Ngày xửa ngày
xưa có một vị Cao Tăng tu thiền ẩn dật trong một cái am nhỏ trong núi rừng heo
hút. Cái am này được Người tự xây bằng cách chẻ từng viên đá, nhặt từng tàu lá
và cứ một mình làm như thế trong mấy năm trời mới xong. Người dẫn nước từ nguồn
khe trên đỉnh non cao về bằng từng cây luồng đục rỗng lòng, Người tự khai hoang
từng mảnh ruộng bậc thang để trồng lúa, trồng rau lấy cái ăn.
Ngày ngày Người
vẫn kiên trì tu tập thiền định, đến giờ ra làm vườn làm ruộng, đến cữ vào tham
thiền, nhập định… Một ngày Người đi rừng lấy củi, gặp một phụ nữ trẻ ôm một đứa
nhỏ, nằm cạnh vệ đường dáng chừng mệt mỏi cùng cực. Người cho bà mẹ trẻ uống nước,
rồi từ từ đưa hai mẹ con về am. Những cây thuốc Người hái trong rừng cùng mấy bữa
ăn thanh đạm, lại được nghỉ ngơi… hai mẹ con dần khỏe lại. Vài hôm sau, nhân
lúc Người ra làm vườn, bà mẹ trẻ lén đi mất để lại đứa con trai khỏe mạnh, khôi
ngô, đĩnh ngộ cho Cao Tăng nuôi nấng. Cảnh ông nuôi cháu, lại là thày nuôi trò,
thấm thoắt đã hai chục năm, nay đứa bé cũng đã trở thành một vị Thiền Sư được
tiếp thu những gì tinh hoa nhất mà Cao Tăng đã dạy bảo. Lại thấm thoắt mấy chục
năm, Thiền Sư chôn cất Thày của mình ở ngay sau núi, hướng về mặt trời lặn nơi
Niết Bàn Tây Phương…
… những gì
tinh hoa nhất về nghệ thuật Thiền, những tư tưởng siêu việt của Đức Phật được
Cao Tăng truyền dạy, lại được Thiền Sư ngày ngày luyện tập công phu, chiêm nghiệm…
và Thiền Sư mỗi ngày lại viết lại một ít… nay cùng với những kinh sách của Cao
Tăng để lại, sách vở đã chất đầy một bên chái của am. Tiếng lành đồn xa, lại có
nhiều vị Hòa Thượng mới xuất gia tìm lên núi tu học theo hướng dẫn của Thiền
Sư. Các đệ tử của Thiền Sư xuống núi, đều trở thành những bậc Cao Tăng ở nhiều
nơi, có nhiều người tìm theo học tu theo Pháp môn. Thiền Sư vẫn vậy, ở một mình
nơi am nhỏ trên núi rừng u tịch dù đệ tử nổi tiếng có ở khắp muôn nơi.
Cái am được
Cao Tăng khuân đá xây nên, tường vẫn vững chắc trơ trơ với thời gian, nhưng mái
am lợp bằng lá gồi, lá cọ… đã nhiều lần Thiền Sư cùng Thày lợp lại, rồi lại một
mình, cứ thế vài năm, lại trèo lên, lợp lại một lần. Là vật chất, cái gì cũng
cũ dần đi, mà hỏng, mà tan biến. Phàm đã là một vị Thiền Sư đã chứng đắc, như Bồ
Tát, như Phật sống rồi, thì gió không lay, mưa không thấu, thích “đi” lúc nào
thì “đi” lúc ấy… nhưng vẫn đều đặn vài năm chẳng quản thân già, lên lợp lại mái
am… chẳng phải là một sự lạ hay sao?
Nhưng dù có đắc
quả vị gì thì Thiền Sư vẫn tồn tại trong thân xác của người phàm, mà ai cũng vậy,
muốn tu tập tốt thì vẫn phải giữ cho cái xác phàm khỏe mạnh.
Hơn thế nữa,
hàng trăm cuốn sách được viết từ thời Cao Tăng Sư phụ của Thiền Sư, đến Thiền
Sư kế tục tiếp tục viết nên, không thể để mưa gió làm hỏng được. Vẫn biết mọi
thứ là huyễn, trang giấy trắng viết vẽ gì nên thế, nhưng kinh sách, giáo lý… là
lời của Phật, không nên để bị tiêu hủy.
Và thế là vài
năm, Thiền Sư lại thân già trèo lên, lợp lại mái nhà…
Câu chuyện
mình vừa mới bịa ra, nghĩ ra những ý tứ của nó từ hôm qua, hôm nay viết lại,
chưa kịp tra cứu thêm để những lời lẽ, câu chữ… phù hợp hơn với giáo lý của nhà
Phật.
Cũng chỉ tuần
trước thôi, bản thân còn cảm thấy vướng mắc với một số người quen, chắc là có
thể nói mình và người ta không ưa nhau. Bạn đã bao giờ nhìn thấy một người mà bạn
không ưa chưa? Cứ cho là bạn có lẽ phải còn người mà bạn không ưa, bạn cho là họ
không có lẽ phải đi. Mỗi lần gặp nhau, bạn lại thấy có một cái gì khó chịu, nặng
nặng, làm cho bạn nghẹn nghẹn… phải không nào?
Mình cũng vậy
– mình có những người như thế ở xung quanh. Không hẳn là thù hằn – người gây
thù với mình, mình đã quên từ lâu, và nhiều người mình cảm thấy có lỗi với họ,
mình cũng chân thành xin lỗi từ lâu. Nhưng vẫn có những người, là người tốt hẳn
hoi, nhưng không hiểu sao – như Nam Cao viết “cái mặt không chơi được!” – và thấy
không ưa… một ngày vỡ nhẽ ra, mình phải diệt trừ cái đó trong tâm của mình, đó
là cái sự “chấp trước”.
Đi đường trước
đây khó chịu với những người vi phạm luật giao thông gây nguy hiểm cho người
khác. Nhưng nay mình tập niệm Phật, quán trong mình lòng từ bi không nổi sân hận,
không oán người ta, mà hiểu rằng những người còn có những hành vi như thế, là
còn “vô minh”, và nếu ban thân quán được lòng từ bi để hồi hướng cho những người
như thế, sẽ tốt cho cả hai. Và mình đang tập làm điều đó.
Lại có người
bạn băn khoăn, rằng cuộc sống là phải cơm, áo gạo tiền, bao thứ lo… thiền định
niệm Phật, đâu có làm đầy nồi cơm… buông xả khó quá, không làm được! Nhưng
trang giấy trắng là trống rỗng, Thiền Sư viết nên những gì Cao Tăng Sư Phụ truyền
dạy, rồi qua mấy mươi năm chiêm nghiệm… nay đã thành lời của Phật, từ “không”,
đã là “có” – có ai dạy chúng ta buông xả là quẳng sạch công việc, con cái, gia
đình… để đi tụng kinh niệm Phật đâu, Phật mà biết thì Thế Tôn chẳng bao giờ chấp
nhận đệ tử như thế. Thiền Sư lợp mái nhà cũng như chúng ta lo đầy nồi cơm cho
con cho cái, đều là lo cái lo nhân sinh, buông xả là hiểu cái giả tạm của cuộc
đời nhân sinh mà tránh những mê muội tiền tài, ảo mộng dễ bước chân vào con đường
lầm lạc, tù tội; chứ đâu có xui ta bỏ một phát sạch bách tất tần tật đâu!
Buông xả là
quán từ bi cho những người mình không ưa, bằng việc đầu tiên là “ưa” họ đi đã,
là thấy niềm vui trong những công việc nhọc nhằn thường nhật mà sống tích cực
hơn… ai đó nói Đạo Phật là yếm thế, nhưng Đạo Phật buông xả vẫn lăn vào lo cái
lo của thế gian mà mong hóa độ chúng sinh bằng cách Phật đã dạy, sao gọi là yếm
thế…
Tham gia thảo
luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment