Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Wednesday, December 29, 2021

Vụ em bé 8 tuổi bị mẹ ghẻ đánh chết và cơ hội cho chúng ta


Nếu bạn là một cư dân của mạng xã hội, hay nói cách khác bạn là một Giang Cư Mận, ắt hẳn cứ đôi tuần lại gặp một chuyện mà với nhiều người, rất rất nhiều người là chướng tai gai mắt, thậm chí có những chuyện gây ra những cơn bão rất lớn. Tôi thì để ý thấy có những người bạn mạng của tôi đang từ Việt Á phải cất công chuyển sang “phản án, phê bình, phẫn nộ” chuyện cháu bé 8 tuổi bị bạo hành đến chết. Nhiều bác tỉnh táo luôn tự nhắc mình không được quên “nhiệm vụ Việt Á.”

Nếu chúng ta cố suy xét đến cùng của những sự việc, thì tất cả chúng đều có chung một gốc: cái ác. Việt Á có cái ác hòa trộn với cái tham, vì tham mà làm ác, cam tâm làm giàu trên sinh mạng của đồng bào. Còn những vụ bạo hành, cái ác quá rõ ràng và hậu quả thương tâm xảy ra làm chúng ta không thể không đau lòng. 

Tôi đến với quý vị độc giả từ một người với tâm hồn thủng lỗ chỗ như cái xơ mướp đầy đau thương, nhưng là với những vết thương do chính mình gây ra. Tới khi có con, tôi đã có 11 năm nuôi và “dạy dỗ” em trai với tất cả những khốn khổ mà bây giờ nghĩ lại cũng thấy kinh. Cái mốc năm thứ 12 cho đến năm thứ 17 là đánh dấu sự thay đổi của bản thân tôi cho đến khi dần dần, những khổ nạn hết dần. Mười một năm – bản thân con số không nói lên điều gì nhưng với tôi nó là địa ngục vì những trận đòn tôi nện lên thằng em của mình. Tất nhiên vẫn có những người nhìn lại một cách thương cảm là quả thực chú ấy cũng rất hư, nhưng cái thằng ngu ngốc nhất trong câu chuyện này là tôi, không phải chú em tôi, vì suy cho cùng chú ấy bắt đầu câu chuyện với tôi từ một chú bé 8 tuổi, còn tôi thì đã 22. 

Mãi sau này qua nhiều lần tìm đọc trong sách vở và tự ngẫm nghĩ, tôi mới biết tôi và chú em đến với nhau có những sự nghịch duyên rất lớn, và tôi là chủ nợ của hắn, kiếp trước hay vài kiếp trước hắn nợ nần tôi vì những bạo hành, đồng thời tôi cũng nợ nần hắn về những khoản tiền bạc mà mỗi lần hắn gây chuyện, tôi phải đem đền bù, bồi thường cho gia đình nhà người ta… Chưa hết, điều đáng nói ở đây là sự ngu tối của bản thân tôi, khi mà tôi chưa hề hay biết về một điều: có cái gì đó trong tâm mình, đó là sự hung dữ, là sự nóng giận (sân hận)… Mỗi lần em trai tôi gây chuyện, dù là lớn hay nhỏ, tôi thường đặt nó vào trong trạng thái uất ức bị dồn nén: từ hoàn cảnh riêng hai anh em vật lộn với nhau trong trách nhiệm “giáo dục” mà với tôi là quá sức, đến những o ép của xã hội phải bươn chải để nuôi em... Không hề kiềm chế được bản thân, chứ chưa nói đến việc quán sát trong tâm mình có những xoáy cuộn gì, tôi trút lên em bằng những trận đòn dữ dội. Có thể nói, em tôi chưa chết chắc hẳn chú ta chưa đến số và tôi còn may mắn, phước còn to bằng cái đình chứ nếu hồi đó đánh em vào chỗ phạm nó lăn ra đấy thì cạn hết cả phước rồi. 

Nói đến nghịch duyên và nợ vay, còn có một câu chuyện nữa là của chính ông bố tôi, và mẹ đẻ của cụ (bà nội tôi.) Mỗi lần bà nội tức bực cái gì, đều nọc cổ bố tôi ra đánh, và đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc ông cụ trở nên là con người cộc cằn, thô lỗ, oán hận cuộc sống. Có những con người bước vào cuộc đời chúng ta như vậy đấy: không hiểu sao chúng ta cứ thấy khó chịu với họ, bất luận là họ như thế nào với ta: con đẻ cũng có, con ghẻ cũng có, hàng xóm cũng có mà thậm chí thằng ất ơ gặp trên mạng cũng có. Có rất nhiều bác lên mạng viết cái gì đó, mà ta đọc thấy hực một cái trong người, mặt nóng, tim đập nặng… ngay lập tức, đó là cái nghịch duyên vi tế nhưng nó nằm trong bản thân chúng ta, chứ chính cái anh vừa viết mấy câu vu vơ kia, chẳng liên quan gì cả. Nếu chúng ta không điều chỉnh điều này, chúng ta suốt đời khổ. 

Với quan hệ mẹ ghẻ con chồng, trong lịch sử tiến hóa của nền văn minh nhân loại, chủ yếu là nghịch duyên, mấy ai có phước lớn mà hóa giải nghịch thành thuận đâu. Thế mới có câu “mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng.” Thông thường cái nghịch duyên đó chính là sự đối đầu, mâu thuẫn vi tế và giấu mặt giữa người tình kiếp trước và người tình kiếp này của ông bố/anh chồng, hầu hết họ cạnh tranh nhau mà chẳng biết. Với người mẹ kế, tự dưng có một con bé/thằng bé bước vào đời mình; cơ mà phải nói chính xác hơn là mình tự dưng bước vào đời bố con nhà họ và nổi lên cao hơn hết thảy là sự u mê, ngu tối… mà chúng ta sẽ gọi là “vô minh.” Cái vô minh ấy nó che mờ tất cả, không cho chúng ta nhận thấy là có sự nghịch duyên, không cho chúng ta phát hiện ra có hự uất giận, sân hận trong tâm ta đang đốt lên ngọn lửa thiêu đốt tâm can. Vì sự vô minh nên người mẹ ghẻ không cần biết có lỗi hay không có, lỗi to hay lỗi nhỏ, cứ hành hạ cho hả cái sân hận bên trong mình và để nó bộc phát thành hành động bạo lực. 

Cũng phải nói rằng, bộ ba mẹ ghẻ, con chồng và anh chồng/ông bố kia gặp nhau tron một cái nhân duyên rất lớn, mà phần lớn là nghịch và có một chút thuận giữa hai người tình hiện tại. Người tình tiền kiếp tìm cố nhân đòi trả nợ vay duyên nợ không đủ thắng được người tình kiếp này, mà tâm ma tâm quỷ nó hành chị ta mạnh quá, và cuối cùng thì cháu không thắng được kết quả mà số phận dành cho mình. Cuối cùng phải nói đến là sự vô minh của anh chồng/ông bố… Hệ thống triết học này thì gọi là “định mệnh” hay “số phận” còn hệ thống khác thì gọi là “nghiệp quả…” tất cả đều có những nghiệp quả nặng nề, mà sau khi lột cái tấm vải phủ vô minh bên ngoài ra chúng ta còn nhiều cái để bóc tách: thuận duyên, nghịch duyên, sân hận uất ức, thả lỏng bản thân cho con quỷ bạo lực hoành hành và sai khiến hành động của bản thân hướng ra bên ngoài. Bây giờ cái nghiệp quả ấy nó đã đến cho tất cả: với cháu bé, là thiệt mạng trong đau đớn. Với cô mẹ kế, khó tránh khỏi xử lý của pháp luật nhất là sự việc đã lên đến mặt báo, và kết quả này có thể cũng khó thoát với bố của cháu. Với bố cháu và cả gia đình bố mẹ anh ta, là cái kết quả búa rìu dư luận (nạn thị phi.) Với tất cả họ, đây là một kiếp nạn và sự ra đi của cháu bé là sự chấm dứt một trạng thái để chuyển sang một trạng thái mới. Cháu bé trả hết nợ bạo hành tiền kiếp với người mẹ kế và cũng coi như hết nợ vay trong cõi đời này với những người thân thích khác của cháu… Mà nếu như còn nợ nần thì cũng là đáng sợ, đến kiếp nào đó còn phải tìm nhau để đòi trả nợ vay, cái luật này nó ghê gớm lắm – người trần mắt thịt chúng ta không thể bàn luận được. 

Tất cả những điều trên đây (vô minh, sân hận, thiện ác…) có trong mỗi chúng ta, có trong tất cả chúng ta; chẳng qua là chúng ta phước còn lớn nên chưa gặp cú nhân duyên quái gở cho gặp một ông chồng hay bà vợ có đứa con riêng nào cứ nhìn mặt là thấy ghét và muốn tẩn… Chiều hôm qua khi bàn luận trên “tường” nhà tôi với một người bạn mà cậu ấy nhắc đến chuyện này, tôi có nói với cậu ấy về “nhân chi sơ.” Đối lập với thuyết “nhân chi sơ tính bản thiện” của Mạnh Tử, bàn về “tính ác,” Tuân Tử lại cho rằng “nhân chi sơ tính bản ác,” thật ra “thiện” và “ác” nó có cả trong mỗi chúng ta và bản thân mỗi khái niệm đó nó không tồn tại độc lập, mà phần lớn với tất cả mọi người bình thường bước vào cõi Ta Bà này với sự vô minh nhất định, thì “thiện” và “ác” chúng luôn luôn bị hòa trộn với nhau, mà chỉ khi dần dần có trí tuệ, chúng ta mới nhận ra được điều đó. Khi thấy một sự việc sai trái, chúng ta tìm cách phản ứng như ngày xưa các chiến sĩ cách mạng in vào truyền đơn và thời nào đó nhà văn viết vào sách, bây giờ chúng ta dễ hơn nhiều: viết lên mạng xã hội. Đó là biểu hiện của cái “thiện” bên trong chúng ta, nó muốn chống lại cái ác. Tuy nhiên chúng ta lại nhân tiện thả lỏng luôn cho cái “ác” cũng bên trong chúng ta, khi chúng ta cố gắng dùng ngôn từ để bước một, mạt sát những người đang làm việc xấu, và sau đó bước hai, hô hào đòi trừng trị thật thích đáng những “kẻ đó.” Họ vô minh khi làm việc xấu, nhưng chúng ta cũng vô minh theo khi không phân biệt đâu là tâm thiện và đâu là tâm ác trong bản thân mình. 

Có rất nhiều người sau sự việc, hỉ hả vì thấy những kẻ xấu đã bị pháp luật trừng trị, và cũng yên tâm đến mức khoái trá cho rằng, không có những sự đấu tranh bằng cái bàn phím của mình thì làm sao mà có kết quả như thế. Có những người khác thì chưa thỏa mãn với bản án đó, tiếp tục lên mạng đấu tranh tiếp. Ở đây không có cái gì là sai hay đúng, mà chẳng ai có thể can thiệp được vào nghiệp quả của người khác. Người ta chưa tới số chết, nói thế chứ nói nữa người ta cũng không chết… Thậm chí có cả những trường hợp (có thể) có những sự tác động mờ ám vào hồ sơ vụ án ở đâu đó mà xuồng phải chìm thì cố lôi cho nó nổi cũng không được. Đó lại là những sự nợ vay, người tác động hồ sơ nợ nần bị can từ kiếp trước ơn cứu mạng chẳng hạn, mà kiếp này lại phải làm chuyện phi pháp để trả nợ và dù họ có nhận được tiền để làm việc đó, thì đó lại là một việc tạo lên một nghiệp dữ rất lớn và chắc chắn họ sẽ phải trả lời trước số phận về việc đó. Nhưng khi tôi đọc những “dòng cảm xúc” của nhiều người, tôi thực sự thấy buồn và lo lắng, vì cái sự thiếu phân biệt làm cho cái ác trong tâm nó bị thả lỏng nhiều quá. 

Quay lại với việc cháu bé bị bạo hành đến thiệt mạng, về nguyên tắc tôi thông cảm với tất cả những diễn biến tâm trạng của Cư Dân Mạng chúng ta hiện nay, vì tôi cũng có con, và yêu quý không chỉ những đứa con của mình mà cả các cháu khác nữa. Vì thế, tôi không phản đối việc các bố mẹ cảm thấy mình có trách nhiệm và phải lên tiếng dù trên mạng, người nhiều thì vô số độc giả, người ít thì trong số mấy chục vài trăm bạn bè… Nhưng điều tôi còn mong muốn hơn là cần nhận ra được, rằng trường hợp tương tự đã đang và còn sẽ xảy ra với mỗi người chúng ta. Đi làm về, mang theo bực dọc ở cơ quan, lên mạng xã hội cãi nhau với thằng nào… ta mang về nhà gặp ngay ông con bị cô giáo báo ném vỡ cái TV của lớp chẳng hạn, phần lớn không khởi nên ý nghĩ muốn đánh tuốt xác nó ra thì tôi đi đầu xuống đất. Ngay con mình dứt ruột đẻ ra, phần lớn là yêu thương nó mà cũng có lúc “nộn cả dzuột” nữa là con riêng của chồng! 

Tôi là người tin ở tâm linh, nghĩa là có sự tồn tại của những chúng sinh trạng thái khác ở những không gian thời gian khác, do đó tôi cũng tin ở sức mạnh của năng lượng tâm hồn. Nếu trong một khu vực không gian mà có quá nhiều chia sẻ “tâm ác” đồng nghĩa với sự gia tăng số lượng “máy phát sóng” lẫn tần số sóng của những năng lượng xấu. Khi tâm hồn chúng ta đã khởi nên tâm ác, đã bắt đầu phát sóng năng lượng xấu, lên mạng chẳng hạn lại gặp những người cùng tâm trạng “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” thì sóng năng lượng xấu bị cộng hưởng mạnh lên gấp bội. Do đó tôi đồng ý và tán thưởng với những bạn mạng đặt câu hỏi “Tại sao con người lại có thể ác đến như vậy?” trong câu hỏi có sự suy tư và từ đó đi đến quán chiếu bản thân tâm của mình, không xa. Còn với những câu từ “Tại sao cô này lại có thể ác đến vậy?” thì vẫn còn đỡ, nếu mà “Con quỷ cái này ác quá!” là đã bắt đầu ác, còn “Cần phải băm vằm con quỷ cái này ra!” thì nguy to rồi đấy. 

Mỗi chuyện xảy ra xung quanh, nhất là những chuyện như thế này ngoài việc cân nhắc xem xét đúng sai là việc rất cần, nhưng cũng là cơ hội rất tốt để chúng ta xem xét lại bản thân mình. “Định mệnh” hay “số phận” có thay đổi được không, nghịch duyên có hóa giải thành thuận duyên được hay không, là do mình cả. Một khi mình đã muốn và quyết thay đổi, thì sóng gió nào rồi cũng sẽ qua, địa ngục nào rồi cũng phải ở lại để chúng ta bước ra khỏi nó. 

Khi biết về chuyện cháu bé bị bạo hành đến chết và cả nhiều chuyện tương tự, tôi thường im lặng, vì tôi cảm thấy đau đớn. Cái đau đớn đó là từ những lằn roi tôi đánh em trai, đến nay vẫn còn làm tôi đau lắm. Cách đây ba tháng, tôi đến nói chuyện với em, nói với chú ấy: “Ngày xưa anh đánh em, bây giờ anh vẫn đau đớn vô cùng, và ân hận ghê gớm. Chính vì thế anh rất muốn làm được bất kỳ điều gì để bù đắp cho em.” Bạn đọc có biết em trai tôi – một Phật tử Thiền tông trả lời sao không “Không có ai bước vào đời nhau là không có lý do. Nhiều khi cuộc đời phải có những giai đoạn như vậy.” Đúng, chú em tôi đã hiểu được cái nợ vay ân oán mà chúng tôi đã phải thanh toán với nhau, và thực sự vì phước còn lớn nên chúng tôi đã bước được ra khỏi cái địa ngục đó để cuộc đời giở sang những trang mới, tốt lành hơn rất nhiều. 

Ai trong số chúng ta cũng có thể rơi vào những nhân duyên như của bộ ba chúng ta đang nói chuyện ở đây thôi, nhưng vì có thể câu chuyện nhân duyên nó khác đi một tí hay nhiều tí, nhưng về bản chất sâu xa, vẫn như nhau. Trong tâm ai cũng có “Tâm Phật” hay “Tâm Bồ Tát,” mà đã là “Bồ Tát thì sợ nhân” (chỉ có “chúng sinh thấy hậu quả thì mới sợ”)… Bộ ba chúng sinh đau khổ mẹ kế con chồng và anh vô minh, cho chúng ta một bài học rất lớn về cái “nguyên nhân nghịch duyên và tâm ác” thì bây giờ đến lượt chúng ta, hãy cố gắng thay đổi chính cuộc đời của mình mà có một cuộc sống an lành hơn. 

Bài trên Fanpage tại đây 

Bài trên Facebook tại đây

Bài tiếp theo cùng sự kiện tại đây

No comments:

Post a Comment