Mùa nghỉ hè là cái mùa bận rộn
của cả ba ba con: ngoài công việc của ba, còn học hè của các con và các hoạt động
hè cho hai bạn đúng là “kín lịch.” Vất vả nhất là chở nhau trên chiếc xe máy cà
tàng, dù đã yếu như chăm chỉ và cần mẫn – hàng ngày nó kẽo kẹt đưa bộ ba đi hết
chỗ này đến chỗ khác.
Và sẽ còn vất vả hơn nếu di
chuyển trong lòng một thành phố chỉ có ngày một đông đúc hơn vào giờ cao điểm,
ai cũng vội và rất ít người muốn nhường đường cho người khác. Bây giờ xe mới xe
đẹp nhiều, ngoài cuộc sống vội vàng thì người đi đường, vốn là bộ phận của
“nhân dân Việt Nam anh hùng” nên cũng thường lao như tên, không chừa cho những
thân phận nhỏ yếu kiểu ba ba con mình cơ hội. Thôi thì ta nhường vậy, từ từ
thong thả cũng có cái hay.
Một chiều, “bơi” trong dòng xe
cộ vội vã ấy có bác gái bán rau, đang cuống quít dắt chiếc xe đạp cũ kỹ đi
ngang qua đường – không cuống sao được khi dòng xe cộ đang rất gấp gáp kia, nhiều
tiếng còi sốt ruột, gắt gỏng cất lên. Hai sọt rau nặng trĩu phía sau như ghì lại,
bánh trước của chiếc xe cứ bênh lên, càng gây khó khăn cho người phụ nữ khắc khổ.
Cũng biết là dạng “phương tiện
giao thông” này kềnh càng, gây cản trở nhưng cuộc sống là vậy – có thế này thì
cũng phải có thế khác, cả cái thế giới này đâu cũng sẽ có những chuyện như vậy
chứ không phải tất cả đều tăm tắp như kẻ chỉ, mà nếu như thế thì cuộc đời sẽ
chán lắm.
Giá như ai cũng chậm lại một
chút, nhường đi một chút, quay lại nhìn người phụ nữ khắc khổ mà mỉm cười một
cái – chẳng mất đi cái gì cả mà tâm của mỗi người sẽ không chỉ bớt đi một chút
cuống cuồng, mà còn được tưới tắm vài giọt nước mát lành của tình thương đồng
loại trong chiều hè nóng nực, thì hạnh phúc biết bao. Tất nhiên chúng ta sẽ hiểu
đó là điều không tưởng. Và tiếng còi xe vẫn inh ỏi, gắt gỏng thúc giục…
Vượt qua được bác hàng rau, ba
của bạn Nhi Bá bỗng liên tưởng tới một câu chuyện cũ từ cách đây mười mấy năm…
“Có những bác lam lũ vất vả vậy
thôi, mà ky cóp, tiết kiệm nuôi được cả mấy con ăn học, xây được cả nhà mấy tầng
ấy chứ…” Mình bâng quơ nói.
“Như bác Hiền trước đến lau
nhà giúp nhà mình ấy ba nhỉ…”
“Đúng rồi con.” Chắc Nhi Bá
nghe bà kể – trước bác Hiền hay đến một tuần một lần, có chuyện gì bác tâm sự với
bà của Nhi Bá hết. Bác đi chở than, đi lau nhà… mà một tay nuôi chồng ốm đau,
ba con tốt nghiệp đại học hết, đã xây dựng gia đình được hai người, rất đàng
hoàng và xây được cả nhà 4 tầng ở quê.
Các cụ bảo, “buôn tàu bán bè
không bằng ăn dè hà tiện.” Nhưng hơn hết là cái sự tần tảo, chịu khó. Ăn trưa với
gia đình mình, không ăn hết bác xin thức ăn gói lại, tối lại đỡ chút tiền chợ.
Nhìn cái bóng tần tảo ấy ai cũng thương, nhưng biết đâu ẩn giấu đằng sau nó một
sức mạnh phi thường.
Mình thầm gọi đó là sức mạnh của
lòng lương thiện.
“Những câu chuyện như của bác
Hiền nhiều lắm – và cả của những người con của họ nữa. Hồi ba sống cùng ông nội
con, có một anh khi lên lớp 11 thì thay bố mẹ đến khu tập thể xin nước vo gạo –
ngoài nước gạo thì cơm thừa canh cặn các nhà đổ hết vào cái thùng và anh ấy đến
xin về để cho lợn ăn. Chăm chỉ như thế, mà học rất giỏi, sau này anh ấy đỗ đại
học, đến lượt em trai, hai anh em thay phiên nhau đi xin nước vo gạo. Chỉ đến
khi cả hai anh em ra trường, có việc làm tốt gia đình họ mới thôi nuôi lợn.
Hoàn cảnh riêng của gia đình họ như vậy, thì với hai anh em học hành đỗ đạt
đúng là cách rất tốt để thay đổi số phận.”
Dạo này Nhi Bá lớn hơn, suy
nghĩ cũng người lớn hơn trước. Cậu ta nói rất nghiêm túc và dõng dạc:
“Con đọc trong truyện “Ông tướng
của tôi” [1] thì ông trung tướng Rybakov nói với cháu, là thế hệ sau phải hơn
thế hệ trước. Như thế các anh đã học và có việc làm để đưa hoàn cảnh gia đình tốt
hơn thời của bố mẹ các anh. Con cũng muốn như vậy.”
“Tốt quá, con mong muốn như vậy
là rất tốt, nhưng ở đây sẽ có một vấn đề con cần để ý!” mình cười nói với ông con.
“Là điều gì hả ba?” Cơn tò mò
lại nổi lên.
“Như con hiện nay có ba là luật
gia, và làm cả việc nghiên cứu các vấn đề quốc tế để viết bài cho các báo, còn
mẹ con thì là nha sĩ. Vậy con sẽ suy nghĩ rằng con phải hơn ba mẹ, phải không
nào?”
“Đúng thế ba ạ.”
“Là thế này: hơn là hơn thế
nào ấy chứ? Như ông trung tướng Anton Rybakov nói với cháu nội như vậy, thì đến
lượt cháu ông, bạn Antoshka Rybakov sau này cũng phải ít nhất trở thành thượng
tướng, đại tướng hay nguyên soái chăng?”
Nhi Bá thừ người ra, còn mình
cười khoái chí và nói tiếp.
“Con thấy không, bố của
Antoshka chỉ là một kỹ sư, làm phó kỹ sư trưởng công trường xây dựng nhà máy thủy
điện. Rõ ràng nếu mà đem so sánh mặt bằng xã hội thì thế hệ sau có khi còn chưa
bằng thế hệ trước ấy chứ. Nhưng, cũng có khi về hưu chú ấy lên đến chức… bộ trưởng
không biết chừng. Nếu cứ đem so sánh thì rất khó đấy.”
Vấn đề này thực sự rất “quấy rối”
bạn Nhi Bá trong thời gian gần đây – chả là hắn ta muốn làm nhà công nghệ, chế
tạo máy bay chẳng hạn, rất thích.
“Vậy có so sánh được không hả
ba?”
“Đầu tiên, đó là việc khó, ba
vừa nói rồi. Có câu “con hơn cha là nhà có phúc” nhưng điều đó hoàn toàn không
có nghĩa là cha mẹ làm công nhân thì con phải làm kỹ sư. Có rất nhiều chuẩn mực
khác nhau, ngay ở những xã hội khác nhau sự khác biệt đã là ghê gớm lắm rồi.
Con nhớ chuyện ba nói về người công nhân lành nghề, có nhiệm vụ biến những ý tưởng
của nhà phát minh thành hiện thực không?”
“Có chứ ba.”
“Đó, ví dụ ở một tổ hợp lớn và
quan trọng như NASA [2] chẳng hạn – sẽ không chỉ có các tổng công trình sư,
công trình sư, kỹ sư, mà còn có cả những người công nhân lành nghề nữa. Có rất
nhiều người làm các việc thuộc nhiều ngành nghề trong đó như cơ khí, điện, điện
tử, lập trình… không có họ thì một tổ hợp như vậy không hoạt động được. Nếu xét
về thu nhập, tức là tiền lương ấy, với mặt bằng của một xã hội phồn vinh như nước
Mỹ thì lương của những người công nhân ấy còn cao hơn nhiều so với lương của luật
gia hay nha sĩ ở Việt Nam ta – đó là ba so sánh một cách “thô sơ.” Tuy nhiên
không nên làm như vậy vì nghề nào cũng đáng quý miễn là làm người lao động chân
chính, trung thực và tự trọng.”
Ví dụ đã “gãi đúng chỗ ngứa” của
Nhi Bá – cậu ta mê mẩn các hoạt động của NASA, của các hãng chế tạo máy bay như
Boeing, McDonnell Douglas, Concorde, Airbus và cả Antonov, Yak, Tupolev,
Sukhoi, Micoian-Gurevik lẫn Ilyusin nữa.
“Ừ nhỉ ba nhỉ, đúng là rất cần
những công nhân trong các chỗ đó thật.” Nhi Bá thừa nhận.
“Hì hì, thú vị nhỉ. Không nhất
thiết con phải là nhà kinh tế, là luật sư, là bác sỹ… mà hoàn toàn có thể làm
công nhân, miễn là con tinh thông nghề nghiệp và yêu nghề. Con có con đường
riêng của con, ba mẹ sẽ không can thiệp vào chuyện chọn nghề của con. Nếu nhất
nhất bố mẹ là cử nhân thì con phải là tiến sỹ thì hầu hết các bậc cha mẹ và cả
những người con trong xã hội, sẽ đau khổ lắm, vì có phải ai cũng được như vậy
đâu. Đó chỉ là những tiêu chuẩn về mặt định lượng thôi con ạ.”
“Định lượng là sao ạ?”
(À ừ, quên mất, lắm lúc phải
nhớ là nhiều khái niệm “triết học” quá, hắn chưa hiểu.)
“Là về số lượng nhiều ít ấy,
nhưng quan trọng hơn là định tính, tức là chất lượng, ý ba muốn nói là cái nào
tốt hơn cái nào ấy mà. Thôi tạm gác cái chuyện định lượng, định tính đó lại, mà
ba muốn nói đến một điều khác kia…”
“Gì thế ba?”
“Là về câu “con hơn cha là nhà
có phúc” ấy, không phải cứ nhất quyết phải là thế hệ sau phải có bằng cấp, học
hành đỗ đạt cao hơn thế hệ trước, đặc biệt càng không phải là thế hệ sau phải
kiếm được nhiều tiền, giàu có hơn thế hệ trước. Bill Gates rất nhiều tiền, chắc
chắn con cái ông ấy sẽ không thể kiếm được nhiều tiền bằng ông ấy, điều đó cũng
là bình thường thôi. Nhưng quan trọng nhất, là thế hệ sau phải hạnh phúc hơn thế
hệ trước.”
“Thế nào là hạnh phúc hơn ạ?”
“Bác hàng rau (giả định nhé!),
bác Hiền nữa… chắc chắn là những người hạnh phúc, vì các bác ấy dù tần tảo vất
vả, nhưng đã đạt được điều họ mong muốn là tạo điều kiện học hành được cho các
con, nhìn thấy các con đỗ đạt, và thành công trong cuộc sống. Đến lượt các con
của các bác ấy cũng phải biết cách tìm ra được những hạnh phúc như thế trong việc
chăm lo cho người khác. Ngoài đối với gia đình, cống hiến được cho những người
xung quanh, cho xã hội được càng nhiều thì càng tốt con ạ. Hạnh phúc như ai đó
nói, đó là việc làm cho người khác được hạnh phúc, chứ không phải là vơ vào cho
mình. Để đạt được điều đó, cần có một việc làm hoặc có thể làm được một việc
nào đó để có thu nhập lo cuộc sống, sau đó mới nghĩ đến lo cho người khác được.”
“Thế ba có phải là người hạnh
phúc hơn thế hệ trước không?”
“Có con ạ. Ở đây còn một khía
cạnh nữa – nó thuộc về một môn sau này con sẽ học là môn triết học, đó là hiểu
biết về cuộc sống. Bà nội con mất sớm, và đến nay cứ ngẫm nghĩ lại ba rất
thương bà vì bà còn có những điều chưa hiểu biết về cái lẽ tự nhiên của cuộc sống,
nên nhiều điều bà còn thấy bất hạnh. Ông nội con cũng vậy, ông là người suốt cuộc
đời không gặp may, và đến nay đã 80 tuổi ông rất buồn, không vui vẻ mấy khi và
nhiều lúc ông giận cuộc đời này. Ba thì nhận ra, chính ba cũng có rất nhiều điều
không may mắn, nhưng cũng nhận ra phần thì những điều không hay ho đó là do
mình, phần thì do cuộc sống nó vốn như vậy, muôn màu muôn vẻ, có trắng có đen,
có thăng có trầm… mà không như thế thì nó không phải là cuộc sống. Do đó ba thấy
vui vẻ, dần dần học yêu thương tất cả mọi thứ xung quanh, kể cả những điều chưa
hay ho xảy đến cho mình. Như vậy theo con thì ba có hạnh phúc hơn thế hệ trước
không?”
“Có ba ạ.” Nhi Bá trả lời.
“Ba cũng thấy vậy con ạ, ba hạnh
phúc. Bây giờ có mẹ con, có ông bà con bên cạnh, được chăm sóc các con, đó là hạnh
phúc. Lo cho con học hành để sau này có cuộc sống tốt, là đương nhiên, hầu hết
mọi người trong xã hội đều làm tốt hơn ba. Chăm sóc cho con một sức khỏe tốt, để
sau này làm việc được, cống hiến được, cũng là một việc mà ba mẹ đang cố gắng
làm tốt. Nhưng điều mà hàng ngày ông bà, ba mẹ hàng ngày vẫn làm, và vẫn đang
mong muốn là con ngoan, sau này sống tốt, và biết nhìn cuộc sống bằng cặp mắt
hiểu biết, đó mới là hạnh phúc lâu dài và có ý sâu sắc nhất.”
“Thế bây giờ, ông nội thế nào
hả ba?”
“Ba kể con rồi, ba vốn không hợp
ông nội của con – nhưng dần ba hiểu tất cả nằm trong tay của ba, chứ không đòi
hỏi sự thay đổi của ông con được. Ba lặng lẽ làm những gì ba thấy là đúng, lo
cho ông những điều ông chưa đạt được như đưa ông đi du lịch nước ngoài… Ba phải
dẹp cái ngang bướng, ngỗ ngược trong mình đi, để gần gũi ông hơn. Dần dần ba thấy,
có vẻ ông có đôi chút thay đổi…”
Dòng đời vẫn ngược xuôi, xuôi
ngược. Bác bán rau mãi cũng sẽ lại về đến nhà – chiều tối rồi chắc bác chẳng thể
bán hết được cả hai sọt rau to tướng ấy đâu. Cái lo thường nhật của những người
lao động bươn chải giản dị hơn cái lo của người buôn tàu bán bè rất nhiều –
nhưng tiêu chuẩn hạnh phúc của một người bình thường chắc chỉ có một thôi.
Được nhìn thấy con cái mình hạnh
phúc, chắc là niềm hạnh phúc lớn nhất. “Đỉnh Olympia” đó vì thế, cũng rất khó
khăn cho các thế hệ sau để vượt qua.
[1] “Мой генерал” của nhà văn
Xô-viết Albert Likhanov. Nhà xuất bản Kim Đồng tái bản năm 2017.
[2] Cơ quan hàng không và vũ
trụ Hoa Kỳ (National Aeronautics and Space Administration).
Tham gia thảo luận trên
Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment