Trước đây
mình có thời tham gia diễn đàn trực tuyến Oto Saigon mặc dù không có ô tô,
nhưng hồi đó thích bàn luận về các vấn đề liên quan đến luật giao thông và các
luật khác có liên quan. Sau này dần dần không tham gia nữa, là do không tham
gia tất cả các diễn đàn chứ không riêng gì một mình chỗ Oto Saigon đó.
Gần đây lại
thấy trên Facebook nhiều người chia sẻ qua tầng tầng lớp lớp một bài kinh nghiệm
đối phó với Cảnh sát giao thông của một thanh niên nào đó đi xe mày, xin trích
lại ở đây hai câu đầu để nếu ai cần tìm nguồn, có từ khóa mà “gu gờ”:
“- CSGT: Em
cho anh kiểm tra giấy tờ!
- Mình: Chào
đồng chí, đồng chí chưa chào tôi theo đúng điều lệnh!”
Trên thực tế
mới đọc bài này thì thấy khoái chí lắm, nhất là với những người bị “bóc lột” bởi
Cảnh sát giao thôi từ vài đến nhiều lần. Nhưng mình đọc kỹ thì phát hiện ra anh
bạn này chắc chắn không phải dân luật, vì từ ngữ sử dụng trong bài không được
chuyên ngành cho lắm, thôi không sao…
… nhưng cái
đáng nói là cách hành xử của anh bạn tác giả đó là hoàn toàn không dễ
để học tập mà ứng dụng – đó là thứ nhất. Thứ hai, nếu mà học theo đúng như cách
hành xử đó, có khi còn mệt hơn là cứ… xin xỏ như bình thường.
Quay lại với
thời Oto Saigon, mình tham gia để mong các lái xe, có hiểu biết pháp luật tốt
hơn trong hành xử hàng ngày, chứ không phải để đối phó với Công an. Một ví dụ,
có bạn hỏi khi đi đường gặp cái ô tô đỗ bên vệ đường (có thể của Công an đưa ra
“đánh bẫy”, hoặc có khi chỉ là một ông vô ý vô tứ nào đó) nhưng nếu muốn đi qua
cái chỗ đó, buộc phải lách ra ngoài và đè lên cái vạch liền kẻ giữa đường và
nhiều khả năng bị công an tóm, xử lý phạt phiếc… Mình nhớ khoảng 80% ý kiến cho
rằng lỗi là thuộc về chủ cái ô tô đỗ vô ý kia (loại trừ trường hợp “đánh bẫy”
nhé), mà nếu lỗi là của “nó” thì mình phải được đi qua, sao có lỗi. Đây là một
tâm lý có thể nói là rất nguy hiểm của người Việt Nam nói chung – nghĩa là đổ lỗi
cho người khác, rồi mình khắc phục bằng cách… vi phạm - thay vì "không làm nữa". Hồi đó mình viết, nếu
anh không có phương án lựa chọn nào khác ngoài việc phải vi phạm luật (lấn đường,
đè vạch…) thì về nghĩa vụ trước pháp luật, anh phải dừng lại chứ không được đi
qua. Tiếp theo, anh có quyền (cũng trước pháp luật) alô cho cơ quan chức năng đến
xử lý cái anh ô tô vô ý kia, để anh đi qua…
Đến đây có
nhiều bác nhao nhao: “Gọi mãi “nó” không đến!” “Không đến là việc của “nó”, anh
có quyền ghi âm lại, viết đơn lên Giám đốc Công an Tỉnh, Chủ tịch Tỉnh, thậm chí
Bí thư Tỉnh ủy về thái độ đó – điều này hoàn toàn không liên quan đến việc anh
tính chuyện đè vạch.”
Về nguyên tắc
trong những trường hợp như thế, thì cơ quan chức năng phải đến hoặc xử lý vi phạm,
khắc phục chấm dứt tình trạng vi phạm để đảm bảo giao thông, còn nếu mình mà vi
phạm thì đương nhiên tự chịu trách nhiệm về tính mạng của bản thân và cả những
người tham gia giao thông khác.
Thái độ này của
người Việt Nam giống một chuyện, nếu bạn đi ra công viên, bây giờ nhiều nơi có
chỗ vui chơi cho trẻ em bằng cỏ nhân tạo. Thường thì những chỗ như thế, yêu cầu
là không đi giày dép lên cỏ, để giữ vệ sinh chung cho các cháu. Mình đi bít tất
lên nên chỉ thấy âm ấm, nhưng nếu bỏ bít tất ra là thấy nóng bỏng chân… ngồi một
lúc thấy mấy bà mẹ tung tăng cả giày, cả dép lên – khi được nhắc thì trả lời: “Anh
đi bít tất không sao, em đi chân không nóng chân lắm!”
Hay nhỉ, nếu
không thực hiện được, thì tư duy bình
thường phải là đừng làm nữa – nhưng người Việt Nam chúng ta thì “khắc phục” bằng
cách biết vi phạm, nhưng cứ làm, còn "thằng" Tây thì nó đứng thèm rỏ rãi mà không dám làm…
… thế mà cứ
thích đi chửi bới đủ các thứ - trong khi chính bản thân mình thì không ra làm
sao cả.
Tây thì sợ luật, còn người Việt Nam thì sợ công an.
Tây thì sợ luật, còn người Việt Nam thì sợ công an.
Vừa hôm qua
chú đệ tử kể, thằng em họ ca thán: “Ngày gì đen quá anh ạ, đã không có tiền lại
bị công an bắt xe máy!” “Lỗi gì?” “Không lắp gương, không đội mũ bảo hiểm.” – Vi
phạm như thế “nó” bắt cho là đúng rồi còn kêu ca cái nỗi gì?
Làm ơn cứ đi
đúng luật lệ giao thông đi đã, chứ đừng có lách chỗ nọ, vượt chỗ kia rồi tính kế
đối phó với cảnh sát giao thông. Thử hỏi xem có bao nhiêu chị em đi xe máy biết
được về cái đèn pha có hai nấc thấp cao, hay là cứ thốc pha SH vào mặt người đi
ngược chiều? Thử hỏi xem có bao nhiêu thanh niên trai tráng mà đi đứng như biến
thái, cứ lách vào trong bên tay phải mà vượt ẩu?
Vậy thì tại
sao mình không đề xuất phương án “Chào đồng chí, đồng chí chưa chào tôi theo
đúng điều lệnh!”? Là vì chắc chắn không thiếu cảnh sát giao thông sẽ đọc cái
bài trên, và nếu một ngày đẹp trời “được” anh ấy túm lại ngoài đường mà giở cái
câu này ra: “Chào đồng chí, đồng chí chưa chào tôi theo đúng điều lệnh!” thì
ngay lập tức anh công an sẽ tự trang bị một tâm lý: “À, ông mãnh này định “đối
phó” đây!”. Thẳng thừng mà nói, “bới bò ra bẹo”, không lỗi này, thì lỗi khác, kể
cả lỗi kỹ thuật trên cái xe của chúng ta đang đi, liệu có đảm bảo cái đèn phanh
sẽ sáng theo đúng thiết kế của xe?
Nghiêm túc mà
nói, bây giờ sau một loạt các ý kiến kiểu “Chào đồng chí, đồng chí chưa chào
tôi theo đúng điều lệnh!” như thế này, thì 100% cảnh sát giao thông sẽ chào,
còn chào như thế nào, lại là chuyện khác.
Theo quy định
tại điều 17 Thông tư 18/2012 ngày 10 tháng 04 năm 2012 của Bộ Công an, thì động
tác chào theo đúng điều lệnh nội vụ Công an nhân dân là: “Tay phải đưa lên theo
đường gần nhất, đầu ngón tay giữa chạm vào bên phải vành lưỡi trai, trên đuôi
lông mày phải; năm ngón tay khép lại duỗi thẳng, lòng bàn tay úp xuống, hơi chếch
về trước; bàn tay và cánh tay dưới thành một đường thẳng, cánh tay trên nâng
lên ngang vai; đầu ngay, mắt nhìn thẳng vào người mình chào…” (xem ảnh) thì
cũng phải có đến 90% cảnh sát giao thông khi chào người điều khiển phương tiện,
không đúng điều lệnh – xin nhớ rằng chào, không chỉ là giơ cái tay lên, mà từ
cánh tay ngang vai, ngón tay giữa chạm lưỡi trai, trên đuôi lông mày… và phải
thực hiện ở tư thế đứng nghiêm, tay trái thẳng theo đường chỉ quần, hai gót
chân chạm nhau, hai mũi chân mở rộng 45 độ… thì: “Thế này đồng chí ạ, mặc dù đồng
chí đã chào, nhưng theo tôi nhận xét sơ bộ, đồng chí còn thực hiện chưa nghiêm
túc, chưa đúng điều lệnh nội vụ Công an nhân dân…” (trích dẫn tên văn bản).
Cũng trên Oto
Saigon, mình đã chia sẻ một tình trạng thực tế, là nhiều khi cán bộ cảnh sát
giao thông chủ động “mặc cả” với người vi phạm, ý là lỗi nặng thì lập biên bản
thành lỗi nhẹ, và cả hai đều được lợi 50/50 chỗ chênh lệch… thực tế thì anh
chàng công an đó không hề tốt bụng đến thế, mà thực ra với lỗi nặng, đã vượt
quá thẩm quyền xử phạt trực tiếp của cán bộ chiến sĩ ngoài mặt đường, còn đã “chuyển
lên trên” thì còn ăn uống cái gì?
Mình thì chẳng
bao giờ thỏa hiệp với chuyện đó. Khi chúng ta đã tự tin vào khả năng chấp hành
nghiêm túc pháp luật của bản thân, thì không việc gì phải xửng cồ lên với công
an. Bà con làm ơn nhớ giùm, là “nghĩa vụ chứng minh người điều khiển phương tiện
vi phạm là thuộc về cơ quan công an”, còn nếu “anh/chị cứ ký biên bản đi, khi
nào đến lấy quyết định xem băng một thể!” thì “Cảm ơn anh, nếu anh không chứng
minh được ngay tại đây và ngay lúc này, thì tôi và anh làm biên bản ghi nhận sự
việc và hẹn ngày giờ, tôi đến cơ quan anh làm việc, lúc đó ta xem một thể.” (đương
nhiên là “chàng” không có thẩm quyền giữ cái gì của mình hết nhé!). Còn nếu lý
do để “chàng” lèo nhèo là “Anh/chị phải cho tôi giữ giấy tờ để đảm bảo anh/ chị
sẽ đến, ngay tại đây tôi không thể cho anh/chị xem băng được và phải yêu cầu
anh/chị đến cơ quan” thì “Anh nên nhớ là tôi không tự nguyện tham gia vào mối
quan hệ pháp luật này với anh, và tôi cũng không có trách nhiệm gì trước việc
cơ quan của anh không đủ điều kiện về công nghệ… còn việc anh khăng khăng đòi
giữ cái nọ, cái kia của tôi khi chưa chứng minh được vi phạm của tôi, thì anh
cũng đang vi phạm pháp luật đấy…”
Mình không phản
đối việc cần trang bị kiến thức pháp luật cho bản thân cho những trường hợp như
thế này, thậm chí rất ủng hộ - nhưng đáng tiếc, như trên đây đã viết, chúng ta
thích vi phạm trước, rồi đối phó sau, và gây sự với công an một cách không cần
thiết.
Ai cũng là
người cả, kể cả đọc bài này cũng có nhiều người là… công an – nên mình hy vọng
rằng từng người, nâng cao dần nhận thức của một công dân có trách nhiệm và hiểu
biết, như thế càng ngày càng đỡ khổ, cho cả chúng ta lẫn công an và họ cũng chẳng
còn nhiều điều kiện mà tiêu cực.
Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment