Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Saturday, March 8, 2014

Giới hạn

Khi nói đến phạm trù đạo đức, người ta thường nói đến những giới hạn mà con người thường phải tự đặt ra cho bản thân mà tự răn mình đừng vượt qua. Từ thời các cụ học đạo Khổng đạo Lão… đã học “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”. Rồi không kể đến những giáo dân, tín đồ Công Giáo hay Phật giáo, đều có những điều răn, thể hiện mong muốn tột bậc của Chúa, của Phật giành cho những đứa con của mình, những tín đồ có thể đạt được những cảnh giới tốt đẹp hơn.

Thực sự, xung quanh chúng ta có nhiều giới hạn đến vậy sao? Lần này mình không có ý định đề cập đến những giới hạn từ khía cạnh đạo đức học như vậy – chúng ta có thể tìm thấy chúng ở rất nhiều nơi, nhất là trong thời đại của internet. Còn có những giới hạn khác, những giới hạn mà chúng ta không thể vượt qua được bằng những quy tắc ứng xử thông thường, kể cả dùng những chuẩn mực đạo đức.

Hàng ngày, ngay từ sáng sớm chúng ta đã bị cuốn vào cái vòng đời be bé từ đưa con đi học đến hộc tốc phi đến chỗ làm… trước đó là cái vòng to hơn, vòng “chạy trường cho con” để phục vụ cho cái vòng to đùng, “vòng mong ước cho con trở thành Ngô Bảo Châu”. Có thực sự là tôi, bạn, Ngô Bảo Châu, Steve Jobs, Vladimir Putin, Barack Obama… có người ngốc hơn người khác và ngược lại, phải chăng có người thông minh xuất chúng hơn người khác chăng?

Khoa học đã tỏ ra có lý, khi cho rằng con người mới chỉ sử dụng được chừng đâu như 10% năng lực của bộ não mình mà thôi. Con số này mình thực sự không nhớ chính xác, và cũng chẳng có ý định tra cứu xem nó là bao nhiêu – cũng chẳng quan trọng vì ngay cả khoa học cũng nào có phép đo nào chính xác về chuyện này đâu. Đồng thời hầu hết tất cả mọi người cũng có lý khi hiểu rằng có người này thông minh hơn người khác. Tử vi, một môn khoa học dựa trên thuật chiêm tinh của người Trung Quốc mà cố giải thích số phận của con người, cũng đã có những công thức về sự thông minh, trí lực của một con người, như “Hóa khoa thủ mệnh” hay những sao rất tốt cho sự học ví dụ Thiên Khôi, Thiên Việt… một cách tự nhiên, chúng ta hiểu rằng tạo hóa cho chúng ta một cái vốn bắt đầu từ con số “không” và người này sẽ được một cái “đặc quyền” nào đó, có một cái vốn lớn hơn những người khác, tính từ con số “không” đó lên.

Vậy tại sao chúng ta không suy nghĩ ngược lại, rằng, tự nhiên hay tạo hóa, hay thượng đế hay bất kỳ ai đó có ảnh hưởng đến sự xuất hiện và tồn tại của chúng ta trên thế giới này – cho chúng ta cả một cái vốn không phải là “con số không phần trăm” mà cho hẳn “một trăm phần trăm”; nhưng phần lớn nhân loại chỉ sử dụng được khoảng 10% mà thôi? Và đương nhiên, với tùy từng người, người thì dùng được 9 phần trăm rưỡi, người thì được 10 phần trăm rưỡi. Ngô Bảo Châu chắc được 11% gì đó về toán học, nhưng về muối dưa muối cà, chụp ảnh phóng xe máy, chắc gì đã được 2, 3%... Chúng ta dùng được cái computer, sờ được vào cái ai-phôn vuốt vuốt và chúng ta khinh khi nhìn một cụ già nhăn nheo, kèm nhèm, run run đang chỉnh sửa cái quang gánh mà tưởng chúng ta đã “tiếp cận được văn hóa tiên tiến của nhân loại”… mà hoàn toàn không ngờ với chính cái “tưởng” đó, chúng ta sa vào một sự u mê và tăm tối lớn ghê gớm.

Để nâng được cái “phần trăm” đó lên dù chỉ một tí ti, chúng ta đều phải vượt qua những giới hạn nào đó – mong con trở thành Ngô Bảo Châu, chúng ta trèo qua cổng trường kiếm hồ sơ mà hoàn toàn không rõ rằng, bằng cách nhồi nhét kiến thức vào đầu con cái như thế, chúng ta mới chỉ cố gắng ủn đít con vượt qua cái “giới hạn vật lý” của khả năng nhận thức của con người mà thôi.


Chẳng lẽ câu chuyện lại trở nên cao siêu, trừu tượng và khó hiểu vậy sao? Hoàn toàn không hề… vì mình đã đặt vấn đề từ cái đoạn “cần phải tư duy ngược lại" rồi. Nếu hiểu được rằng, tất cả chúng ta vốn dĩ, hoàn toàn như nhau và bình đẳng về năng lực; từ Ngô Bảo Châu đến ông ăn mày; từ Obama đến những hình bóng đang ngắc ngoải ở Xômali… thì chúng ta đã bắt đầu hình dung ra được cái giới hạn phải vượt qua rồi đấy.

Giới hạn đó nằm trong lòng chúng ta, là “bản ngã”, là sự “kiêu mạn”. Hiểu được nó và sửa dần nó, đã bắt đầu bước chân vào con đường vượt qua "giới hạn" đó. Cuối cùng thì Đức Phật vẫn tỏ ra có lý nhất: “Tất cả chúng sinh vốn là Phật”…

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment