Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Wednesday, May 31, 2017

“Bôi lên chăn!!!...”

Khăn piêu
Hình ảnh chỉ có tính chất minh họa
Cả cuộc đời của mỗi thiên thần, bạn nào cũng có lần… ị đùn. Và sau đây là một câu chuyện cóc nhảy nhất trong tất cả những câu chuyện cóc nhẩy mà nhân loại đã từng gặp.

Số là, cả nhà ngồi nói đủ thứ chuyện thế nào, ra chuyện hồi hai tuổi, anh Bôn Ba Nhi Bá đi nghỉ mát trong Đà Nẵng, ị đùn ra sàn gỗ, mẹ phải đi dọn hết cả hơi. Cô bé Bá Ba Nhi Bôn thích lắm, cười khanh khách:

“Anh Nhi Bá có lần nào ị đùn ra giường không ba?”

“Ít thôi, hồi bé toàn đóng bỉm.”

Nhi Bá chen vào:

“Có mà em Nhi Bôn ị đùn ra giường thì có ấy.”

“Em Nhi Bôn ít lắm con ạ, em rất giỏi, mà cả con cũng thế, các con làm chủ rất tốt. Không giống như chú Tuấn (em con dì con già với mình) của các con, chú ấy đến cuối tiểu học và đầu trung học (cấp hai) càng ị đùn nhiều, vì mải chơi quá.” Mình nói với hai bạn – và tự dưng phì cười như bị dở hơi.

“Ba cười gì thế?” – Nhi Bá tò mò hỏi.

“Ba nhớ chuyện chú Tuân ở công ty mấy năm trước, chú ấy chuẩn bị cho hội diễn văn nghệ của công ty, và chọn bài “Chiếc khăn piêu” để biểu diễn. Cứ đứng trong phòng làm việc mà ngân nga suốt.”

“Bài ấy như thế nào hả ba?” – Nhi Bá bắt càng tò mò, ngọ ngoạy trên ghế.

“Chiếc khăn piêu, thêu chỉ hồng, bị gió cuốn, bay về đây…” mình hát một đoạn. [1]

“Thế thì có gì mà ba cười…” cậu ta tỏ vẻ thất vọng trông thấy.

“Số là thế này, ba nhớ một đoạn “lời chế” của cái bài đó, và đem “phổ biến” trong phòng làm việc: “Có một chàng, ngồi trên giường, ị ra giường, đái ra giường là bôi lên chăn!” há há há…” – mình cười to.

Hai bạn nhỏ và cả mẹ hai bạn nữa, cùng lăn ra cười.

“Hồi còn bé, ba, mà ba nghi là cả mẹ nữa, có mà học đủ các thứ lời chế như thế, có lời rất thú vị, nhưng cũng có những thứ rất bậy bạ. Trẻ con mà, học cái hay cái tốt thì lâu, chứ học cái ba lăng nhăng thì nhanh lắm. Những bài hát, thậm chí bài thơ… càng nghiêm túc, càng bị chế nhiều, và nhiều bài giễu cợt cả lãnh đạo của đất nước, rất không tốt. Thậm chí đến quốc ca, còn có lời chế thì còn nói gì những bài hát khác.”

“Ba có hát không?” Nhi Bá quan tâm hẳn lên.

“Ít, ba ngại – vì bà nội con rất nghiêm. Nhưng nhiều bạn thì ở nhà cũng chẳng quan tâm lắm, nên hát khá thoải mái. Thậm chí nhiều bài ba học được từ… chú Dương, bạn thân nhất của ba, mà chú ấy thì gia đình chỉnh chu, mô phạm có tiếng ấy chứ. Chẳng gì bố mẹ chú ấy cũng là các dịch giả và những nhà nghiên cứu văn học, có địa vị cao trong xã hội. Có lần, ba đi chơi với chú Dân, chú Bảo con bà Liên, bạn thân của bà nội con, và ba dậy hai chú ấy (kém ba mấy tuổi mà) như thế này:

“Tôi bảo vợ tôi là ghánh nước
Nó bảo thùng to, là …éo gánh
Tôi tức tôi liền uýnh cho một trận, nó lăn ra đường nó kêu chính quyền.
Biên bản lập ra, nó …éo ký
I ỉ ì I là hết ý…” [2]

… thế mà vài hôm sau ba được “chén” mấy roi của bà nội con vào mông đấy… Bà Liên kể cho bà con mà.”

Mẹ của hai bạn cười: “Hồi bé, Nhi Bá hát “Cô hàng xôi ới, bán tôi 5 hào…” [3] và ông ngoại nghe thấy, cười và nói ngay: ““Tác phẩm” của ba Nhi Bá đấy!” hì hì hì”

“Đúng rồi” – mình thừa nhận – “Con còn hát trêu bà Dung (bà giúp việc đến trông em Nhi Bôn hồi bé tí) lúc bà hát ru nữa.”

Nhi Bá ngoác mồm cười: “Trêu thế nào ba?”

“Trải qua một cuộc nhổ râu, sướng thì có sướng, mà đau cái cằm…” [4]

Cả nhà cười to một trận.

“Ba kể tiếp: Chú Tuân hồi đó còn phải vật nài với một bộ dạng cực kỳ đau khổ: “Em xin anh, khi nào đến tiết mục của em thì anh đi ra ngoài từ trước. Chứ em mà nhìn thấy mặt anh, hoặc là em phì cười, hoặc là em hát nhầm lời chế của anh thì em chết…” Ba buồn cười quá, đồng ý với điều kiện chú ấy phải mua kem cho cả phòng ăn…”

“Thế như con, nếu biết hoặc các bạn hát lời chế, thì có nên hát theo không?” Nhi Bá vẫn chưa yên tâm.

“Nếu không bậy bạ, tục tĩu, thì cũng chẳng sao – thậm chí ba còn thấy nhiều lời chế rất thú vị, thông minh nữa. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng đem ra mà hát được đâu. Những lúc nghiêm túc thì tuyệt đối không nên – như cả trường đang tập trung chào cờ, hát quốc ca mà tự dưng con chen lời chế vào, thì có phải dở không – mọi người sẽ đánh giá là con không nghiêm túc, thậm chí có thể bị “nâng cao quan điểm” là con không… yêu Tổ Quốc. Rắc rối lắm. Ở nước ngoài, như Nga chẳng hạn đã có những ban nhạc rock hát bài quốc ca Nga theo kiểu rock rất hay, hay như Mỹ thì họ hát các kiểu từ lâu rồi. Nhưng ở nước mình thì nhiều người còn suy nghĩ khá cổ điển. Năm ngoái cô ca sỹ Mỹ Linh khi tiếp đón ông tổng thống Obama của Hoa Kỳ, đã hát bài Quốc ca của Việt Nam theo kiểu… phá cách thế nào đó, và như thế cũng đủ ầm ĩ dư luận lên rồi.”


Lâu nay thấy cứ thỉnh thoảng lại rộ lên chuyện – nào là cấm bài hát này, rồi cấp phép bài hát khác, đến bài “Tiến quân ca” của cụ Văn Cao, đã được quy định trong Hiến pháp là quốc ca, cả nước hát đến mấy chục năm nay rồi, vẫn phải được… cấp phép. Đến là thú vị.

Phàm là làm quản lý chuyên nghiệp, nên đi từ tư duy “cho phép” đến tư duy “cấm.” Không phải là chuyện không quản lý được thì cấm đâu, phải nâng cao năng lực quản lý lên chứ – nhưng cái gì mà chắc chắn không khả thi, thì đừng có cấm, như cấm bài hát ấy, càng cấm người ta càng tò mò tìm hiểu xem nó ra sao, và không ít người thấy hay và càng hát tợn.

Chuyển từ tư duy “cho phép” sang tư duy “cấm” là mọi người được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm – pháp luật chỉ cấm một số lượng ít, trong phạm vi nhất định những điều không được làm thôi.

Bài hát cũng thế, nếu nó không làm sao để bị cấm thì cần gì phải được cấp phép. Cũng như những “lời chế,” lời hát bậy, anh không phải đối tượng bị giễu cợt thì người ta chế ra để giễu làm gì. Mình cũng phải thế nào thì mới bị giễu chứ…


“Thế đấy con ạ, khác với bà nội con là cấm ba tuyệt đối không được đụng vào những chuyện đó, coi là bậy bạ hết và ba cũng được “ăn roi” vì những chuyện đó rồi – nhưng nhà mình bây giờ thì ba mẹ không cấm, thậm chí ba còn dạy cho con những thứ mà ba thấy vui vui, vô hại và ba cố gắng chỉ cho con giới hạn của sự vô hại với có hại, để càng ngày con càng dễ nhận ra được những ranh giới đó, mà tránh. Trong cuộc đời con sau này có rất nhiều những ranh giới như thế, ba mong rằng những bài học của ba mẹ sẽ giúp cho các con thật nhiều về sau này.”

Chú hàng xóm thế nào mà mở đài, và mình hát theo:

“Cụ bà vẫn còn xinh, cụ ông vẫn đẹp trai, dù hàm răng không còn cái nào, dù da dẻ nhăn nheo như là da cóc, dù cho trái tim hai người lép kẹp…

… một tiếng hắt hơi, cụ bà tắt thở, một chiếc áo quan đưa cụ bà xuống hố, thấy cụ ông xao xuyến…” [5]

Cả nhà phá lên cười…

[1] Chiếc khăn Piêu của nhạc sĩ Doãn Nho
[2] Bài ca người thợ rừng của Phạm Tuyên
[3] Hoa đẹp Chămpa, dân ca Lào
[4] Truyện Kiều, Nguyễn Du
[5] Cuộc Đời Vẫn Đẹp Sao, nhạc Phan Huỳnh Điểu, thơ Bùi Minh Quốc


Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment