Tranh của Rick R-D |
Hôm qua, hai
ba con đang chạy tà tà xe máy ngoài đường thì nhìn thấy một tờ tiền 5000 đồng
ai đó đánh rơi. Vì đi chậm, đường rộng, liếc trong gương không thấy xe nào đằng
sau, nên mình phanh lại ngay bên cạnh rồi bảo ông con xuống nhặt hộ tờ tiền. Nghĩ bụng, thể
nào cũng có chuyện – y như rằng anh cu băn khoăn ngay.
“Ba ơi, nhặt
được tờ 5000 đồng này, có phải trả lại người đánh mất không ba?” “Nhìn chung đã
nhặt được tiền thì phải trả lại người đánh mất, nhưng bây giờ thì không con ạ.”
– “Tại sao lại không phải trả lại hả ba?” “Vì ba và con không biết ai đánh mất
cả, nếu như ba và con đi sau một bác nào đó, nhìn thấy bác ấy đánh rơi tiền,
chúng ta sẽ nhặt, chạy cuống lên rồi la toáng: “Ới bác gì ơi, bác đánh rơi tiền
này!” và ta sẽ trả lại. Nhưng lần này, không biết ai đánh rơi cả.” – “Thế, bình
thường thì ba mẹ dạy, cô giáo dạy, cả trong sách cũng có, là nhặt được tiền, trả
lại người đánh mất bằng cách nộp vào đồn công an cơ mà ba?” – “Đúng con ạ,
nhưng đó là với số tiền lớn lớn một chút, hoặc cả một cái ví trong có giấy tờ của
người khác đánh rơi… thì rất nên làm như vậy. Nhưng chỉ một tờ 5000 đồng mà
mang vào đồn Công an, bảo, “Chú công an ơi, chú cho tôi nộp tờ 5000 đồng này và
tìm người nào đánh mất, trả lại cho người ta…” thì chú ấy sẽ lăn ra cười, nghĩ
bụng, ông này chắc là hâm…”
Cậu cả nghĩ
ngợi một lúc, nhưng chắc là chuyện chưa xong. Đã đến cổng công viên, cho cậu ta
vào sinh hoạt ngoại khóa, mình để dành hôm sau nói chuyện tiếp. Còn tờ 5000 đồng
nhặt được, được dùng vào chính việc mua vé vào cổng công viên và gửi xe máy.
Hôm nay lại
đem chuyện nhặt được tiền ra nói với anh cu con. - “Con này, bình thường với số
tiền nhỏ như tờ 5000 đồng hôm qua, thì cách tốt nhất là chúng ta dùng để tặng lại
cho những người nghèo, người ăn xin… nhưng lúc đó, không có người nào như thế ở
đó cả, mà ta lại không có thời gian, và cũng không thể phóng xe để đi tìm một
người nghèo, người ăn mày nào để cho… con biết tại sao không?” – “Tại nếu phóng
xe đi tìm thì mất thời gian…” – “Và gì nữa con, còn tốn nhiều xăng hơn tờ 5000
đồng thì là gì?” – “Là lãng phí ba nhỉ!” – “Đúng rồi con ạ. Bình thường ba và
con đã làm các chương trình từ thiện để giúp các anh các chị nghèo trên núi, rồi
mỗi lần gặp người tàn tật, ba vẫn đưa tiền cho con biếu họ đấy thôi. Lần này ta
cứ tiêu đi, lần sau gặp, ta lại biếu họ - tiền nào cũng là tiền con ạ!”.
– “Ơ thế ba ơi, nếu mà mình nhìn thấy mà đi
luôn không nhặt thì sao hả ba?” – “Thì hoặc là có thể, người khác nhặt được, điều
đó cũng tốt. Nhưng cũng có thể gió sẽ thổi bay nó đi…” – “À đúng rồi, gió thổi
nó bay xuống sông, xuống hồ, xuống cống rãnh ba nhỉ…” – “Chính xác con ạ, nếu
mà như thế, đồng tiền sẽ trở nên vô dụng, không còn giữ được giá trị của nó nữa.”
Ông con trai
nghe chừng đã vỡ vạc ra nhiều chuyện. Cậu ta vẫn chưa yên. – “Ơ thế ba ơi, nếu
nhặt được tiền nhiều mà không nộp cho công an, thì sao hả ba?” – “Nếu không nộp
cho Nhà nước, và Nhà nước biết, thì chú công an có quyền bắt bỏ tù mình, còn nếu
nộp mà Nhà nước không tìm được người nào đánh mất, thì Nhà nước sẽ chia ra, Nhà
nước tiêu một phần còn mình là người nhặt được, được tiêu một phần con ạ.” Mặt
cậu cả nghệt cả ra… đoạn này bắt đầu phức tạp nên câu chuyện dừng lại.
Nhớ có lần
trên diễn đàn trực tuyến nào đó, có người kể lại chuyện một bác già cứ đi bộ nhặt
những tờ tiền 500 đồng trên đường cao tốc. Phong tục Việt Nam đám đưa ma rắc tiền
vàng mã dọc đường đi đến nghĩa địa đã từ lâu, để “nộp tiền mãi lộ cho ma quỷ
không ngăn cản người chết đi đến nơi an nghỉ cuối cùng” – nhưng gần đây cái tập
quán đó đã biến tướng thành việc sử dụng tiền thật có mệnh giá nhỏ, rải ra đường.
Sự mê tín đã đến mức ngu muội – không có cách diễn tả nào khác. Và bỏ qua những
ý kiến khinh miệt bác già kia là lẩm cẩm, bỏn xẻn, bần tiện đi nhặt những tiền
rơi của đám ma… thì việc bác ấy đang khắc phục những ngu muội của người đời,
đáng nhẽ ra phải được hiểu là một việc tốt. Chúng ta chỉ còn băn khoăn mỗi việc
bác ấy đang đi bộ trên đường cao tốc, quá nguy hiểm…
Lại nghĩ đến
việc mang tiền đến nộp cho đồn công an… mình đã có vài lần va chạm với công an
cấp phường, cấp quận… và phải thừa nhận là hoàn toàn không mong muốn gặp lại bất
cứ cơ quan nào tương tự - ngay cả khi chúng ta muốn làm việc tốt mà thường vấp
phải thái độ vô trách nhiệm, thờ ơ và vô cảm, thậm chí đến mức hèn nhát của các
cán bộ công an…
… và có lẽ
hình như cũng vì thế, mà người ta đã mất lòng tin ở “những con người thật” đó,
người ta cảm thấy dễ chia sẻ trên mạng ảo hơn khi muốn làm việc tốt, có đúng thế
chăng?
Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment