Lần gần đây nhất đi nghe/xem “Đêm nhạc Phú
Quang” đến nay đã tròn 2 năm – tối 2 tháng Hai năm 2012. Chương trình được đặt
tên “Cho em và cho anh” – hôm đó là
đêm diễn thứ hai
và cũng là đêm cuối.
Đi cùng chị xã, không đến mức đóng xì-mô-kinh
và nơ bướm đen như đi nghe nhạc cổ điển hay diễn balê như ở “bên Tây”, cũng phải
đóng lấy bộ complê và chị xã cũng đóng lấy cái đầm, “chuệnh choạng” ra trò. Đến
sảnh đứng loăng quăng một lúc ở ngoài, gặp ngay anh Hồng Thanh Quang. Anh ấy
cũng mặt comple, hai anh em lâu không gặp, bắt tay bắt chân mừng ra phết. Mình
ngờ ngợ, có khi lại được nghe một bài thơ của anh ấy Phú Quang phổ nhạc thì vừa…
Thực sự rất xúc động với các
ca khúc hay tuyệt về Hà Nội của Phú Quang. Không có bộ giàn hi-end nào lại được
với cảm xúc ở Nhà hát lớn. Anh bạn Tấn Minh làm mình nhớ đến thời sinh viên
"noãng mạn", mình cũng trẻ măng, xinh trai như thế (hi hi), hát “Điều
giản dị” là chị em cứ là “hóc tu tu”. Bây giờ anh chàng trông vưỡn thế, nhưng mình
thì già và xấu như khỉ rồi…
Cô bé Mỹ Tâm bằng chất giọng
vang vang đặc biệt của mình, hát rất hay bài hát “Đêm thấy ta là thác đổ” - bài nhạc Trịnh mình mê nhất. Cái cô Xuân Nhị (Nhóm "Con
gái") đã to đùng ra, chắc mới có thêm trẻ con, - vai to như vận động viên bơi lội
vậy. Họ hát bài Hà Nội ngày trở về không mấy thành công.
Có lẽ nhiệt tình nhất với đêm
diễn phải là Ngọc Anh (cựu 3A), hát bài "Mẹ" và "Khúc mùa thu" (đều thơ Hồng Thanh
Quang) rất xúc động. Lúc trước buổi diễn, đứng ở sảnh nói chuyện luyên thuyên với
anh Quang một thôi một hồi mà không biết buổi diễn sẽ có tình tiết cô Ngọc Anh
sau khi hát “Chiều phủ Tây Hồ” sẽ nhắc cô giáo 5 năm nhạc viện của Ngọc Anh: Cố
NSND Lê Dung (người thể hiện rất thành công bài này - Album “Hà Nội mùa vắng những
cơn mưa”) rồi tiếp tục hát bài “Khúc mùa thu” vì anh Quang đã viết bài thơ đó tặng
Lê Dung.
Chị xã không nghe mấy nhạc Phú Quang
cũng thấy hay, rất cảm động nghe
“Người đàn bà giấu đêm vào trong tóc...” Khi Ngọc Anh hát bài “Mẹ” (Người đàn
bà đầu tiên và mãi mãi không bao giờ phản bộ dẫu rằng con ngu dại một đời...)
nhiều khán giả đã khóc. Một chương trình xứng đáng để lặn lội mưa rét, nhất là
với những fan của Phú Quang, với những người của Hà Nội…
Đây là buổi đầu tiên mình đi
xem ở Hà Nội sau khi ở nước ngoài về - một thời gian dài… Nhiều cái gợn quá. Nhiều
khán giả vẫn đưa trẻ con vào, ngồi kèo nhèo bố mẹ và không rõ để làm gì? Hay ở
nhà chúng nó không có người trông? Họ hồn nhiên ăn hạt bí, cắn hạt hướng dương rào
rào trong Nhà hát lớn. Cũng rất nhiều người không tắt chuông điện thoại di động
và nếu có cuộc gọi đến, vẫn điềm nhiên nghe điện thoại…
Đi nghe Phú Quang – mình đã nói không như là
nghe cổ điển, như dự những buổi tiệc mang tính ngoại giao trang trọng “tuxedo” –
nhưng cũng phải phục sức cho lịch sự - đó là thái độ tôn trọng người nghe, tôn
trọng Nhạc sỹ - người tổ chức chương trình và tôn trọng chính thị hiếu của mình;
đó chính là tự trọng. Tiếc là chỉ số ít khán giả là ăn mặc lịch sự - còn phần lớn
các khán giả không ăn mặc đẹp. Ngồi cạnh mình có hai bà sồn sồn ngoài 50
tuổi trông như vừa rời phản thịt chợ Hôm chạy vào xem vậy. Bị cô soát vé nhắc, hai
bà cất hạt bí đi. Được một lúc thì một bà ngáy vo vo. Còn thým kia thì co chân
lên ghế kiểu ngồi ẹp hai đầu gối sang một bên, khổ cái, “nàng” chìa hai cái bít
tất sang chỗ cái đùi của mình, ui giời ôi là sợ chết khiếp! Lúc bả có điện thoại,
tất cả khu vực nhìn đổ dồn vào mình một cách khó chịu, may mà “nàng” kịp móc
ra, nhưng không phải để dập máy mà hồn nhiên nghe và nói - nẫu cả ruột…
Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment