốc G7 cả lại
không công nhận vụ trưng cầu dân ý này.
Chúng ta hãy nhớ là Hoa Kỳ có thể đưa quân vào
nước khác, nhưng đều có những xin xỏ để có những danh nghĩa nhất định. Lần này,
Nga kịp thời nhanh chóng, nhưng không có được những điều đó. Về lâu về dài,
chưa biết những gì sẽ đến cho Nga, nhưng lợi là được đất, hại về quan hệ quốc tế,
điều đó là rõ ràng.
Đồng thời sẽ có những giả thuyết (mặc dù việc xảy
ra trong thực tế gần như là không thể) – ví dụ như một ngày, nước Cộng hòa tự
trị Karelia ở phía Bắc nước Nga, gần Bắc Cực, tổ chức trưng cầu dân ý để được
trở thành một phần của nước Na Uy, Phần Lan, hay Thụy Điển gì đó thì sao? Hay
nước Cộng hòa tự trị Tartarstan lại trưng cầu dân ý để trở thành một phần lãnh
thổ của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa? Không có gì là không thể xảy ra, ít
nhất là trên lý thuyết.
Cái mất của Nga, là mất về lý lẽ. Không có một
lý lẽ nào để biện minh khi người ta đặt những câu hỏi kiểu như thế. Còn cái mất
của Putin, là người ta đang liên tưởng tới những hành động của Hítle khi xâm lược
Tiệp Khắc để “bảo vệ những người nói tiếng Đức”. Tuy nhiên, cái gì cũng có hai
mặt của nó, không nên đánh đồng như thế, cũng là bất công với Putin. Hítle có
dã tâm gây chiến tranh thế giới, nhưng chúng ta không có căn cứ để tin rằng
Putin muốn điều đó. Đồng thời, chúng ta cũng cần phải hiểu trong pháp luật quốc
tế còn có một nguyên tắc nữa, là tôn trọng “quyền dân tộc tự quyết”, nghĩa là
khi dân cư thuộc một dân tộc nào đó chiếm đa số trên một vùng lãnh thổ, có thể
có quyền được tự quyết cho sự độc lập của cộng đồng mình trở thành một quốc
gia, một thực thể của công pháp quốc tế, hay là một vùng lãnh thổ của một quốc
gia khác… Điều này đúng với dân cư gốc Nga trên bán đảo Crimée – họ cũng có quyền
lợi chính đáng của họ để tự quyết định cho số phận vùng đất mình đang sinh sống.
Tự dưng chúng ta sờ lên gáy, thật may trước đây
Bác Hồ và Đảng ta không nghe lời các bạn Trung Quốc, duy trì các khu tự trị Thái
Mèo Tây Bắc, Việt Bắc, và nhất là khu tự trị của người Mèo Hà Giang… không phải
tư tưởng “dân tộc lớn Đại Kinh” gì ở đây đâu, nhưng nếu tồn tại những khu tự trị
đó ngay sát nách ông Trung Quốc, thì tai họa khôn lường. Một ngày nào đó người
Mông Hà Giang lại bỏ phiếu trưng cầu dân ý để trở thành một huyện của Quảng
Tây, Trung Quốc chẳng hạn…
Vì thế cho nên thật dễ hiểu, khi mà truyền
thông Việt Nam đưa tin ban đầu là “Trung Quốc ủng hộ Nga”, nhưng sau đó, không
nói gì nữa. Chính xác, là Trung Quốc im lặng. Chúng ta cũng cần nhớ ra rằng, nếu
Trung Quốc ủng hộ Nga trong vấn đề Ukraine – Criméa; nghĩa là Trung Quốc sẽ dễ
dàng đối mặt với chủ nghĩa ly khai đang rất nóng ở Tân Cương và Tây Tạng – khi mà
cái máy bay Malaysia mất tích còn chưa tìm thấy và bị nghi là do người Duy Ngô
Nhĩ (Uighur) đứng đằng sau, khủng bố. Chính vì thế mà hôm thứ Bảy (15 tháng Ba)
vừa qua, trong khi các nước thành viên Hội đồng bảo an Liên Hiệp quốc không
công nhận kết quả trưng cầu dân ý ở Crimée – Nga thì phủ quyết nghị quyết này
còn Trung Quốc thì vắng mặt. Có mặt là dở luôn, ủng hộ cũng không được mà phản
đối cũng không xong.
Cho nên thực tâm mình thấy những người Việt Nam
đang hể hả cho những thắng lợi của Nga ở Criméa – là họ chưa thấy hết được vấn
đề. Chúng ta nên nhớ là đất nước Nga, đại đa số dân chúng bình dân không biết
ngoại ngữ, và những tiếng nói đối lập bằng tiếng Nga, hoàn toàn không như một số
nước khác… do đó, số lượng dân Nga ủng hộ Putin cao, là bình thường, nhất là
trong những năm gần đây chính sách khá rõ rệt của Nga trong việc muốn phục hồi
Chủ Nghĩa Đại Nga.
Nếu chỉ nhìn thấy các phong trào phát-xít mới
hoành hành tại Ukraine và cả Nga, mà chỉ ra đó là mầm mống của hỗn loạn, cần có
sự ra tay của Putin… thì hoặc là ngây thơ, hoặc cố tình không biết để hô hào
cho cái mà mình yêu thích và bảo vệ. Các nhóm cực đoan trên các nước thuộc Liên
Xô cũ, mà nhất là ở Nga và Ukraine… nhiều người biết rằng có những thế lực đen
tối đứng đằng sau chúng, trả tiền cho những hoạt động của chúng, rất maphia, rất
kinh khủng và thậm chí thế lực đó, ở tầm Nhà nước. Vì thế, với dân Nga, ủng hộ
Putin là có ăn, và yên thân. Một người Nga hiểu biết đã nói: tại sao phát-xít mới
ở Nga và cả Ukraine “hoạt động theo mùa” – vì chỉ vào những “mùa” nhất định,
chúng mới được trả tiền. Chúng được trả tiền để gây hỗn loạn xã hội và khiếp sợ
trong dân chúng. Và nếu phát-xít mới đang hoạt động ở Ukraine gây hỗn loạn xã hội,
thì ai là người có lợi? Là Putin! Logic chỉ đơn giản vậy thôi, mà tại sao chúng
ta không nhìn ra nhỉ?
Một bài viết ngăn ngắn mà đã gặp bao nhiêu vấn
đề hai mặt. Điều này đòi hỏi Phương Tây và Nga đều phải tìm giải pháp tốt nhất “win-win”,
vì trừng phạt Nga về kinh tế thì chẳng ai được lợi cả, còn việc Crimée về Nga,
đã là không phải bàn cãi và cũng cần phải dung hòa quyền lợi của dân cư gốc Nga
sinh sống trên bán đảo này…
Ván cờ địa chính trị mới chỉ bắt đầu.
No comments:
Post a Comment