Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Friday, February 25, 2022

Putin và cuộc trả thù lịch sử

Một phụ nữ Ukraine cầu nguyện tại Kiev, ngày 24/2/2022
Ảnh: Daniel Leal (AFP)
Thế là Putin đã châm ngòi cho cuộc chiến mà như một tờ báo phương Tây nào đó đã ví: ông ta gí súng vào đầu Ukraine trong suốt mấy tháng qua (từ tháng 11/2021) và lúc này (mấy ngày trước) ngón tay đã đặt lên cò súng. Trong trường hợp này tôi rất thích tiếng Anh khi nó sử dụng động từ “to trigger” (bóp cò) nhưng có lẽ chưa đủ, phải dùng động từ “to ignite” (the gunpowder). Cũng chỉ tròn hai tháng trước đây, ngày 22/12/2021 tôi đã “liều mạng” dự đoán là Putin sẽ không phát động cuộc chiến này…

Điều không ngờ là Putin dám làm thật và không những thế, chơi một cách “sắt máu” đến như vậy. Giờ này, khoảng 8 giờ sau tiếng súng đầu tiên, rất nhiều người vẫn còn chưa hết bàng hoàng vì hành động đó. Nhưng có lẽ nếu nhìn lại, sự kiện ngày hôm nay hoàn toàn nằm trong kế hoạch đã dự liệu trước của Putin, và ai là người mơ hồ, ngây thơ? Tất cả chúng ta, trong đó có tôi, có lẽ là người ngây thơ vĩ đại nhất vẫn hi vọng vào một Putin và nước Nga “thành trì của hòa bình thế giới.” 

Nếu như chúng ta tỉnh táo hơn, sẽ thấy trong những yêu sách vô lý của Putin đặt ra cho phương Tây, cho Hoa Kỳ… đã hàm chứa ý nghĩa: chúng tôi chắc chắn sẽ phát động chiến tranh. Vì thế chúng ta đã không tin những tin tình báo của giới tham mưu quân sự Hoa Kỳ cảnh báo nhiều lần trước ngày hôm nay. Khi mà có thằng nào nó đến yêu cầu bạn đưa vợ bạn cho nó mang về làm tì thiếp, đưa con bạn cho nó mang về làm nô lệ, dỡ nhà bạn ra để nó mang về làm chuồng xí, thì chỉ có thể là nó kiếm cớ đánh bạn, hoặc bạn bè của bạn, vậy thôi, chứ nó biết thừa là không đời nào bạn chấp nhận tất cả những yêu sách đó của nó. 

Lại hãy cùng nhìn lại những tuyên bố của Putin trước thời điểm cuộc tấn công này xảy ra: ông ta lên án phương Tây đã không tôn trọng những cam kết trước đây, để cho NATO ngày càng tiến về phía Đông, đe dọa không gian sinh tồn của nước Nga. Nếu tuân thủ những cam kết trước đây, có nghĩa là NATO không bao giờ được phép kết nạp những nước như Ba Lan, và đương nhiên các nước thuộc Liên Xô cũ vùng Baltic thì “tuyệt đối không!” Quả thực cho đến đầu thập niên thứ ba của thế kỷ XXI này, thì đã có rất nhiều thành viên của khối Varsaw cũ gia nhập NATO, để lại nước Nga ngày càng trở nên cô độc. 

Đây là điều tuyệt vời với Putin – thật dễ dàng cho ông ta khi tiếp tục giương cao ngọn cờ chống phương Tây với cái cớ này: vi phạm thỏa thuận, bao vây nước Nga. Chỉ có bằng lý luận ấy, ông ta mới dễ dàng thu hút được sự ủng hộ của dân chúng trong nước xung quanh vị lãnh tụ vĩ đại có thể dẫn dắt nước Nga, nhân dân Nga đi đến những thắng lợi trong cuộc thánh chiến chống phương Tây. 

Không phải bỗng nhiên, mà những gì diễn ra trên đất nước Nga dưới triều đại Putin, ngày càng thể hiện rõ nét một điều gì đó: ngày 7/11 hàng năm thay vì duyệt binh kỷ niệm cách mạng tháng Mười thì họ tổ chức cuộc diễu binh, diễu hành và trình diễn để kỷ niệm… cuộc duyệt binh lịch sử ngày đó năm 1941 khi những binh đoàn diễu qua trên Quảng trường Đỏ rồi đi thẳng ra mặt trận để bảo vệ Mátxcơva; quân đội Nga ngày càng tiến hành nhiều chương trình truyền thông nâng cao uy tín, xã hội nhiều kênh truyền thông mà quân đội Nga đứng sau, tài trợ và họ không giấu diếm tham vọng trở thành lực lượng quân sự hàng đầu thế giới; sự khôi phục lại “Phong trào thiếu sinh quân yêu nước” (“Юнармия”) từ 2015 thu hút rất nhiều thanh thiếu niên tham gia huấn luyện quân sự, giáo dục tình yêu nước và tinh thần sẵn sàng chiến đấu “bảo vệ Tổ Quốc…” 

Cứ như đất nước đang chuẩn bị có chiến tranh vậy. 

Và đúng thế, nếu như chưa có, thì ta “cho nó thành có.” Người viết bài này lần đầu tiên nhìn thấy những đứa trẻ đi duyệt binh trên Quảng trường Đỏ trong tiếng quân nhạc hành khúc hùng tráng, thấy nản chí đến mức tuyệt vọng. Không hiểu ở thời nào rồi, khi mà trên toàn thế giới này nếu như là con người văn minh, chỉ mong thế hệ trẻ được ăn ngủ, được học hành… thì ở đâu đó trên địa cầu vẫn có những phong trào giáo dục lòng yêu nước mù quáng như… đoàn thanh niên Hitler. Hàng năm nếu theo dõi những hoạt động kỷ niệm Ngày Chiến thắng (9/5) này của họ (nước Nga Putin) thì những người yêu hòa bình trên thế giới nhưng cũng đủ tỉnh táo, sẽ thấy những cảm xúc mâu thuẫn pha trộn. Một bên là những nhắc nhở về tội ác của chủ nghĩa phát-xít, một bên là những nhắc nhở như cảnh báo của tổng thống Nga, luôn luôn mô tả về những lực lượng mơ hồ nào đó đang nổi lên như một thứ chủ nghĩa phát-xít mới. 

Đó là cái mà ông ta cần: mô tả những gì không giống như ông ta muốn, hoặc làm ông ta không thích hay ghét, là hiện thân của chủ nghĩa phát-xít. Bằng chất giọng khá nhẹ và cũng thuộc loại truyền cảm, thậm chí nói lời đe dọa đanh thép không hề chớp mắt, ông ta dẫn dắt những người đã được ông ta lôi cuốn, đi đến lòng căm thù một chủ nghĩa hỗn hợp giữa đế quốc và phát-xít, hàng ngày, hàng tháng, hàng năm đi gây chiến khắp thế giới. Và giờ đây nó đang đứng trước ngưỡng cửa của nước Nga, bằng những biến cố “cách mạng màu” và gần đây nhất, phong trào Maidan ở Ukraine. 

Dưới mô tả của ông ta, thì những diễn biến này hầu như không có động lực nội thân bên trong lòng xã hội, mà do phương Tây giật dây. Có lẽ, ông ta đã phần nào thành công (thậm chí có thể nói là rất thành công) trong việc xây dựng lý luận này của riêng mình. 

Chúng ta hãy cùng nhau nghe lại những gì ông ta đã từng nói trong quá khứ để lý giải cho những hành động của ông ta lúc này. “Sự sụp đổ của Liên Xô là một thảm kịch” và “Những ai không (thương) tiếc Liên Xô là không có trái tim, nhưng mong Liên Xô trở lại là không có đầu óc.” Đến nay thì những gì diễn ra đã cho thấy, ông ta là người rất có đầu óc: không có ý định khôi phục lại Liên Xô như nguyên trạng của nó cách đây hơn 30 năm với tất cả những vấn đề của nó; mà chỉ định khôi phục lại một đế chế với khía cạnh quyền lực của nó: ảnh hưởng địa chính trị, sức mạnh quân sự, tiếng nói trên trường quốc tế. 

Những gì diễn ra trong cuối thập niên thứ hai của thế kỷ XXI thể hiện một tiến trình phức tạp và nhiều mâu thuẫn trong suy nghĩ và hành động của Putin. Một nước Nga của Putin dường như vẫn bị gạt ra ngoài trong hầu hết các quyết định quốc tế lớn, nhất là vị thế của Nga trong quanh bàn họp của các siêu cường, không còn được như trước, như việc Nga bị gạt ra khỏi G7+1… Duy nhất chỉ có ở Syria, Nga mới có được vị thế… như Hoa Kỳ khi can dự vào gần hết những điểm nóng trên thế giới để thực thi kiểu dân chủ của mình. Còn Putin thì nhờ Bassar Al Assad áp dụng dân chủ kiểu Nga trên xứ sở Trung Đông này. Những nỗ lực của Putin dù theo mọi hướng, dường như không theo ý ông ta: tổ chức Thế vận hội thì vướng bê bối doping, còn những mặt khác của đời sống văn minh nhân loại trong suốt triều đại của ông ta, nước này chẳng đóng góp được cái gì đáng kể. Người ta vẫn mặc quần Levi’s và đi giày Nike, uống Coca Cola và xem phim Hollywood, xem người Trung Quốc phóng tàu lên Sao Hỏa và nước Nga có được giải Nobel về văn học thì lại là nhà văn đối lập với Putin… 

Càng ngày người ta cũng càng cảm thấy khó hiểu, nếu như Nga của Putin có chính nghĩa, vậy mà tại sao càng có nhiều vệ tinh cũ của họ rời khỏi quỹ đạo đến thế? Dường như những nỗ lực của Nga càng mạnh mẽ, thì quá trình này diễn ra còn… mạnh mẽ hơn. Không chỉ một Ukraine, mà còn có thể kể đến trước đó là Georgia, gần đây là Azerbaijan và mới nhất là những sự kiện ở Kazakhstan, nơi mà Nga phải ra tay can thiệp bằng hành động quân sự. Như chúng ta vẫn thường đặt câu hỏi nhưng cũng là để lý giải cho tiến trình này: “Cũng phải thế nào thì nó mới thế chứ!” 

Không quá khó để tìm ra câu trả lời: Putin sợ tiến trình dân chủ xung quanh nước Nga, ngày càng xiết chặt lại cho đến khi nó diễn ra ngay trên chính đất nước của ông ta. Vì vậy cả một chiến dịch lâu dài mang tính chiến lược đã được thi hành, trong đó có cả việc can thiệp vào bầu của Hoa Kỳ để có được vị tổng thống hú họa mù tịt về dân chủ và chính trị do đó dễ điều khiển, đến tuyên truyền cả trong lẫn ngoài nước về hình ảnh người hùng bảo vệ dân chủ kiểu Nga chống lại “phát-xít phương Tây.” 

Putin ký Sắc lệnh công nhận độc lập của hai vùng li khai
Donesk và Lugansk


Ai cũng hiểu rõ, là những gì trong quá khứ là không thể đảo ngược. Một Liên Xô dù là siêu cường đến mấy, cũng không thể sống lại từ đống tro tàn. Ấy vậy mà Putin thường xuyên lôi chuyện sụp đổ của siêu cường trong suốt thời gian tại vị dài dằng dặc mấy chục năm của mình, để oán trách quá khứ. Không dừng lại ở đó, năm 2014 ông ta bước đầu chiếm một phần lãnh thổ Ukraine, để tiến hành kế hoạch phục hồi đế chế “tương tự Xô-viết cũ,” và đến hôm nay thì ông ta không ngần ngại tấn công Ukraine bằng quân sự. 

Một lời cảnh cáo cho tất cả những “mưu đồ” bao vây nước Nga bằng những thể chế, những định chế dân chủ kiểu phương Tây, và quan trọng hơn là nhắc nhở cho toàn thế giới rằng vẫn còn có kẻ thách thức vị thế “sen đầm quốc tế” của ông lớn nào đó. Bằng hành động này, Putin không còn chỉ oán trách lịch sử nữa, mà đã là sự trả thù lịch sử, một lịch sử đã “dám” khai tử một đế chế. Trên con đường trả thù đó, tình cờ và cũng là hữu ý, Ukraine nằm trên lộ trình của ông ta. Và thế là ông ta rút súng…   

Ai phát động chiến tranh dù là với lý do gì, cũng là hành động của quỷ dữ. Bằng hành động tấn công lần này trước một quốc gia có chủ quyền và chắc chắn xung đột sẽ cướp đi nhiều sinh mạng, Putin đã tự ghi tên mình vào danh sách các tội đồ của nhân loại. 

Bài trên “Nhịp cầu thế giới” tại đây 

Bài trên Facebook tại đây 

Bài trên Fanpage tại đây

No comments:

Post a Comment