Địa chỉ "đỏ" này bạn nào có nhớ? |
Mình là người ăn chay, nhưng chưa trường chay mà ăn khoảng 2/3 số bữa vì một số lý do khách quan chứ không liên quan đến vướng mắc thèm thuồng gì. Thích bỏ ăn mặn lúc nào thì bỏ thôi, không bứt rứt buồn bực vì thiếu thịt, thiếu cá, thiếu tôm… Bỏ ăn thịt chó cũng đã được chục năm nay, nhưng bỏ là bạn rủ không đi, chứ không có nghĩa là “đụng trận” không “chiến” được; về quê ăn cỗ gặp thì vẫn phải gắp bình thường. Nhưng bỏ là bỏ, không khởi tâm thèm thuồng.
Đến đây, ắt sẽ có nhiều người đoán, à, chắc cha
này chuẩn bị chỉ trích người ăn thịt chó đây…
… thời thanh niên mình thích ăn thịt chó –
không tôn sùng như một số người muốn đưa thịt chó thành “Mộc Tồn Giáo”, có giáo
chủ và các giáo lý răn dạy các tín đồ; nhưng mà thích. Thích hoàn toàn không phải
vì nó ngon hơn hẳn các thịt khác. Lý do thích thì sẽ nói sau, nhưng nhắc đến
ngon – ăn thì phải ngon, ta thử nhớ lại thịt chó nó có gì đặc biệt mà người ta
thích thế?
Đúng, thịt chó rất đặc biệt – miếng thịt chó
thường có đầy đủ các thành phần: nạc có, mỡ có, bì cưng cứng có… nạc không ra nạc,
mỡ chẳng ra mỡ - nó không nạc bã ra như miếng sắn dây đầy xơ, cũng không cắn
phòi mỡ ra như thịt con lợn béo… thịt chó ăn có một vị gây gây, nhưng cái gây
gây đó là gây gây dạng ma túy, người ta hoàn toàn có thể nghiện vì nó được. Miếng
thịt bò gây gây, ăn mùa đông nguội là mỡ có thể đông cứng trên miếng thịt,
nhưng miếng thịt chó làm khéo, kể cả nguội vẫn mềm và vị gây của nó thì hoàn
toàn không bị chán. Chính cái sự mỡ màng ấy của nó mà khi nó chảy, cháy trong lửa
nướng làm cho nhiều người đang đi đường, hít mùi khói nướng chó mà cầm lòng
không đậu, tạt vào làm một đĩa… Dù có sáng tạo câu khách đến mấy chăng nữa, thì
thịt chó vẫn những món cơ bản chẳng chạy đi đâu được, đến nỗi câu “cầy tơ bảy
món” nghe âm vang như một lời hiệu triệu các tín đồ vậy: luộc (hấp), nướng, chả,
nhựa mận, xáo chó, đùi nhừ hoặc gan nướng cuốn mỡ chài, dồi. Có hồi người ta bảo
con chó thịt ngon như thế còn do bí quyết nhà hàng, sau khi mổ thịt còn phải
ngâm nó xuống ao ba ngày, cho mềm hơi sình lên, thì mới ngon, lên “hương”… he
he, chuyện đó với dân nhậu, không có thành vấn đề. Rượu vào là ngon tất!
Nhắc đến rượu – người ta còn nói tắt “RTC” (rượu
– thịt chó), nghĩa là thịt chó phải đi với rượu, thứ rượu quê chuẩn chứ đi với
Giôn-ni Oắc-cơ thì siêu khập khiễng… người ta bảo thịt chó ăn “nóng”, nhưng
trong một số quan điểm Đông y thì thịt chó tính có nóng, nhưng nghiêng về “ôn”
nhiều hơn, nóng là nóng do rượu, chứ không hẳn do thịt chó. Cũng như ăn thịt
chó là phải ngồi xếp chân bằng tròn mới ngon, chứ ngồi bàn là đã không sướng rồi.
Hoàn toàn không sai khi có nhiều tín đồ muốn
đưa thịt chó thành một “nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc” thậm chí có tính “đoàn
kết quốc tế” với nhân dân Hàn Quốc anh em. Thật là trước khi có các diễn đàn trực
tuyến, rồi mạng xã hội… thì thịt chó là một trong những chỗ gắn kết bạn hữu: ăn
thịt chó giải đen, ăn thịt chó lấy may, là dịp gặp nhau cuối tháng âm lịch… với
nhiều người, cũng là cái cớ để tụ tập anh em chiến hữu chứ không chỉ là ăn là uống.
Văn hóa ra phết ấy chứ đùa à… Cỗ cưới ở quê nhiều nơi, không thể thiếu món thịt
chó. Bây giờ có internet thì lại có các “diễn đàn, box thịt chó”… thật không thể
nào thoát được, hì hì…
Mình cũng thế, hồi thanh niên kéo nhau lên “Liên
hiệp các xí nghiệp thịt chó” ở đường Âu Cơ (Hà Nội) bây giờ như ngày hội. Hà Nội
thời đó vắng vẻ hơn bây giờ nhiều, đi từ quận Hai Bà Trưng là phía Nam lên mạn
Hồ Tây, ngồi quán nhìn ra sông Hồng mà ăn, thật chẳng sướng sao? Bạn bè gặp
nhau, cười vỡ trời vỡ đất, vui vẻ có thừa, thật chẳng sướng sao?
Tuổi thanh niên chơi thể thao, nhà nghèo có mấy
thịt thà mà ăn đâu, nên bữa “vitamin gâu gâu” công nhận là bữa cải thiện giá trị
- vì tính ra, thịt chó ăn rẻ hơn các loại thịt khác – thật lòng là vậy. Với
mình, thịt chó không ngon hơn các thịt khác, thậm chí so với thịt bò thì chán
hơn nhiều, nhưng hồi đó, thích ăn thịt chó vì nó rẻ, đơn giản vậy thôi. Đến khi
đi làm, cán bộ Nhà nước lương thấp, bữa thịt chó vẫn là bữa gắn kết anh em
trong cơ quan mỗi khi có dịp gì đó để ăn tươi… cũng là thứ lựa chọn vừa túi tiền.
Thịt chó là món bình dân là thế. Vì thế mà có
nhiều sếp, đại gia rồi, nhớ lại hàn vi, vẫn né nhà hàng sang trọng mò vào hàng
thịt chó hít mùi chả nướng mà rưng rưng hai hàng lệ…
… những niềm vui nó “chính đáng” đến thế, lại “đậm
đà bản sắc” đến thế, dễ gì bỏ được? Vì thế cứ hễ có ý kiến về “ăn thịt chó là tội
ác” – y như rằng là cãi nhau to.
Chúng sinh là bình đẳng, ăn thịt nào thì cũng
là sát sinh, ăn thịt chó chẳng hề tạo nghiệp nặng hơn ăn thịt con khác, thậm
chí chén một mẻ tép xào khế lượng chúng sinh chui vào bụng còn lớn hơn nhiều.
Nhưng con chó là bạn quá trung thành của con người, có lẽ mãn kiếp con người
khó kiếm được “người” bạn nào trung thành hơn thế - đến mức khi người ta nói
câu “chó là NGƯỜI bạn trung thành của con người” chẳng mấy ai để ý, trong câu
đó có chữ NGƯỜI. Chó là một con vật như thế nào đó, với rất nhiều người, hơn giống
vật khác…
Vì thế ăn chay, ăn mặn, ăn thịt con gì… phụ thuộc
rất nhiều vào nhận thức của mỗi người. Người ăn chay, người không ăn thịt chó…
mà đi mạt sát người còn ăn mặn, người còn ăn thịt chó cũng là không phải. Đức
Phật dạy rồi, tạo NGHIỆP là có cả thân, khẩu, ý… khởi tâm ác đã tạo nghiệp dữ,
lại mạt sát người khác, cũng vẫn cứ là vô minh, chưa hiểu biết. Yêu động vật,
yêu chó… là từ bi, nhưng cũng không vì thế mà biến những người còn ăn thịt chó
thành kẻ thù.
Bỏ thịt chó là bỏ, không khởi tâm căm ghét (người
còn ăn thịt chó). Cảm hóa là phải từ từ… Từ bi cũng phải có trí tuệ là vậy.
Đọc thêm bài "Cỗ chay" và "Ăn chay ngủ mặn"
Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây
Đọc thêm bài "Cỗ chay" và "Ăn chay ngủ mặn"
Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây
Sau 24h lên mạng, bài MỘC TỒN LUẬN của mình nhận được 111 comments; trong đó của bản thân trao đổi lại chiếm chắc khoảng 20%, còn lại của mọi người. Thật ra đây không hẳn là một tổng kết các comments, mà là một cái KẾT, hay CHỐT cho một vấn đề.
ReplyDeleteVới chuyện ĂN THỊT CHÓ, có thể chia hai nhóm bà con: bà con có ăn thịt chó và bà con không ăn thịt chó. Vậy thôi. Về bà con có ăn thịt chó, có cả Phật tử lẫn không Phật tử - về khía cạnh "Phật tử vẫn ăn thịt chó" này lão sẽ gộp với nhóm thứ hai để bàn luận,
Nhóm thứ hai, không ăn thịt chó, và phản đối ăn thịt chó. Có vẻ như, nhóm này gần gũi hơn với Hội những người bảo vệ động vật nói chung và hội bảo vệ chó nói riêng có quy mô quốc tế. Phản ứng của nhóm này với những người còn ăn thịt chó có phần gay gắt. Thậm chí, những Phật tử có ăn thịt chó, còn bị mạt sát "Theo Phật gì mà chén thịt chó, có mà TU HÚ!".
Có những ý kiến cho rằng, chó là bạn của con người, nên không nên ăn thịt nó. Ý kiến dạng này, thuần túy về mặt TÌNH CẢM, không có gì khác - mà đã là tình cảm thì mỗi người một khác, không áp đặt của người này lên người khác được. Trong bài lão không viết hết chính là để mọi người cùng bàn luận thêm.
>>> BÀI BÁO "TẠI SAO KHÔNG NÊN ĂN THỊT CHÓ"
http://nguonsang.com/vi-sao-khong-nen-an-thit-cho-6895.htm <<<
Có những ý kiến cho rằng, chó nó ăn bẩn ăn thỉu, như trong bài báo trên đây Cụ Hòa Thượng Thích Thiện Tấn thuyết phục Phật tử: "Chó nó ăn bẩn, ăn cả đờm dãi máu mủ... rồi chén thịt nó vào thì..." - vậy bao năm nay chúng ta bón phân bắc phân chuồng vào lúa, cũng là ăn phân khi ăn cơm ăn gạo... chẳng phải vậy sao?
Tín đồ MỘC TỒN GIÁO còn cho rằng "thịt chó ta ăn ngon vì nó ăn... ỨT!" - thì đủ hiểu là lý thuyết của Cụ Thiện Tấn, không thuyết phục. Thậm chí, hiện nay so với nhiều loại thịt TĂNG TRỌNG TẨM HÓA CHẤT, thịt của một con chó đang chạy nhong nhong trong làng, còn đỡ độc hại hơn nhiều lần. Đó là khoa học.
Với người theo Phật, đã ăn mặn, là còn sát sinh - nên ăn thịt con gì cũng là sát sinh - nên họ còn chưa ăn chay trường được, là có lý do, do đó chuyện "Phật tử mà còn ăn thịt chó!" không có ý nghĩa gì cả.
Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, đã là Phật tử, thì không lên án những người còn ăn thịt chó, mà cùng nhau giảm dần sát sinh, tiến dần đến hoàn toàn ăn chay.
ĐÓ CŨNG LÀ HIỂU BIẾT VẬY.