Nguyễn Hoài
Nam
(Chuyện hoàn
toàn có thật, tác giả chỉ đóng vai thư ký)
Thời gian cuối
tôi cũng rất hay kết bạn trên Facebook, mà vì tính “ẩu” nên kết bạn cũng không
sâu sát, cứ thấy “ai” (chắc gì đã biết là ai) có nhiều bạn chung với mình xin kết
bạn là accept luôn, ai có rất nhiều bạn chung với mình thì mình gửi request
xin kết bạn với “người ta” (còn không vào tường của họ để xem như thế nào nữa, ẩu
thế là cùng!). Mà tôi cũng “quái quỷ”, có một lời đề nghị được gửi đi gửi lại,
nhưng “người này” lại không có bạn chung nào với tôi, nên tôi kiên quyết không
chịu! Thấy request gửi nhiều lần quá, tôi cũng tò mò vào Facebook của người đó,
thấy địa chỉ Zambia, mấy hôm sau Manđagaska, Nam Phi rồi Sudan... thế là ra
luôn không xem gì nữa...và cuối cùng “người đó” đành inbox cho tôi rất nhiều,
xin tóm tắt lại để chia sẻ cùng mọi người:
“Em tên là
“Brave Heart”, người Việt và hiện đang sống tại lục địa châu Phi, anh không kết
bạn Facebook với anh nên em phải viết cho anh lý do em muốn kết bạn cùng anh.
Em là một cô gái Hà Nội, mẹ em quê ở Vĩnh Phúc. Ông ngoại em từng là một nhà
giáo của trường Bưởi – Chu Văn An, ông em dạy nhiều môn cho đến khi tản cư thì
dẫn gia đình và theo trường về vùng Phú Thọ ngày nay, nơi không phải quê nhưng
ông em sinh ra ở đó, để tiếp tục mở trường trung học kháng chiến. Ở đó ông em tổ
chức cho mấy gia đình tăng gia sản xuất để tiếp tục dạy và học. Chắc là ông bà
ngoại em “mát tay” nên tuy làm nông nghiệp nhưng cũng khấm khá, đủ ăn và nuôi dạy
cả một gia đình đông con cùng các trò. Trớ trêu thay sau khi hòa bình lập lại,
còn dở năm học, chưa kịp về Hà Nội thì có phong trào cải cách ruộng đất, và thế
là ông ngoại em bị quy thành địa chủ mới, bị bắt và xử tử. Khi ông em bị bắn,
thì bà ngoại em, mẹ em mới 6 tuổi và các bác buộc phải là người chứng kiến,
cũng may bà đang có mang cậu em nên được tha chết. Sau khi ông bị bắn, họ bỏ
xác lại và cả nhà em, kể cả mẹ em bé tí, phải cùng nhau bới đất để chôn xác
ông, do đó hình ảnh ông bị bắn đã ăn sâu trong ký ức của tất cả mọi người trong
nhà. Rồi bà sinh ra cậu, thiếu thốn đủ đường nên cậu lại mất sớm ngay, lại mấy
anh chị giúp bà để chôn cái sinh linh bé nhỏ đó! Cả nhà ngoại em sau đó với cái
lý lịch xấu xa ấy còn chịu rất nhiều đau khổ, chèn ép cho tới giữa những năm 1980,
khi đó bố em đã là một cán bộ cao cấp thì mới minh oan hoàn toàn được cho nhà
ngoại em, và các anh chị họ rồi tới bọn em mới được vào đại học. Em kể lại câu
chuyện đau thương này nhưng rất biết rằng trong thời điểm lịch sử đó, cũng có rất
nhiều gia đình chịu những cảnh bất công còn khổ sở hơn cả gia đình em, và không
phải sau này gia đình nào cũng có thể vượt qua cả quãng thời gian dài kỳ thị
như gia đình em đã làm được. Từ nhỏ em đã được gia đình giáo dục theo đạo Phật,
ngay cả em cũng đã ăn chay trường 36 năm nay, và dù bà ngoại va mẹ cứ nhắc đến
ông, đến cậu là chỉ khóc, nhưng mấy chị em em được dạy dỗ rằng phải yêu thương
tất cả, kể cả những kẻ đã thủ ác với mình hay người thân yêu của mình, phải biết
buông xả...
Em ra trường
rồi đi làm cho một tổ chức phi chính phủ, qua đó làm quen với ông xã em, một
ông “Tây” chính hiệu nhưng cũng theo đạo Phật và ăn chay trường, có thể nói chính
đạo Phật đưa chúng em đến với nhau như một nhân duyên tiền định. Thế rồi sau dự
án giúp cho nông dân Việt Nam (mà vẫn còn đang tiến hành cho đến bây giờ) đó
chúng em lại rong ruổi theo các dự án từ thiện khắp thế giới, đồng hành với vợ
chồng em bây giờ là mấy đứa nhỏ nhà em, cũng ăn chay từ bé! Mấy năm vừa rồi bọn
em đã đi qua 35 nước, ở đâu cũng làm với các dự án phi chính phủ, có những nơi
điều kiện sống rất tốt, và có những nơi vô cùng nguy hiểm theo nhiều nghĩa. Ví
dụ bọn em đang ở Mali đây thì điều kiện sống rất cao, nhưng có thể có khủng bố
bất cứ lúc nào ở những nơi đông người, do đó chúng em không dám dùng phương tiện
công cộng, nhiều khi đi bộ chục km là thường. Tháng sau chúng xem sang Sudan,
nơi đó không có mấy chỗ có internet đâu! Trẻ con nhà em vừa đi vừa học như vậy
đấy, và chúng cũng hiểu như bố mẹ, ở đâu con người cũng tuân theo số phận của
mình, nguy hiểm thì có thật nhưng sống mãi trong nguy hiểm cũng quen...
Nhưng càng có
tuổi em càng nghĩ về ông ngoại em, càng đặt mình vào vị trí của ông, em càng thấy
thực sự con người như ông, linh hồn ông, khó mà an tịnh được, với cái chết khi
còn trẻ và quá oan khiên như vậy được, em cũng hỏi nhiều Sư thầy ở Việt Nam
cũng như nước ngoài về ông, thì em biết ông em đã đầu thai đến lần thứ hai rồi,
và đang sống ở cùng thời với em. Và ông em vẫn chưa thể nào nguôi ngoai với cái
chết oan ức của mình ở kiếp trước!
Thực sự khi
đi làm cho NGO, khi ở nước ngoài, cũng còn nhiều tệ nạn tham nhũng lạm quyền có
khi còn quá nước mình, em không quan tâm nhiều đến chuyện kinh tế xã hội Việt
Nam nữa. Nhưng từ khi có vụ án “bầu Kiên” em tự nhiên bị cuốn hút một cách kỳ lạ,
chứ “đại án” hay “tham nhũng” là cái mà cả em, cả ông chồng em đã bị ức chế lắm
trong công việc của mình rồi! Khi anh Nguyễn Đức Kiên bị bắt, em theo dõi không
bỏ sót một tin nào từ đài báo ở nhà, rồi càng ngày em càng thấy anh Kiên chính
là kiếp sau của ông ngoại em! Em gần như hoàn toàn tin tưởng vào việc đó, mấy
chục năm nay em luôn nghĩ về ông, mặc dù chỉ biết ông qua những câu chuyện đầy
nước mắt của người nhà em, và bây giờ em có cảm nhận rất đồng cảm với anh
Kiên-xin phép anh em sẽ gọi anh ấy là “Béo” như các bạn anh vẫn gọi, mà em được
biết qua Facebook của anh, như một người em gái mặc dù chưa bao giờ gặp anh
Kiên ngoài đời! Không hề ngẫu nhiên đâu khi mới bị bắt, anh ấy bị giam ở trại Đầm
Vạc, Vĩnh Yên – đấy chính là quê ngoại của em; cũng như anh ấy đã có thời thơ ấu
khi bố anh ấy sống và làm việc tại trường Chu Văn An – cũng là nơi ông ngoại em
dạy học rất nhiều năm. Từ trước vợ chồng con cái nhà em ngày nào cũng thiền,
cũng đọc kinh, và đã từ hai mươi tháng nay ngày nào em cũng thiền, nghĩ về ông
ngoại em và anh “Béo”, em luôn đọc kinh cầu chúc cho anh ấy được sức khỏe và
tai qua nạn khỏi! Từ rất lâu “Béo” trở thành một người nhà thân thuộc của bọn
em, đến mức cứ sáng thức dậy là em vớ lấy iPad xem bản tin, còn chồng em thì hỏi
“Béo” có tin tức gì mới không? Khi lớn lên em có hỏi mẹ, hỏi bà vì sao họ giết
ông ngoại, thì mới được biết là chỉ vì ông làm kinh tế giỏi, họ hại ông vừa được
tiếng bài trừ phần tử địa chủ ngoan cố, vừa cướp trắng cái trang trại nhỏ nhoi ở
Phú Thọ mà gia đình em cùng học sinh thu vén được lúc đó (ông hướng dẫn mọi người
khai hoang được mấy quả đồi để trồng chè, trồng cây ăn quả...cũng để nuôi gia
đình và học sinh của mình thôi)!
Em đọc Facebook
của anh, và biết anh có theo đạo Phật, có quan tâm đến và có cơ duyên với Phật
pháp thì em mừng cho anh. Tuy vậy đọc anh, em biết là anh còn chưa ngộ ra được
rất nhiều điều của Phật pháp, của kiếp luân hồi, và nhất là anh chưa chịu ăn
chay, chưa biết thiền, đến kinh pháp còn chưa biết, thì cũng khó nói nhiều với
anh về Phật pháp vô biên, nhưng em muốn anh tin, rằng khi em thiền, em biết hết
được tâm tư nguyện vọng, sức khỏe, tinh thần của anh “Béo”. Chúng em có thể thiền,
có thể cầu nguyện cả khi ngồi tĩnh tại, và cả khi dẫn nhau đi bộ hàng chục cây
số qua rừng rậm châu Phi hay dưới cái nắng gay gắt của sa mạc – cái này phải tu
tập lâu mới làm được, chắc anh chưa hiểu đâu! Em không hề quan tâm đến chuyện
làm ăn, giàu nghèo, sai đúng của “Béo”, nhưng em biết anh ấy giàu, anh ấy bị
ganh ghét, bị dính án oan và anh ấy kiên cường, không phục; cũng như em biết
hôm nào anh ấy ốm, anh ấy mệt hay có chuyện buồn phiền lớn trong lòng! Bắt đầu
đợt xử án 20/5 ngày nào em cũng xem tất cả các bản tin về “Béo”, cứ xem tin gì em
cũng khóc, và cả nhà em cầu nguyện hồi hướng cho anh Kiên! Qua Facebook của
anh, em biết anh là bạn cũ của “Béo”, em muốn gửi đến gia đinh anh ấy lời cảm
thông sâu sắc nhất, và nếu được thì xin nhắn gửi tới “Béo” của em một số điều – vì
đến ngày hôm nay em không nghi ngờ gì nữa, đó chính là ông ngoại của em ở kiếp
này!”
Khỏi phải nói
tôi ngỡ ngàng và tò mò đến như thế nào về chuyện cô gái này, và mấy ngày sau đó
tôi và cô- tôi vẫn hay gọi là “cô bé có trái tim dũng cảm” – như tên của cô
ta-thường xuyên chat với nhau về chủ đề bác “Béo”. Khi chúng tôi biết nhiều về
nhau hơn, tôi có hỏi rằng cô định truyền đạt ý tưởng gì đến với người nhà Kiên,
thì cô nói rằng dù cô có đồng cảm, có cầu nguyện cho “Béo” bao nhiêu cũng không
thể bằng vợ con, người nhà “Béo” làm lễ nguyện cầu và chay tịnh, hồi hướng cho
“Béo”. Khi biết thời gian còn rất ít, cũng như tôi không đáp ứng được yêu cầu
đó của “Trái tim dũng cảm” thì cô yêu cầu tôi, cố gắng có mặt trong ngày tuyên
án của “Béo” mặc dù chỉ dự khán, không phải làm gì cả.
Sau khi có mặt
tại tòa hôm tuyên án sơ thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên, tôi mới hỏi cô tại sao cô cứ
muốn tôi có mặt ngày hôm đó ở tòa. “Trái tim dũng cảm” bảo tôi rằng qua chính sự
có mặt của tôi, cô đã gửi được một thông điệp đến cho “Béo” – mà cũng là đến
cho chính ông ngoại của mình, cũng như người thân, gia quyến của “Béo” thông điệp
như sau: “từ thời cải cách ruộng đất đến giờ, cũng như bao kiếp trước nữa, có
bao nhiêu oan sai rồi sửa sai không biết nữa? Chỉ có người trong cuộc mới thấm
thôi. Người bị oan thấm đã đành, người xử oan cũng phải nhận quả báo nặng nề khủng
khiếp. Vì kiếp luân hồi vô minh không biết thế nên cứ trùng trùng lớp sóng biển
khổ đời thôi! Thế nên vong hồn ông ngoại cô – tức là anh Kiên ở kiếp này-cũng
nên buông xả, không thù hận, không oán thán, tiếc nuối... vì oan gia nên cởi
không nên buộc. Đây là nỗi Đau xuyên kiếp vì Nghiệp là có thật. Chỉ vì không
tin vào tái sinh, vào luật Nhân – Quả nên mới hại người hại vật thôi... Đó cũng
là thông điệp cho cả người thân anh Kiên, mặc dù em không có quyền gì khuyên bảo
họ, vì mỗi người một suy nghĩ mà, nhưng nếu đến được với đạo Phật thì sẽ cứu
giúp được cho cả “Béo”, tốt cho cả sự an nguy của mọi người!”
Rồi khi tôi hỏi,
đối với với những kẻ không ưa “Béo” và muốn đày đọa “Béo” thì sao, anh có cách
gì, quyền gì mà “truyền đạt” hay “giáo hóa” họ, thì “cô gái có trái tim dũng cảm”
bảo tôi rằng những người tay nhúng chàm sau vụ xử bắn ông ngoại cô, đều bị quả
báo nhãn tiền rất nhanh thôi. Tay chủ tịch xã đó sau một số năm tự nhiên phát
điên, cứ thế cầm dao rựa đi phát quang các bụi cây trong xóm ngày này qua ngày
khác. Mấy đứa cầm súng xử bắn ông thì đứa chết sớm, đứa bị mù, con cái sau này
chả đứa nào nên người cả! Thời đại thế kỷ 21 này thì kiến thức tâm linh của
toàn xã hội cao hơn thời mông muội xưa nhiều lắm, dù họ có làm việc oan khiên đối
với “Béo” thì gia đình, con cái, người quen của họ cũng sẽ có người ngộ ra,
nghĩ được và khuyên bảo được họ bớt vô minh, xã hội rồi cũng sẽ lên tiếng, và
Phật pháp vô biên cũng sẽ gia hộ cho “Béo” tai qua nạn khỏi chóng váng hơn
chúng ta tưởng rất nhiều!
Cô nói với
tôi, sắp tới gia đình cô sẽ rời Mali tới Sudan rồi Namibia, mà ở vùng rừng núi,
nơi đó chả có net đâu mà chat, mà đọc, nên mối liên hệ hầu như duy nhất giữa
“trái tim dũng cảm” và “Béo”, và Việt Nam sẽ chính là mối giao cảm khi cô thiền
và hồi hướng cho “Béo”. Cô không quan tâm lắm tới án nặng mà “Béo” đã nhận, vì
cô có niềm tin mãnh liệt rằng khi “Béo” đã ngộ ra, đã buông xả, thì không hề xa
cái ngày “Béo” sẽ trở lại với gia đình, xã hội-đó cũng là khi ông ngoại cô đã
rũ cởi mọi oán thù kiếp trước; lúc đó Nguyễn Đức Kiên sẽ là con người khác hẳn
trước và ngay trong đời sống tâm linh, Kiên cũng sẽ là một con người xuất sắc –
về việc này thì “cô gái có trái tim dũng cảm” có niềm tin tuyệt đối!
Không còn gì
để thêm vào, tôi xin ghi lại gần như trọn vẹn câu chuyện của cô, một người mới
quen qua Facebook từ bên kia trái đất, để gửi tới bạn đọc, còn gửi tới Nguyễn Đức
Kiên thì “trái tim dũng cảm” đã có thông điệp và Kiên đã nhận được rồi!
(Ghi chú:
hình minh họa do Brave Heart lựa chọn để tặng cho anh chị em Facebook. Mình chỉ
hơi buồn là lần đầu tiên cô ta đọc về Nguyễn Đức Kiên mà không khóc – chính là
status này của mình – vì theo cô thì mình chưa "ngộ" nên viết chưa có
tới...)
Tham gia thảo
luận trên Facebook tại đây hoặc tại đây
No comments:
Post a Comment