Lục lọi chán
ra trên mạng những bài viết, cả những topic chém nhau sứt đầu mẻ trán về làm thế
nào mà máy ảnh kỹ thuật số cảm biến toàn khổ (Full frame) lại chụp đẹp hơn cảm
biến cúp nhỏ (crop). Túm được bài viết của một anh bạn nào đó tự gọi mình là
“Bow”: “Mua máy Crop hay Full Frame?” - ở chỗ khác thậm chí người ta chôm cả
bài này về mà đặt lại tên một cách nguy hiểm: “Mua full frame vứt crop đi
thôi!”.
Có thể nói
bài này của anh bạn “Bow” hoàn toàn không tệ, khá tốt là khác, trừ đôi chỗ còn
lên giọng kẻ cả. Cũng chưa có thời gian để lục lọi trên trang web của anh chàng
xem “ảnh ọt” đến tầm cỡ nào, có nên lên giọng kẻ cả vậy không… thôi cứ mặc định
như chúng ta đang đọc bài viết của một thiên tài nhiếp ảnh đi, cho dễ hình
dung.
Tác giả “Bow”
viết: “Trên nguyên tắc quang học thì hình ảnh sau khi đi từ ống kính vào sensor
sẽ có 2 đặc điểm sau : (1) Nét nhất ở giữa ảnh và ít nét hơn khi ra rìa. (2)
Sáng nhất ở giữa ảnh và tối dần khi ra rìa… (3)Và cũng chính cái vùng chuyển từ
tâm ra rìa đó quyết định đến “sự thể hiện” DOF… Tổng hợp 3 yếu tố khác biệt của
vùng chuyển đó là ít nét dần, tối mờ dần, và DOF , khi so sánh kĩ 2 ảnh chụp từ
2 máy Crop và Full Frame sẽ thấy sự khác biệt rất lớn…”
Đọc đi đọc lại
một bài viết không dài, chúng ta túm gọn lại một ý, dù tác giả có đánh số (1),
(2), (3) nhưng thực tế chỉ là một ý mà thôi: ảnh của máy có cảm biến crop sẽ xấu
hơn của full frame vì nó đã xén mất cái vùng gợi cảm nhất ở xung quanh của cảm
biến. Về nguyên tắc mình đồng ý với tác giả về lập luận này. Đáng tiếc là ở đây
tác giả có một điểm chưa ổn trong phương pháp tư duy – khi quên đi một chi tiết
rất quan trọng đáng nhẽ phải có trong bài viết. Vậy phải mình, mình sẽ viết như
thế nào?
Cần giả định
– hai cảm biến crop và full frame là hoàn toàn giống nhau về chất lượng kỹ thuật
– nghĩa là cứ tưởng tượng như tấm phim 35mm ngày xưa ta dùng kéo cắt đi mỗi chiều
một đoạn bằng 1/6 chiều dài đi vậy, để lấy ra một miếng phim ở trung tâm nhưng
mỗi chiều chỉ có kích thước bằng 2/3 so với miếng 35mm toàn khổ. Nếu làm như vậy,
thì rõ ràng là chúng ta có một miếng cảm biến có số điểm ảnh giảm đi 2,25 lần
(bình phương của 1,5).
Điều quan trọng
cần nhấn mạnh, là phép so sánh ở đây phải được tiến hành trên cùng một ống
kính!
Ví dụ như
cùng thân máy Nikon/Canon và dùng ống kính của chính hãng đó nhưng chế tạo/sản
xuất cho thân máy full frame hoặc máy ảnh phim 35mm. Chính đây là yếu tố đem tới
sự khác biệt: nếu chúng ta đọc nhiều những bài review ống kính thì chúng ta sẽ
gặp những yếu tố kiểu như so sánh độ nét từ tâm ra rìa ống kính, độ sáng từ tâm
ra rìa ống kính, độ tối góc… vậy với cùng một ống kính nếu lắp lên thân crop sẽ
có những đặc điểm khác biệt cơ bản mà ai cũng biết từ tập tọe đến “nhiếp ảnh
gia”: góc nhìn hẹp hơn, dẫn đến “thiệt về độ rộng tiêu cự” mà “lợi về tiêu cự
dài”, ảnh nét hơn và sáng hơn vì nó lấy mỗi phần nét nhất của ống kính và cũng
loại bỏ luôn cả những vùng tối góc của ống kính.
Đến đây mình
vẫn không có gì phản đối bạn “Bow”, chỉ muốn đặt một câu hỏi để chúng ta cùng
suy nghĩ, vậy nếu với đúng cách đặt vấn đề trên đây, thì với những trò hiện nay
người ta vẫn “vọc”, như mình có ông bạn chuyên nghề chụp trên thân full frame
hoặc phim 35mm bằng ống kính dành cho máy “medium format” với kích thước lớn
hơn thông qua một adapteur, thì tình trạng tương tự lại diễn ra: khổ 35mm sẽ
xén mất chỗ mờ mờ tối tối xung quanh của ống kính “medium format” mà theo
“Bow”, đó chính là chỗ đẹp nhất, đem lại cái sự quyến rũ nhất của bức ảnh –
đúng không nhỉ?
Và nếu mà như
thế thì ông bạn mình lắp ống kính “medium format” lên các máy khổ 35mm chỉ là một
sự chơi trội hoặc đơn giản, là một trò nghịch cho vui mà thôi.
Và với cùng
cái logic đó, là sự chạy đua, APS-C (crop) phấn đấu lên full frame, từ full
frame lên medium format, và từ medium format lên large format và cuộc chạy đua
không bao giờ dừng được cả.
Rồi, chúng ta
lại quay lại với câu chuyện của bạn “Bow”. Bạn ấy đúng khi viết một ống kính
bao giờ cũng nét nhất và sáng nhất ở vùng trung tâm của ảnh; mờ dần và tối dần khi ra rìa và đặc biệt ở
các góc ảnh sẽ kém hơn hẳn do xa trung tâm nhất. Điều này đúng 100%. Lại phải
“nhưng” phát nữa, nhưng nếu chúng ta đọc nhiều các review ống kính thì rõ ràng
từ trước đến nay, người ta đánh giá rất cao những cố gắng của các nhà sản xuất
khi đưa ra những ống kính tốt đến mức độ khác biệt cả về độ nét và độ sáng từ
tâm ra rìa ảnh và các góc là rất ít.
Vậy thì logic
ở đây phải là, nếu cái “độ mờ và tối ở các rìa và góc ảnh” do ống kính mang lại
quan trọng đến thế, thì với các hãng, làm giảm chất lượng quang học đi như thế
phải dễ hơn là cố nâng cao chất lượng ống kính chứ nhỉ?
Nếu chúng ta
giả định, là chế tạo ra một cái ống kính giống hệt cái ống kính cho mày full
frame và máy phim 35mm kia vế hiệu ứng “độ mờ và tối ở các rìa và góc ảnh”
nhưng đặc chế cho cảm biến cúp nhỏ crop, thì cái ống kính này chắc chắn phải khác
cái ống kính ban đầu ở cấu trúc quang học, đặc biệt là ở đường kính của các thấu
kính.
Đáng tiếc,
chúng ta không cần phải “cầm đèn chạy trước ô tô”, các hãng máy ảnh người ta đã
làm rồi, đó là những ống kính thiết kế, sản xuất riêng cho cảm biến cúp nhỏ
crop, như ống DX của Nikon chẳng hạn, quan trọng là họ đưa vào đó một cách tư
duy hoàn toàn khác, và muốn người dùng cũng cùng tư duy với nhà sản xuất, kiểu
như “tiêu cự 18mm của DX” – chấm hết, đừng cố tư duy thêm nửa sau là “tương
đương 27mm trên thân toàn khổ 35mm hoặc full frame” – điều đó là hoàn toàn
không cần thiết. Cứ để những ai lựa chọn máy ảnh crop có những tiêu chuẩn của họ,
đừng cố gò cho họ những tiêu chuẩn của chúng ta mà thực tế, nó không phù hợp cả
về tư duy lẫn túi tiền.
Quay lại với
bạn “Bow”, bạn ấy đã bắt đầu rờ rẫm một chút vào cái gọi là “DoF” (chiều sâu ảnh
trường hay “Depth of Field”) – tiếc quá bạn ấy không phân tích sâu vào chỗ này.
Giá mà bạn ấy nâng tầm bài viết lên cao hơn ở đoạn này thì tuyệt. Một cái ống
kính nó có nhiều tiêu chí đánh giá, từ hiệu năng – công năng (cái này người chọn
ống kính tiêu cự thay đổi – Zoom sẽ quan tâm nhiều), đến chất lượng quang học,
độ bền, khả năng chịu đựng va đập, thời tiết… nhưng có một cái món nữa, mà nhiều
bạn trong “giới chơi ảnh” chúng ta có thể gọi nó là “hiệu ứng lens”. Mình cứ
nôm na gọi nó là “độ méo” nhé. Về lý thuyết mà nói người ta không thể chế tạo
được một cái ống kính khi cho một ảnh “thật” (chương trình vật lý quang học lớp
12 phồ thông) trên tấm phim hoặc cảm biến mà tuyệt đối không méo, nghĩa là các
đường thẳng trên thực tế, vào trên tấm phim hoặc cảm biến kiểu gì nó cũng méo,
không lồi thì lõm… vì thế nhiều khi chúng ta hay nghe thấy những câu phát biểu
là “với tôi tiêu cự 24mm vẫn còn chật, phải là 20mm” thì cũng nghe để mà biết
thế thôi…
… trừ một số
trường hợp đặc biệt, muốn chụp rộng hơn mà không thể lùi đi đâu được hơn nữa,
chúng ta sẽ cần một ống góc rộng hơn, hoặc muốn chụp cận cảnh một vật thể ở
trên cao mà chẳng thể trèo lên đâu được cả, sẽ cần một ống kính tiêu cự dài
hơn, còn thì câu trả lời dễ thấy là “tiến lùi một tí cũng được!”.
Nhưng cái vẫn
cãi cọ muôn đời ở đây, chính là cái hiệu ứng mà ống kính mang lại – cái sự cong
cong và cả cái món “DoF” của bạn “Bow” kia… tổng hòa tất cả những yếu tố đó
mang lại những đặc điểm nhất định của một ống kính xác định nào đó – và xin nhớ
là máy ảnh phim toàn khổ 35mm đã được phát triển hàng chục năm nay, nên nó được
lấy ra làm rất rất nhiều tiêu chuẩn, và người ta khen “ống này đẹp, ống kia xuất
sắc” toàn trên cơ sở những ống kính thiết kế và sản xuất cho nó (full frame hoặc
35mm) cả.
Mình thì mình
tin là nếu người ta thích, người ta hoàn toàn có thể chế tạo được một cái máy ảnh
có cảm biến cúp nhỏ crop với một cái ống kính crop nhưng có các hiệu ứng giống
hệt như một ống kính tương đương trên full frame.
Vậy thì tại
sao, full frame vẫn “hình như” đẹp hơn máy ảnh cảm biến crop? Mình thì nghĩ đơn
giản như thế này, lại “vật lý quang học 12” lôi ra áp dụng thôi – cái trò chơi
thú vị của chúng ta có yếu tố cơ bản là “lượng tử ánh sáng” hay “photon”, hạt
phi khối lượng, có cả tính chất sóng lẫn tính chất hạt… ai cũng học rồi cả.
Photon đã phi khối lượng nên người ta không đặt vấn đề kích thước của nó, nên
theo mình hình dung thì nếu photon bằng hạt mưa, thì cái pixel trên sensor phải
to bằng cái bể bơi tiêu chuẩn 50m chiều dài.
Vì thế nếu cảm
biến cúp nhỏ crop mà cùng số điểm ảnh như full frame, thì thay vì cái bể bơi,
pixel của nó chỉ to bằng cái bể bơi mini thôi chẳng hạn. Và do đó nó hứng được
ít nước mưa hơn.
Phải chăng
đây là yếu tố làm cho ảnh của full frame đẹp hơn? Mời anh em lên mạng tìm đọc.
Nhưng chắc còn một yếu tố nữa, là cái máy ảnh full frame vô hình chung nhà sản
xuất người ta đã đặt ra cho nó một tiêu chuẩn cao hơn về đủ các tiêu chí, hoặc
nói ngược lại, cái máy crop bị đặt thấp hơn… trên thực tế thì có rất nhiều ý kiến
nghiêm túc lại cho rằng với máy và ống kính tốt, kỹ thuật tốt…, sự khác biệt giữa
ảnh của máy full frame và crop là rất rất ít, và có lẽ hầu hết với mắt của người
trần mắt thịt chúng ta, không nhận ra được.
Và chính cũng
vì yếu tố “người trần mắt thịt” mà chúng ta sa vào những trận tranh cãi bất tận,
full frame và crop, Nikon và Canon… Đừng nên bị kẹt vào thành kiến của bất cứ
trào lưu nào, lại càng không nên bị kẹt vào thành kiến của chính bàn thân mình.
Trong cái trò chơi ảnh “vài trống canh” này, nếu cứ kẹt vào “full frame chụp đẹp
hơn crop” thì hoàn toàn bất công với những người bây giờ vẫn “phải” chụp bằng
máy ảnh cảm biến nhỏ vì rất nhiều lý do, trong đó có cả lý do túi tiền… Ai có
điều kiện đến đâu, thì chơi đến đó thôi, cũng đừng vì thế mà tự đặt mình cao
hơn người khác. Cá nhân mình vác cái máy ảnh đắt tiền nhiều khi ngại, chụp ra tấm
ảnh vớ vẩn khéo lại bị chê “chỉ được cái có tiền mua máy khủng, còn chụp có ra
cái gì đâu…”
Vì thế nếu kỳ
vọng ở bài của bạn “Bow” một phương pháp tư duy thực sự logic, thì đây là một
bài chưa thuyết phục – đó là chưa tính đến khả năng tiềm tàng ăn gạch đá vì giọng
văn kẻ cả và bài xích…
Mình không có
ý định “chém” sâu về nhiếp ảnh, chỉ muốn bàn một chút về phương pháp tư duy khi
viết bài. Đó cũng là điểm yếu chung của giáo dục Việt Nam, khi không trang bị
được cho học sinh, sinh viên một phương pháp tư duy logic – chỉ đến đại học mới
được học đôi chút môn “Logic học” theo truyền thống của giáo dục xã hội chủ
nghĩa, coi nhẹ môn học quan trọng “logic hình thức” – khoa học của tư duy.
Cách đặt vấn
đề như vậy giống như chúng ta thấy bộ râu của Các Mác đẹp quá, đem gắn cho bà
Indira Gandhi, rồi chê, bà này có bộ râu xấu hoắc à…
Ảnh trong bài
lấy từ bài của “Bow”.
Bài “Mua máy
Crop hay Full Frame?” tại đây
Tham gia thảo
luận trên Facebook tại đây
Cũng hay đó bác, mà mình xác nhận Bow có đào tạo nhiếp ảnh bài bản với tay nghề rất tốt! Chỉ có điều tư duy hơi bị kì thôi haha
ReplyDeletehạt điều vỏ lụa rang muối
Mình cũng nghĩ như bạn, crop có lens của crop nên cái lập luận rìa ảnh của Bow không thuyết phục. Ngoài ra, máy crop lại dùng được cả các lens của fullframe, vậy chẳng phải là lợi thế sao?
ReplyDelete