Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Tuesday, June 28, 2016

Công chức, anh là ai?

1. Tôi đi thi công chức. Thời tôi ra trường cách đây ngoài hai chục năm, bắt đầu có những cuộc thi tuyển công chức được thông báo công khai vào các bộ ngành trung ương. Đi dự thi tôi gặp nhiều bạn khóa trên, cùng khóa, khóa dưới và cơ man sinh viên các trường khác, cán bộ của các cơ quan khác… đến dự thi. Một số bạn tôi rất rõ về năng lực học tập của họ, và với đề thi đã ra tôi biết cả tôi lẫn họ đều có thể làm bài một cách hoàn hảo.

Nhưng không ai trong số chúng tôi trúng tuyển cả - ngay vòng đầu tiên cũng không qua chứ chưa đến vòng sau phỏng vấn trực tiếp. Các bạn đều nói “thi để lấy kinh nghiệm thử sức thôi, chứ mọi sự đã “an bài” từ tận đâu đó rồi.” Chúng ta đều hiểu là một kỳ thi như vậy, với chỉ tiêu tuyển dụng của cơ quan cực kỳ hạn chế, số người có “quan hệ” có thể tác động được đến kết quả đã vượt quá con số chỉ tiêu đó rồi. Nôm na mà nói, với những trường hợp đi thi “tay bo” như chúng tôi thì “không bao giờ đến lượt.” Tất nhiên vẫn có những trường hợp ngoại lệ, nhưng là cực kỳ hiếm có.

2. Tôi đi làm công chức. Thế rồi cũng bằng một cách nào có, có thể nói là kỳ diệu như một phép màu, tôi trúng tuyển làm công chức ở một cơ quan trung ương, và nhiều sự thật bây giờ mới được chứng kiến tận mắt. Đó là phần lớn cán bộ đi làm lờ phờ, sáng đến muộn, chiều về sớm… Buổi sáng cả phòng “tráng miệng” một chầu nước chè chuyện trò rôm rả. Ngồi hơn một tiếng chỉ một người “e hèm” là tất cả đồng loạt đứng dậy, màn “nước chè giải lao” kéo dài có đến 30 phút… ngoảnh đi ngoảnh lại đến trưa là vừa. Chẳng mấy mà đến 3 giờ, 3 rưỡi chiều người rục rịch đi chợ, người đón con, còn cả phòng nọ gọi phòng kia í ới cho các séc cầu lông, bóng bàn chiều trong sân cơ quan nữa.

Phương châm cơ bản là “mỗi người một tuần một việc” – nghĩa là công việc được giao hoàn thành được một đầu việc trong một tuần. Mỗi người hoặc vài người phụ trách một mảng, nếu “mảng” đó không có việc gì thì ô-tô-ma-tích được chơi dài. Chẳng có bất cứ một tiêu chí nào để đánh giá hiệu quả công việc cả. Nếu như chúng ta “dạo” qua các bộ ngành, sở, ban… thì phần lớn đều như vậy – công việc quản lý nhà nước được phát sinh rất nhiều qua các đơn, công văn đề nghị giải quyết, cho ý kiến về việc này, việc kia… do đó mặc định đã xác định ngay vị thế của cơ quan nhà nước và từng con người làm việc trong nó, một quyền lực nhất định. Người ta (cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp) đến với mình là phải cầu cạnh quỵ lụy mình. Chưa ai và chưa bao giờ người ta xác định vị thế “cơ quan nhà nước có nhiệm vụ phục vụ nhân dân” cả, mà cái tư duy của “cơ chế xin cho” nó ăn quá nặng vào đầu óc của tất cả, từ người đi xin lẫn người “cho.”

Hầu hết các ngành, hay các địa phương đều có những quy định cụ thể về thời hạn xử lý các công văn, đơn từ… thuộc lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước, nhưng ngoài những việc hai năm rõ mười, thì hầu hết những việc chỉ cần có một cái “mắc” chỗ nào đó thôi, đủ để gây ách tắc hàng năm mà không biết gỡ ở đâu, vì gõ cửa nào cũng đúng nhưng cuối cùng thì cửa nào cũng không phải. Chúng ta có một hệ thống văn bản pháp quy đồ sộ đến mức chồng chéo nhau, nhưng nhiều khi cái cần thì lại… không có. Riêng với hệ thống văn bản đó, mà nhiều khi người ta đổ tại “cơ chế” đủ để đơn từ của cá nhân, tổ chức được “ngâm” ở đâu đó hàng năm trời không có hồi âm.

Nhưng khổ cái, ngành nào cũng thích quản lý (nên đẻ ra nhiều văn bản là thế), nên có thể nói với người dân hay doanh nghiệp, tiếp xúc với thủ tục hành chính như với một ma trận. Thế mới có câu chuyện xin cấp phép xong cho một Dự án đầu tư, chủ đầu tư đếm thử thấy số con dấu chữ ký đã xin, lên tới 5, 6 chục. Mỗi con dấu chữ ký đó nhanh thì 2 tuần, chậm thì vài tháng… một dự án xin cấp phép mất vài năm, cá biệt cả chục năm là bình thường.

3. Bạn tôi đi làm công chức. 6 năm trước, tôi gặp một “nhân viên hợp đồng” tại ủy ban nhân dân một huyện – cô ấy tâm sự phải “chạy” để vào vị trí đó mất cả trăm triệu đồng, một công việc với mức lương “kinh khủng” là 1.100.000 đồng (một triệu một trăm nghìn đồng.) Đến nay mức lương đó đã tăng lên đến 1.600.000 đồng cả phụ cấp, và công việc thì vẫn thế, không có gì thay đổi. Cô bạn vẫn chờ đợi mòn mỏi một thứ không biết bao giờ đến lượt mình: suất đi thi công chức để được vào biên chế nhà nước.

Trong các cơ quan quản lý nhà nước của chúng ta có không biết bao nhiêu trường hợp như thế. Họ chấp nhận mất một khoản lo lót, và đi làm hàng năm trời đằng đẵng với mức lương không đủ lo một phần cuộc sống cá nhân và thẳng thắn mà nói, nhiều người trong số họ bổng lộc “không đến lượt” vì chẳng ai giao cho họ những việc có “bổng lộc” cả. Ấy thế mà chưa bao giờ chúng ta nghe tin có người trong số họ chết đói – tại sao vậy?

Vì phần lớn trong số họ là “nguồn” trúng tuyển cho các cuộc thi công chức, chính là đáp áp cho phần đầu tôi đã viết trên đây. Được “cài cắm” vào từ sớm, chỉ chờ đến kỳ thi là tiếp tục “gửi gắm,” chẳng bao giờ sinh viên mới ra trường mà lại thi đỗ qua kỳ thi công chức cả. Một phần còn lại trong số họ, “chạy” để có được một chỗ làm và tìm cơ hội, lại có rất nhiều con đường tiến thân đi lên tiếp, người đi được, người dậm chân tại chỗ cũng là chuyện bình thường.

Nhưng đó cũng chính là con đường mà biết bao bạn trẻ đã, đang và sẽ đi, cũng là suy nghĩ hằn sâu mấy thế hệ, đặc biệt là các bậc phụ huynh muốn “lo” cho con một chỗ làm ổn định. Con chưa ra trường đã nhắm chỗ nọ, chỗ kia “Em phải lo cho cháu một chỗ ở bộ A ngành B bác ạ… mọi thứ xong hết rồi, chỉ chờ có bằng là ô-kê!” Mỗi suất như thế bây giờ đâu có rẻ, vài trăm triệu đến cả tỉ bạc… mà người ta vẫn chấp nhận chi tiền. Đủ thấy cái mãnh lực “làm nhà nước” nó mạnh mẽ đến như thế nào. Suy nghĩ này ăn sâu vào não trạng đến mức, người ta còn không thể chấp nhận việc con cái có thể “bỏ nhà nước” đi làm kinh doanh hoặc thậm chí đi làm nghề tự do “freelance” mà họ coi là “thất nghiệp” hoặc “không làm ở đâu cả” “vô công rồi nghề.”

Đáng tiếc là bây giờ nhiều cơ quan đã có thêm cơ chế “hợp đồng lao động,” mà hết hợp đồng mà không ký tiếp hợp đồng mới, hay gia hạn đồng nghĩa với việc người lao động phải nghỉ việc. Nhiều trường hợp đã bị lừa vì sự nhập nhằng, “chạy” cho con một chỗ làm nhưng chỉ là nhân viên hợp đồng và nào có biết con đường để trở thành công chức còn rất dài. Đó là câu trả lời cho trường hợp cô bạn lương “một triệu mốt” trên đây.

Thậm chí khi đã là công chức rồi, mức lương vẫn không đủ sống. Thịnh hành cái câu “lương không đủ sống nhưng không có ai chết.” Công chức trẻ mới đi làm, người ta giải thích cuộc sống của họ phong lưu như thế vì có bố mẹ, gia đình “vững vàng.” Bố làm to, thì con vững chắc, và con đường vạch sẵn cứ thế đi…

Cách đây 20 năm đã có những ý kiến như thế này: “Cậu cứ đi làm thuê cho nước ngoài đi, tớ đi làm nhà nước chết đói nhưng mài nanh dũa vuốt 10 năm, rồi 1 năm tớ kiếm chác bằng cậu cày cuốc 20 năm…” Đó là mục tiêu quan trọng, có thể nói là “nghiêm trọng” nhất mà người ta xác định khi cố để có được. Thế mới có những trưởng phòng như Giang Kim Đạt có thể ăn cắp được đến 400 tỷ đồng và bỏ trốn ra nước ngoài.

Nguồn thu nhập thứ ba là từ bổng lộc do chính công việc mang lại – đa dạng lắm, từ việc nhũng nhiễu, gây khó dễ để vòi vĩnh; đến “tăm tia” những cơ hội ngon lành để đầu tư kiếm lời: đất đai, chứng khoán, cổ phiếu… làn sóng cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước là một dịp để rất nhiều người cả “trong” lẫn “ngoài” làm giàu lên nhanh chóng. Và từ đó lại đẻ ra hiện tượng công chức đến cơ quan rồi lặng lẽ, bỏ việc lẻn lên sàn chứng khoán, “lướt sóng.”

Nguồn thu nhập thứ ba là đó – từ tuyển dụng, chỉ một suất giáo viên ở nông thôn thôi, hiện nay người ta đã phải chi đến 2-300 triệu đồng, thì quả đây cũng là một “mỏ tài nguyên” màu mỡ.   

Con số 11 triệu công chức ăn lương mà chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan mới đề cập, cho ta thấy cái thực trạng kinh khủng mà nhân dân đang è lưng ra cõng. Chỉ tưởng tượng phần lớn họ “cắp ô đi về” không thực sự làm việc, mới chỉ là gánh nặng cho ngân sách thôi đã ghê gớm đến như thế nào; chứ chưa kể đến những “sâu bự” như Giang Kim Đạt trên đây, hay những công chức vẫn ngày ngày tìm cơ hội để “sân sau sân trước” làm giàu cho bản thân… tất cả đủ làm nghèo đất nước đến bước đường cùng.

Năm nay kỷ niệm 20 năm ra trường, tôi không đến dự hội khóa, chỉ vì không muốn nghe những khoe khoang “làm bộ nọ ngành kia…” của các bạn. Với một “nền công chức” như của chúng ta, không có gì đáng tự hào cả. Hãy như các xã hội tiên tiến, văn minh, người ta tự hào vì sự đóng góp được cho xã hội của bản thân, chứ không phải ở vị trí mà “chỉ thoáng qua đã có mùi tham nhũng rồi” của công chức xứ ta.

Bài trên Tuần Việt Nam tại đây

Tham gia thảo luận trên Facbook tại đây 

No comments:

Post a Comment