“Dạy con dạy cha”: Chỉ cần chúng ta biết trò chuyện với con thì chúng hoàn toàn có thể là những người tốt
Thế là cuộc phiêu lưu của ba bố con nhà Bôn Ba Nhi Bá, Bá Ba Nhi Bôn lại vẫn tiếp tục. Cuộc sống như một dòng sông chảy mãi, ngày nào cũng có một chuyện gì đó để nói với các con, để cùng học với chúng nó.
Nói chuyện với các con nhiều, mình cũng cảm được điều quý giá nhất của cuộc sống, chính là giây phút này. Quá khứ không lấy lại được, có quay lại cũng chưa chắc ta đã làm được tốt hơn. Tương lai chưa đến, chúng ta chưa biết nó thế nào và hãy cân nhắc xem điều gì quý giá hơn – những phút giây được sống bên những đứa con của mình, thật không gì bằng. Rồi sẽ có lúc chúng ta hối hận rằng chúng ta đã quá mê mải cho chuyện này chuyện khác, mà quên đi những giây phút quý giá bên người thân của mình. Có những phút bên con, mình quên đi những lúc bị bố mẹ mắng, mà chỉ nghĩ đến họ với lòng yêu thương lớn nhất.
Chúng ta không bao giờ sống mà không có sự tác động với bất cứ ai, bất cứ cái gì. Để ra được cuốn sách thứ hai này, mình nhớ đến tất cả những người xung quanh: tứ thân phụ mẫu, người vợ yêu quý, hai đứa nhóc láu lỉnh, hiền hậu và có phần ngố ngố…
Đặc biệt cảm ơn chị Thanh Thủy, người đã ủng hộ biến những ghi chép như nhật ký của mình thành sách. Cuốn sách tiếp theo này được đặt tên là “Dạy con dạy cha” như những bài học dành cho bản thân, hi vọng chúng có ích cho các bậc làm mẹ mà vẫn đang trong tuổi thanh xuân.
Cảm ơn mẹ con bạn Hồng Thắm cháu Minh Khuê với những bức tranh minh họa rất đẹp. Cũng không thể không nhắc các bạn của tôi: Nga, Điệp và bạn Cảnh Bình, cảm ơn các bạn.
Lời cuối xin cảm ơn độc giả Nguyễn Quân, mình đã lấy review của anh viết cho cuốn trước “Chuyện con chuyện cha” để làm lời giới thiệu in ở bìa 4 cuốn này.
“Dạy con dạy cha” thường được xếp vào loại tạp văn, nhưng tôi thích phân chia thành ba loại. Loại đọc bằng mắt, loại đọc bằng mồm và loại đọc bằng Tim. “Dạy con dạy cha” tôi nghĩ nên xếp vào thể loại đọc bằng Tim. Bởi đọc nó, nghĩ về nó và đi theo nó cả cuộc đời mình, con mình cháu chắt và thế hệ sau nữa phải có tình cảm, có trái tim thật nhân hậu mới thấy hay và thấm.
“Dạy con dạy cha” không phải cái gì cao siêu như kinh thánh, khó hiểu như kinh Koran, nó là câu chuyện đời thường mà ai cũng thấy, và có thể làm được. Chỉ có điều đưa vào sách nhẹ nhàng, không khiên cưỡng thì chỉ có Phúc Lai làm.
“Dạy con dạy cha” không phải chuyện của cha và con mà là “chuyện của chúng mình,” của những người sống quanh ta và của chính mình. Nếu các con chúng ta như Bôn Ba Nhi Bá, Bá Ba Nhi Bôn hay con tôi, các “tiểu yêu” thân yêu của chúng ta học được đôi điều (tất cả thì càng tốt) những điều từ cuốn sách này thì tôi tin cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều…”
Sau đây là những dòng giới thiệu sách của Alpha Books:
Tại sao lại có bầu trời hả ba?
Tại sao lại có những ánh nắng?
Tại sao chúng ta đều phải lớn lên?
Tại sao nhặt được của rơi phải trả lại?
Tại sao phải nhường nhịn người khác?
Ba ơi, tại sao có thể sinh được em bé?
Tại sao phải…
… Vô vàn câu hỏi vì sao từ con trẻ và chúng ta những ông bố bà mẹ thi thoảng lại đứng hình, không thốt nên lời.
Chúng ta phải làm thế nào bây giờ?
Tác giả Phúc Lai, cũng như những ông bố khác rất yêu thương con, muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con, qua cuốn sách Dạy con dạy cha đã tìm ra cách để trò chuyện cùng con, cho con thấy mình chính là một người bạn, một điểm tựa vững chắc, một người đáng tin cậy để con có thể san sẻ mọi chuyện, có thể thổ lộ những suy nghĩ từ nhỏ cho đến lớn và đặc biệt hơn qua cách trò chuyện để hướng cho con trở thành một người tốt.
Cũng chính tác giả quan niệm rằng: Dạy con học giỏi là tốt, nhưng dạy con biết nhân ái, yêu thương, tế nhị và có đạo đức quan trọng hơn nhiều.
Làm được điều đó ông bố Phúc Lai cũng đã phải học: học làm bố, học làm những điều tốt, học kìm chế cơn giận dữ, học cách lắng nghe… Và cũng vì nói chuyện với con nhiều hơn, gần gũi với các con nhiều hơn mà bất ngờ, ông bố đã học được nhiều bài học hơn.
Dạy con dạy cha, 248 trang, với những câu chuyện nhỏ với các chủ đề mà chúng ta có thể bắt gặp thường xuyên trong gia đình, trong cuộc sống xung quanh ta, có lúc chúng khiến chúng ta bối rối, có lúc khiến chúng ta ngẩn ngơ, có lúc khiến chúng ta bất ngờ… nhưng chắc chắn rằng những câu chuyện đó ảnh hưởng rất lớn đến chúng ta và con chúng ta. Học cách trò chuyện, biết cách lắng nghe, chia sẻ sẽ giúp con chúng ta có những bước đi vững chãi hơn, tự tin hơn trên nấc thang cuộc đời và giúp chính chúng ta mạnh mẽ, bao dung hơn, vị tha hơn trong hành trình làm bố làm mẹ.
Mời các bạn đón đọc Dạy con dạy cha (NXB Văn học và Alpha Books liên kết xuất bản, phát hành) để biết thêm về bí quyết của ông bố ấy nhé.
Một số đoạn trích:
“- Con xin lỗi ba, lần sau con sẽ đóng cửa.
Ôi thôi, xong rồi, đấy là lỗi của mình chứ có phải lỗi của cô bé đâu.
- Ba xin lỗi con, là ba đùa trêu con thôi, hóa ra anh Nhi Bá tưởng thật à.
Nhi Bá xen vào:
- Con nghe ba nói rất nghiêm túc con tưởng thật.
- Lỗi của ba, ba xin lỗi cả hai anh em.” (Trích Con gái lấy nước mắt làm đầu)
“Tại sao lúc đưa con đi học, con không cần đội bũ bảo hiểm hả ba?
- Có chứ con, đã lên xe máy là phải đội.
- Con không đội mà, mà ba cũng không nhắc hay yêu cầu con đội mũ.
Mình ngượng quá đi mất:
- Ừ đúng là thiếu sót của ba rồi, nhiều khi cứ ẩu như thế đấy, nghĩ là đi gần, trong ngõ không có chú công an, nên cứ làm bừa đi. Thực ra thì…
Cậu cả nói tranh:
- Là chỗ nào cũng có thể ngã được ba nhỉ. Mà ngã vỡ đầu là nguy hiểm… Mai con sẽ đội mũ bảo hiểm lúc ba đưa con ra xe buýt trường.” (Trích Mũ bảo hiểm)
Bài tại đây
Mua sách online tại đây
No comments:
Post a Comment