Người ta hay
chúc nhau trước khi đi ngủ, rằng sẽ có những giấc mơ đẹp. Người ta cũng đã có
rất nhiều những cố gắng để giải mã những sự bí ẩn của những giấc mơ của con người.
Mà không chỉ con người, rất nhiều loại động vật khác, như chó, mèo… đều ngủ mơ.
Có những con chó rên ư ử trong cơn ác mộng…
Hồi bé có lần
sang nhà ông anh họ cùng tuổi chơi, thấy cậu mặt ị ra… lúc sau thổ lộ, rằng tao
xấu hổ quá, mười mấy tuổi còn tè dầm. Đêm qua ngủ mê, đứng ở mép vỉa hè cạnh cống,
tao mót đái, vạch quần ra đái xuống cống, thế là ào ra quần, tỉnh luôn. Tao ngủ
mê thấy y như thật ấy mày ạ… Mấy năm sau đã vào tuổi hai mươi, chú em chỉ kém
hai tuổi hớt hơ hớt hải chạy sang kể, anh ạ, đêm qua em ngủ mê thấy “làm chuyện
ấy”. “Thế tình hình thế nào?” “Ôi giời ôi, sướng lắm anh ạ, cứ y như thật ấy!” “Thế
chú đã “thật” lần nào chưa mà bảo y như thật?” “Chưa mà, anh biết rồi! Nhưng mà
em thấy cứ y như thật, từ đầu đến cuối… rồi đến lúc ngủ dậy em phải đi thay quần…”
Sau này đến lúc lớn hơn, “biết mùi đời” chắc cảm giác của chú em này, cũng chưa
chắc đã khác với “lần đầu trong mộng.”
Từ chuyện con
người đã trải nghiệm như chú bé đi tè, đến chuyện chưa từng trải nghiệm bao giờ
như chú thanh niên choai choai “làm chuyện ấy trong mộng” – đều “y như thật”.
Điều đó có nghĩa là chính cái cảm giác đưa vào trong hệ thần kinh và ý thức của
chúng ta, các xung điện, xung thần kinh… hoàn toàn là một. Việc một điều chưa từng
trải nghiệm trong thực tiễn nhưng trong giấc mộng đem lại những cảm giác như thật
và hơn nữa – đem lại một “thực tại trong mộng” hoàn toàn giống như thật.
Ngày bé đọc cổ
tích có truyện “Giấc mộng kê vàng” (“Hoàng lương nhất mộng”) và một bản khác là
“Giấc mộng Nam Kha” đã cực kỳ ấn tượng và câu chuyện cứ theo mình suốt, cho đến
khi học Phật thì mọi chuyện đã sáng rõ… Lư Sinh trải qua vài chục năm ở một cuộc
sống khác, sực tỉnh giấc mộng, thì thấy nồi cháo kê vẫn còn chưa chín… người
xưa đã sâu sắc đến như thế rồi mà nay chúng ta vẫn cứ nông cạn!
Có những giấc
mộng đưa con người trở lại quá khứ, gặp những người thân yêu đã khuất. Cũng có
những giấc mộng đưa con người vào tương lai, như một dự cảm báo trước điều sẽ đến.
Cũng có những giấc mộng đưa chúng ta vào một khung cảnh siêu thực, mà ở cõi trần
thế này không thể nào có được. Bây giờ càng ngày, con người càng tin vào những
điều đó, là hoàn toàn có thể những gì gặp trong mộng là những trải nghiệm của
chúng ta ở muôn vàn kiếp trước. Cũng đừng cứ phải nhất nhất thời nay mới là “công
nghệ hiện đại”, mình hoàn toàn không nghi ngờ rằng ở đâu đó có những cõi khác,
những thế giới khác, mà con người đã dùng iPhone, chế tạo tàu vũ trụ từ cách
đây cả triệu năm, nghĩa là với tầm vóc của vũ trụ, của các bậc thánh, Phật, Bồ
Tát, khái niệm về thời gian đã vô thủy vô chung, thì những thành quả của con
người hiện nay, không là gì cả. Mà có khi những thành quả đó cũng chỉ là sự lục
lọi lại những đồ cũ, tầm tầm trong kho bụi bặm của một loài người nào khác mà
chúng ta là những biến thể thoái hóa mà thôi… ở thế giới đó con người đi lại,
hành động… tất cả bằng ý nghĩ, như Tôn Ngộ Không dùng Cân Đẩu Vân, như con người
đang mong muốn chế tạo ra “logical weapons” (vũ khí lôgích điều khiển bằng ý
nghĩ).
Hiện nay ngồi
ở phòng này chúng ta không nhìn thấy người ở phòng bên cạnh, muốn nhìn, chúng
ta dùng webcam, camera theo dõi… vì lượng tử ánh sáng với bước sóng của nó,
không xuyên qua nhiều dạng vật chất. Nhưng cũng chính những phôtôn này lại
xuyên qua được cơ thể để chụp chiếu mà bác sỹ chẩn đoán bệnh tật cho ta… vì thế
ở tầm cỡ tế vi – “bé tí”, bé ơi là bé ấy mà, thì mọi thứ đều rỗng, vì thế mà
phôtôn hay lượng tử, mới thản nhiên đi qua như thế được chứ. Điều đó cũng có
nghĩa là cái ghế chúng ta đang ngồi, là cái ghế “rỗng”. Quần áo chúng ta đang mặc,
cũng là “rỗng”, hay chúng chỉ che được mắt của người trần, chẳng gì thì cũng có
câu “Vải thưa che mắt Thánh”! Lại nói đến cái tầm vĩ đại, “to ơi là to” – nếu
chúng ta nằm ngắm bầu trời sao, thấy trên trời đủ các chòm sao mà loài người đã
thông qua các nhà chiêm tinh rồi sau đó là thiên văn học, đặt cho chúng tên tuổi
đàng hoàng… ở chiêm tinh ta có Bảo Bình, Nhân Mã… trong thiên văn chúng ta có Đại
Hùng Tinh, Tiểu Hùng Tinh… nhưng nếu cưỡi tàu vũ trụ đi lên trên đó, chúng ta
chẳng thấy gì như thế cả, vì các chòm sao chỉ là những sự sắp xếp hình học theo
cái “biểu kiến” (quan sát được) của con người – và ngã ngửa ra các vì sao, cũng
chỉ là vật chất bình thường mà thôi. Những vật chất này có thể đã có trong bảng
tuần hoàn của Menđêlêép hoặc chưa, chẳng thành vấn đề, vì đằng nào thì chúng
cũng “rỗng”.
Đến đây nếu
ai đó vẫn tiếp tục “duy vật biện chứng” Mác Lênin, “vật chất có trước, ý thức
có sau”, “là sự phản ánh thế giới vật chất khách quan vào bộ óc con người và có
sự cải biến và sáng tạo…” “ý thức chính là vật chất…” “con người có thể nhận thức
được thế giới khách quan…” sẽ đập bàn quát tháo, phản đối rầm rầm, rằng cái thằng
này đang “sa vào duy tâm, siêu hình…” nhưng rõ ràng chính cái vật chất xung
quanh chúng ta đây, gọi nôm na là “rỗng”, nhưng đó chính là tính “không” của vật
chất nói chung, của thế giới và vũ trụ nói riêng. Và cũng rất rõ ràng, rằng có
rất nhiều điều con người không thể lý giải được bằng các giác quan thông thường
của mình. Bằng tư duy, con người có thể đi xa hơn thực tại được vài trăm năm,
như Jules Verne là người được trao một quyền năng như vậy khi đã tưởng tượng được
ra những thứ mà vài trăm năm sau, con người chế tạo được, hoặc con người dần dần
tìm ra…
“Tồn tại” chỉ
là một trạng thái rất ngắn của cái “Không” vĩnh cửu.
Chính vì thế
mà con người khi sống trong thế giới vật chất, càng ngày càng nhiều các thứ vật
chất hấp dẫn hơn, nhất các thiết bị công nghệ (tưởng là) hiện đại, thì lại càng
lạc lối. Điều đó cũng gây khó rất nhiều cho những người muốn học Phật, người tu
thiền… muốn xuất phát từ “cái không”, từ “con số không” (nhất là muốn hiểu “bản
ngã là không”) khi không thể xa rời được mãnh lực của vật chất. Đã “ngã là
không” thì kể cả những hiểu biết của con người, cũng chẳng là
gì cả, chỉ là một hạt cát so với vũ trụ.
Nhưng nếu hiểu
được tính “không” trống rỗng của vật chất xung quanh, thì sẽ hiểu, những cảm
giác sung sướng của cái iPhone vừa mua mang lại cho chúng ta, những trải nghiệm
“vĩ đại” chúng ta vừa mò mẫm ra được trong cái máy ảnh số mới sắm; cũng chỉ là
những xung thần kinh đơn thuần mà hoàn toàn chúng ta có thể gặp được trong giấc
mộng mà thôi.
Và chỉ đến
khi hấp hối, chúng ta mới sực nhìn thấy nồi cháo kê còn chưa chín trên bếp… “Trăm
năm một giấc kê vàng…”
Tham gia thảo
luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment