Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Wednesday, March 20, 2019

Giã biệt thằng Xù

Mặc dù đã nhận được rất nhiều lời khuyên rằng thời bây giờ hơi tí là mất chó mất mèo, có con mèo đẹp phải nhốt nó vào không thì có ngày nó không còn về nữa, nhưng nhà mình vẫn muốn để cho được tự do. Xù vốn thân thiện, nó ra vào các nhà ở cả xóm chẳng nề hà, ai cậu ta cũng quen, cũng thuộc. Đến cô Tây da màu (mà mình thầm đặt tên là Naomi Campbell) nhà bên cạnh cũng thường xuyên gọi Xù để sang chơi với con mèo Anh nhà cổ, và cho Xù ăn.

Trước Tết vừa rồi hai tuần, một ngày Xù ăn trưa xong, rồi đi và không về nữa. Suốt mấy ngày, cả nhà bần thần. Mẹ của hai bạn Nhi Bá, Nhi Bôn là hiểu ba hai bạn ấy nhất, có lần cầm tay ba hai bạn và nói: “Khổ thân ba, yêu trẻ con nên nhớ em Xù lắm đây.” Suốt mấy ngày, cả nhà chờ Xù về. Chẳng ai bảo ai, cứ thỉnh thoảng ngồi bên bàn ăn lại nhìn ra chỗ bậu cửa sổ, chỗ quen thuộc Xù hay ngồi liếm láp và nhìn vào nhà, chỗ đó bây giờ trống trải lạ thường. Mấy ngày đầu, niềm hi vọng Xù sẽ về còn lớn, về sau mỗi ngày một giảm đi.

Chiều nào đi học về, Nhi Bôn cũng hỏi ba: “Xù về chưa ba?”

“Chưa con ạ.” Ba Nhi Bôn thở dài.

“Thế Xù có về không ba?”

“Có thể con ạ.”

Mấy hôm sau, câu trả lời đã là “Đến hôm nay thì có thể là không về nữa rồi con ạ.” Mình nói với con vậy, và quay đi, sợ con nhìn thấy chính mình cũng không ngăn được những giọt nước mắt chuẩn bị trào ra. Nhưng Nhi Bôn vốn là cô bé tinh ý, dù không nhìn thấy nhưng chị hiểu, em bé Xù của chị chắc chắn sẽ không bao giờ về nữa. Và cô bé cũng chuẩn bị thút thít, may quá lúc ấy thì anh Nhi Bá xuống xe bus và ba cha con lên xe máy đi về.

Ở nhà mấy hôm nay có mẹ nghỉ ốm, và bà đang trò chuyện gì với mẹ trên tầng hai. Nhi Bôn lên nhà một lúc, rồi mình nghe thấy tiếng cô bé khóc òa lên. Sau đó là tiếng của mẹ cô bé và bà ngoại an ủi… Lại nghe thấy tiếng Nhi Bôn: “Con sẽ không bao giờ được gặp lại em Xù nữa!...” và bà lại giải thích.

Hôm sau, ý chừng đã nguôi ngoai, Nhi Bôn lại hỏi ba: “Thế thật là mình sẽ không bao giờ gặp lại em Xù nữa hả ba?”

“Chắc là bà nói với con rồi, nhưng ba lại nói với con nữa, không sao cả. Chúng ta, tất cả mọi người, rồi ai cũng sẽ không bao giờ lặp lại ai nữa. Con thử tưởng tượng sắp tới là ai sẽ chia tay chúng ta nào?”

“Cụ Yến này…” Nhi Bôn nhớ ra ngay bà ngoại của mẹ bạn ấy, cụ đã ngoài 90 tuổi và mấy năm nay đã lẫn, không còn nhận ra ai với ai nữa.

“Ai nữa con?” Mình hỏi và nhận ra con gái bắt đầu khó nói. Mình đành phải nhắc:

“Sắp tới nếu xét về tuổi, thì có thể là ông nội con nữa chứ, đúng không?”

Nhi Bôn nheo cặp mắt một mí nhỏ và dài, đen láy và thở ra nhè nhẹ…

“Vâng, rồi còn ông ngoại, bà ngoại nữa ba nhỉ…”

“Đúng rồi con ạ. Cứ thỉnh thoảng ba lại đi tiễn biệt một người nào đó, hoặc họ hàng, hoặc cha mẹ của bạn bè, và bây giờ đã bắt đầu lác đác có những người bạn ra đi đều là những báo hiệu rằng sự chia tay là chắc chắn phải đến.”

“Nhưng mà em Xù ở với nhà mình ít quá, con yêu em lắm. Giờ này em ở đâu ba nhỉ?”

“Ba nhớ có một bộ phim, trong đó cô bé bị bắt cóc nói chuyện với người đàn ông đang canh giữ mình như thế này:
-       Người đàn ông: Trước đây chú có một người bạn nhỏ để lại đồ chơi này, chú cho cháu…
-       Cô bé: Bạn ấy bây giờ đâu rồi chú?
-       Người đàn ông: Bạn ấy ở rất xa rồi, trên Thiên đường.
-       Cô bé: Cháu cũng có một người bạn, tên là Cat (con mèo.) Bây giờ bạn ấy cũng đã ở trên Thiên đường… [1]
Em Xù đến với nhà mình do mèo mẹ sinh ra, nó thân với cả nhà, nhất là ba con mình từ nhỏ. Em tốt bụng, thân thiện và ngoan, không những thế lại còn rất “được việc.” Cứ vài ngày, Xù lại bắt được con chuột, em bắt chuột cho cả xóm còn gì. Vì em ngoan thế, nên nếu hiểu như cô bé kia, thì chắc giờ này Xù đã ở một nơi nào đó tốt đẹp rồi.”

“Thật thế hả ba? Em ở nhà mình vui nhỉ!”

“Đúng là vui con nhỉ. Con có nghĩ, em ở nhà mình thì em rất hạnh phúc không?”

“Có ba ạ, em Xù rất hạnh phúc.”

Nhưng Nhi Bôn vẫn rất buồn.

<<<>>> 

Buổi tối, mình đi đón bạn Nhi Bá từ lớp học thêm về. Bạn ấy vốn tự đi bằng xe bus, nhưng buổi học tối thì thường chờ xe rất lâu, hôm nào tan muộn còn hết cả xe nên để tiết kiệm thời gian, mình vẫn đi đón. Thật ra, đi đón bạn ấy còn là nhu cầu của mình nữa, để có lúc mà trò chuyện với con.

“Ba thương em quá con ạ. Mấy ngày nay em khóc hết nước mắt luôn.” – Mình nói vậy để hướng suy nghĩ của Nhi Bá sang em gái, vì mình biết cậu ta cũng thương nhớ em Xù lắm, và không muốn con phải bi lụy.

“Vâng, hôm qua em khóc ầm lên ở nhà. Cô Lan dạy bơi cũng bảo, mấy cô bé đó mà mất mèo thì khóc ghê lắm. Ba kể cho cô Lan à?”

“Đúng rồi, ba kể cho cô Lan là nhà mất con mèo và em Nhi Bôn khóc tu tu. Thật ra mình phải cảm ơn anh bạn Xù ấy, nó cho chúng ta một trải nghiệm về sự mất mát. Mới có con mèo, mà con thấy cả em, cả con, cả mọi người đã buồn như vậy, thì khi mất người thân chúng ta sẽ buồn đến cỡ nào. Trước đây ba đã rất đau khổ khi tiễn bà nội của con ra đi, dần dần ba quen hơn và hiểu hơn về những sự ra đi như thế, và chỉ hơi lưu luyến một chút…”

“Hôm nọ mẹ bảo con, là giờ này Xù chưa về, có khi vào nồi lẩu rồi, thật thế hả ba?”

“Ừ, đáng buồn là như vậy. Xã hội chúng ta ngày nay đã có quá nhiều vấn đề thật sự là rất, rất đáng buồn. Nếu như Xù bị người ta bắt để nuôi, thì Xù dễ thương như thế chắc chắn nó cũng sẽ sung sướng, nhưng bây giờ quá nhiều thứ thay đổi, con người trở nên tham tàn một cách đáng sợ. Họ ham muốn tiền bạc, làm giàu nên cuối năm với quan niệm “ăn thịt mèo giải đen” họ kéo nhau đến quán, chè chén bên những đĩa thịt mèo. Thời ba bằng con, chẳng ai ăn thịt mèo cả, nhưng khi ba khoảng ngoài 20 tuổi xuất hiện những quán “Tiểu hổ” đầu tiên. Còn bây giờ thì chẳng ai ghê sợ khi ăn thịt mèo nữa.”

“Thế có người đi bắt mèo ạ?”

“Có chứ con, đi vòng quanh thành phố để bắt mèo, rồi bán cho các quán nhậu. Cái mê muội của người ăn thịt mèo dẫn đến cái mê muội của người đi bắt mèo kiếm tiền, cứ nghĩ đến điều đó ba thấy rất buồn. Đó là những con người đáng thương, vì u mê tăm tối mà làm những việc đó.”

“Thế nhỡ không phải như thế thì sao? Nhỡ là ai đó đói và bắt ăn thì sao, như đã có lần ba kể ấy?”

“Đúng đã có lần ba kể, rằng thời ba khoảng 20 tuổi thì Hà Nội bắt đầu có tình trạng mất mèo. Lúc đầu, là các bác thợ xây ở các tỉnh ra thành phố, họ ở ngay công trình và để tiết kiệm tiền ăn mà vẫn đủ chất, họ thường câu mèo bằng cách móc con cá bé nướng thơm vào lưỡi câu. Con mèo mắc câu bị lôi về làm thịt… Nếu như bây giờ vẫn còn những chuyện như thế, thì em Xù của các con cũng đã làm được việc tốt, nó đóng góp thân xác của nó để cho một gia đình nghèo nào đó được một bữa no. Nhưng bây giờ thì con để ý thấy quán nhậu mọc lên san sát, chắc chắn phải có người cung cấp chó mèo cho họ chứ…”

“Ba ơi, ngoài đầu ngõ mình có hàng bia, con thấy đề biển “Thịt mèo” – hay là mình ra hỏi xem họ có bắt được Xù không ba nhỉ?”

“Thế theo con thì nếu họ bắt được, họ sẽ nói thật cho mình à? Khó lắm con ạ, họ sẽ nói dối là không có. Vì thế đó là việc không cần thiết. Nếu em Xù còn được ở với nhà mình, thì chắc là em chỉ bị bắt nhốt và sẽ có cơ hội thoát về, như vài lần đã có như vậy. Còn nếu em không còn được ở, thì sẽ không quay về đâu và mình cũng nên thuận theo điều đó.”

“Thế bây giờ thì em Xù đang ở đâu hả ba?”

“Với em bé thì ba không nói thế, nhưng với con thì ba sẽ nói như thế này: gia đình mình theo Đạo Phật, mà Đạo Phật thì thừa nhận có luân hồi, cái chết chỉ là một cái mốc chuyển từ cuộc sống này sang một cuộc sống khác. Ba con mình không thể nói giờ này em Xù đang ở đâu, nhưng chắc chắn giờ này em đã có một cuộc sống khác. Em đến với nhà mình do một cái duyên nào đó và em đã được yêu thương, chăm sóc hết mực, và rõ ràng là em cũng đã rất yêu quý chúng ta. Chính vì vậy, dù em là mèo nhưng khi ở với gia đình ta, em cũng đã rất hạnh phúc và em rất ngoan, làm tròn nhiệm vụ bổn phận của một con mèo ngoan. Do đó ba nghĩ chúng ta có căn cứ để tin rằng cuộc sống khác đó của em lúc này, phải tốt đẹp hơn là làm một con mèo. Có thể là lên làm người thì còn lâu, nhưng tốt đẹp hơn. Ba tin như vậy.”

Hai ba con đã về đến nhà, để lại câu chuyện dở dang ngoài cửa với ánh đèn đường màu vàng, với cơn gió lạnh đang quần trên những vòm lá…

<<<>>> 

Các con yêu quý,

Những gì chúng ta đã trải nghiệm với em Xù, trong cuộc sống này chúng ta sẽ không bao giờ quên, cũng như rất nhiều người bạn, người thân đã đi cùng chúng ta một quãng đường đời. Các con biết không, bây giờ mỗi lần ngồi sửa xe, sửa đồ ở cái xưởng nhỏ đằng sân sau, ba lại nhớ Xù vô hạn. Ba nhớ nó cứ ra cọ cọ vào chân ba để cố mượn một con êcru, chơi chán lại mang về trả rồi nằm lim dim trên cái giẻ ba vẫn dùng để lau tay. Có thể nói năm qua, Xù đã là người bạn thân nhất của ba khi mẹ các con và các con vắng nhà.

Nói thế là các con đủ hiểu, vắng Xù ba thấy trống trải như thế nào, và các con thương nhớ em ra sao, ba cũng thương nhớ em như thế. Nhưng chẳng có mối quan hệ nào là không có chấm dứt và chia tay đâu các con ạ.

Bây giờ đã có một em khác đến thay thế em Xù, và em này còn xinh xắn hơn Xù nữa, nhưng ba biết thỉnh thoảng các con vẫn nhớ Xù. Ba mẹ cũng thế, vẫn chơi với em bây giờ, nhưng vẫn nhắc đến Xù, nhưng không có nước mắt mà là những câu chuyện đầy những nụ cười…

“… khi ba đưa hai anh em ra xe bus về đến nhà, Xù đã nấp nấp sau cái lan can, lấp lánh cặp mắt tinh ranh rồi chờ ba dựng xe máy xong, chỉ cần quay lưng lại đi khóa cổng là lao ra, trèo lên yên xe và nhanh chóng cào cho cái yên xe mấy cú đích đáng. Ba quay lại, hắn đã tháo chạy rất nhanh, nhưng không chạy hẳn. Ba đi vào nhà, hắn lấy đà từ phía sau chạy vượt lên, va vào chân ba ý chừng như cố tình, rồi đến sân trong hắn nấp, thò mặt ra, mắt lấc láo như rủ đùa…” Ba mẹ cùng cười kể lại những câu chuyện về anh chàng tinh nghịch và hóm hỉnh ấy.

Tuần trước, ba gặp “cô Naomi Campbell” cô ấy hỏi ba nhà ta đã tìm thấy Xù chưa. À ba đã nhớ ra đã có lúc cả tuần hai anh em đi tìm Xù, sang cả nhà cô ấy hỏi. Ba bảo: “Xù vẫn chưa về…”

Cô Naomi kể: “He came to eat every day!” [2]

Đúng rồi, Xù là “người thân” của cả xóm cơ mà các con nhỉ.

Ba sẽ kết thúc câu chuyện bằng lời nhắn của một người bạn phương xa, cô ấy rất quan tâm và yêu quý các con qua những câu chuyện kể của ba. Khi ba kể với cô ấy qua chat trên mạng, rằng các con rất buồn, và Nhi Bôn thì khóc thôi là khóc… cô ấy nhắn con một điều rằng:

“Cuộc sống không bao giờ chấm dứt, nó chỉ thay đổi thôi…” Vì thế, chúng ta hãy giã biệt em Xù và hãy vui vì em đã rất hạnh phúc với chúng ta.

Thân tặng những người cha, người mẹ phải chia tay thiên thần nhỏ bé của mình từ rất sớm. Cuộc sống của các con không chấm dứt, mà các con tiếp tục được hạnh phúc ở một cuộc sống khác nơi nào đó…
_______________
[1] “Trapped” (2002)

[2] “Cậu ta ngày nào cũng sang ăn!” 

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment