Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Wednesday, April 15, 2015

“Thứ nhất cận thị…”

Bôn Ba Nhi Bá học 4A10, gần nhà có anh em nhà Quân “chíp” học 4A11. Nói là anh em, vì nhà bên ấy có những hai cậu là anh em con dì con già, con út của cô chị học cùng con lớn của cô em.

Buổi sáng ông ngoại dẫn hai anh em ra ô tô, còn mình thì chở ông Nhi Bá ra bằng xe máy, thường vượt ba ông cháu ở giữa đường. Hôm nay ra đứng nói chuyện với ông mình thắc mắc: “Thế nào mà cả hai anh em lại cận thị cả lượt thế này ạ?” “Đấy, sau một năm học ở trường, gần như cả lớp cận thị. Do môi trường, ngồi nhìn chéo bảng…” Mình thắc mắc: “Nhưng mà thằng cu nhà cháu có bị đâu… thế ở nhà thì chúng nó thế nào ạ?” “Cũng bình thường, hạn chế hầu như không cho xem tivi, chơi vi tính ai-pát…” “Thằng cu nhà cháu thì về nhà ngoài giờ học (mà nó học chậm nên nó ngồi ở bàn rất lâu) thì chơi ai-pát liên tục, còn xem tivi thì cháu còn bắt nó xem phim hoạt hình nước ngoài coi như một phương án học ngoại ngữ nữa…”

Bôn Ba Nhi Bá mắt như cú vọ ấy, tinh cực. Mắt mình cũng thế, ngoài việc bị loạn thị nhẹ (thấy bác sỹ mắt bảo cái đó là bẩm sinh) thì thị lực cực tốt, mà hồi bé thì…

Thứ nhất, đi học ở trường chẳng bao giờ có điện, lớp trần cót ép, phản xạ rất thấp nên tối om om, bảng thì bóng loáng… chẳng ma tịt nào của lớp cận thị cả.  

Thứ hai, về nhà học bài cũng chẳng bao giờ đủ ánh sáng, đèn thì cả nhà một bóng đèn quả lê 60watt; mất điện thì đèn dầu thì còn kinh khủng nữa… cũng chẳng thấy làm sao.

Thứ ba, nguy cơ lớn nhất của thời đó là cái tivi “CRT” (cái thứ bây giờ chuẩn bị tuyệt chủng ở thành phố lớn) thì cũng chẳng mấy khi có điện mà xem. Vả lại chương trình nghèo nàn, phim xem vèo cái hết… nguy hiểm là thời “hậu bao cấp” các nhà thuê băng video về “nghiền” toàn những “chưởng bộ” “tâm lý bộ” thâu đêm suốt sáng ấy. Thế mà cũng chẳng thấy mấy ai tự dưng đi kiếm cái kính cận về đeo cả.

Thời thế hệ các bạn sinh vào 198x là bị kêu ca nhiều về nạn “cận thị.” Đó là thời của “điện tử bốn nút” Nintendo vẫn còn sử dụng tivi CRT là phần lớn, chơi thâu đêm suốt sáng thì thôi không nói. Nhưng đến thế hệ sau này, mọi thứ đều phát triển, từ cái màn hình vi tính đến tivi trong nhà, đều LCD chất lượng cao hết, thế mà vẫn cận thị rõ là nhiều, sao vậy nhỉ?

Quay lại với anh em nhà Quân “chíp.” Mình đã nghi, sau khi hỏi thì đã giải ra được phần nào nghi vấn đó: anh em nhà này “được” phát hiện cận thị qua một lần khám mắt ở trường. Mình đã hỏi ý kiến của hai bác sỹ nhãn khoa về việc này, một người là ở Bệnh viện V (Hà Nội) còn một là bạn Facebook. Và nhiều kết luận, mình suy ra từ chính bản thân – không phải mỗi người là bác sỹ tốt nhất của mình hay sao?

Mắt người trong một ngày, nhìn chung là nó thay đổi, không phải lúc nào cũng tốt như lúc nào, nghĩa là cũng có lúc mệt mỏi. Nếu đang đọc một cuốn sách, tự dưng nhìn một phát ra xa, càng trẻ thì càng nhanh thấy rõ, còn già thì chậm hơn… cái thủy tinh thể như cái ống kính máy ảnh, phải có một thời gian nhất định để “canh nét” chứ nó có “phắp” một phát mà điều chỉnh được ngay đâu. Lại còn mỗi người một khác, người nhanh, người chậm… thế giới là muôn màu muôn vẻ kia mà? Các trường bây giờ thường là “bán trú,” giờ học chính là buổi sáng, chiều thì làm bài tập. Đã thế các trường bây giờ thì cũng văn minh, quan tâm đến “sức khỏe học đường” nên việc các đơn vị này khác vào trường đo khám, cũng đã là bình thường. Nhưng họ thì phải vào trường khám vào lúc chúng nó, tức là học sinh ấy mà – đỡ bận, là buổi chiều. Và thế là đè cổ các cháu ra đo khám, vào cái giờ mà mắt chúng nó đã mỏi tương đối sau gần một ngày làm việc. Mười cháu có đến sáu cháu “phát hiện hoặc nghi ngờ cận thị” là bình thường. Bố mẹ cuống lên, hôm sau đưa xuống “Viện măt” (là hàng loạt những cửa hàng bán kính ở xung quanh Viện Mắt trung ương Bà Triệu, Hà Nội)… Mình hỏi bác sỹ nhãn khoa, cái máy dòm vào thấy quả địa cầu chỉ để đo khúc xạ gì đó thôi, còn xác định số kính phải là cái kính tròn tròn lắp hai cái mắt vào như con cú ấy… bác sỹ mà hỏi các cháu “Rõ không?” thì có lẽ mười cháu cả mười “Rõ ạ!”

Và thế là mười cháu có đến nửa số cháu chứ chẳng chơi, không cận bị “ép cận.” Dạng cận thị này, là “cận cưỡng bức.”

Đến người lớn còn có khi mắc bệnh tưởng. Quá trình bêtông hóa, bớt cây xanh đã bắt đầu ở Hà Nội từ khoảng những năm 1990. Thằng bạn thân tự dưng có hôm bảo: có khi tao bị cận thị mày ạ. Mình chỉ ra tít xa có dòng chữ trên bảng hiệu, thấy bố trẻ đọc phăm phăm – hì hì, “cận thị gì mà tinh như diều hâu thế!” – cuộc sống làm việc vất vả, đường nhiều xe máy khói, bụi… mắt nó khô, mỏi, có nhiều lúc nhìn không ra là bình thường chứ. Nghỉ ngơi tốt cho mắt phục hồi, tối đi ngủ chịu khó nhỏ nước muối cho nó thông thoáng… khô quá thì mua thêm nước mắt nhân tạo, nhỏ vào. Dạng cận thị đó gọi là cận do “bệnh tưởng.” Bây giờ thì chỗ nào người ta cũng chặt cây, tình hình bêtông hóa còn cao độ hơn nữa. Công việc của mình ở trên rừng, tuyệt đối không có thấy kiểm lâm, thợ rừng và cả… lâm tặc, cận thị ở đâu cả. Ông nào mắt cũng tinh như chó sói cả lượt.

Từ hồi bé đã nghe “các cụ” khuyên một bài học, là luyện mắt bằng cách nhìn các vòm lá xanh, và mình thực hiện từ hồi trẻ đến giờ. Nhìn cái cây gần, rồi nhìn cái cây xa. Không bao giờ làm một việc gì đó quá lâu mà không cho mắt được nghỉ - kể cả thời “vi tính hóa,” đứng dậy giãn gân cốt, đi lại trong phòng, lấy cốc nước uống, nhìn ngắm trời ngắm đất, ngắm cô bé thư ký bên công ty văn phòng bên kia… tỉ thứ hay ho.

Bây giờ là thời truyền hình độ nét cao, mà nhiều ông bố “thời đại mới” hẳn hoi, vẫn mù mờ với “high definition” (HD), vẫn mua DVD về nhà cho con xem – nhòe nhòe nhoẹt nhoẹt với giọng nghẹt nghẹt tịt mũi lồng đè lên tiếng Anh origin. Sao không phải là “full HD” với tiếng Anh xịn và phụ đề gốc? Khó khăn gì đâu cơ chứ… trẻ con nhà mình chương trình xem phim tiếng Anh hàng tuần, là bắt buộc. Mà chẳng cần bắt buộc chúng nó cũng đòi xem…

Thôi cháu nào “trót” cận rồi thì thôi không nói, nhưng bây giờ chưa cận mà bị cận thì bố mẹ phải xem lại mình. Xung quanh nhà tận dụng khoảng không trồng được vài cái cây xanh, tận dụng tối đa những ngày nghỉ, cho con ra công viên, chỗ nhiều cây… cho nó chơi, vận động. Đèn học chỉ cần bóng quả lê 40 watt là đủ, chẳng cần “chông cận chống kiếc” gì hết (cái này hỏi bác sỹ nhãn khoa rồi nhé!)… Đi đường nắng, bụi… thì sắm lấy cái kính tốt tốt một chút, chỉ cần mắt kính Hàn quốc nhập khẩu, tốt hẳn hoi cũng chỉ mấy chục nghìn một cặp… trẻ con càng cần kính tốt, chứ nhiều người toàn mua cho con những cái kính đeo vào cứ hoa mắt chóng mặt hết cả lên… đầu tư lấy cái mũ bảo hiểm tốt tốt có cái kính che mặt, chứ đeo có cái kính không thì có khi còn bụi nhiều hơn không đeo. Đi ô tô thì chịu khó vệ sinh bộ lọc gió điều hòa, đừng để bụi nó phi thẳng từ đó vào mắt… đại khái thế.

Đừng để con bị cận thị chỉ do bố mẹ kém hiểu biết. Các cụ bảo “thứ nhất cận thị, thứ nhị cận giang…” nhà gần chợ gần sông buôn bán tốt, chứ không có phải thứ nhất cận thị là phải đeo cái kính cho ra vẻ trí thức đâu. Azit Nexin sang Việt Nam tha hồ mà viết chuyện cái mục kỉnh…  

Tái bút. Nhà mình ở chỗ buôn bán, khối ông bà ngày xưa bắt đầu từ đủ các thứ nghề, từ buôn gà vịt đến làm đậu phụ… nay buôn hàng điện tử, phụ tùng ô tô… và sau hai chục năm, tự dưng thấy cũng… cận thị. Đi họp lớp gặp nhiều bạn gái từ vịt xấu xí nay trở thành mệnh phụ, cũng cận thị. Nhiều anh chàng ngày xưa trông như đánh bả gà, nay phệ bụng và cũng lại… cận thị nốt. Loại cận thị này là “cận thị do thành đạt,” he he he…

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment