Vụ cháy chung cư mini trên địa bàn phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội với số lượng nạn nhân rất lớn đã làm tất cả chúng ta bàng hoàng. Tuy vậy với tôi, thì đây không phải là một câu chuyện mới – nó đã có từ dăm bảy năm trước, trong quan hệ “tư vấn” cho một người bạn. Hồi đó nhân khi viết bài về vụ cháy quán karaoke ở đường Trần Thái Tông, chúng tôi đã phải trải qua những bàn luận, có lúc nảy lửa về vấn đề của chung cư mini, đặc biệt là vấn đề phòng cháy chữa cháy (PCCC).
Người bạn đó của tôi hồi đó có nghề chuyên nghiệp là đi thuê “cả tòa” chung cư mini, rồi đầu tư, nâng cấp và cho thuê lại với địa bàn hoạt động chính ở khu vực Mỹ Đình. Khi đến thăm một vài “tòa” của anh ấy thuê, đầu tư và vận hành, điều đầu tiên đập vào mắt tôi là không có “tòa” nào đạt tiêu chuẩn về PCCC cả. Đem vấn đề đó trao đổi với anh bạn, chúng tôi thấy nổi lên một số “nổi cộm” và khó lòng có thể giải quyết được.
- Đầu tiên, là về tỉ lệ “có-hay-không” mà chủ tòa nhà ý thức được về vấn đề PCCC, thì gần như không có chủ nhà nào có ý thức về vấn đề đó, hoặc có thì cũng… cho qua mặc dù diện tích đất xây dựng là khá lớn, khó có thể nói rằng “không đủ đất để làm thang thoát hiểm.”
- Thứ hai, về tỉ lệ “có-hay-không” chủ tòa nhà ý thức được vấn đề nhưng cố gắng thực hiện một phần nào các yêu cầu về PCCC dù không có thẩm duyệt của cơ quan chức năng, chiếm tỉ lệ rất ít hoặc thực hiện ở mức độ rất hạn chế. Đến đây cần phải đánh giá công bằng: chủ nhà cũng như những người thuê lại để vận hành dần dần có ý thức hơn về vấn đề, cũng đã đầu tư chẳng hạn: bình cứu hỏa (gần đây những hoạt động vận động của địa phương trên địa bàn Hà Nội rất tốt, nhiều tư gia mua bình cứu hỏa để phòng cháy trong gia đình), hệ thống báo cháy tự động… Nhưng do nhiều yếu tố, như trên đây tôi dùng từ “hạn chế” nhưng phải nói rằng là rất hạn chế.
- Thứ ba, về tỉ lệ “có-hay-không” chủ tòa nhà ý thức được phải có thiết kế PCCC, có thi công thực tế và thẩm duyệt của cơ quan chức năng có thẩm quyền, thì gần như là không có. Thật tình cờ trong số khoảng 20 tòa nhà của anh bạn kia đang thuê và vận hành, có một tòa mà chủ nhà thực hiện rất cẩn thận và nghiêm túc các yêu cầu về PCCC, cả từ khâu thiết kế, thi công lẫn đề nghị thẩm duyệt.
Hồi đó chính tôi đã mất khá nhiều công sức để giải thích cho anh bạn hiểu về một số điểm mấu chốt, chẳng hạn như ban đầu, anh ta cho rằng “nhà là của chủ nhà, mình chỉ thuê, đầu tư và vận hành thôi” và do đó “trách nhiệm là thuộc về chủ nhà” còn “những thiếu sót mình không biết hoặc coi như không biết.” Như vậy với anh bạn tôi, vấn đề nằm ở chỗ nhận thức pháp luật: tôi nói với anh ấy rằng những yêu cầu này pháp luật bắt buộc anh phải biết, nếu anh không biết thì anh không được làm, chứ không phải không biết thì cứ làm và không có trách nhiệm pháp lý gì trong đó cả đâu.
Đến khi anh ta hiểu được, thì lại tòi ra những vấn đề mới, chẳng hạn hầu như tất cả những nhà đó xây không có giấy phép xây dựng, hoặc có nhưng xây dựng không đúng nội dung cấp phép, hoặc đơn giản nhất là thay đổi công năng sử dụng: xin cấp phép nhà ở riêng cho gia đình nhưng lại biến thành những căn hộ khép kín để cho thuê. Với tình trạng pháp lý phổ biến đó, gần như tất cả các chung cư mini không đủ điều kiện để xin thẩm duyệt công trình PCCC. Vì vậy thực tế là nó đã vướng ngay từ đầu, tức là từ khâu cấp phép xây dựng. Về vấn đề này, sau vụ cháy chung cư mini năm ngoái ở quận Cầu Giấy mà báo chí đã đề cập đến tình trạng “khoảng trống pháp lý” của chung cư mini rồi.
Chúng ta cần phải thừa nhận rằng nhu cầu nhà ở của người lao động về thủ đô sống, học tập và làm việc là có thật, và đó là nhu cầu vừa thực tiễn, vừa cấp bách. Theo thời gian nhu cầu này chỉ có tăng lên trong khi quỹ đất, quỹ nhà là có hạn, do vậy sau vụ cháy ở Khương Đình lần này nếu chính quyền tăng cường công tác quản lý thật chặt, sẽ dẫn tới gần như… 95, 96, 97% gì đó số hộ gia đình người lao động đang ở chung cư mini, sẽ ra đường. Một số sẽ đi mua nhà ở xã hội, một số tìm cách thuê các phòng trong các nhà đất cũng đã được chuyển đổi công năng “thấp tầng hơn cho an toàn,” không loại trừ một số ít hoặc rất ít sẽ lựa chọn về quê như một giải pháp thay đổi công việc để tìm cơ hội thay đổi cuộc sống.
Vì vậy giải pháp cấp bách hơn cả, đầu tiên là phải xây dựng được khung chính sách cho chung cư mini, với cách tiếp cận là nó cần phải được tồn tại mà khung chính sách này sẽ làm cơ sở cho xây dựng khung tiêu chuẩn pháp lý cho những mảnh đất nào đủ tiêu chuẩn đầu tư. Khi đó chủ đầu tư sẽ cân nhắc là miếng đất của mình có đủ điều kiện để làm dự án hay không, nếu không thì cần tính phương án kinh doanh khác chứ không phải cố làm lấy được. Đồng thời khách hàng, tức là những người lao động hoặc ở thuê, hoặc mua… cũng sẽ phải chấp nhận với chi phí thuê hoặc mua cao hơn, đổi lại thì ở an toàn hơn.
Với anh bạn tôi thì anh ấy đã chọn phương án là giảm dần những dự án không đạt chuẩn đó để chuyển sang loại hình kinh doanh khác, nôm na là chuyển nghề, cũng là một lựa chọn khi chính quyền chưa có chính sách rõ ràng, cụ thể. Khi đó triết lý của anh bạn sẽ là: nếu rủi ro xảy ra thì làm không bõ đền cho nạn nhân và cả thời gian đi tù nữa. Vụ cháy kinh khủng và đau lòng lần này, cũng như một hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả.
Tài liệu tham khảo:
https://vietnamnet.vn/chay-quan-karaoke-ra-nhieu-chuyen-337497.html
https://cafef.vn/chung-cu-mini-va-khoang-trong-phap-ly-20221108085425634.chn
Bài trên Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh tại đây
No comments:
Post a Comment