Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Monday, January 23, 2017

Tại sao, Singapore?

Tính mình tò mò, thích quan sát, ngó nghiêng, ghi nhớ và so sánh… đi đâu cũng như vậy và thường tự đặt câu hỏi, như thế nào (?) và sau đó là tại sao? Nhưng có lẽ trong số các đất nước đã đến từ trên một lần, thì Singapore là đất nước lần nào cũng làm mình ngạc nhiên…

Đến Singapore nếu chỉ đi khơi khơi, chúng ta cũng sẽ chỉ gặp một đất nước, một thành phố phồn vinh đầy ánh sáng muôn màu, một sự hấp dẫn “nông cạn” về vật chất mà dần dần thì “ở ta cũng có!” Nếu chỉ quan tâm đến mua sắm vật chất, dần dần những trung tâm thương mại ở Hà Nội hay Sài Gòn cũng mọc lên, sự thâm nhập của các tập đoàn thương mại nước ngoài làm cho các thành phố lớn xích lại gần nhau hơn bao giờ hết. Ở đâu chúng ta cũng thấy nhôm thấy kính, thấy thang máy và thấy ánh đèn hoa lệ và rực rỡ…

Nếu xét từ khía cạnh đó, Singapore hay Hongkong cũng chẳng có gì hấp dẫn. Đặc biệt kém hấp dẫn hơn nữa vì đó là một đất nước không có tí ti nào tài nguyên thiên nhiên du lịch, không có di sản kỳ quan, cũng chẳng có những bờ biển cát trắng trải dài với hàng dừa ngút mắt bên kia là biển xanh ngăn ngắt…

Một đất nước thiếu thốn đủ đường, đặc biệt là những gì của thiên nhiên ban tặng, và phải tự tay làm đủ thứ - như một quả núi bằng thép trên trồng cây, và bầu khí quyển xung quanh nó được tạo ra cho “giông giống” của một quả núi cao, tất cả bị nhốt vào trong một cái vòm bằng kính… Khu vườn trong vòm kính ấy tập hợp rất nhiều loại cây và hoa, chỉ để phục vụ cho cư dân ngắm, cho học sinh học tập và đương nhiên lôi cuốn rất nhiều khách du lịch.

Ấy thế mà sao mỗi lần đến với đất nước này, lại thấy nó hấp dẫn đến thế, cuốn hút đến thế, đáng sống đến thế… tới mức mà có người ví von nó như là thiên đường, dù chỉ là một “thiên đường nhân tạo?”

Để đi đến câu trả lời cho câu hỏi “tại sao?” đó, mình đã phải đặt rất nhiều câu hỏi “như thế nào?” và tự tìm câu trả lời cho chúng.

Mình đã từng ngỡ ngàng trước những chiếc côngtennơ dùng để chở cát xây dựng trong thành phố, trông hoàn toàn giống những chiếc thùng xe của xe tải thùng kín chở vật liệu xây dựng xứ ta ngày nay; nhưng ở “bển” người ta dùng đã từ lâu rồi. Chỉ khác có một điều, trong khi ở ta quy định bắt buộc xe tải thùng kín phải có nắp đậy ở trên thì những cái nắp đó “gọi là có” thì ở họ lâu nay cái nắp đó đậy kín mít không thể lọt chút cát nào ra ngoài đường. Chỉ một ví dụ đó thôi đã cho câu trả lời, rằng tại sao môi trường của Singapore trong sạch hơn hẳn ở ta, vì những chuyện nhỏ như vậy từng người, từ doanh nghiệp… đều tôn trọng, còn ở ta thì chỉ làm một cách chiếu lệ.

Không biết bao nhiêu lần mình hỏi những người công nhân đang đào hố trên mặt đường (ở đâu chẳng phải đào đường!) rằng họ làm thế nào mà sau khi đào xong, lại trả lại mặt đường phẳng phiu cho thành phố, vì ở Việt Nam thì thường đắp gồ lên một cục nhựa đường để lâu lâu đất lún xuống là vừa… Ở Singapore họ buộc phải bỏ công sức lâu gấp 3 lần chúng ta khi lấp hố, nghĩa là đầm đất và tưới nước thế nào đó, làm đi làm lại đến mức chỉ cần vá đường lên trên là bằng mặt đường cũ luôn, không phải chờ lún nữa. Nếu để lại trên mặt đường một cái mô lồi lên như thế, hoặc lõm xuống thành hố (ở ta thì nhiều mô, hố như vậy lắm!) gây tai nạn, có thể bị kiện sạt nghiệp công ty thi công như chơi.

Singapore, một đất nước, một thành phố và cũng là một hòn đảo thì lấy đâu ra rừng, nhưng tất cả những chỗ có thể trồng cây được, đã là rừng. Bố mình năm nay 80 tuổi kể, cách đây 40 năm những người từ miền núi xuống Hà Nội, đến công viên Thống Nhất ngạc nhiên: “Hà Nội cũng có rừng cơ à?” – nếu cứ nhiều cây là rừng, thì ở Singapore đúng nghĩa là có rừng, còn Hà Nội thì phải lên tận Ba Vì may ra mới có, và thành phố Hồ Chí Minh cũng lâm vào tình cảnh khó khăn tương tự. “Rừng” đầy như thế, đứng ngoài có thể thấy độ rậm rạp thậm chí không đi qua được, nhưng chỉ đi theo đường cái vài trăm mét lại thấy “khu rừng” đó chấm dứt, và té ra sau lưng nó có cả một sân bóng hoặc công xưởng… Có lẽ do thiếu thốn không gian sống, nên người ta phải trân trọng từng chút một để cố gắng có thêm dưỡng khí.

Hết câu hỏi này đến câu hỏi khác, nhưng tất cả những băn khoăn được bao trùm lên bằng một câu hỏi, một câu trả lời lớn: tại sao lại như vậy? Lần gần đây nhất mình đi cùng người cha già với chiếc xe lăn đến với Singapore, và suốt chuyến đi nhận được thường xuyên những sự quan tâm giúp đỡ. Khi đi cùng người phải dùng xe lăn mới nhận thấy thành phố có một sự chu đáo đến mức ghê gớm với những người khuyết tật: đâu đâu cũng có thang máy để người khuyết tật sử dụng đi lên các nhà cao tầng, xuống tàu điện ngầm… thậm chí chỉ một cái bậc thềm khi người ta không đủ điều kiện làm dốc để lên, cũng một cái “bàn nâng” chỉ vài chục xăngtimét đầy đủ vách kính đảm bảo an toàn. Vỉa hè nào cũng có dốc lên cho xe lăn, chứ không như ở ta có dốc mà đố người khuyết tật nào “leo” lên được.


Tất cả những chi tiết dù rất nhỏ đến rất lớn, đều thấy chúng được thiết kế ra nhằm phục vụ con người đến mức chu đáo cao nhất. Đi khắp thành phố không bao giờ phải lo về vấn đề… vệ sinh cá nhân. Bố mình phải than lên: “Khắp nơi đi vệ sinh chỗ nào cũng có, cực kỳ sạch sẽ mà miễn phí; trong khi ở Việt Nam thì đi mãi mới có, không những thế vừa bẩn và chỗ nào cũng mất tiền…” Nghe đã đủ thấy đau hết cả người. Rõ ràng chúng ta cũng đang cố gắng xây dựng một xây dựng công bằng, dân chủ, văn minh dựa trên chính quyền của dân, do dân, vì dân kia mà?

Mình sẽ không so sánh về những yếu tố vĩ mô về thể chế, bộ máy… vì những cái đó đã được bàn nhiều rồi. Chỉ muốn nói một điều thế này, đi đâu cũng nhìn thấy những dấu hiệu điếu thuốc lá gạch chéo và ở dưới ngắn gọn hai chữ: “By law” (“Bị cấm bởi luật!”) thế là đủ. Hai chữ nói lên quá nhiều điều: tất cả đều dựa trên nền tảng pháp luật nghiêm minh. Từ đó, mỗi con người ai ai cũng tự giác chấp hành. Họ làm tất cả những điều đó, từ giữ môi trường trong sạch đến thái độ thân thiện cởi mở… đều ý thức được làm vì cái chung. Từ cái chung đó, môi trường cả về tự nhiên lẫn xã hội đều được nâng lên ở mức gần như hoàn hảo, đáng mơ ước và ngược lại chính họ lại được hưởng những cái đó.

Bây giờ thì chúng ta mới thấm thía rằng mỗi ngày chúng ta vẫn cố luồn lách cướp đường của nhau, vẫn chỉ giữ được trong nhà mình sạch, vẫn hút thuốc phun khói nơi công cộng… thì không bao giờ bản thân được hưởng những gì người Singapore đang được hưởng cả.

Và khách du lịch toàn thế giới vẫn muốn đến với “thiên đường nhân tạo Singapore” mà một đi không bao giờ muốn quay lại với Việt Nam, đất nước được thiên nhiên ưu đãi quá nhiều nhưng cũng tự phá đi quá nhiều…

Bài liên quan: “Tân Gia Ba tội nghiệp

Bài trên Vietnamnet tại đây

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment