Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Wednesday, May 21, 2014

“Đứng dậy, và làm đi!!!...”

Sự kiện các nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài ở Bình Dương bị cướp phá tuần qua, dường như chúng ta còn chưa hết bàng hoàng. Một trong những góc nhìn sự việc hiếm hoi là cái nhìn của một người có chuyên môn và quản lý và xúc tiến đầu tư, "Người lang thang cuối cùng" xin về để post lên trang của mình. Tựa đề gốc của bài viết là “Nhân đọc một bài báo”. “Người lang thang cuối cùng” đã xin phép tác giả sửa thành tựa đề mới như thế này cho hấp dẫn hơn một chút. Xin trân trọng cảm ơn tác giả.

Daniel Ng

Buổi sáng, sau khi nghe VTV1 điểm tin các bài báo ra trong ngày, tôi quyết định tìm hiểu chi tiết khi nghe câu “nhờ có sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương, các doanh nghiệp đã hoạt động trở lại…” không tìm ra một bài viết cụ thể, có thể đấy chỉ là bình luận của cô biên tập viên, nhưng cũng tìm được một bài viết với tiêu đề “Bình Dương: Tích cực giúp đỡ các doanh nghiệp hoạt động trở lại”. “Giúp đỡ”, nghe gần giống ban phát gì đó cho doanh nghiệp sau thiệt hại bất khả kháng từ một trận bão, vẫn giọng văn ấy!

Chịu khó đọc xuống dưới, vẫn là những câu chữ khuôn mẫu (nhưng lần này cảm nhận có sự chân thật) công nhận đóng góp to lớn của khối doanh nghiệp FDI cho nền kinh tế Việt Nam và lời nhận lỗi hiếm hoi của cơ quan quản lý Nhà nước. Có lẽ Bình Dương là nơi đầu tiên (có thể là duy nhất) nhận lỗi (về sự yếu kém và bị động trong quản lý) chứ không đơn thuần tuyên bố “hỗ trợ, bảo vệ” như một số nơi khác.

Với trải nghiệm của người làm hơn 20 năm trong lĩnh vực quản lý FDI và thực tiễn trong các doanh nghiệp FDI, tôi muốn trao đổi cùng các bạn một số suy nghĩ trên phương diện môi trường đầu tư:

1/ Bất cập nhận thức: mới chỉ vài tháng trước, một chuyên gia kinh tế có tên tuổi phát biểu trên báo rằng (Nhà nước) “quá nuông chiều doanh nghiệp FDI, cho họ tiếp cận đất đai với giá rẻ và dài hạn; miễn giảm thuế rất dài mà doanh nghiệp Việt Nam không được như vậy; Các doanh nghiệp FDI có thể vay mượn của các ngân hàng trong nước rất dễ dàng,  DN tư nhân Việt Nam vẫn phải vay cao hơn so với lãi suất công bố, trong khi nhà đầu tư nước ngoài không bị hứng chịu những cái như vậy. Ưu đãi về điều kiện kinh doanh hay tiếp cận thị trường cũng vậy, họ thuận lợi hơn rất nhiều so với DN Việt Nam”. Xin thưa:

- Doanh nghiệp FDI thường chỉ có thể tiếp cận đất đai qua tay các doanh nghiệp trong nước, mang lại lợi nhuận không nhỏ cho doanh nghiệp/cá nhân trong nước trước khi doanh nghiệp FDI bỏ thêm vốn để thiết kế, xây dựng, quản lý, bán hàng, tiếp thị, bảo trì các dự án bất động sản. Thời gian sử dụng đất của dự án là như nhau. Thời gian đợi cấp giấy chứng nhận đầu tư cho một doanh nghiệp không phải lĩnh vực sản xuất có khi lên hơn một năm là chuyện phổ biến. Việc thuê đất trong KCN để sản xuất thì DN phải trả theo giá thị trường, không ai cho giá rẻ cả.

- Thuế Thu nhập doanh nghiệp và Thuế giá trị gia tăng đã thống nhất cho  doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam cả chục năm nay.

- Doanh nghiệp FDI vay được ngân hàng trong nước vì họ có uy tín, có tài sản thế chấp. Thậm chí họ muốn vay nước ngoài lắm (vì lãi suất thấp hơn) nhưng không thế chấp được nhà xưởng đi kèm với quyền sử dụng đất nên bắt buộc phải vay trong nước; không ngân hàng nào dại cho họ vay lãi suất thấp hơn bình thường. Chỉ có điều, rủi ro tín dụng thấp hơn thì điều kiện cho vay có thể dễ thở hơn.

- Cách thức tiếp cận thị trường doanh nghiệp FDI làm bài bản hơn do đã có kinh nghiệm tại nhiều thị trường, mặt khác họ trường vốn nên có lợi hơn nhiều so với doanh nghiệp Việt Nam, chứ chẳng phải do ông nhà nước nào cho, tặng cả.


Hành vi xấu nào của doanh nghiệp FDI ta không kiểm soát được là do ta kém, còn luật pháp không/chưa cấm thì họ sẽ làm. Cái đó là thực tiễn trên toàn thế giới.  “Chuyên gia tổ tư vấn” mà phát biểu như thế thì hỏi sao kinh tế Việt Nam kém phát triển.

2/ Bất cập hành vi: Có một bài viết khác cho rằng công nhân hận quản đốc từng bạt tai, phạt lương nên nhân dịp này trả đũa bằng cách đập phá. Phải nói rằng, quản lý các cấp, chuyên gia, kỹ thuật viên nước ngoài sang Việt Nam làm việc phần lớn rất chăm và có ý thức trách nhiệm với công việc. Họ không thể nào chịu được cảnh đi muộn về sớm, mang thức ăn vào xưởng công nghệ cao, dây chuyền đang làm việc mà công nhân tuỳ hứng đi hút thuốc, đi vệ sinh, thậm chí ngủ; phản ứng lại khi được chỉnh sửa; có nhiều trường hợp lấy cắp nguyên vật liệu, thành phẩm. Do đó, có nhiều khi quản đốc nước ngoài phạt nặng, thậm chí không kìm chế, đã đánh công nhân vi phạm kỷ luật. Phương pháp đó là sai nhưng phải nhận nguyên nhân là do lỗi người lao động. Các hoạt động hình thức của những tổ chức công đoàn, thanh niên, phụ nữ không mang lại nhận thức, lòng tin và hiệu quả quyền lợi cho người lao động như báo cáo. Công đoàn phải là tổ chức trung gian giữa người lao động, giới chủ và Nhà nước, nhưng đến nay điều đó chưa làm được.

3/ Bất cập chính sách: các nhà đầu tư đã kiến nghị rất lâu về việc xây dựng ký túc xá công nhân, nhà trẻ cho con em công nhân nhưng chính sách vẫn không cải thiện, vẫn còn nhiều khoản thuế bất hợp lý khi nhà đầu tư bỏ tiền làm những hạng mục này. Mặt khác, do quy định hiện hành, trong khu vực khu công nghiệp không thể có ký túc xá hay nhà trẻ. Lấy đất bên ngoài thì gặp thủ tục đền bù giải toả và giá cao, ai dám làm. Một số nơi làm được ký túc xá thì công nhân không muốn ở vì “sợ gò bó vì kỷ luật, sợ khó giữ vệ sinh”!


Vấn đề sân chơi và phổ cập pháp luật cho thanh niên công nhân tôi đã có dịp nêu tại buổi trao đổi do Hội Liên hiệp TNVN tổ chức với Đoàn thanh niên và Công đoàn các KCN Đồng Nai, lúc đó chị Trương Thị Mai còn là Bí thư TW Đoàn, Chủ tịch Hội LHTNVN chủ trì cuộc trao đổi, cũng được báo chí nhiều lần nêu ra. Nhưng không biết có đếm được số “sân chơi” Nhà nước đầu tư đủ một bàn tay hay không! Nơi nào tư nhân tận dụng đất dự án treo để làm sân bóng đá cho thuê thì bị báo chí dập vì tội lãng phí đất đai. Giỏi thì ông nào có thừa tiền, xây xong nhà, treo đấy đợi đến khi nào thị trường hồi phục đi. Thế mà gọi là kinh tế thị trường.

Những việc như đầu tư công nghệ sau thu hoạch nói 20 năm nay rồi vẫn không thực hiện được. Giá trị nông sản làm ra không đem lại lợi nhuận cao cho người nông dân khi ruộng đất bị băm vụn. Thanh niên nông dân tất bỏ ruộng ra thành thị.

Thử nhìn xem có gì mới trong các cuộc họp hàng năm của lãnh đạo với cộng đồng doanh nghiệp. Chừng đó vấn đề và tương tự hồi đáp qua hàng chục năm! Trách ai?
Đừng xem nhà đầu tư là bò sữa nữa. Làm công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư bao nhiêu cũng không bằng chính các nhà đầu tư đang hoạt động tại chỗ nói về môi trường kinh doanh, chồng chéo văn bản pháp quy, giấy phép con, rào cản hành chính, sự vô cảm của nhiều cán bộ, công chức. Muốn tồn tại thì phải xem đây là cơ hội để sửa chữa mạnh mẽ với một lộ trình cụ thể. Đừng chìm đắm trong hội nghị, hội thảo, nghị quyết nữa; đứng dậy và làm đi.

(Ảnh trong bài chỉ có tính chất minh họa)

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment