Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Monday, November 24, 2014

Tại sao cứ phải là người Nga nhân hậu?

Lên Google mà search cụm từ khóa “người Nga nhân hậu” sẽ được khoảng 879.000 kết quả (0,28 giây), trong đó có cả những kết quả “nhân hậu” không thôi và cả những kết quả cho một người nào đó tên là Nga và cũng nhân hậu.

Mình vốn là tay có cách cư xử khá mở, nghĩa là dễ làm quen, dễ bắt chuyện… nhất là với các bạn nước ngoài. Bạn đông nhất là người Trung Quốc, rồi đến đủ các nước khác. Nếu như chúng ta ở Việt Nam và có một cách thiết lập quan hệ xã hội mở tương tự như vậy, chúng ta sẽ có nhiều bạn người nước ngoài, và không loại trừ trong đó có cả các bạn người Nga. Trừ người Nga sang đi du lịch, còn nếu những người Nga đã xác định sang Việt Nam làm ăn lâu dài, thì họ cũng sẽ như những người nước khác thôi, nhập gia tùy tục và khả năng lớn là chúng ta sẽ tìm thấy ở họ, những người bạn tốt. Điều này mình tin là đúng với nhiều người nước ngoài khác, không cứ gì Nga.

Nhưng nếu bạn đi ra nước ngoài sống trong một cộng đồng, bạn sẽ thấy câu chuyện khác đi nhiều. Đọc “Một thời lầm lỗi”, nhà văn Lê Lựu kể lần đầu tiên sang Mỹ, lớ ngớ ở sân bay được một ông Mỹ nhiệt tình dẫn đi tìm cửa ra tàu hết góc nọ đến xó kia của sân bay, không có tiền được mua bánh cho ăn và gọi điện thoại hộ. Ở châu Âu, nếu như bạn hỏi đường, bạn thường là được chỉ đường một cách cực kỳ nhiệt tình và thậm chí, được dẫn đi cho đến khi người dẫn đường phải rẽ đi đường khác, còn nếu không vội có khi người ta còn dẫn bạn đến tận nơi.

Vì bạn là khách, còn người ta là chủ nhà, mà chủ nhà là phải chu đáo với khách.

Đại khái là đã từ lâu chúng ta quá quen với nếp suy nghĩ, cứ người Nga là nhân hậu; cứ người Việt Nam là hiếu khách, cần cù, thông minh, chịu thương chịu khó; còn cứ người Mỹ là… diều hâu, nước lớn, cư xử kiểu “chú Sam”; cứ người Anh là “phớt Ănglê”; cứ người Pháp là lịch sự, lịch lãm, quý tộc; cứ người Đức phải là… xe tăng; người Ý là phải lãng mạn, hào hoa và sexy; người Hy Lạp là phải đẹp trai; Ba Tàu là phải ở bẩn còn Nhật thì phải “nùn”; đã ung thư phải đi kèm với "quái ác"… he he he

Trong bài “Cuộc đời xem bóng đá của tôi” mình có viết về một đội tuyển Hy Lạp dự Euro Cup xấu trai kinh hoàng. Còn cái người Anh mà mình biết, David Beckham, cậu ta mà phớt Ănglê đúng như truyền thống Việt Nam ta tưởng, thì đã không sang Việt Nam đi bán rong rượu như vậy.

Ở nước Nga, mình có nhiều bạn toàn người nước khác, nhiều nhất vẫn là Trung Quốc, vì sống cùng ký túc xá, vì mình nói được một ít tiếng Trung đủ giao tiếp. Trong quá trình học, rồi vác máy đi chụp ảnh và chơi trên diễn đàn, mình có nhiều bạn người châu Âu, châu Phi và mấy người bạn Mỹ. Trừ hội Trung Quốc có những đặc thù rất riêng, còn thì những người bạn châu lục khác, rất dễ chịu và có thể nói, cực kỳ tốt bụng, nhấy là mấy chú Mỹ. Tiếng Nga mình còn kém, nên không quen được ai người Nga, chỉ trừ một chú công an thường gác cửa nhà chính trường Đại học Tổng hợp quốc gia Mátxcơva – đơn giản cũng là do anh ta sưu tầm tiền xu và mình thì tặng cho chú công an đồng tuổi cả một nắm xu Việt Nam mang theo.

Khi đã chơi quen thân rồi, thì ai cũng tốt cả, kể cả chú công an. Còn thì các bạn Nga trẻ, khá xa cách và khó gần. Người Nga tốt lắm, nhưng chúng ta sẽ dễ tìm thấy hơn, là “những người Nga già nhân hậu.” Nôm na là ở xa mà nhìn, chúng ta rất dễ cuốn vào cái thành kiến vốn có mà từ xưa đến nay, cứ được nhắc đi nhắc lại và nếu cứ bám vào đó, chuyện chúng ta ngỡ ngàng là sự thực không hẳn là như vậy, thì cũng là dễ hiểu. Chú em đi sang cùng nhận định “Ở nhà cứ bảo là gái Nga xinh, đúng vậy nhưng chủ yếu là những con voi xinh anh ạ.” Đúng thế, chúng ta quen xem phim ảnh, văn công nhảy múa toàn các cô xinh thon thả như người mẫu, nhưng thực tế thì mặt xinh người to đại, béo xồ xề… không hiếm.

Còn cứ thử hỏi chú em sinh viên Việt Nam nào đã từng bị “trọc lùa” (thanh niên Nga đầu trọc đuổi đánh) xem, những người Nga đó có nhân hậu không, có khi chúng ta bị bật lại ngay ấy chứ. Hay hỏi những người dân Nha Trang hiện nay xem khách du lịch Nga có nhân hậu hay không… và thống kê thử xem “nhân hậu cao” “nhân hậu” và “nhân hậu thấp” chiếm bao nhiêu phần trăm?  

Mình đã ở Trung Quốc trong hai quãng thời gian đủ dài để có nhiều bạn bè, đủ các lứa tuổi, trừ giới làm ăn sòng phẳng, thì những người lao động nói chung, rất tốt, và có lẽ, cũng nhân hậu lắm, chẳng kém bất cứ một dân tộc nào khác, đủ để “khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn.”

Trong khoảng 879.000 kết quả của Google vừa dẫn trên đây, vào thời điểm tháng Mười một năm 2014 này chủ yếu là chuyện “bà giáo già nhân hậu in sách tiếng Nga tặng Việt Nam” do VTC phát hiện và khuấy động. Chúng ta chịu ơn những tấm lòng từ khắp thế giới giành cho nhân loại, chứ đừng có phải vướng vào “yêu chuộng hòa bình ủng hộ Việt Nam đấu tranh”, chuyện người lính trên tiền tuyến chống đế quốc, xưa rồi.

Nhân hậu chẳng phải là độc quyền của ai cả.

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

1 comment: