Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Sunday, August 21, 2016

Vụ bắn lãnh đạo ở Yên Bái: “vô lương” hay “vô đạo”?

Bây giờ mới có thời gian để ngẫm nghĩ một chút về thái độ chung của cộng đồng, nói thẳng ra là của “cộng đồng mạng” trước sự việc tày đình trên Yên Bái. VTC thì gọi thái độ chung của cộng đồng là “vô lương” bằng một cái tít “Khi kẻ vô lương đùa cợt trên nỗi đau tột cùng của vụ thảm án.” Đương nhiên thì bài báo này hứng hẳn vài xe đá, không loại trừ có đá tảng.

Trong bài “Vụ bắn lãnh đạo tỉnh ở Yên Bái: một góc nhìn khác” mình đã bày tỏ sự thông cảm với cộng đồng sống trong một xã hội ngày ngày đi xuống đủ các thứ, từ môi trường ô nhiễm, tội phạm gia tăng, tham nhũng càng chống lại càng hoành hành dữ dội… Sống trong một xã hội nhiễu nhương mà không được bảo vệ, từ việc mất của đến gặp công an nhờ tìm lại, cũng phải “chia bôi” lẫn đi ra đường không biết có lúc nào bê tông rơi vào đầu.

Xã hội bức xúc cũng phải, từ cái bức xúc đó chúng ta dễ đổ cái sự căm ghét đó lên đầu quan chức. “Không gian tham sao lên được đến chức đó!”

Tác giả Khánh Nguyên trong bài báo đăng trên VTC dễ bị ném đá, vì anh/chị viết từ góc độ của chính quyền. Nhưng ở đây cần có thêm một góc độ khác, góc độ của người dân thường Việt Nam nhưng là người của dân tộc Việt Nam vốn được tiếp xúc và theo Phật vài nghìn năm, Đạo Phật được coi là Đạo của dân tộc. Vì rất nhiều người trong số chúng ta sinh ra đã thở bầu không khí của Đạo Phật, nếu rằm mùng một có thắp hương hay lễ chùa, chúng ta vẫn “cầu Trời khấn Phật…”

Thực ra câu chuyện cũng đơn giản thôi: tất cả chúng ta, mỗi chúng sinh đều có “nghiệp” riêng và không có gì diễn ra ngoài nhân – quả. Chẳng cần nhìn đâu, ba chúng sinh vừa từ giã cõi đời một cách rất không an lành trên Yên Bái, thực sự “nghiệp” rất nặng so với những người được chết an lành trên một cái giường, có người thân xung quanh… Thực sự những cái chết như vậy, khó siêu thoát được.

Chúng sinh trên cõi Ta Bà mà một phần là trái đất của chúng ta, phước mỏng nghiệp dày. Không những thế, chúng ta hầu hết không biết làm như thế nào để giảm cái nghiệp ấy đi và tăng được phước đức của mình lên.

Một vụ việc như ở Yên Bái, trước hết đó là sự ra đi của ba chúng sinh, mà chúng sinh thì bình đẳng, đặc biệt là trước cái chết. Việc cầu nguyện cho người chết rất nên làm, không chỉ theo một Tôn giáo tín ngưỡng nào, mà Đạo nào cũng ủng hộ. Người ta có thế nào thì mới có cái chết đáng sợ đến thế, mình không thương người ta thì thôi, không nên hùa thêm mà hả hê, xỉ vả, ném đá.

Vì làm như vậy, chúng ta chỉ làm dày thêm cái nghiệp sẵn như núi Thái Sơn của mỗi chúng ta mà thôi. Cái “nghiệp nặng” kinh khủng đó của chúng ta đem lại do 3 yếu tố “thân, khẩu, ý.” Từ một suy nghĩ xấu trong đầu đã tạo nghiệp, đến nói ra miệng và hành động bằng tay chân. Bây giờ thì “bàn phím chiến” đã là hành động tạo nghiệp cả từ 3 yếu tố đó rồi: cả đầu óc, dùng ngôn từ, và dùng tay để gõ.

Đó là “biệt nghiệp” của mỗi người. Những người đang bị bắn và tự bắn kia có “biệt nghiệp” của họ và chúng ta có “biệt nghiệp” của chúng ta. Một cộng đồng liên kết với nhau bằng những mối liên hệ vô hình, sẽ có “cộng nghiệp.” Phép “cộng nghiệp” này thực là kinh khủng, như những vụ rơi máy bay hoặc thiên tai như động đất, sóng thần.

Chắc chắn sẽ có những ý kiến cho rằng không có gì đáng thương, bọn tham quan ô lại phải bị trừng trị. Chúng ta cũng cần phải hình dung ra được rằng, chúng ta đang sống trên dải đất hình chữ S này thì có “cộng nghiệp” của chúng ta, những người Việt Nam. Chúng ta đang phải chịu những cái gì mình liệt kê trên đây: xã hội nhiễu nhương, tham nhũng tràn lan, kinh tế xuống dốc trong khi các khoản thu từ Nhà nước chỉ có tăng, cuộc sống chật vật, tội phạm càng ngày càng nghiêm trọng, manh động và tàn bạo, bảo vệ từ chính quyền không có hoặc có lấy lệ và cuối cùng là đạo đức suy đồi.

Không chỉ với các quan chức, mà với bất cứ kẻ thủ ác nào từ Nguyễn Đức Nghĩa đến Lê Văn Luyện, “cộng đồng mạng” đều sục sôi đòi trả thù ngay lập tức. Nói mãi cộng đồng này vẫn không hiểu, ai có nghiệp của người ấy, không phải việc của chúng ta cần phải sục sôi – càng sồn sồn lên, chúng ta càng “chết,” tức là làm dày cái nghiệp “nặng khủng” của chúng ta lên mà thôi. Nạn nhân của các vụ thảm án, họ có nghiệp của họ, và Nghĩa hay Luyện là công cụ, là xúc tác để cái “nghiệp” ấy nó đến, rồi mỗi Luyện hay Nghĩa lại có nghiệp của mình khi đối mặt với án tử hình.

Còn chúng ta chửi bới, sồn sồn lên, sục sôi lên, thì có nghiệp của chúng ta. Để ý mình liệt kê trên đây, cái “đạo đức suy đồi” mình để cuối cùng. Vì cái suy đồi đó được đóng góp do mỗi chúng ta, chẳng phải ai khác. Hôm nay vừa chửi bới trên mạng, mai chúng ta quăng rác ra đường, kia chúng ta sẵn sàng đánh nhau vì quẹt xe… và ai trong số chúng ta đang buôn gian bán lận, ngâm thực phẩm vào hóa chất, hay đơn giản là đang trốn từng đồng thuế và cho rằng “mình không làm thì thằng khác cũng làm” và “nộp cho thằng khác nó ăn cắp?” 

Đến đây thì “cộng đồng mạng” sẽ uất ức, kêu lên: “Ai cũng nói như ông, thì xã hội không có đấu tranh!” Ồ, không phải – nếu theo học Phật thì sẽ thấy, tính đấu tranh của nó rất cao. Đấu tranh là với bản thân mình: sửa từng bước ý, khẩu, thân; không nghĩ xấu chuyển dần thành nghĩ điều thiện, không nói điều xấu nói dần nhiều điều thiện và làm việc thiện. Tránh ác, làm lành, đó là tu theo Phật. Đạo Phật dạy phải yêu thương chúng sinh khác, càng lầm lạc họ càng đáng thương. Từ việc sửa mình, mình dần thành tấm gương ngày một sáng, để người khác cũng một ngày nhận ra mà làm theo. Người đang làm việc xấu, ít xấu dần mà làm nhiều việc tốt hơn.

Cái đấu tranh theo Phật dạy, khó hơn nhiều so với cái đấu tranh lều phều bên ngoài từ lỗ mồm, hay phải đấu tranh bằng nắm đấm, gậy gộc thì còn tệ nữa. Ngay bản thân mình, khi ngồi gõ lách cách những dòng này, cũng đòi hỏi một sự nỗ lực ghê gớm. Bản thân mình “dám” nghĩ và viết, tự thân mình phải biết hổ thẹn vì những việc chưa tốt, thậm chí xấu đã từng làm trong quá khứ, biết sợ mà cố tránh làm trong tương lai… Ai đó gọi là “anh hùng bàn phím” thì tùy, nhưng cá nhân mình thì thấy đó là con đường đầy chông gai, đi không dễ. Ngay tuần qua thôi, nhìn thấy ai đó quên cái mũ bảo hiểm thèm kinh khủng, cuối cùng không nhặt. “Không tham cái không phải của mình.”

Không chỉ Đạo Phật mà cả Công giáo cũng có cái nhìn rất vị tha với những người đang làm điều xấu. Mình có xem một bộ phim, dựa trên một câu chuyện có thật: “Saratov Approach.” Phim kể về hai thanh niên Mỹ theo Công giáo, sang Nga làm công tác xã hội theo chương trình của nhà thờ. Có một cựu chiến binh Nga dẫn theo đệ tử, là thanh niên đang khó khăn về kinh tế lên kế hoạch bắt cóc hai chú Mỹ đòi tiền chuộc. Tiền chuộc không được trả, nhưng cuối phim thì chính hai người Nga quyết định thả hai nạn nhân của mình về. Điều đáng chú ý là chi tiết, một người đã từng bị bắt cóc trong hoàn cảnh tương tự ở Nam Mỹ trước đó 20 năm kể lại, khi bị bắt ông ta chỉ lo cho những người bắt cóc ông ta. Ông ta lo vì họ đang có hoàn cảnh khó khăn phải làm việc xấu. Ông ta lo vì họ đang ngày ngày tiếp tục làm việc xấu và tội lỗi tăng thêm. Hai thanh niên Mỹ trong phim cũng thế, có cơ hội để thoát, nhưng đứng trước việc phải hạ sát người thanh niên Nga đang canh giữ họ, cuối cùng họ từ bỏ, chấp nhận cái chết có thể đến.

Có lần mình đọc trong sách về vị Đại sư già người (Tây Tạng?) bị chính quyền Trung Quốc giam cầm nhiều năm. Cụ kể rằng khi bị giam, điều cụ sợ nhất là một ngày cụ mất đi trong mình lòng yêu thương dành cho những người cai ngục mà chính họ đang hành hạ cụ và những người tù khác. Cụ thấy họ mới là những người đáng thương nhất – hoàn cảnh trao cho họ công việc phải làm việc xấu, và không có ai chỉ cho họ như thế là xấu và sự nguy hại của những việc làm đó.

Mọi người thấy không, làm được như vậy cần có một dũng khí vô song, chứ không phải chuyện đơn giản. Chúng ta cứ tưởng phải ầm ĩ lên, chĩa mũi dùi, ném đá lung tung ra xung quanh mới là dũng cảm, hoàn toàn không phải. Hiểu như vậy là nhầm lẫn.

Như thế những người bị bắn và tự bắn ở Yên Bái, cần được yêu thương chứ không phải hỉ hả rủa xả thêm đâu. Như mình khi đã được học, mỗi sự việc như vậy đều niệm “A-di-đà Phật!” để mong hồi hướng cho họ được siêu thoát. Theo như được học, thì Phật lực của người mới học như mình không được bao nhiêu, nhờ cậy “tha lực” của Đức Phật A-di-đà tiếp dẫn cho họ được siêu thoát chắc họ cũng chỉ được hưởng hiệu lực cầu nguyện đó rất ít, thậm chí không có; nhưng cái “được” trước mắt cho bản thân người cầu nguyện, giảm đi chút “nghiệp,” dày lên chút “phước” cũng là vì mình trước đã.

Trong “Phật thuyết thập thiện nghiệp đạo kinh” Đức Phật dạy “người không vì mình thì trời tru đất diệt.” Người đời nghe và vội vàng áp dụng ngay, à hay, Phật dạy thế thì bao nhiêu mối lợi, của nả ta vơ hết vào mình. Lại không phải rồi. Vì mình không phải cái vì vật chất, mà là phải vì cái yếu tố tâm, yếu tố tinh thần của mình mà làm. Phật dạy “vì mình” ở đây là “không sát sinh, không ăn trộm ăn cắp, không tà dâm, không nói dối, không hai lời, không khinh ngữ, không ác khẩu, không tham lam, không oán hận, không tà kiến.” Nếu mình không biết những điều đó, phạm vào những tội lỗi trên đây, ngày lại ngày, nghiệp dày lên nhanh chóng, phước mỏng đi nhanh chóng thì “trời tru đất diệt.” Gương tày liếp hàng ngày diễn ra xung quanh mà chúng ta chẳng hề biết sợ.

Không biết thì gọi là lạc lối, và lạc lối là “vô đạo.” Vô đạo như vậy nghĩa của nó không xấu, chỉ là chưa biết thôi, biết rồi thì không lạc đường nữa. Đôi lời từ đáy lòng, mong ai đọc được những dòng này thì nghĩ một chút đến bản thân, xin hãy “vì mình” một chút đi…


Tham gia thảo luận trên Facbook tại đây   


1 comment:

  1. Hay, nhưng gian nan quá, có khi lại phải thử đã mới biết cảm giác tội lỗi rồi sau mới thành tâm ăn năn được, trong lịch sử có nhiều chuyện như vậy

    ReplyDelete