Không phải một
lần mà khá nhiều lần, khi tham gia các diễn đàn trực tuyến, mình viết về những
gì đọc được trong sách Phật thì thường nhận được những câu ca thán như thế này:
“Tại sao Phật lại bắt tôi phải chịu những tội mà tôi không bao giờ làm?”.
Thường những
câu như thế được thốt ra từ những người đang phải chịu một kiếp khổ nạn nào đó,
hoặc vận vào chính họ, hoặc rơi vào con cái, quyến thuộc của họ… nếu như chúng
ta giải thích rằng, điều gì cũng có cái nguyên nhân của nó, và điều gì cũng có
thể gây ra một kết quả trong tương lai… cũng không ít lần nhận được những câu hỏi
ngược trở lại: “Thế anh/chị giải thích là những khổ nạn tôi đang chịu, do một
nguyên nhân nào đó tận kiếp nảo kiếp nào ấy, thế anh/chị thì nhìn thấy điều đó
à?” “Không bạn ạ, tôi không nhìn thấy, vì tôi không tu tập chứng ngộ được đến
thế, nhưng tôi tin điều đó!” “Nếu anh/chị không nhìn thấy được, sao anh chị
thuyết phục được tôi?” “Tôi không định thuyết phục bạn, nhưng tôi nói với bạn
điều mà tôi tin, trước khi tôi biết đến những điều đó, tôi cũng khổ tâm như bạn,
nhưng bây giờ, tâm tôi an lạc hơn bao giờ hết. Vậy thôi… tin hay không là quyền
của bạn, nhưng tôi tin chắc một điều, khi bạn tin vào những điều chúng ta đang
bàn luận, bạn sẽ vui vẻ và an lạc hơn rất nhiều.”
Có lần đọc
trên mạng một nhật ký, được đặt tên là “Nhật ký bão lòng” của một doanh nhân trẻ
không may bị sa vào vòng lao lý vì tội “cố ý gây thương tích”. Anh bạn đó không
phải Phật tử, và đương nhiên, có những suy nghĩ hết sức “người thường” và rất
đáng chú ý. Câu chuyện làm cho mình băn khoăn, và nghĩ nhiều đến nó. Mình thường
tự hỏi, nếu rơi vào địa vị của người đó, mình sẽ như thế nào?
Mấy tháng nay
bà con theo dõi vụ anh bầu Kiên ra tòa vì tội hình sự. “Một ông anh” bạn của
anh Kiên viết một loạt bài về anh Kiên, phân tích góc nọ, góc kia… toàn chuyện
ít người biết, thành ra là hàng hót. Mình cũng đọc, và ngẫm nghĩ…
… có ai nghĩ
một người chỉ dưới vài người và trên hàng muôn vạn người khác, đến một ngày rơi
vòng lao lý? Có thể có người nói: “Ồi xời, thiếu gì tiền, vào tù vẫn sướng như
tiên…” không hẳn thế đâu, một ngày tù, nghìn thu ở ngoài. Muốn sướng như tiên vẫn
phải nịnh “bạn” này, đút lót “bạn” khác thì mới sướng được, chứ cương cường như
anh Kiên, liệu có làm được như thế không? Cũng chính vì cương cường mà người ta
muốn bẻ gãy anh ấy, “khuyến mại” cho cái xích khi ra tòa.
Vậy với một
người đang chập chững vào con đường học Phật như mình, sẽ nhìn vào số phận – cuộc
đời anh Kiên với một nhãn quan như thế nào đây?
Đọc những gì “ông
anh” kia viết, rõ ràng anh Kiên là một con người có tố chất rất tốt để làm
giàu: lạnh lùng, chặt chẽ đến mức “rắn”, nhạy cảm với lợi nhuận… và kết quả thì
anh Kiên đã làm giàu thành công trở thành người rất giàu có. Việc anh Kiên giàu
có, là điều chắc chắn sẽ phải xảy đến, như mọi con đường đều dẫn tới Rôma, và nếu
những tố chất kia anh ấy có sẵn, thì là anh ấy được trang bị thêm lúc đôi giày
patanh, lúc cái xe đạp, sau này là xe máy, ô tô, tàu siêu tốc và cả máy bay để
bay đến hết thành La Mã này đến thành La Mã khác. Nhưng điều đó là chắc chắn –
anh Kiên giàu. Là vì kiếp trước, kiếp trước nữa… anh ấy đã làm phước bằng tài vật
quá đủ hay thậm chí dư thừa để kiếp này anh ấy giàu có…
… nhưng chưa
hết. Trên con đường chinh phục hết thành nọ quách kia đến thành La Mã, liệu anh
Kiên đã sử dụng những tố chất của mình để tiếp tục làm những việc thiện, tích
thêm phước đức trong đời nay, hay anh ấy biết cách trèo lên lưng người này, đứng
lên vai người khác, thậm chí “chà đạp” để mà tiến lên?
Có thể, hậu
quả tù tội bây giờ, chính là do những “chà đạp” đó gây ra, thậm chí là một “tổng
đại số” của nhiều “chà đạp” từ kiếp trước nữa kia. Bạn có thể tin, hoặc không
tin, nhưng hiện thực nó là như vậy đấy.
Đức Phật
không có ý dạy rằng, mọi sự là đau khổ; cũng như sống là phải đau khổ hay lúc
nào cũng đau khổ triền miên. Sẽ thật là lẩm cẩm nếu một người nào đó cứ phải
thích sung sướng hạnh phúc mãi, hoặc có người còn hâm đơ hơn, thích cảm giác
đau khổ (mình có một anh bạn như thế đấy – mê phim “Casablanca” như điếu đổ, vì
thích cái cảm giác đau khổ, hi sinh của nhân vật chính Rick Blaine (Humphrey
Bogart đóng). Lại nếu nói, “đời là vô thường” cũng càng khó hiểu. Nếu ghép cả
hai câu trên vào thì chúng ta cứ hiểu đơn giản, vô thường là vạn vật sẽ thay đổi,
không có hạnh phúc vĩnh cửu và cũng chẳng có đau khổ vĩnh cửu.
Ngay trong
cái sự “mưu cầu hạnh phúc” Đức Phật còn dạy đó là mầm mống của sự khổ sở (không
được xứng ý toại lòng thấy khổ - “cầu bất đắc khổ”), nghĩa là trong họa thì có
phúc, trong phúc, thì có họa. Trong nhân, có quả, trong quả, thì có nhân… chưa
thấy ai dạy được những điều biện chứng như Đức Phật.
Có một điều
mình viết ra ở đây và khỏi cần tranh cãi, rằng cuộc đời là không hoàn hảo, thậm
chí, rất khó khăn với nhiều người. Với anh Kiên, nếu nhìn vào cuộc sống hiện tại
với căn biệt thự kiên cố như một pháo đài, với vợ đẹp con khôn, đống tiền “đè
chết người” kia ai chẳng choáng ngợp… nhưng liệu ngay giờ phút này, thân tâm của
anh Kiên và cả những người thân yêu của anh ấy, có được an lạc?
Xin được kể lại
một câu chuyện ngăn ngắn: “Mối nguy thực sự” của Christina Feldman (trích trong
“Từ bi: lắng nghe tiếng khóc của thế gian”):
Một vị sư già tìm đường tới Dharamsala ở Ấn Độ. Gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma, vị sư kể lại câu chuyện của mình, nhắc lại những năm tháng đầy khắc nghiệt vừa qua. Đức Đạt Lai Lạt Ma hỏi vị sư: “Ở đó có lúc nào cuộc sống của ngài thực sự bị nguy hiểm không?” Vị sư già trả lời: “Những lúc tôi cảm thấy bị lâm nguy là những lúc dường như tôi sắp mất đi lòng từ bi đối với các cai ngục.” Đây là câu chuyện về một sự cam kết sâu xa với lòng từ bi, một câu chuyện về Đức Tin và nhẫn nhục minh chứng cho sự tận hiến của một con người để gìn giữ trái tim và phẩm giá của mình nguyên vẹn khi giáp mặt với nghịch cảnh. Vì sư già nhăn nheo lom khom là một con người giản dị nhưng cũng là một con người với trái tim lớn lao, đã chọn bỏ qua những chua chát và giận dữ, bởi biết rằng khi theo những con đường ấy, ông có nguy cơ đánh mất điều quý báu nhất đối với ông – mái nhà ông đã tạo dựng trong từ tâm.
Thế đấy các bạn
ạ, chúng ta ai cũng như ai, mình, bắt đầu học Phật, chưa thực sự buông bỏ được
những điều cần buông bỏ, chưa bỏ được tâm ngã chấp, kiêu mạn, vẫn hay nổi sân hận…
nhưng cũng đã bắt đầu lờ mờ nhìn ra được đôi điều. Cũng có nhiều bạn, chưa tin,
chưa học, chưa tìm hiểu, chưa theo… cũng không sao.
Một vị sư bị bỏ tù ở Myanmar |
Nhưng những
gì đã phạm phải trong quá khứ, mà ta biết đó là không tốt, ta quyết không phạm
phải, cũng đã là tu tập rồi, đừng nghĩ ngợi sâu xa. Mình là anh Kiên hay “doanh
nhân bão lòng”, mình sẽ rất lấy làm may mắn nếu hiểu được ra rằng, cái kết quả
hôm nay là do những điều mình vừa mới làm năm ngoái năm kia hoặc đã làm lâu lâu
rồi, và cả những điều đã phạm phải mà kiếp này không nhìn thấy được.
Khi ý thức được
và nguyện không phạm phải những điều đó nữa, thì cứ coi như chúng ta xuất phát
từ con số “0” trên con đường tu tập, hãy coi “trái tim và phẩm giá của mình như
là còn nguyên vẹn”, vững chãi bước tiếp. Chấp nhận nghịch cảnh, hiểu được luật
nhân quả - đã là có chút “trí tuệ” rồi.
Và hãy như vị
sư già “gìn giữ trái tim và phẩm giá của mình nguyên vẹn”, coi nghịch cảnh là
thử thách trên con đường tu tập – biết giữ được tâm từ với những người ngày
ngày gây nghịch cảnh ấy cho mình quả là quá khó nhưng không thể vì quá khó mà
không làm… đã bắt đầu xác định “vũ khí” của mình là “từ bi” rồi.
Giá như chính
lúc này đây, anh Kiên được ai đó khai mở ra cho con đường của Phật, hiểu được
và coi hoàn cảnh như là một cơ hội tu tập, thì thật tuyệt vời cho anh ấy.
Và nếu như thế,
thì những lời hùng biện anh ấy nói trước tòa, có cần thiết nữa chăng?
Tham gia thảo
luận trên Facebook tại đây
“Buông bỏ” hay “buông xả”, không phải là bỏ sạch sành sanh để mà đi vào rừng vào núi ở ẩn. Tu tập không cần phải rời bỏ cuộc sống nơi trần thế - “thứ nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa”, bây giờ còn có một chỗ tu rất khó nữa, là tu trên Facebook.
ReplyDelete“Buông bỏ”, là hiểu không cái gì có thể mang theo được, kể cả danh tiếng. Danh tiếng chỉ là cái người ta nói về mình, về những gì mình làm được trong cái kiếp này, chứ bản thân với người hành giả (học Phật, tu theo Phật) không có ý nghĩa gì cả. Chỉ những điều mình làm được dày thêm công đức của mình, mới có thể theo mình được mà thôi.
“Buông bỏ” theo Phật cũng không có nghĩa là từ bỏ đấu tranh. Anh Kiên trước tòa chọn cách hùng biện nói thẳng toẹt vào Hội đồng xét xử những khiếm khuyết của nền tư pháp Việt Nam mà ai cũng biết, rằng cái án của anh ấy được nhận là một cái án “bỏ túi”, với hầu hết những ai đang coi anh ấy là anh hùng, thì là điều tốt. Đó là một cách đấu tranh.
“Người lang thang cuối cùng” cuối cùng tự hỏi, liệu trong quá khứ với những cố gắng, nỗ lực tạo lập khối tài sản khổng lồ như thế, anh Kiên đã làm được bao lăm cho xã hội? Anh Kiên đã làm được những gì để làm dày thêm phước đức của bản thân, hay đã làm nhiều điều tổn hại phước đức? Vì không biết rõ, nên “Người lang thang cuối cùng” chỉ dám tự hỏi thôi, không dám khẳng định điều gì.
Gần đây người ta nói nhiều đến “sứ mệnh tầm nhìn gì đó của doanh nghiệp”; nếu người làm kinh doanh mà xác định được sứ mệnh của mình và doanh nghiệp mình cần đóng góp được nhiều cho xã hội (như Bill Gates chẳng hạn :p ) thì thật là rất tốt. Không chỉ nhiều người làm công ăn lương trông cậy vào người chủ doanh nghiệp, mà còn đóng góp cho sự phát triển của xã hội nữa, thật là một việc làm tốt và dày thêm công đức.
“Người lang thang cuối cùng” học sơ, hiểu lậu, không dám tự coi mình là gì cả, chỉ là những suy nghĩ hết sức thô thiển của bản thân, nhưng cũng hiểu rằng học Phật không hề xa rời đấu tranh. Đức Phật và các đệ tử của Ngài, hàng ngày vẫn đang tiếp tục đấu tranh với những điều tăm tối của cõi nhân thế. Trong Kinh Tăng Chi Bộ có nói “sức mạnh của bậc Hiền trí là cảm hóa; sức mạnh của vị nghe nhiều là thẩm sát; sức mạnh của Sa-môn, Bà-la-môn là nhẫn nhục” (Kinh Tăng Chi, chương Tám pháp, phẩm Gia chủ, Kinh Sức Mạnh.)
Vì thế nên nếu hiểu Phật Pháp như các tôn giáo khác “thuốc phiện của nhân dân” (Các Mác nói thì phải) – thì không hẳn đúng – điều này có thể đúng với tôn giáo này, tôn giáo khác, nhưng với Phật Pháp thì là Đạo. Theo học Phật, không thủ tiêu đấu tranh với những thói hư tật xấu, những khiếm khuyết của xã hội… cũng như Đạo Phật không hề yếm thế, tự ti… trái lại, người theo Phật, học Phật hướng đến các bậc Đại Sư chân chính… là các bậc Đại Trí, Đại Dũng. Vị sư già trong câu chuyện trên đây, ứng với “sức mạnh của Sa-môn, Bà-la-môn là nhẫn nhục”; còn “Người lang thang cuối cùng” thì nguyện đi theo con đường học có được sức mạnh của sự cảm hóa.