Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Sách “Chuyện con chuyện cha” NXB Trẻ 2014

Giới thiệu “Chuyện con chuyện cha” NXB Trẻ 2014 trên báo Tuổi Trẻ


(Tuổi Trẻ) - 60 câu chuyện nhỏ trong Chuyện con chuyện cha của tác giả Phúc Lai chia sẻ với bạn những bí quyết khá hấp dẫn. Những chuyện trò hằng ngày của người cha với con mình được ghi lại, làm nên kỷ niệm để lưu dấu và nhớ nhung mãi khi bọn trẻ đã lớn. Chuyện con chuyện cha - NXB Trẻ - hệt như một cuốn nhật ký, trong đó là những năm tháng đầy yêu thương của cha và con.

Trẻ con là chúa tò mò, hay thắc mắc những việc xảy ra xung quanh mình. Để có thể giải đáp câu hỏi của con trẻ sao cho vừa dễ hiểu, thuyết phục mà vẫn mang lại cho trẻ những bài học ý nghĩa, bạn phải có bí quyết riêng.

Chuyện con chuyện cha là cuốn tạp văn gần gũi, dễ thương nhưng không kém phần ý nghĩa kể về cuộc sống thường nhật của người cha với hai đứa con nhỏ.

Cậu con trai lớn mới vào lớp 1 có cả ti tỉ thắc mắc trong bụng, thường hay mang những vấn đề chưa hiểu hỏi ba. Những câu hỏi của cậu ngây ngô mà rất đáng yêu như “xổ số là gì hả ba ?”, “hi vọng là gì ?”, hay “tại sao nhà mình không mua ôtô ?”, thậm chí “cái chết là gì ?”...

Người cha trong câu chuyện đã kiên nhẫn giải thích mọi thứ cho con một cách đơn giản dễ hiểu nhất. Đồng thời ông còn khéo léo dẫn dắt câu chuyện hướng đến những bài học cuộc sống ý nghĩa, dạy con trai những giá trị đạo đức và cách sống trở thành người tử tế.

Còn với cô con gái nhỏ mới học mẫu giáo, bướng bỉnh và hay mè nheo, người cha ấy lại có “cách đối phó” riêng.

Ông dỗ ngọt con, nịnh con bằng những chiêu hết sức thú vị như cho con xem bộ phim hoạt hình có cô gái dễ thương mặc váy hồng con thích, rồi hỏi con có muốn đi tắm nước nóng như cô gái váy hồng xinh xắn kia không...

Người lớn là tấm gương để con trẻ học theo nên người cha trong Chuyện con chuyện cha không chỉ dạy con bằng lời mà còn dạy con bằng chính cách cư xử và hành động của mình.

Chẳng hạn như ông dạy con cách cư xử văn hóa, lịch sự bằng việc cùng con xếp hàng ở tiệm KFC; lấy mình làm gương dạy con không được xả rác hay hút thuốc nơi công cộng, không tùy tiện hắt nước ra đường...

Cùng con trò chuyện hằng ngày, giải đáp thắc mắc của con, cùng con chơi, cùng con học, cùng con quan sát, chia sẻ suy nghĩ, ý tưởng... người cha ấy dần dần trở thành người bạn thân thiết tin cậy của các con. Khi con nản lòng, cha ở bên động viên.

Khi con gặp rắc rối với bạn bè, cha ở giữa khuyên giải. Khi con làm sai, cha phạt con tự suy nghĩ...

Người cha dường như không dừng lại ở việc giáo dục trẻ nhỏ mà còn “nhắc” các bậc phụ huynh, những người ảnh hưởng trực tiếp nhân cách của trẻ, những người mà trẻ sẽ bắt chước từng lời ăn tiếng nói đến cách xử sự, hành vi thường ngày.

“Mưa lâu thấm sâu”, chỉ xoay quanh những chuyện lặt vặt hằng ngày: ăn cơm, học bài, trong nhà và ngoài đường phố, nơi công cộng.

Nhưng cha thủ thỉ, con lắng nghe, con thắc mắc, cha giải đáp... người cha đã khéo léo hướng dẫn lòng dũng cảm, cách sống chân thực, thẳng thắn, lối cư xử lễ phép, tế nhị, văn hóa, với mong mỏi các con sẽ biết quan tâm, có ích cho xã hội.

Đây chẳng phải tâm tình riêng của một người làm cha, mẹ.


Kinh nghiệm hay từ “Chuyện con, chuyện cha” bài của Cát Đằng trên báo Cần Thơ


Gần gũi, dễ thương và ý nghĩa là những gì cuốn tạp văn “Chuyện con, chuyện cha” (NXB Trẻ, quí I-2015) đem lại cho người đọc. Từ những câu chuyện đời thường giữa người cha và 2 đứa con nhỏ, tác giả Phúc Lai cho thấy những giá trị đạo đức trong nuôi dạy con.

60 bài viết trong tập tạp văn là những câu chuyện đời thường của tác giả và 2 con nhỏ của mình: một con trai tiểu học và con gái út mẫu giáo. Không phải nhà văn cũng không phải là một chuyên gia tâm lý nên tác giả có cách hành văn giản dị, các câu chuyện được kể lại dưới góc nhìn của một người cha dành trọn tình thương, trách nhiệm trong việc nuôi dạy con cái.

Trẻ con hay hỏi, hay thắc mắc về những điều xung quanh và giải thích vừa đơn giản, vừa dễ hiểu cho con trẻ là một vấn đề. Người cha đã kiên nhẫn, nhẹ nhàng trả lời những câu hỏi của con, đồng thời hướng con vào những bài học sống ý nghĩa. Chẳng hạn, khi nghe về xổ số, về niềm hy vọng của người mua, cậu bé con hào hứng nói trúng số sẽ mua thật nhiều đồ chơi. Nhưng khi nghe nói về các bạn có hoàn cảnh khó khăn, luôn hy vọng có được món đồ chơi mới mà không được, cậu bé ước trúng số sẽ mua đồ chơi cho các bạn... (bài “Niềm hy vọng”). Hoặc khi giải thích cho con về cái chết, người cha cũng đồng thời dạy con biết trân trọng sự sống và sống sao cho tốt (bài “Bái bai”)...

Từ những chuyện trò thường ngày, trả lời thắc mắc, dạy con học, chăm sóc và vui chơi cùng con... người cha dần trở thành người bạn thân thiết và tin cậy của con. Khi con nản lòng trước những bài tập khó thì nói sao cho con chịu học? Giải quyết thế nào khi con gặp chuyện ấm ức với bạn bè, với cô giáo? Lúc con gặp tai nạn thì xử lý ra sao? Thậm chí những vấn đề về giới tính, về tình cảm khác giới phải giải thích, hướng dẫn sao cho trẻ hiểu đúng mà không cần né tránh... Rất nhiều vấn đề của các bậc phụ huynh trong việc làm bạn với con được tác giả chia sẻ qua những câu chuyện, những kinh nghiệm thực tế của bản thân, đem đến cho người đọc những góc nhìn và những suy ngẫm thú vị.

Nổi bật trong tập sách là những câu chuyện về lòng nhân ái, sự dũng cảm và cách ứng xử văn hóa, văn minh nơi công cộng. Từ những câu chuyện giúp đỡ người tàn tật, khó khăn hay người gặp nạn (“Chú Phong bán sáo, “Cây trầu không”, “Lòng dũng cảm”), xếp hàng đi xe buýt hay mua thức ăn nhanh (“Bạn Tít”, “Lê Nin trong hiệu cắt tóc”) đến việc hắt nước ra đường, hút thuốc, xả rác nơi công cộng... được tác giả phản ánh cụ thể cùng những suy nghĩ, bình luận. Không chỉ kể những chuyện mắt thấy tai nghe hằng ngày, tác giả còn liên hệ đến những câu chuyện điển hình trong văn học, trong lịch sử và cả những kỷ niệm thời thơ ấu của bản thân để làm rõ hơn điều muốn nói. Do đó, các bài viết có cách thể hiện đa dạng, nội dung phong phú và lập luận chặt chẽ. Từ những câu chuyện nhỏ để dạy con, tác giả cũng gửi gắm những thông điệp ý nhị đến những người lớn, đến các bậc phụ huynh - những người mà trẻ luôn bắt chước hành vi, cách ăn nói, cư xử...

Những câu chuyện ngộ nghĩnh, thú vị pha chút hóm hỉnh, hài hước của “Chuyện con, chuyện cha” không chỉ đem đến cho bạn đọc những kinh nghiệm hay trong việc nuôi dạy con cái mà còn góp một tiếng nói xây dựng lối sống đẹp và ứng xử văn hóa trong xã hội.

Sách nói “Chuyện con chuyện cha” 




Dạy con dạy cha

Một ngày ra cầu thang bỗng xây xẩm mặt mày và ngã, may mà chưa lộn xuống tầng dưới – trước đó mấy năm đã luôn luôn cảm thấy mệt trong người, mắt hay bị tối lại và đau đầu nhưng không phát hiện ra bị sao cả. Lần đầu bị nặng như thế, đo huyết áp thấy cao hơn 200mm Hg và đi khám thì bác sỹ chẩn đoán là bị một khối u nhưng không mổ được vì không tìm thấy chỗ.[1] Từ đó những cơn tương tự như vậy đến nhiều hơn và bắt buộc mình phải ngồi nhà cũng nhiều hơn trước đây. Rỗi rãi hơn, mình dành nhiều thời gian cho các con hơn và cũng lên mạng giao du nhiều hơn.

Mới theo học giáo lý Đạo Phật một thời gian, có lần bắt gặp một topic trên Webtretho về chuyện ăn chay, chuyện theo Phật… và cứ thế đăng ký thành viên và tham gia. Lại một ngày… đi đón con trai, lúc đó cậu chàng mới học lớp Một, cậu ta tò mò nhìn người bán xổ số ở đầu ngõ và hỏi, mình trả lời và câu chuyện đầu tiên “Niềm hy vọng” ra đời. Câu chuyện được post lên diễn đàn Webtretho với tên topic là “Chuyện con chuyện cha,” rất đơn thuần là chỉ chép lại những gì đã nói chuyện với con, và thêm một số ngẫm nghĩ của mình về cuộc sống.

Quay lại với quá khứ một chút – mình là người có một tuổi trẻ vất vả. Mẹ mình mất sớm, bố yếu mất sức lao động, lại không có nhà ở nên phải ở nhờ nhà ông bà nội, mình thì lại ở lại nhà của ông bà ngoại cho mẹ mình. Lúc mẹ mất, em trai mình mới tám tuổi. “Chưa có vợ đã có con…” câu chuyện đúng là như vậy, mình quá trẻ để đóng vai trò giáo dục một người khác, mà mình không đẻ ra. Các cụ nói “quyền huynh thế phụ” nhưng với một thanh niên hai mấy tuổi, nhiều cái nó khó lắm. Tất cả khó khăn nó dồn lên vai, cơm áo gạo tiền… Mấy năm cuối của bệnh ung thư, mẹ mình thương thằng em còn quá nhỏ, dồn hết yêu thương cho nó và do cũng chiều nó quá, đâm ra cậu ta sinh khó bảo. Đến “thời ông anh,” ông ấy dữ đòn, đánh em như cơm bữa… cứ thế, càng ngày càng nghiêm trọng. Đến khi cậu ta khoảng học lớp 8, lớp 9 những vụ việc càng nghiêm trọng hơn, vướng cả với pháp luật. Không biết bao quán nét, bao chỗ chơi bời của thanh niên mình thuộc nằm lòng. Nhiều khi sự nhọc nhằn đã làm cho những giọt nước mắt chảy ra mà không kìm được. Cũng là một người có trách nhiệm, nhiều khi đêm đã nằm xuống rồi, muốn ngủ vì một ngày vất vả, lại vùng dậy đi tìm em về. Có những lúc tưởng như đã mất hẳn, không phải mất vì cái chết, mà mất vì em sẽ hư hỏng hẳn. Chỉ đến khi cậu ta 18 tuổi, mình cũng học Phật được một thời gian và ý thức được bản thân mình phải thay đổi, tất cả những phương pháp cũ không còn áp dụng được nữa. Nhà mình phúc còn to bằng cái đình – em trai quay lại học và thi đỗ đại học, và nay đã thay đổi rất nhiều, có thể nói là 180 độ. Cậu ta cũng theo Phật, ăn chay, tu thiền…

Điều quan trọng, là mình luôn luôn muốn đền đáp lại cho em những gì đã làm trong quá khứ, vì cậu ta đã là một phần của cuộc sống, không thể thiếu. Còn quan trọng hơn, là các con của mình được hưởng cái phúc của chú chúng nó, chính câu chuyện của cậu em trai, mình hiểu không thể có cách sống như vậy được nữa. Những câu chuyện mình viết lại, chính là những suy nghĩ thật nhất, thực giản dị vậy thôi, nó cũng là những chuyện mình tự dạy mình.

Người theo học Phật thường phải phát nguyện một điều gì đó, như phát nguyện ăn chay trường… mình thì không, vì còn một bữa ăn mặn với vợ và con vào buổi tối. Đã phát nguyện là phải thực hiện được, không thì cũng tai hại lắm. Theo Phật cả chục năm, thế mà chưa bao giờ phát nguyện làm gì cả, cũng lạ. Suốt mấy năm ghi chép những chuyện trò với con, mình vẫn nóng nảy, vẫn quát tháo con, dù không nhiều nhưng vẫn còn.

Mới chỉ cách đây 2, 3 tháng gì đó thôi, một câu chuyện làm mình khó ngủ, đã viết lại trong chuyện “Con gái lấy nước mắt làm đầu.” Chợt nhận thấy nếu cứ tiếp tục mắng con như hiện nay, bây giờ thì chúng nó sợ đấy, nhưng đến lúc nào đó chúng nó sẽ không còn sợ nữa mà chỉ là sự chống đối. Cái mốc mười mấy tuổi của con trai lớn, chỉ hai, ba năm nữa thôi – mình đã trải nghiệm quá rõ ràng rồi, và không bài học nào đắt giá hơn. Cần phải tiếp tục thay đổi chính bản thân mình, để chuẩn bị cho cái mốc quan trọng đó. Mình muốn làm bạn thân của con, đế nó có thể chia sẻ tất cả những vấn đề của nó. Nhớ hồi mới post bài lên Webtretho, có bạn chia sẻ: “Con nhà em nó chẳng hỏi gì bao giờ cả…” thực ra những bạn nhỏ như thế ít lắm. Hỏi hay không chính là do chúng ta – nếu như chúng ta thường xuyên trả lời “Không biết, hỏi gì lắm thế!” thì chúng nó sẽ không hỏi nữa.

Có thể nói đó là một sự thay đổi mang tính cách mạng – mình phát nguyện sẽ không bao giờ mắng con nữa, mà chỉ nhắc nhở, vẫn nghiêm khắc, nhưng không mắng. Sẽ khó khăn hơn, phải chú ý đến con nhiều hơn, thường xuyên hơn. Đó, đến nay đã hơn hai tháng rồi, không mắng con một câu nào. Mình sẽ làm được.

Mình viết bài này để giành cho mở đầu cuốn tập hai “Chuyện con chuyện cha” mình đang viết tiếp – cuốn đầu vừa được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành. Mình chưa bao giờ nghĩ (và chắc không bao giờ) rằng có ngày, mình có một cuốn sách được in, và càng không dám nghĩ rằng nó sẽ có ích cho ai đó. Ngay lúc người đại diện của Nhà xuất bản tiếp xúc, mình cười: “Em chẳng nghĩ là sách của em in ra có thể bán được…”

Mình sẽ không nói về cái tai họa nếu như trong nhà chỉ có một đứa con hư hỏng thôi, cái đau khổ của cha mẹ sẽ lớn nhường nào. Mình nghĩ nhiều về cuộc sống, về những nhọc nhằn của cơm, áo, gạo tiền… những trải nghiệm cuộc sống, thậm chí cả cái bờ vực tai họa mình đã từng gần kề chỉ vì quá ham kiếm tiền. Thế đấy các bạn ạ, mình đã có thâm niên đi họp phụ huynh hai chục năm nay và xin đừng nghi ngờ rằng tại sao mình chưa già, mà lại nhiều chuyện để viết lại đến vậy… Cuốn sách này, mặc dù là tình cảm dành cho gia đình riêng, nhưng lại là những chia sẻ rất chân th của mình cho các bạn đang là các ông bố, bà mẹ trẻ. Con của chúng ta có thể không phải là thiên tài, nhưng chúng nó hoàn toàn có thể là những người tốt, biết sống có ích cho xã hội. Một khi con còn đang ở trong vòng tay chúng ta, chúng ta còn nguyên cơ hội để làm được điều đó.

Và nhờ học Phật, mình còn hiểu sẽ không thể dạy được con nếu không dạy được chính mình.

Giới thiệu của Nhà xuất bản Trẻ (tại đây)

Những chuyện trò như lời thủ thỉ của người cha với con trai và con gái của mình. Chỉ là chuyện lặt vặt hàng ngày, ăn cơm, học bài, trong nhà và ngoài đường phố nơi công cộng, nhưng khéo léo mang chứa những bài học nho nhỏ về đạo đức, lòng dũng cảm, cách sống chân thực, thẳng thắn, lối cư xử lễ phép, tế nhị, văn hóa, với mong mỏi các con mình sẽ trở thành người biết quan tâm, yêu lao động, có ích cho xã hội.

Cuốn sách có ích cho các bậc phụ huynh, từ đây có thể tìm ra cho mình một cách riêng để dậy con, làm bạn với con trẻ, cũng như cách “làm nên” kỷ niệm và ghi lại kỷ niệm của cha mẹ và con cái, mà mỗi ngày chỉ cần không đến một giờ. 

Sách "Chuyện con chuyện cha", tên tác giả Phúc Lai, tranh minh họa của bé Anh Đào; tuần sau sẽ được bán tại các nhà sách. 
______________
[1] U tuyến thượng thận thể lạc chỗ.




No comments:

Post a Comment