Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến này của anh bạn – đúng, để chơi thể thao đỉnh cao sẽ có những người đạt tới đỉnh cao và những người không bao giờ đạt mà chỉ ở mức tầm tầm. Vì thế với một nền thể thao như Việt Nam chúng ta khi các vận động viên được các tuyển trạch viên đưa về nuôi nhốt, sẽ có một tỉ lệ thải hồi nhất định và đó là nguồn cho các giải phong trào, các đơn vị muốn có thành tích thường “thuê” các anh chị “vận động viên thải hồi” này về thi đấu cho mình, cũng là chuyện tốt, chẳng sao – đó là những vận động viên mức tầm tầm. Nhưng để đạt đỉnh cao, thì ngoài các yếu tố như dinh dưỡng, trình độ huấn luyện, chế độ huấn luyện… thì còn cần phải có một yếu tố nữa là thiên phú – tiếng Anh gọi là “gift.” Số người có gift để làm vận động viên đỉnh cao, chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong cộng đồng xã hội. Cũng như tôi có một cái gift như đã tả cho quý vị là, tôi có thể nhớ được những chi tiết, thông tin cách đây vài năm, nhiều năm và chắp nối với những thông tin bây giờ để có được kết luận.
Tuy nhiên, trong thể thao Việt Nam hiện nay, ngoài cái méo mó của thể thao đỉnh cao, lại có cái méo mó khác của thể thao phong trào.
Đợt vừa rồi đi ra nước ngoài, tôi có gặp một giáo viên thể chất người Anh, và khi nghe tôi kể về phong trào chạy marathon của Việt Nam hiện nay, anh ta rất ngạc nhiên và hỏi rất kỹ về cách thức các vận động viên phong trào đang thực hiện. Sau đó anh ta nói: ở đâu trên thế giới, nước nào thì cũng vẫn có những giải thể thao như vậy và đó là điều rất cần thiết, và tất nhiên có những điều không phải ai cũng biết, thế giới cũng vậy và đất nước các anh (Việt Nam ta!) thì càng như vậy. Đó là việc các vận động viên đang chạy với yêu cầu của chuyên nghiệp nhưng cách thức thực hiện thì rất nghiệp dư.
Không chỉ sau câu chuyện này, mà ngay từ trước tôi đã hỏi nhiều người chạy ở các cấp độ bán marathon và full marathon thì hầu như không có ai biết về một thứ gọi là “liệu pháp gắng sức.” Trong khi đó như con trai tôi mới chỉ thi đấu bơi lội ở mức độ các giải học sinh, đã thực hiện nhiều lần. Để tưởng tượng ra cái gọi là liệu pháp gắng sức này như thế nào, tôi xin mô tả thế này: thằng bé đến bệnh viện, nó được dán lên người (phần thân trên) rất nhiều cảm biến có dây điện nối với máy, và được yêu cầu ngồi lên cái xe đạp (hoặc nhiều máy là chạy bộ) và nó được yêu cầu vận động đưa nhịp tim lên bao nhiêu đó, ví dụ thời gian hắn học lớp 10 đã đưa lên 180 nhịp / phút, yêu cầu có thể thay đổi tốc độ đạp, cường độ đạp… và sau đó cái máy nó in ra một tờ giấy dài ngoẵng toàn đồ thị, lằng nhà lằng nhằng, nhìn chung nếu tim mạch có vấn đề gì thì thể hiện ra ngay lập tức. Hồi đó thậm chí bác sĩ còn phát hiện ra ông con tôi hình như hở van động mạch chủ một tí ti – về sau lại không thấy nữa và được giải thích là do… nó lớn nhanh quá. Đại khái vậy.
Nhưng mấy lần đi test như thế, tôi theo dõi rất kỹ các giải thích của bác sĩ về các vấn đề tim mạch, chẳng hạn như với chơi thể thao ở mức độ thi đấu, chỉ cần tầm học sinh như thằng con thôi, cũng không nên khi có một số “lỗi” nào đó và sau đó thì phải chuyển xuống chơi ở một mức độ khác và có sự theo dõi nghiêm ngặt. Điều này được thực hiện đối với các vận động viên trên toàn thế giới nhất là với những nước có nền thể thao đỉnh cao phát triển, còn với các vận động viên cấp nghiệp dư thì đã có nền y tế phát triển chăm lo. Anh giáo viên thể chất tôi gặp nói, thông thường vận động viên được thực hiện kiểm tra tim mạch trong đó có “liệu pháp gắng sức” theo tháng, thậm chí chăm hơn, theo nửa tháng vì các vấn đề của tim mạch có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong cuộc đời. Với người thường chúng ta, việc kiểm tra sức khỏe tổng thể 6 tháng 1 lần trong đó có khám tim mạch cũng là đủ, nhưng nếu chơi thể thao thì phải làm kỹ hơn.
Vì không quan tâm đến khía cạnh này, đã có nhiều vận động viên của chúng ta chết trên đường chạy hoặc chết trong khi đang tập luyện cho giải đấu. Tất nhiên, vận động viên toàn thế giới chết, nhưng chết vì thiếu hiểu biết thì Việt Nam cũng có những đặc thù.
Cách đây 5 năm, tôi có viết bài báo đăng trên Tuổi Trẻ có tựa đề “Khủng hoảng tuổi trung niên: duy thể thao có phải là giải pháp?” – trong đó đề cập tới một hiện tượng nổi lên hiện nay: “Chủ nghĩa duy thể thao cực đoan”, và bây giờ ngẫm nghĩ lại khi đặt vào những câu chuyện mới, tình hình vẫn nguyên như thế. Tuần trước tôi nghe một người bạn kể về ai đó đang giữ kỷ lục Việt Nam “một năm 365 ngày chạy, mà ngày nào cũng chạy full marathon 42 ki-lô-mét.” Tôi không nghi ngờ rằng, đây cũng là một người có “thiên phú” hay gift, nhưng tôi cũng cho rằng tấm gương đó là không thể nhân rộng và anh ta hay chị ta ngoài việc giữ nó cho cá nhân mình, cũng có tác dụng nêu tấm gương rèn luyện thân thể nhưng lại không nói lên được thông điệp: thể thao là phải vừa sức với từng người.
Tôi rất muốn nói với cái anh / chị đang giữ kỷ lục đó rằng: làm ơn thường xuyên đi “liệu pháp gắng sức” giúp tôi cái anh / chị ơi! Nói dại có một ngày lại quay cu lơ ra như cô cựu hoa hậu khoa khôi nào đó cũng chạy suốt đó thôi.
Có lần tôi viết status trên Facebook, có đề cập đến việc gần đây có quá nhiều thứ thể thao phong trào chạy theo số lượng – không phải là số lượng vận động viên tham gia, mà là số mét chạy hoặc bơi được. Như trước đây tôi đã nói về một câu lạc bộ bơi (Mũ Đ. gì đó) trong Hà Nội mà người chủ nhiệm của nó do không hiểu biết nhiều về bơi, cũng không có khả năng huấn luyện các vận động viên bơi có thành tích, nên đặt yêu cầu phải bơi dài – từ 1000 đến 3000 rồi thậm chí bơi cả ngày, đến chục ki-lô-mét trong quá nửa ngày – là với các vận động viên nhí của câu lạc bộ. Tất nhiên, họ thực hiện như thế khoảng 1 buổi 1 tuần, nhưng ngày thường họ cũng đưa ra yêu cầu cho các vận động viên bơi khoảng 3000 mét mỗi buổi và hầu như là bơi đi bơi lại, không có những yêu cầu thay đổi trạng thái luyện tập. Vì vậy tôi đã nhận xét: bơi dài như vậy thì với tim mạch chỉ có tác dụng vào 300 mét cuối, nhưng khi đó các cháu đã mệt rồi, thì lại sai kỹ thuật, vô nghĩa.
Có người hỏi tôi, nếu em tham gia giải bơi phong trào 10 ki-lô-mét thì tập luyện như thế nào? Tôi nói: anh có thể cho giáo án, mỗi buổi em tập cho anh 2000 mét, có nhanh có chậm, có bài kỹ thuật khó, có đoạn tăng tốc độ… nhưng 2000 mét là nhiều nhất, 4 đến 5 buổi 1 tuần, nhiều nhất là 5 buổi và thực hiện như vậy 12 tuần, em sẽ bơi ngon lành cự ly 10 ki-lô-mét cho cái giải đó. Nhưng anh không khuyến khích em tham dự hết giải này đến giải khác, vì hết giải em nên vẫn giữ chế độ tập luyện đó nhưng với giáo án rút gọn, giảm nhẹ cả những bài tốc độ và giảm cả cường độ, đồng thời giảm bớt cả chiều dài quãng đường em phải bơi tập. Bạn ấy hỏi tôi: tại sao lại như vậy? – Vì chúng ta tập để vừa sống khỏe, vừa sống lâu, chứ không phải tập để chết. Thực hiện được giáo án 2000 mét đó đã là khá căng với người bình thường không phải vận động viên chuyên nghiệp, tất nhiên em có thể chịu được mức độ 4000, 5000 mét… như rất nhiều người đang luyện tập bây giờ để dự giải, nhưng như thế là phản khoa học. Chúng ta không cần phải bơi quá nhiều như thế để đạt được mục đích, mà còn có nhiều cách khác. Một trong những điều làm cho khớp của chúng ta bị hỏng, ngoài tải trọng nặng, còn là lượng cử động của khớp. Như trong ví dụ của cô gái Ánh Viên, với chiều cao và sải tay đó thì 100 mét có thể bơi 40 stroke, để bơi 20 ki-lô-mét sẽ là khoảng 8000 cử động vai, tức là 4000 cử động mỗi bên vai. Một năm vận động viên chuyên nghiệp như Ánh Viên có thể đạt 1 triệu rưỡi cử động vai (một bên) và chỉ khoảng trước 30 tuổi thì khớp vai đã hỏng, thậm chí không nâng được cuốn từ điển khoảng hơn 1 ki-lô-gam lên ngang vai.
Từ lý thuyết đó, với một người bình thường không chơi thể thao đỉnh cao, có thể tham gia nhiều giải thể thao phong trào, nhưng nếu tham gia nhiều loại hình đa dạng, ví dụ như bơi có thể tham gia Giải các nhóm tuổi, với những cự ly như thi đấu chuyên nghiệp nhưng với yêu cầu nghiệp dư, không nhất thiết tham gia quá nhiều giải bơi 10 ki-lô-mét… 12 tuần tập luyện cho 1 giải, là gần 1 quý, 4 giải như vậy đã hết một năm, nếu luyện tập ở cường độ cao cho hết một năm như vậy thì đúng là một hoạt động nặng nhọc chứ không có gì gọi là dưỡng sinh ở đây cả.
Vậy đó, nhìn chung dù là người theo chủ nghĩa thể thao, đặc biệt trong giáo dục thế hệ trẻ, tôi đề xuất đưa giáo dục thể chất lên ngang bằng “dạy chữ” nhưng điều cần nói nữa là: mức độ nào có yêu cầu điều kiện thực hiện đó. Đã đưa lên đến mức yêu cầu chuyên nghiệp, thì tất cả phải chuyên nghiệp, chứ không phải cái gì cũng “tự phát.”
Bài viết từ một người mỗi ngày bơi 30 phút, vài trăm mét
với tốc độ dưỡng sinh.
Bài trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment