Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Friday, September 7, 2018

Tại sao lại có cuộc chiến “đánh” thày Hồ Ngọc Đại?


Quyết chí đi tìm hiểu xem cái “Công nghệ giáo dục” hiện đang bị đánh tả tơi nó ra sao, tôi đi tìm mua sách. Đến hiệu sách giáo dục là “ổ sách giáo khoa” 45B Lý Thường Kiệt, hóa ra là không có. “Mấy anh đến hỏi mua rồi đấy anh ạ. Sách này phải do các trường quyết định dạy, và đặt mua mới có. Bọn em bán sách theo quy định của Bộ.”

Thử gọi điện cho hai mụ bạn từ hồi phổ thông, một bây giờ là hiệu trưởng một trường tiểu học điểm của Hà Nội, một là hiệu phó. Cả hai đều chưa được cầm sách trên tay. “Vậy thì liệu Sở có triển khai không?” “Triển khai sao được, muốn triển khai phải hỏi ý kiến các trường chứ.” “Thế chương trình này dạy ở đâu?” “Tùy trường quyết định, thường khối dân lập tự lựa chọn, còn các trường như trường tao thì không, do Sở quyết định và phải hỏi ý kiến.”

Vậy đó, với các trường dân lập thì trường tự chọn, còn trường công lập thì Sở quyết định – theo hệ thống hành chính Nhà nước.

Cách tiếp cận gián tiếp như thế cũng không đạt kết quả, tôi chọn phương án đến gặp cô giáo của con, người đã dạy con mình những năm đầu tiểu học để mục sở thị.

1. Con tôi không học sách của chương trình CNGD, mà được học theo phương pháp của CNGD được áp dụng đến bây giờ. Sau đó là những chi tiết về vấn đề học “phát âm” mà tôi đã từng đề cập trong bài viết trước (phonetics.)

2. Những “lỗi” trong sách có đúng như trên mạng và báo chí không? Đúng hết và có hết. Cô giáo của con tôi trao đổi:

“Không phải bây giờ mới lôi ra, mà người ta đã viết nhiều về những cái gọi là “lỗi” đó rồi.”

“Vậy thì, có thông tin, chủ yếu nói không chính thức trên mạng xã hội, kiểu lập lờ rằng “những người soạn sách thường để dăm bảy lỗi, sang năm chỉnh lý bổ sung hòng kiếm tiền tiếp…” liệu có đúng trong trường hợp này? Ý tôi là, những người soạn sách cho chương trình CNGD tại sao để rất lâu và không sửa?” – Tôi hỏi.

“Vì theo quan điểm của những người thiết kế chương trình, đó không phải là “lỗi.” Như ví dụ “con rơi” có hình vẽ con dơi (thú có cánh màng để bay, bắt muỗi ăn, nói thế cho rõ khỏi cãi nhau) hoàn toàn không phải lỗi chính tả, mà nhằm để các con nắm được một vấn đề là rất nhiều người Việt nói “con dơi” cho cả trường hợp cái con biết bay và bắt muỗi lẫn trường hợp đứa con bị đẻ rơi. Tất nhiên giáo viên cũng sẽ phải giải thích là vẫn có người nói uốn lưỡi cho trường hợp “con rơi”…”

“Là những người do sơ ý sinh ra đấy ạ?” Tôi đùa và cô giáo cười.

“Vâng, bản chất vấn đề là các con sẽ hiểu ngay rằng về nhà nếu bố mẹ có nói những người…”

“Do sơ ý sinh ra…” Tôi nhắc.

“Vâng, những con rơi ấy, mà phát âm như con dơi biết bay, không có nghĩa là bố mẹ nói sai, mà là do đặc điểm vùng miền phát âm. Dạy như thế này có lợi là cả những vùng miền phát âm uốn lưỡi đúng cũng sẽ biết được có những vùng phát âm khác. Thực tế là không cháu nào viết sai cả, và đều nắm rất nhanh. Cơ sở của nó cũng còn là sự tôn trọng cách phát âm của vùng miền nữa, không bắt buộc phải uốn lưỡi cho đúng…”

“À đúng rồi, tôi nhớ theo cách học trước đây, mỗi khi được yêu cầu đọc diễn cảm hoặc đúng chính tả, chúng tôi thường bắt buộc phải uốn lưỡi mỗi khi có chữ R chẳng hạn, và không uốn được bị coi là một lỗi…” Tôi nhớ lại.

“Vâng đúng thế anh, cách học này không yêu cầu các con phải đọc đúng, như thường hiểu là “đúng chính tả” mà tôn trọng cách phát âm vùng miền. Ngược lại do các con phân biệt được, thì lại có khả năng phát âm rất tốt dù không bị yêu cầu, do đó các con uốn lưỡi rất tốt khi học ngoại ngữ.”

Điều này đã được kiểm chứng trên thằng con nhà tôi. Bình thường nói nói “dơi” cho “rơi vãi” nhưng nếu cần phát âm “reading” thì uốn lưỡi như đúng rồi, và viết thì hầu như không sai chính tả.

“Bây giờ chúng ta sang ví dụ bài “Quả bứa”…” tôi tìm cách chuyển cảnh.

“Vâng, bài đó anh có thể thấy đấy, qua bao năm vẫn được dạy theo chương trình này…”

“Vậy tại sao trước những chỉ trích của dư luận, mà bài này vẫn không được thay thế? Tôi nghe những chỉ trích rất nặng nề, nhất là về phương diện đạo đức xung quanh bài học này…”

“Mục đích của bài này được thiết kế đầu tiên là tính đặc trưng của cách nói vùng miền, cách phát âm, chúng ta nói qua rồi không nói nữa. Mục đích thứ hai là việc “chân không hóa” về nghĩa. Giáo viên phải được tập huấn cách dạy riêng để không hướng dẫn các con sa vào nghĩa của bài, dẫn đến có những cảm xúc chưa cần thiết, chỉ tập trung vào phát âm và từ ngữ. Tất nhiên anh có thấy các con, có con nào có những biểu hiện vô đạo đức không?”

“Tôi phải thừa nhận rằng, với chúng ta bao năm học truyện Tấm Cám, mà người hư vẫn hư, người ngoan vẫn ngoan, mấy ai xả thịt em cùng cha khác mẹ ra làm mắm đâu.”

Đến đây tôi phải thêm đoạn bình luận của mình, sau khi trao đổi thêm với cô giáo một vài câu nữa. Đúng là mục đích “chân không hóa” nghĩa của bài, tôi chưa nghe bao giờ thật, nhưng nó là có trong chương trình CNGD. Còn về khía cạnh “đạo đức” thì rõ ràng cho đến nay, những “nhà đạo đức Facebook” đang ầm ầm chửi GS Hồ Ngọc Đại cùng CNGD của cụ, còn dùng những từ ngữ vô đạo đức đến khó tưởng tượng được.

Thực tế là trường của con tôi học bây giờ vẫn là một trong những trường chất lượng cao, và đúng là đáng mơ ước. Tôi cũng không thấy có trường hợp nào hư một cách đáng tiếc vào tù ra tội, mà phần lớn là nằm vào các trường công cả. Tất nhiên với tiêu chuẩn của tôi thì thực sự cho rằng “ngoan” còn có nhiều yếu tố, mà chủ yếu là từ ảnh hưởng của gia đình, nên không thể đánh giá được cả hệ thống giáo dục của nhà trường.

Xin nhắc lại, đây là một phương pháp giáo dục, chứ không chỉ là vài quyển sách, phải hiểu được cái tổng thể và cả những tư tưởng giáo dục của các tác giả của nó muốn gửi gắm. Ngay trong bài “Quả bứa,” vì tôi vốn là người cầu toàn trong quan điểm giáo dục vẫn muốn người ta thay nó bằng một bài nào khác đỡ gây tranh cãi hơn, nhưng phải thừa nhận một điều rằng: nếu thực sự các thày cô giáo đạt được cái mong muốn, là để các con biết cách không “chấp” vào nội dung của bài, mà tư duy theo hướng mở, thì đó là một cách mạng lớn trong giáo dục.

“Thực tế là do phương pháp này, em chưa nói là tiến bộ nhưng các con rất biết suy nghĩ độc lập, và bài quả bứa sẽ thành công khi: Một là, lúc học các con không quan tâm đến nghĩa của nó, và Hai là, sau này chính chúng lại quay lại với nó và đặt những câu hỏi liên quan đến nó, rằng sẽ phải hành xử như thế nào ở trường hợp tương tự? Chẳng hạn sẽ đặt câu hỏi nếu mình là một trong những nhân vật như trong bài, nên hành xử như thế nào; hoặc ở một tiêu chí nào đó, một tiêu chuẩn của một xã hội khác, nếu người phân xử không phải là ông anh, mà là người ngoài thì có thực sự cần phải tính công phân xử hay không? Tất cả đều phải được các con đặt vấn đề, đặt câu hỏi…”

“Hôm trước tôi cũng đã từng đặt vấn đề từ góc độ rằng nhỡ theo tiêu chuẩn của một xã hội khác, người ta cho rằng người phân xử cũng cần có phần, mới là công bằng thì sao? Và bản thân những vấn đề khác nữa, như có được hái quả hay không, khi nào được hái, khi nào không…?”

“Vâng đúng rồi, với cách dạy tôn trọng ý kiến các con này, thì các con được khuyến khích đặt câu hỏi về tất cả các khía cạnh của vấn đề chứ không đóng khung cái gì đúng, cái gì sai…”

Đến đây tôi ngơ ngẩn cả người. Nếu được như vậy thì tốt quá, bao năm nay chúng ta rên lên vì nền giáo dục giáo điều, thế mà nay được đặt vấn đề từ một góc độ khác như thế này thì quá tiến bộ.

“Phải là người trong cuộc mới hiểu được anh ạ. Ngay cả bây giờ báo chí nói ầm ầm lên, thậm chí lấy cả ý kiến của giáo viên một số nơi thí điểm áp dụng đấy, nhưng cô giáo đó chưa hiểu cặn kẽ vấn đề thì cũng có thể có ý kiến không tích cực được.” Cô giáo nói nốt và câu chuyện tạm dừng.

Nói thêm: nếu bây giờ được lựa chọn, tôi sẽ lại cho con học ở trường nào có mô hình thực nghiệm, hay Công nghệ giáo dục. Con tôi sau khi học ở đó hai năm, dù gốc cháu khá chậm nhưng cháu đã có những tư duy rất độc lập và táo bạo. Tất nhiên điều này phù hợp với những người có tư tưởng như tôi, không phù hợp với những người có tư tưởng muốn duy trì truyền thống.

<<>> 

Bây giờ tôi nói đến những ngờ vực của tôi mấy hôm nay. Tôi được huấn luyện để làm công tác suy đoán, xử lý thông tin. Từ khi học Đạo Phật, tôi không làm việc đó nữa vì Phật đề nghị không đoán cái gì cả, không nói cái gì không biết. Nhưng tình thế này buộc tôi phải đưa ra một số suy luận.

1. Cứ vài năm, Bộ giáo dục lại cải cách giáo dục một lần. Một lần như thế lại thay sách mới, mà in mới chi phí cao hơn in thêm sách cũ nhiều. Xã hội thêm một lần tốn kém, nhưng những “người trong cuộc” thêm một cơ hội bỏ túi bộn tiền. Cụ Đại nói thẳng ra rồi đấy: làm là để chia tiền.

2. Như vậy cơ chế của ta là cho phép một số trường tự chọn chương trình, trong đó có chương trình CNGD. Theo những thông tin tôi nắm được trên đây, trong cơ cấu quản lý của ngành, thì các trường công không có cơ hội để được chọn CNGD, chỉ còn nhóm trường dân lập.

3. Bắt đầu có thông tin Sở này Sở khác CẤM không được áp dụng hay chọn CNGD. Như vậy đã bằng con đường MỆNH LỆNH HÀNH CHÍNH, không được phép chọn, nghĩa là các trường dân lập cũng được bị cấm. Xin chú ý: thông tin đều là “các địa phương” tức là các SỞ GIÁO DỤC cấm nhé, và đối tượng bị cấm là các trường.

4. Gần đây xuất hiện nhiều trang web, nhiều fanpage trên mạng xã hội hoạt động theo kiểu thực hư, hư thực… tin thật có, tin đáng ngờ cũng không thiếu và mấy hôm nay tập trung đưa thông tin “đánh” CNGD và cá nhân GS Đại. Thậm chí là còn có cả những video “ông bố tức giận chửi tục, xé sách…” lan truyền. Thử hỏi có ông nào DỰ MƯU tức giận, chuẩn bị cả máy quay phim, smartphone và thực hiện kịch bản “tức giận, chửi bới” để tung lên mạng không? Có thể nói cùng với CẤM bằng mệnh lệnh hành chính, truyền thông BẨN đã tạo thành hai mũi giáp công hoàn hảo cho chiến dịch.

Như vậy chúng ta thấy mạch logic đơn giản, là CNGD nếu càng ngày càng chứng tỏ được tính tiến bộ của mình, được nhiều nơi lựa chọn, thì chắc chắn phải có ai đó bị nhỏ miếng bánh đi, và người ta không để yên, phải có biện pháp để phản công. Vậy ai đang bị phá thế độc quyền, đụng vào nồi cơm, xin để bạn đọc tự đoán.

Tiếc là vẫn có những ý kiến đánh đồng CNGD vào cái nhóm như người ta gọi là “hút máu, ăn thịt” phụ huynh bằng độc quyền sách giáo khoa kia. Thiết nghĩ, với bài viết này, bạn đọc có thể cho phép tôi đóng chủ đề này lại được rồi.

Quay lại với Facebook tại đây

Đọc tiếp bài Chuyện “Ba ba bỏ bể” và “quả bứa”

No comments:

Post a Comment