Ống kính bị đọng hơi nước thành giọt sau khi từ phòng máy lạnh ra ngoài |
Sáng sớm nay
đọc trên Facebook có một bác hỏi về trường hợp đi biển, ở khách sạn điều hòa rất
lạnh, rồi ra ngoài môi trường, máy ảnh và ống kính bị bám mù mịt hơi nước, bám
cả vào mặt bên trong của các thấu kính (ảnh) – để lâu không xử lý ngay chắc chắn
sẽ bị mốc ống kính, mà cái giống hơi nước đã chui vào ống kính thì không hề dễ
hút ra, chỉ có nước đem ra thợ tháo ra mà lau…
Về vụ này đã
từ lâu “các cụ” nhà ta đã dính chưởng. Hồi đầu, đi biển chưa có khách sạn điều
hòa rét run như bây giờ, ô tô cũng toàn “gió giời” – máy ảnh phim ra biển hay bị
vụ hơi nước muối biển nó làm “rôm rôm”, sùi cả máy lên, những chỗ bằng kim loại
trắng ấy. Mình xài Nikon ít bị, nhưng hồi chín mấy đi cùng ông có cái Minolta
gì đó thân đen trắng, những chỗ trắng chắc là bằng hợp kim nhôm cứ sùi hết cả
lên.
Máy ảnh bây
giờ hoàn toàn không hề khá hơn, chẳng qua là chúng khác màu nên chưa thấy thôi,
chứ hơi biển là nghiêm trọng lắm. Vì thế nên sau khi chụp ngoài biển xong, bao
giờ cũng phải vệ sinh máy. Để cho sạch hơi nước biển, chỉ cần khăn hơi ẩm ẩm,
lau sạch là đủ. Chú ý mang theo bộ vệ sinh máy, sau khi lau sạch các kẽ của máy
thì dùng bóng thổi các kẽ đó cũng rất tốt.
Bây giờ đi xe
ô tô máy lạnh, có nhiều bác cẩn thận để ba lô đựng máy đằng sau cốp xe với những
xe sedan, cũng là phương án hay, nhưng mỗi lần xuống chụp phải vòng ra sau xe lấy
máy, rồi những tình huống chụp ngay khi ngồi trên xe… nhiều khi cũng không đáp ứng
được, mất cơ hội. Như mình thì thường đi xe không có cái cốp đằng sau, hoặc đi
nhờ xe… nên không chơi trò đó được.
Phương án tối
ưu, là một cái “hard-case” như trong ảnh – có thể ship ở nước ngoài về, như
mình mua ở Á Đông Camera của anh Thành (Khắc) Hàng Trống, dùng rất tiện – có nhiều
khe mút chỉ việc tháo ra cho đúng hình thù cái máy của mình và các phụ kiện đi
kèm là được. Cũng không đắt, chỉ đôi triệu đến vài trăm đôla, tùy kích thước.
Case này thì quá tốt trong chống thấm, chống chênh lệch nhiệt độ và nhất là chống
sốc khi di chuyển xa.
Nhưng nếu
không muốn đầu tư lâu dài, thì cũng không nhất thiết, chúng ta có thể khắc phục
bằng cách khác. Đây là kinh nghiệm đã trao đổi và rút đi rút lại nhiều lần,
hóng chuyện các gạo cội từ cụ Nguyễn Nhưng cho đến chú Lân chú Phượng, thậm chí
cả cụ bố hai chú Lân Phượng “Phùng Khắc Khoan”. Đơn giản thôi, chú Lân chú Phượng
thì cho rằng dùng khăn mặt bông để quấn máy, OK tốt rồi – hoàn toàn có thể hút
được hơi ẩm và chống được chênh lệch nhiệt độ, nhưng dùng thử thấy có chỗ không
ổn: một số khăn bông, nó bị thôi sợi bông ra ngoài. Do đó, nhiều khi ngồi vệ
sinh sợi bông ra cũng ốm đòn.
Vì thế mình
áp dụng chiến thuật sau, xin trao đổi thêm với bà con. Đầu tiên là kiếm vài miếng
vải dày, loại nào thấm nước tốt nhưng không bị ra sợi bông là được, dùng để quấn
máy và ống kính. Lấy máy trong tủ ra trong nhiệt độ phòng, không điều hòa, quấn
máy và ống cho ba-lô khi soạn đồ. Riêng balô hoặc túi máy dày, đã có tác dụng tốt
trong việc giữ máy ở một nhiệt độ ổn định rồi, nhưng quấn thêm vải sẽ có tác dụng
tốt hơn nữa. Khi ra đến biển, vào khách sạn đương nhiên là lăn ra ngủ đã, chụp
choẹt giề? – nhưng khi chuẩn bị ùa ra biển thì nên tắt điều hòa trong phòng,
như thế khi quay về, nhiệt độ phòng đã cao dần đến gần gần nhiệt độ ngoài trời
rồi.
Khi quay về
phòng, bật điều hòa phòng chưa lạnh ngay, là phải ngồi vệ sinh máy, lau sạch
hơi muối biển như trên đã trình bày, tháo thẻ nhớ để xử lý ảnh luôn sau đó, còn
thì đồ đạc sau khi được vệ sinh, quấn vải, cho ngay vào ba lô đóng kín, lúc đó
phòng lạnh dần là vừa – ta ngồi xử lý ảnh, lên Phây chém, há chẳng sướng sao?
Làm gì thì
làm, miễn là đừng để máy ảnh và phụ kiện chịu cái thảm cảnh từ lạnh ra nóng và
từ nóng vào ngay môi trường lạnh là được.
Một số nhận
xét thêm ngoài lề: nhiều bác nghe “thợ lâu năm” khen những ống kính build kim
loại là nặng, tốt, chắc chắn… nhỡ hỏng dễ chữa, nhất là khi bị mốc, bị “mù” thì
có thể tháo ra được mà xử lý… những điều này thường là đúng cả - nhất là nhiều
loại ống kính các lăng-ti họ cho phép tháo được ra xử lý chứ không ép kín vào với
nhau như một số đời sau này, bị mốc, mù chỉ có thay… nhưng những ống kính thân
kim loại thường khó kín hơn, nên khi nhà sản xuất họ lắp ráp thường dùng một số
loại dầu mỡ gì đó khá đặc biệt, bôi vào cho kín… ở Việt Nam ống cũ thì thường
nhiều lần tháo mở, nên chơi những loại này khá rủi ro và cũng phải rất cẩn thận
trong bảo quản chứ không hề quăng quật được.
Các thế hệ ống
kính sau này làm bằng chất liệu tổng hợp nhiều (có phải Polycarbonate không nhể?
– mình chẳng nhớ nữa), hạ giá thành, và về nguyên tắc là nguyên bản thì phải
kín hơn kim loại lắp ráp vào kim loại, và nhiều ống kính còn được quảng cáo là “chịu
đựng thời tiết”. Khổ cái, nhiều ống kính đời mới hoàn toàn không dễ tháo ra mà
xử lý, nhất là trong điều kiện kỹ thuật của Việt Nam. Thường thì ống kính tiêu
cự cố định thì dễ kín hơn ống zoom, ống zoom không thụt thò thì dễ kín hơn là ống
thụt thò “máy hút bụi”…
Tất cả những
yếu tố đó đều là tương đối, nên “cẩn tắc vô áy náy”, máy ảnh là thứ xa xỉ, vừa
đắt tiền, vừa dễ hỏng…
Đôi điều chia
sẻ với anh em cùng bảo quản máy ảnh mùa “tắm biển”.
Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment