Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Friday, March 14, 2014

Tập đi xe đạp


Con trai biết đi xe đạp hai bánh lúc ba tuổi rưỡi. Hôm nay ngồi nói lại chuyện cậu ta tập đi xe đạp như thế nào…

… nhưng có lẽ phải nói một chuyện này trước đã. Mình có thằng em họ con bà dì ruột, kém năm tuổi. Năm mình học lớp Sáu, thì nó chưa đi học vì nó dính vụ “giáo dục cải cách” – học kém mình đến sáu năm cơ. Bà dì ruột đi quản lý lao động ở Liên Xô gửi về cho nó cái xe đạp trẻ con hai bánh, nhưng có hai bánh phụ. Cứ thấy ông em phóng bạt mạng ngoài vườn hoa, hai cái bánh phụ bị cong lên hoàn toàn không chạm xuống đất, mình chợt phát hiện ra một điều: nếu như trước đó hai năm, mình có cái xe như thế này thì hoàn toàn không phải mất đến cả tháng tập xe mới biết đi – hồi đó tập xe bằng cái xe của người lớn, một cái xe đạp Aniela của Pháp khung dài thưỡn, thấp nhưng lại rất khó lái. Tính dát, sợ ngã nên tập run run rẩy rẩy, mãi mới biết đi xe. Trong khi thằng em họ, chỉ mất một tuần. Lúc đầu, nó đi bốn bánh, và hai cánh bánh phụ cứ cong dần lên đến mức không chạm xuống, và thằng em biết đi lúc nào không biết.

Phát hiện đó, làm mình phát hiện ra ở bản thân một năng lực nữa: khả năng chú ý quan sát và rút kinh nghiệm. Mình nghĩ, nếu bây giờ có cái xe đạp này để tập cho em bé khác, thì cũng sẽ như vậy: lắp bánh phụ để đi bốn bánh cho quen tay lái, rồi bí mật nâng dần lên, mỗi hôm một tí cho đến khi biết đi…

Và đúng bài tập đó, được đem ứng dụng cho ông con trai. Sinh nhật ba tuổi, mua tặng cậu cái xe đạp hai bánh có bánh phụ hai bên. Mất mấy ngày chế cho xong cái cơ cấu cho phép chỉnh dần bánh xe phụ cao lên – nguyên gốc của nó chỉ nâng được lên khoảng 2 xăng-ti-mét làm hai cấp, mà mình muốn nó được nâng lên “vô cấp” và có thể nâng được khoảng 5 xăng-ti-mét. Đến đây thì cần năng lực một chút về cơ khí. Ba tuổi sáu tháng tròn trĩnh, ông con được đi ra vườn hoa tập xe. Đúng “chiến thuật”, ngày đầu đi hai bánh phụ sát xuống đất. Ngày thứ hai, mỗi bên nâng lên 1 xăng-ti-mét, đi ngả ngả nghiêng nghiêng. Ngày thứ ba bắt đầu phóng nước đại khá thẳng thớm và thình thoảng mất đà, lật quay ra một phát. Ngày thứ tư, đi mà không chạm bánh xuống đất tí nào. Ngày thứ năm, tháo luôn hai bánh phụ ra phóng như bay…

Nếu như ai đó kể, “năm chín, mười tuổi… tôi tập đi xe đạp mất một ngày” hoàn toàn có thể. Nhưng tập cho một chú bé ba tuổi rưỡi, mà làm thế nào cho nó hứng thú, không vì sợ mà mất hứng, “chột” luôn mà bỏ tập lâu dài… là cả một vấn đề. Ngày hôm nay ngồi nói lại chuyện đó, chính cậu chàng còn không biết cậu đã được hướng dẫn tập đi xe đạp như thế nào, nhưng “huấn luyện viên” thì rất nhớ - bài học đã được học từ cách đây tròn 30 năm rồi.

“Con trai thấy không, mỗi khi ba hướng dẫn con học, đều yêu cầu con làm thật cẩn thận, từ bài dễ, đến bài khó hơn, không coi thường bất cứ điều nhỏ nhặt nào và luôn luôn chú ý quan sát, tự đặt câu hỏi, tự trả lời, tự rút kinh nghiệm.”


Người ta bảo, phụ nữ thì thích thử sức ở những việc từ dễ, đến khó. Đàn ông thì thích chọn việc thật khó, thấy không làm được lại quay dần xuống dễ, rồi lại tiến lên khó dần… Cũng không rõ nghe cái thống kê đó ở đâu?

Mình thì chẳng xuất chúng được như mẫu đàn ông đó, chợt nhận ra rằng tất cả những kết quả có được trong cuộc đời, đều bắt đầu từ những việc đơn giản, làm thật tốt, rồi khó dần lên, cho đến việc rất khó. Và không bao giờ được coi thường những việc đơn giản. Chỉ có một bí quyết, là phải biết quan sát, chú ý người khác làm mà rút kinh nghiệm. Tập trung lắng nghe, quan sát, suy nghĩ… như thế ta đã đỡ được bao nhiêu là thời gian rồi còn gì?

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

1 comment: