Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Wednesday, August 23, 2023

Mười tám tháng chiến tranh của Nga ở Ukraine và những băn khoăn – phần 2


6. Liệu chiến tranh có thể kéo dài – đến cỡ hàng năm hay không? 

Điều này đã được cựu tổng thống Nga, phó chủ tịch hội đồng an ninh Nga D. Medvedev công khai đe dọa. Vấn đề này tôi sẽ xin trình bày cùng với một câu hỏi phụ khác nữa: “Cuộc chiến tranh Nga – Ukraine hiện nay có phải là cuộc chiến tranh tổng lực hay không?” 

Công bằng mà nói, tuyên bố này của Medvedev cũng có lý của nó, nếu như chỉ căn cứ trên tuyến công sự phòng ngự mà Nga đã xây dựng được trên suốt chiều dài mặt trận từ phía đông xuống phía nam Ukraine và những nhận định mang tính cơ học không chỉ của các nhà tuyên truyền Nga mà cả những nhà bình luận ủng hộ Ukraine đưa ra, đều không chỉ ra một “ánh sáng cuối đường hầm” nào. Thậm chí có những tính toán không chỉ là “cơ học” mà còn rất thô sơ, kiểu như với tốc độ tiến quân hiện nay quân Ukraine có thể sẽ phải mất vài năm nữa mới chiếm lại được một vùng lãnh thổ đáng kể. Lại phải thêm một lần “thậm chí” nữa – là từ năm ngoái khi chiếm Sievierodonetsk và Lysychansk, đến năm nay chiếm Bakhmut quân Nga được đánh giá là tấn công và thắng lợi kiểu “gặm nhấm” thì năm nay, quân Ukraine phản công còn “không đạt được mức gặm nhấm như quân Nga.” 

Tất cả những điều đó đều đem lại một tâm trạng bi quan cho mọi người, những người ủng hộ Ukraine. 

Quay lại với Medvedev, ngoài việc hắn ta căn cứ trên độ vững chắc của hệ thống phòng thủ Nga xây dựng, còn dựa trên khả năng phục hồi của nền công nghiệp quốc phòng. Có những thông tin hiện đang cho biết, các nhà máy quân sự Nga đang hoạt động ngày đêm (3 ca) để phục vụ tiền tuyến, và nước này đang chuẩn bị cho một đợt động viên quân số nữa vào mùa thu năm nay. Xa hơn, còn có những ý kiến cho rằng quân Nga sẽ tổ chức tấn công vào cuối năm nay hoặc đầu sang năm – tức là thêm một chiến dịch tấn công mùa đông nữa. 

Ngày 19 tháng Tám, trong bài nhận xét về chiến sự đưa lên mạng xã hội, tôi có viết: “trong năm 2022 từ khi bắt đầu cuộc xâm lược vào Ukraine cho đến hết ngày 31/12/2022, quân Nga tiêu tốn hết 12 triệu quả đạn pháo các loại. Về sản lượng sản xuất, kỳ vọng của lãnh đạo quân sự nước này là trong năm 2023 nền sản xuất quốc phòng có thể sản xuất được 7 triệu quả, nhưng với tình hình kinh tế Nga sa sút do các lệnh cấm vận và trừng phạt, chỉ có thể đạt được con số 4,5 triệu quả là nhiều nhất. 

Để dễ hình dung, thời gian Nga tấn công dữ dội nhất trên chiến trường là thời gian đánh chiếm thành phố Sievierodonetsk, cao điểm mỗi ngày quân Nga bắn hết 75.000 quả đạn pháo các loại trên toàn bộ mặt trận, riêng Sievierodonetsk có thể chiếm tới một nửa số đó đến 60%. Trung bình cho các đợt tấn công, quân Nga tiêu tốn 50.000 quả đạn pháo một ngày. Như vậy nếu lý thuyết thành sự thật, nghĩa là sản xuất vừa để bắn cầm chừng trên chiến trường, vừa để tích lũy đủ 5 triệu viên thì Nga cũng chỉ đủ tấn công được 100 ngày và lại chỉ chiếm được một thành phố cỡ… Sievierodonetsk. Điều đó cũng có nghĩa là, họ cần lựa chọn mục tiêu: hoặc (1) cặp thành phố Kramatorsk – Slovyansk hoặc (2) thành phố Zaporizhzhia... chứ không thể kham được cả hai mục tiêu (1) và (2) đó. 

Những tính toán này là có lợi nhất cho Nga, cũng đủ cho thấy Nga không còn hi vọng vào một chiến thắng nào nữa – vì theo thiếu tướng Budanov nói từ cách đây nửa năm, Nga không còn khả năng tổ chức bất cứ một chiến dịch tấn công lớn nào nữa. Ông này nói như vậy là căn cứ trên khả năng, sức mạnh tổng hợp của quốc gia, chứ không phải căn cứ trên các đơn vị quân đội Nga vẫn đi duyệt binh trên quảng trường Đỏ.” 

Nếu như chúng ta vội tin vào các thông tin, mà đó là cách quyen thuộc của báo lề phải trong nước hay dùng: “Kinh tế Nga càng cấm vận càng mạnh” hay “công nghiệp quốc phòng Nga phục hồi mạnh mẽ” thì đó chỉ là một cách nói thôi, chứ không phải là sự thật. Ví dụ, dù có phục hồi mạnh mẽ đạt mức như trước chiến tranh là 5.000 quả đạn pháo một ngày, và nhà máy chạy 3 ca thì Nga sẽ có được 15.000 quả đạn một ngày, 300 ngày tức là khoảng 10 tháng họ sẽ có 4 triệu rưỡi đến 5 triệu quả đạn pháo và chỉ cần 100 ngày để tiêu tốn hết số đó. Đó là căn cứ trên cách thi hành chiến tranh của người Nga – tiêu tốn quá nhiều đạn pháo, vì vậy từ khoảng tháng Tám năm ngoái tôi đã viết: Nga thua từ chính cách thi hành chiến tranh của mình và sau đó có rất nhiều nhà bình luận quân sự thế giới đã khẳng định ý kiến đó của tôi là đúng. 

Tuyên bố của Medvedev như mọi khi, vẫn đầy đe dọa nhưng ít tính hiện thực, chẳng hạn những lần dọa sử dụng vũ khí hạt nhân trước đây, nhưng lần này thì khác: cá nhân tôi cho rằng tuyên bố này có tính hiện thực rất cao. Trước mắt, nó thể hiện ý đồ và mong muốn của Nga thực sự muốn kéo dài chiến tranh một cách dai dẳng để phương Tây chán nản không hỗ trợ Ukraine nữa. Với ý đồ này, khả năng rất cao là Nga chỉ mong giữ lại những vùng hiện đang chiếm được và có một điều thú vị là chính lãnh đạo nước này không giấu diếm nổi những hi vọng “lớn lao” rằng ý đồ đó sẽ thành hiện thực. Cách đây khoảng một tuần đến mười ngày (tính từ ngày 21/8 là ngày tôi viết bài này) chính Bộ trưởng quốc phòng Nga Shoigu nhận định và thông báo ra truyền thông (quốc tế hẳn hoi) rằng “Ukraine đã hết sức mạnh (quân sự).” Nếu xét kỹ ra thì hai tuyên bố của Shoigu và Medvedev là mâu thuẫn với nhau – nếu Ukraine đã hết sức mạnh thì cần phải có một kế hoạch tấn công để chiến thắng, chứ không phải là một cuộc chiến tranh kéo dài, vì càng kéo dài nước Nga sẽ càng lụn bại chứ không thể mạnh hơn được. 

Những động thái gần đây của một số nước trong hỗ trợ Ukraine – không chỉ là thêm các vũ khí cũ về số lượng mà là các vũ khí mới, sẽ làm thay đổi cục diện chiến tranh về “chất.” Nếu như chúng ta đã nhận ra việc kéo dài chiến tranh là ý đồ của Nga, thì không có lý gì người Ukraine không biết. 

Hôm qua có một người bạn của tôi viết trên mạng xã hội rằng, cuộc chiến tranh của Nga thi hành ở Ukraine đã là cuộc chiến tranh tổng lực, chứ không còn là chiến tranh cục bộ nữa. Ở đây có một điểm không chính xác nếu xét từ khái niệm ban đầu. “Chiến tranh cục bộ” theo wikipedia tiếng Việt là “một chiến lược quân sự của Hoa Kỳ trong Chiến tranh Việt Nam (giai đoạn 1965 – 1967). Tên gọi “Chiến tranh cục bộ” xuất phát từ quan điểm đây là một dạng chiến tranh hạn chế trong chiến lược toàn cầu “phản ứng linh hoạt.” Quy mô của chiến tranh được đẩy lên rất cao với lượng bom đạn được Hoa Kỳ sử dụng còn nhiều hơn Thế chiến thứ hai, nhưng phạm vi chiến tranh được giới hạn ở mục tiêu “chống nổi dậy”.” 

Như trước đây tôi đã từng nhận xét trong bài “Từ chiếc T-90 bị bắn cháy nghĩ về nhãn quan quân sự Nga” – tôi đã cho rằng các cuộc chiến tranh hay xung đột quân sự trong thời đại mới sẽ chủ yếu là các cuộc xung đột hạn chế, với nghĩa là hạn có thể là về quy mô hoặc thời gian diễn ra. Nhận xét này căn cứ trên hai cuộc Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất và hai, nhưng với cuộc Chiến tranh của Mỹ ở Afghanistan kéo dài 20 năm thì tình hình có khác: nó chỉ hạn chế ở quy mô những lần hành binh của họ ở đó, còn về thời gian thì không hề hạn chế. 

Trước đó, cuộc Chiến tranh biên giới Trung Quốc – Việt Nam năm 1979 là một cuộc chiến tranh hạn chế về thời gian và cả quy mô, mặc dù với Việt Nam vốn là nước nhỏ, quy mô đó đã bắt đầu ngấp nghé đến quy mô lớn. Với Trung Quốc, họ mới chỉ sử dụng lực lượng chính từ hai Đại quân khu Quảng Tây và Vân Nam và cuộc chiến tranh kéo dài khoảng một tháng, đó là những yếu tố để xếp nó là một cuộc chiến tranh hạn chế. 

Trong khi đó, cuộc chiến tranh của Nga – Putin gây ra ở Ukraine lúc đầu nhằm mục đích lật đổ chính quyền Zelensky do đó cho quân cơ động tấn công theo các mũi thọc sâu, cường tập vào tận thủ đô Kyiv của Ukraine. Ngoài lực lượng bộ đội quy ước, Nga còn dùng lực lượng đặc nhiệm (lính dù) tiến hành tập kích đường không vào sát nách Kyiv, nhằm tấn công thẳng vào khu vực tập trung các tòa nhà Chính phủ. Về quân số, mặc dù Nga tập trung đến 190.000 quân trên tất cả các hướng, đó là một quân số lớn nhưng cách thi hành chiến dịch lại là của một cuộc xung đột quân sự hạn chế. Đó cũng là lý do họ gọi chiến dịch này là “Chiến dịch quân sự đặc biệt.” Mục đích của việc tập trung quân số lớn đó không phải là một chiến dịch tấn công quy mô lớn, mà là để chiếm và giữ đất trên giả định quân Ukraine sẽ nhanh chóng đầu hàng hoặc có chống cự nhưng không đáng kể. 

Những thất bại của giai đoạn đầu này của chiến tranh đã khiến Nga phải thay đổi mục tiêu và do đó, thay đổi cả quy mô. Nếu nhìn lại, họ rút khỏi Kyiv để tấn công ở Donbas và riêng chiến trường miền Nam chỉ dừng ở bắn phá chứ không tấn công được thêm. Điều đáng nói là, do bị kẹt trong học thuyết quân sự của mình là sử dụng sức mạnh quân sự theo kiểu bạo lực, Nga nhanh chóng dồn toàn bộ sức lực vào cuộc chiến và nếu xét ở hầu hết các khía cạnh, họ đang thi hành một cuộc chiến tranh tổng lực: 

-          Ít nhất hai đến ba lần tiến hành động viên một phần – hay tổng động viên trá hình. Trước đó họ đã nhiều lần rút quân khỏi các quân khu làm rỗng các hướng phòng thủ chiến lược. Đất nước Nga hiện nay là rất yếu về sức mạnh phòng thủ trên bất cứ hướng nào. 

-          Vét hết tất cả vũ khí nặng như xe tăng, pháo binh ra khỏi kho dự trữ. Về đạn dược cũng vậy, các kho đã bị vét rỗng làm cho họ phải tái khởi động các dây chuyền sản xuất cũ từ thời Liên Xô và đưa vào sản xuất 3 ca một ngày, theo chế độ thời chiến. 

-          Về kinh tế, lệnh cấm vận – trừng phạt cùng với quá trình “cai dầu khí” thành công của các bạn hàng lớn truyền thống của Nga, đã làm cho nước này bắt buộc phải đặt nền kinh tế vào quá trình tái khởi động để chạy với vận tốc tối đa – nhưng điều đáng tiếc là dù có thực hiện được như thế chăng nữa, họ cũng không có khả năng đem lại một nền kinh tế phồn vinh (có phần giả tạo) như thời trước chiến tranh. 

Với Ukraine thì đương nhiên là cuộc chiến tranh tổng lực, vì họ ở vị thế nước nhỏ; nhưng với Nga, nước chiếm diện tích lớn nhất thế giới, tài nguyên cũng giàu nhất thế giới, nay đánh nhau với một nước nhỏ hơn nhiều lần, dân số bằng 1/3 mà phải huy động toàn bộ các nguồn lực của đất nước – đây không phải là thất bại thông thường, mà là thất bại về chiến lược địa chính trị. Không chỉ thế, cái gọi là “cuộc chiến tổng lực” mỹ miều này (về nguyên tắc, đã chuyển được thành tổng lực thì cũng có nghĩa là quốc gia đó có sức mạnh tổng hợp) còn có yếu tố méo mó: có tăng sản lượng, nhưng không đủ cho nhu cầu và phải đi cầu cứu cả những nước “chết đói” như Bắc Triều Tiên. Một đất nước mang tiếng là siêu cường mà có nền sản xuất như vậy, để cuộc chiến của mình rơi vào hoàn cảnh “bắt buộc phải tổng lực” thì chỉ có thể thua, chứ không bao giờ chiến thắng được. 

Khi tham gia chơi mạng xã hội và viết những bài về chiến tranh, tôi thường cắm cúi xem xét những vấn đề rất vụn vặt, như từ năm ngoái đã liệt kê hàng tá những nhu cầu mà tôi thường gộp vào thành một khái niệm chung: “vấn đề xe tải.” Xuất phát điểm ban đầu là quân đội Nga thiếu xe tải cho nhu cầu vận tải quân sự, do đó họ bị trống một mảng lớn: vận tải từ các kho gần đầu mối đường sắt đến các đơn vị ngoài tiền duyên. “Vấn đề xe tải” – hồi đó tôi bàn đến đủ các thứ chuyện từ gioăng phớt, xéc-măng, piston, vòng bi và cả lốp xe… thì đến hiện nay, đã xuất hiện những bài báo nói về lốp ô tô của Trung Quốc chuyển cho Nga lắp lên xe quân sự chỉ chạy được 300 ki-lô-mét là đã hỏng. 

Có một ý kiến cho rằng, Nga hoàn toàn có thể kéo dài được chiến tranh nhờ tài nguyên nhiều vô cùng tận – điều này đúng 100% nhưng cái gì cũng có hai mặt của nó. Nền kinh tế của Nga là nền kinh tế khai thác và sống chủ yếu nhờ bán tài nguyên thô, hàm lượng công nghệ kết tinh rất thấp và thậm chí, công nghệ khai thác còn phụ thuộc nước ngoài… chưa kể đến việc thị phần suy giảm đến mức thấp đáng báo động. Ngược lại để nuôi chiến tranh, như Stalin nói cách đây hơn 80 năm: “chỉ có thể trả cho nước ngoài bằng vàng, vàng ròng!” và nếu không có vàng thì phải trả bằng đô-la. 

Liên bang Nga được cho là nước đã dự trữ được một lượng vàng lớn trước chiến tranh, và bây giờ là lúc họ phải dùng số vàng đó để mua hàng hóa. Khoảng tháng Năm năm 2022, thông tin từ một người bạn cho tôi biết, Nga đã bắt đầu quá trình bán vàng, nhưng là bán lậu chứ không qua các sàn giao dịch chính thức của thế giới – vài người bạn khác do đã làm cho các tổ chức tài chính uy tín nước ngoài, không tin chuyện này. Họ cho rằng điều đó là không thể ở một thế giới văn minh – khổ quá, có những nước như Nga và Trung Quốc, Bắc Triều Tiên họ cần gì văn minh. Và đến năm nay đã có đầy thông tin Trung Quốc mua vàng của Nga với giá rất rẻ, đồng thời đang diễn ra một quá trình đẩy ngược trở lại thị trường Nga đồng rub vốn được trữ cực nhiều trong kho tiền của Trung Quốc từ trước chiến tranh. 

Với quá trình này, chẳng chóng thì chầy nước Nga sẽ chảy máu đến chết – vì vậy kéo dài chiến tranh là một cái chết chắc chắn và do chính lãnh đạo Nga muốn. 

Vậy với các nước đang hỗ trợ Ukraine, thì đã phải là cuộc chiến tranh tổng lực hay chưa? Có những con số đầy ý nghĩa, mà các chuyên gia kinh tế đã nói nhiều, chẳng hạn tổng GDP của các nước ủng hộ trực tiếp cho Ukraine gấp 40 lần nước Nga… Không, ta chưa cần con số đó. Ta chỉ cần nhìn: hiện nay Ukraine đang dùng khoảng 300 khẩu pháo 155mm các kiểu – một số lượng quá khiêm tốn so với số lượng pháo Nga dùng trên chiến trường – cho đến nay người ta ước tính Nga đã dùng đến gần 1 vạn hệ thống pháo… số xe tăng Ukraine nhận được bao nhiêu? Vài trăm chiếc… và tất cả đều chỉ là đồ cũ. Về tiền – tức chi phí nuôi chiến tranh, chẳng cần con số chúng ta cũng hiểu số tiền được Mỹ viện trợ chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong tổng GDP của họ. 

Thứ hàng hóa mới tinh mà Ukraine hiện đang dùng là đạn pháo – thì lại có con số rất ý nghĩa: trong tháng Tư, Hàn Quốc chuyển cho Ukraine qua Ba Lan 330.000 quả đạn pháo. Tháng Năm, con số này là 500.000 quả loại 155mm. Gần 1 triệu quả đạn mà chỉ dùng có 300 khẩu pháo, và chúng ta cũng cần biết rằng trong chiến dịch giải phóng Kupyansk mùa thu năm ngoái người Ukraine dùng có 5000 quả đạn mà thôi, theo lời của Tư lệnh lục quân Ukraine, tướng Oleksandr Syrskyi. 

Vì vậy về phía các nước đang hỗ trợ Ukraine chiến đấu, thì đây là một cuộc chiến tranh hết sức hạn chế.


7. Vài câu hỏi liên quan đến Crimea và Nikita Khrushchev. 

“Crimea là đất Nga hay Ukraine” hay “Có phải nếu không có Nga thì Crimea đã là của Thổ Nhĩ Kỳ hay không?” 

Crimea là một vùng đất luôn độc lập với Nga mặc dù Nga đã thực hiện nhiều nỗ lực vào nhiều thời điểm khác nhau để xâm lược bán đảo này và tiến hành thanh lọc sắc tộc đối với người Tartar bản địa (và cả với cộng đồng người Hy Lạp và Ukraine sống tại đây). Bán đảo Crimea cũng là nơi sinh sống của người Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều thế kỷ trước khi bị xâm chiếm và chiếm đóng dưới thời Catharine Đại đế và dưới thời Liên Xô. 

Lịch sử của Crimea chưa bao giờ thuộc về Nga nhưng đã bị Nga xâm chiếm nhiều lần, mỗi lần họ đều trục xuất người dân địa phương và cố gắng cưỡng bức “Nga hóa” những cư dân còn lại. Bất chấp những nỗ lực của Nga nhằm chiếm Crimea trong nhiều thế kỷ, nó thường được bảo vệ thành công và luôn là một quốc gia độc lập về mặt pháp lý (trong suốt lịch sử chưa bao giờ có quốc gia nào khác coi Crimea là một phần hợp pháp của Nga.) 

Trên thực tế, lần đầu tiên Crimea được Nga sáp nhập hợp pháp là vào năm 1945, sau Thế chiến thứ Hai khi nhiều cường quốc thế giới chấp nhận dịch chuyển về biên giới và chủ quyền quốc gia như một món chiến lợi phẩm của chiến tranh – Königsberg thuộc miền đông Phổ, quần đảo Kuril của Nhật... là những ví dụ cụ thể nhất. Lần đầu tiên trong lịch sử Crimea được sáp nhập hợp pháp vào Liên Xô vào năm 1945, đây là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với người dân Crimea bản địa, chủ yếu là những người nói tiếng Tartar và người Ukraine, những người mà trên vùng đất này đã có độc lập trong nhiều thế kỷ bất chấp thời gian bị nước ngoài chiếm đóng bằng cách xâm lược – nhất là người “Rus” Moscovite mà người Nga hiện nay là trực hệ. Crimea chỉ là một phần của Liên Xô (Nga) trong 9 năm trong tất cả các thế kỷ lịch sử của nó, đến năm 1954 tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev buộc phải trả lại nó cho Ukraine. 

Người ta vẫn bảo: đây là một món quà của Khrushchev cho Ukraine, vì ông này… có vợ người Ukraine. Điều này không đúng, đó không phải là một “món quà cho Ukraine” mà là một nước cờ để giải quyết chính sách dân tộc dưới thời Xô-viết. Nhận thấy nhu cầu thực tế là phải hàn gắn sự rạn nứt ngày càng gia tăng và nguy hiểm giữa người Ukraine và những kẻ xâm lược Nga – “Rus” Moscovite, Nikita tranh thủ vị thế của mình là một người được coi có sự giao thoa văn hóa – dân tộc rất rõ ràng giữa Ukraine và Nga, cũng tranh thủ sự ảnh hưởng của bản thân trong Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, đưa ra quyết định mà chính quyết định này ngày nay bị nhiều người Nga oán hận. 

Tuy nhiên, ngay cả khi được trao về cho Ukraine thì một khi vẫn nằm dưới sự kiểm soát của đế quốc đỏ, nước Nga vẫn tiếp tục các chiến thuật tương tự mà họ đã sử dụng dưới thời chiếm đóng trước đó, cụ thể là thanh lọc sắc tộc bằng cách trục xuất người Tartar bản địa và người Ukraine – Crimea và tiến hành quá trình “Nga hóa” nền văn hóa Ukraine nói chung, Crimea nói riêng. 

Sau này, Crimea vẫn là một phần của Ukraine khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, chế độ sở hữu này đã được Nga công nhận nhiều lần trong luật – lần đáng kể nhất là Hiệp ước Budapest trong đó Nga tuyên bố tôn trọng đường biên giới năm 1991 của Ukraine, và điều này bị xé toạc bằng hành động sáp nhập bất hợp pháp của Liên bang Nga dưới thời Putin năm 2014.  

Cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine năm 2022 đánh dấu một chính sách mới khi người Nga tiến hành trục xuất người dân Crimea trong một chiến dịch Nga hóa và thanh trừng sắc tộc khác. Sau khi trục xuất hoặc đe dọa người dân bản địa Crimea, người Nga đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý gian lận nhằm cố gắng hợp pháp hóa việc sáp nhập Crimea vào năm 2022 của họ. Hàng chục nghìn người Tartar bản địa người Ukraine bị cưỡng bức di dời (trục xuất) khỏi Crimea. Cũng do cuộc thanh lọc sắc tộc này của người Nga, những người dân bản địa cũ của Crimea đã không còn cơ hội có tiếng nói trong cuộc trưng cầu dân ý đó. 

Về vấn đề này, trong năm 2022 Chính phủ Ukraine đã có tuyên bố: những người Tartar bị trục xuất và những người Ukraine hiện bị bắt buộc phải sống ở Nga có nguồn gốc từ Crimea phải được bỏ phiếu về tương lai của Crimea và quyền được quay trở lại nơi cư trú trước đây. 

Ngược dòng lịch sử, đúng là có nhiều lần Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược Hãn quốc Crimea của người Tartar và người Nga cũng có vài cuộc chiến tranh với người Thổ Nhĩ Kỳ. Có một vị chuyên gia người Việt Nam rất khả kính, thông thạo về các vấn đề liên quan đến Nga nêu ý kiến rằng “nếu không có Nga thì Crimea đã là của Thổ Nhĩ Kỳ.” Điều này đúng không? 

Crimea là một quốc gia độc lập của người Tartar – vốn làm chủ vùng đất bán đảo này từ thế kỷ XIII đến tận năm 1774, là thời điểm chấm dứt cuộc Chiến tranh Nga – Thổ Nhĩ Kỳ lần thứ nhất. Ngày 21/7/1774, Đế quốc Ottoman ký kết Hiệp ước Kuçuk Kainarji với Đế quốc Nga. Theo Hiệp ước này, Hãn quốc Crimea (Krym là cách viết khác) chính thức được công nhận là một nước độc lập (với ý nghĩa là quốc gia thời kỳ cận đại!), nhưng trên thực tế là nước chư hầu của Nga Sa hoàng. 

Như vậy, Crimea là của người Tartar – mà để rõ hơn về lịch sử chút nữa ta có thể gọi là… Thát Đát (Sát Thát thời nhà Trần là dân tộc này, người Đại Việt gọi chung tất cả dân Mông cổ sang xâm lược như vậy), cũng như Ukraine của người Ukraine, nhưng do yếu tố lịch sử – địa lý thì cư dân Ukraine sinh sống ở Crimea đã từ lâu đời và đã bắt đầu có sự giao thoa về dân tộc, để hình thành những cộng đồng dân cư đặc thù mới. Do vậy từ hàng trăm năm qua, trong các cộng đồng dân cư của Crimea: người Tartar, người Ukraine và cả người Cô-dắc (Cossak) sông Đông… đã diễn ra một quá trình hòa huyết nhất định để hình thành cư dân mới của Crimea độc lập. Cần khẳng định rằng chưa bao giờ người ta người Nga là dân bản địa Crimea, cũng như Crimea là lãnh thổ của Nga cả. Vì vậy cuộc chiến tranh Nga – Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra chín lần trong lịch sử cho đến lần cuối đầu thế kỷ XIX (từ năm 1806 đến năm 1812) thực chất là những cuộc tranh giành vùng Hắc Hải – Crimea chứ không có chuyện “Nga bảo vệ Crimea hộ cho người Crimea.” 

Quay lại với Nikita Khrushchev, tại sao trong khi ông này tuyên bố một cách rõ ràng rằng mình là người dân tộc Nga (khi khai lý lịch: bố người Nga, mẹ người Nga) nhưng người ta vẫn thường xuyên nói ông ta “là người Ukraine” (tôi cho vào trong ngoặc kép) mà không có nhiều người ở Liên Xô, ở Nga… phản đối?   

Khrushchev xuất thân từ khu vực chuyển tiếp từ Nga sang Ukraine, cụ thể là từ vùng Kursk. Xét về tính cách, sở thích và sở thích văn hóa của mình, ông ta giống người Ukraine hơn là người Nga, thậm chí ông ấy còn kết hôn với một phụ nữ Ukraine đến từ Tây Ukraine. Trong đời sống của mình, Khrushchev thường mặc áo sơ mi thêu cổ truyền Ukraine bên trong Âu phục, và đặc biệt thích nghe dân ca Ukraine. 

Thực tế thời Liên Xô không có ranh giới sắc tộc được xác định rõ ràng giữa Tây Nam nước Nga và Đông Ukraine. Vào thời Xô-viết, dân cư ở cả hai bên biên giới Nga với Ukraine là như nhau, họ là người Nga, người Ukraine và người lai Nga – Ukraine. Khi tìm hiểu lại ký ức của dân Liên Xô cũ về Khrushchev, thì những cư dân Mátxcơva cho biết: đối với một người sống ở Mátxcơva thì đúng là Khruschev “chắc chắn nói với một giọng Ukraine rất nặng.” Tuy nhiên nếu được hỏi ý kiến từ một người Ukraine thì câu trả lời có thể sẽ khác, Khrushchev rõ ràng là cũng không được Ukraine cho lắm. Cũng có những người Ukraine nhận xét rằng ông Khrushchev do có vợ người Tây Ukraine nên dần dần trở nên “rất Ukraine.” Chẳng sao cả, một người Việt có cả bố và mẹ Việt Nam nhưng sinh ở Hoa Kỳ thì suy nghĩ cư xử như người Mỹ, chẳng bao giờ người đó sẽ được coi là người Việt trong cư xử được nữa. 

Tuy nhiên, việc Khrushchev hay bị mô tả là “một người Ukraine” có nguyên nhân của nó. Thứ nhất, đó là cách nói khá ẩu và không chính xác, nếu nói cho đúng thì người Nga sẽ nói: “Tay Khrushchev từ Ukraine” và đây là cách nói thường xuyên sau lưng ông ta của những người “đồng chí” trong Bộ chính trị và Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Liên Xô. Đơn giản là vì, Khrushchev “lên trung ương” từ một vị trí trong Trung ương Đảng cộng sản nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Ukraine Xô-viết. 

Đến thời Putin – như tôi đã từng viết trong nhiều bài của mình là khoảng từ năm 2006 – 2007 với sự thay đổi chính sách đối đầu rõ rệt với phương Tây, Ukraine trở thành địa bàn chiến lược chính và nóng dần lên trong kế hoạch địa chính trị của Nga, câu chuyện “món quà của Khrushchev cho Ukraine” lại được moi ra. Từ khi đó việc mô tả ông Khrushchev là một người Nga thuần chủng nhưng bị Ukraine hóa, dường như là một “gián điệp của Ukraine trong Đảng cộng sản Liên Xô.” 

Như vậy, ở nước Nga mà nghe nói “Lão Ukraine Khrushchev” thì là sự miệt thị cho cả Khrushchev lẫn Ukraine. 

Tuy nhiên Nikita Khrushchev lại là người khá tích cực – như dưới thời ông các công dân Liên Xô được đi du lịch nước ngoài hoặc có nhiều mở cửa cho văn học nghệ thuật có thể nói lên sự thật. Vì vậy nhiều khi người ta nói “Khrushchev người Ukraine” nhiều khi lại bao hàm ý nghĩa khác, là muốn nói đến khía cạnh tích cực của vấn đề. Phải chăng khi đó người ta muốn nói đến sự tiên phong và khác biệt, thậm chí là về một sự tiến bộ nào đó? 

Hết phần 2, đọc lại phần 1 tại đây 

Bài trên Fanpage tại đây 

Bài trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment