Năm ngoái, con trai tôi đã apply xin học bổng ở một vài trường đại học Hoa Kỳ và đạt kết quả. Điều đáng nói rằng, bạn ấy xin học bổng là học bổng thể thao. Riêng điều này đã làm cho rất nhiều người ở Việt Nam nhầm lẫn, tưởng rằng bạn ấy sẽ sang Hoa Kỳ để theo học ngành thể thao. Điều này chỉ đúng ở Việt Nam và một số nước xã hội chủ nghĩa.
Chính vì sự nhầm lẫn này đã dẫn đến việc ở Việt Nam, có sự phân biệt đối xử đến mức kỳ thị với những người đi theo nghề thể thao từ nhỏ. Ngược lại, chính những người theo nghề chơi thể thao “chuyên nghiệp” như ở Việt Nam lại sớm xa rời học tập kiến thức (học chữ) dẫn đến việc mất thói quen học tập, chứ không phải những người chơi thể thao là “dốt”. Các bạn học sinh chơi thể thao trên toàn thế giới không những không dốt mà còn phát triển rất tốt trí thông minh vận động, từ đó giúp các bạn học tập kiến thức tốt hơn nhiều.
Trong cuốn #Bố_bỉm_sữa_dạy_con_thành_công_dân_toàn_cầu tôi đã đề ra một mô hình giáo dục là như vậy. Nó không có gì là mới, cũng không đến mức thể hiện là một người theo “chủ nghĩa thể thao” trong giáo dục, nhưng giáo dục thể chất phải là nền tảng cùng với giáo dục đạo đức là cái khung cơ bản, từ đó mới xây đắp hệ thống kiến thức.
Việc con trai tôi xin được học bổng thể thao ở Hoa Kỳ là một minh chứng cho lựa chọn hướng đi “chơi thể thao không hề tệ” – thậm chí còn có lợi, nếu biết cách vận dụng nó. Bản thân con trai tôi không có gì nổi bật cả trong thể thao lẫn học tập kiến thức, nhưng nhờ thể thao bạn ấy tự tin hơn, từ đó càng ngày càng dễ dàng hơn trong học chữ.
Trong bài trả lời phỏng vấn của báo này, tôi mới đề cập được một chút ít những kinh nghiệm trong suốt cả một quá trình dài đồng hành cùng với con – và những kinh nghiệm này tôi sẵn sàng chia sẻ lại cho bất cứ quý vị phụ huynh nào quan tâm. Điều tôi muốn nói rằng, khó khăn của các học sinh Việt Nam không phải là từ các bạn ấy hay từ các trường Đại học Hoa Kỳ, mà từ một số yếu tố rất… đặc thù.
Thứ nhất, về quan niệm xã hội, trên đây tôi đã nói rồi.
Thứ hai, về thái độ của các huấn luyện viên. Sau khi con tôi nhận được thư báo của trường Đại học, tôi đã trao đổi với một thày mà cháu đã từng đến tập ở câu lạc bộ của thày để được cọ xát một thời gian, với ý là: đây là một cách rất hay mà nếu thày chú ý để trao đổi với phụ huynh sẽ có một hướng phát triển chiến lược cho con. Sau khi thày viết thư giới thiệu được một vài trường hợp thành công, thì thương hiệu cá nhân của thày cũng được nâng lên. Nhưng thày này kiên quyết phản đối ý tưởng đó, mặc dù thực tế thày… chẳng cần làm gì cả. Lý do của thày đưa ra là… không đủ năng lực. Cả tôi và thày đều đi đến một ví dụ là cháu Jeremy L. ở thành phố Hồ Chí Minh trước đây, một tay bơi xuất sắc và đã xin học bổng thể thao du học Mỹ nhóm tốp đầu, từ đó thày cho rằng không có cháu nào đủ sức cạnh tranh được với Jeremy và cả các cháu từ các nước khác. Tôi thì không đủ sức thuyết phục thày về việc, Jeremy xin học bổng nhóm D-1, còn có các nhóm D-2, D-3 nữa…
Nhìn chung câu chuyện vẫn luẩn quẩn ở chỗ, thể thao Việt Nam có những đặc thù, chẳng hạn vận động viên được tuyển trạch viên đưa về từ nhỏ, “nuôi nhốt” rồi có thành tích thì vào thẳng đại học thể dục thể thao… Tình trạng này không những làm mất đi khả năng học tập kiến thức từ sớm của vận động viên ấy, dẫn đến việc chính vận động viên trở thành huấn luyện viên kém về kiến thức, mà huấn luyện viên của thế giới là nhà khoa học. Hơn thế nữa, rất nhiều bạn xa rời gia đình từ nhỏ, không được rèn luyện uốn nắn tư cách đạo đức, cũng là một vấn đề lớn.
Bây giờ tôi xin giới thiệu bài phỏng vấn của báo Phụ nữ Việt Nam mà tôi trả lời hôm qua tại đây.
1. Học bổng thể thao ở Hoa Kỳ là như thế nào?
Khác với hầu hết quan niệm của các bố mẹ, và cả các cháu học sinh Việt Nam đều cho rằng “học bổng thể thao” có nghĩa là sang Hoa Kỳ học theo chuyên ngành thể thao giống như ở Việt Nam có một số trường đại học đào tạo ra các huấn luyện viên vậy. Thực tế không phải như thế. Ở Hoa Kỳ ngoài một số môn thể thao có giải đấu chuyên nghiệp (NBA là Giải bóng rổ Nhà nghề Mỹ, các giải quyền Anh nhà nghề WBC, WBO, WBA, IBF và IBO được thế giới công nhận…) thì những môn như môn bơi không phải là môn thể thao chuyên nghiệp, vì vậy các vận động viên chơi môn này cũng là các vận động viên nghiệp dư. Học bổng thể thao là học bổng của trường đại học cấp cho một sinh viên nào đó để đến học tại trường và gia nhập đội thể thao của trường để đi thi đấu các giải đấu sinh viên và cả cấp cao hơn.
2. Như vậy, khi nhận được học bổng thể thao thì bạn sinh viên vẫn vào trường để học tập như bình thường? Như thế là bạn sinh viên đó còn có những khó khăn khác ngoài học tập?
Đúng vậy. Chẳng hạn như bạn Ngọc Hiển đã xin học bổng của trường Bloomsburg (bang Pennsylvania) và được chấp nhận vào theo học ngành môi trường của trường. Như vậy bạn ấy sẽ vừa theo học, vừa phải luyện tập và thi đấu trong đội bơi của trường để giữ thành tích và từ đó, giữ được suất học bổng đó. Tính cạnh tranh là rất cao – vì ngay trong thư trả lời của trường Hội đồng nhà trường đã viết rất rõ: “Chúng tôi đánh giá rất cao nỗ lực chăm chỉ học tập và rèn luyện của bạn, do đó chúng tôi rất hân hạnh được cấp cho bạn mức học bổng… đô-la Mỹ cho 4 năm học, nhưng nó cũng có thể chỉ là một năm học thôi” – điều đó có nghĩa là sau ngay năm học đầu tiên, nếu kết quả học tập và cả thể thao không tốt, bạn sinh viên có thể mất học bổng cho các năm tiếp theo.
Tóm lại, bạn ấy sẽ được huấn luyện sáu ngày một tuần để
nâng cao kỹ năng thể thao của mình và nhưng công việc chính vẫn là tham gia các
lớp học đại học trong lĩnh vực học tập mà bạn ấy đã chọn.
3. Học bổng thể thao ở Hoa Kỳ xin có khó không?
Rất khó và cũng không hẳn là khó. Nói là khó, nhất là với điều kiện của phụ huynh và học sinh Việt Nam thì khả năng tiếp cận thông tin là vấn đề lớn nhất, do gần như không có chút thông tin nào nên các phụ huynh không hình dung được, không định hướng được cho con mình là phải làm những gì để đạt được điều đó. Về vấn đề này, các phụ huynh trong thành phố Hồ Chí Minh theo tôi biết, hiểu biết hơn. Đơn cử gia đình cháu Jeremy L. là một gia đình theo tôi được biết rất điển hình: đầu tư bài bản, bản thân Jeremy cũng là một nhân tài thể thao. Nhưng cũng chính tấm gương Jeremy đã làm cho rất nhiều phụ huynh và cả học sinh khác thui chột ước vọng du học bằng học bổng thể thao: thành tích của Jeremy quá tốt, có thể thi đấu ở các giải mà chúng ta vẫn gọi là “chuyên nghiệp” và bản thân bạn ấy là vận động viên có thứ hạng của thế giới.
Câu chuyện của Ngọc Hiển thú vị hơn: bạn ấy thành tích thể thao chỉ ở mức các giải đấu học sinh, thậm chí lần duy nhất được chọn đi thi đấu giải học sinh toàn quốc nhờ hai huy chương vàng nội dung bơi tự do Giải học sinh thành phố Hà Nội, thì bị bùng dịch Covid nên giải toàn quốc bị hủy. Điều này nhắc chúng ta cần nhìn lại cách tiếp cận của Hoa Kỳ: bơi là môn thể thao không chuyên nghiệp, và ngay cả ở cấp độ Olympic cũng là các vận động viên nghiệp dư, rất nhiều người là sinh viên và làm các nghề nghiệp khác. Do vậy họ không quá quan tâm đến việc một học sinh gửi hồ sơ xin học bổng hiện ở nước nhà đang thi đấu ở cấp độ nào.
Vì thế, nói việc xin học bổng thể thao là khó thì rất khó, nhưng khi đã biết cách thì cũng không quá khó.
4. Có thể nói cụ thể hơn được ở vấn đề này được không?
Nói không quá khó là vì một năm, các trường đại học và cao đẳng của Hoa Kỳ có thể cấp lên hàng nghìn suất học bổng thể thao chỉ riêng cho môn bơi ở các mức các nhau và các cấp độ khác nhau. “Mức” ở đây là số tiền được cấp cho suất học bổng, phụ thuộc rất nhiều yếu tố nhưng chủ yếu là do trường đó có nhiều kinh phí hay không. Còn “cấp độ” thường căn cứ vào tầm cỡ của đội thể thao của trường đang thi đấu cho giải nào. Khi tôi bắt đầu tìm hiểu câu chuyện này, thấy trên mạng người ta liệt kê 3 nhóm trường cấp học bổng cho các tay bơi: nhóm 3 là các trường mà đội bơi thi đấu cấp Tiểu bang, nhóm 2 cấp Liên bang và nhóm 1 là cấp chơi các giải quốc tế, Olympic. Bạn Ngọc Hiển là xin học bổng của một trường nhóm 3, nó phù hợp với năng lực của bản thân bạn ấy, nhưng suất học bổng do vậy cũng là khiêm tốn về số tiền được cấp.
Tuy nhiên, D-2 và D-3 không phải là đào tạo kiến thức cấp thấp, mà có thể họ vẫn ở đẳng cấp cao trong khía cạnh này. Đây chỉ là các nhóm giải thi đấu mà đội bơi của trường nằm trong đó mà thôi.
Các vận động viên nổi tiếng nhất thế giới, nhiều người là sinh viên và giành học bổng thể thao ở Hoa Kỳ. Các tay bơi có Michael Phelps, Nathan Adrian hay Katie Ledecky.
Tất nhiên là vẫn còn có những cái khó khăn khác, nhưng những điều đó thực sự chưa là gì so với những nỗ lực của các bạn giành được những suất học bổng học tập rất xuất sắc như chúng ta vẫn thấy trên báo chí. Cụ thể là, kết quả học tập của bạn Ngọc Hiển hết sức bình thường như tất cả các bạn khác: cũng 12 năm đạt học sinh giỏi với những chỗ trồi sụt, lên xuống… như một người bình thường. Chỉ có đến đầu năm lớp 12 bạn ấy thi IELTS và đạt kết quả 8.0, vậy thôi. Tuy vậy, bạn ấy cũng có những thể hiện không hẳn là xuất sắc, nhưng thú vị, như bạn ấy có một blog viết bằng tiếng Anh với những trải nghiệm du lịch hoặc kể về những hoạt động xã hội: sinh hoạt hướng đạo sinh, các lớp bơi dạy miễn phí cho các em nhỏ hoặc kể về những công việc hàng ngày bạn ấy vẫn làm ở nhà… Ngoài ra bức thư tự viết để xin học bổng cũng đóng vai trò quan trọng, cùng với bức thư giới thiệu của huấn luyện viên bơi của bạn ấy, một thày người Nhật Bản đang hướng dẫn một câu lạc bộ ở Hà Nội.
Tôi có thể nói rằng trường hợp của bạn Ngọc Hiển có yếu tố may mắn, nhưng là cái may mắn được đặt trên nền một quá trình xây dựng và phát triển vững chắc và có hệ thống.
5. Có thể nói rõ hơn về khả năng phát triển trong lĩnh vực thể thao của Ngọc Hiển được không?
Ngọc Hiển được đánh giá khá cao từ các huấn luyện viên đã làm việc với bạn ấy, đặc biệt là các huấn luyện viên nước ngoài như thày Garry Seghers người Australia từ Liên đoàn quốc tế các hiệp hội giáo viên dạy bơi (International Federation of Swimming Teachers' Associations). Điều thú vị là những đánh giá của các huấn luyện viên đó dựa trên thành tích khiêm tốn của vận động viên, chứ không phải dựa trên thành tích cao sẵn. Chẳng hạn một số vận động viên có thành tích cao ở giải đấu học sinh, nhưng các cơ bắp đã nảy nở, phát triển chiều cao đã ngừng, tay không đủ dài… thì được coi là không còn tiềm năng hay “hết dư địa.” Trong khi đó có những cháu thành tích không bằng, nhưng mọi thứ còn nguyên, đặc biệt chưa hề được luyện tập về sức mạnh thì được đánh giá là tiềm năng hơn. Đây là điểm khác biệt hết sức cơ bản giữa huấn luyện viên nước ngoài và huấn luyện viên Việt Nam.
6. Để xin được học bổng thể thao, quá trình đó kéo dài bao nhiêu lâu và cụ thể sẽ cần làm những gì?
Khi tôi tìm hiểu vấn đề này trên internet, bạn Ngọc Hiển mới chỉ học lớp 5 và khi đó, tôi cần được tham vấn chuyên nghiệp. Đầu tiên, tôi tìm một chuyên gia nghiên cứu về khoa học thể thao người nước ngoài để hỏi ý kiến, ông này cho một số thông tin yêu cầu, từ đó tôi nhờ chuyên gia đo các chỉ số đó trên cơ thể của con. Các chỉ số sau khi được chuyển cho chuyên gia đó và ông ấy trả lời là “bạn này có thể có tiềm năng phát triển” thì mới dám đặt ước muốn cho con xin học bổng thể thao. Tuy vậy nếu câu trả lời là “không nên!” thì gia đình vẫn cho con luyện tập, khi đó là vì sức khỏe chứ không phải vì mục tiêu nào khác. Từ đó, tôi theo lời khuyên của các… bài viết trên mạng, ví dụ như đoạn viết này đã giúp chúng tôi rất nhiều: “quá trình nộp đơn xin học bổng bơi đại học từ lớp 9. Tuy nhiên, không bao giờ là quá muộn. Để bắt đầu đăng ký, bạn sẽ cần phải tập hợp các đoạn video quay cảnh bạn đang bơi, bao gồm tất cả các thời điểm diễn ra sự kiện tốt nhất của cá nhân bạn và bảng điểm trung học của bạn.” Tìm hiểu kỹ hơn, tôi càng thấy mình được khích lệ vì mọi thứ nó cách quá xa với những tư duy thông thường của người Việt Nam vẫn đang có. Chẳng hạn, nếu chúng ta quay phim đều đều những đoạn “vận động viên cấp gia đình” luyện tập và thi đấu, sau đó đưa dần lên mạng (Youtube chẳng hạn, một công cụ rất tốt), với một quá trình lâu dài thì Hội đông chấm học bổng chắc chắn sẽ đánh giá cao quá trình lâu dài và kiên trì đó.
Còn một khía cạnh nữa: các giải đấu. Gia đình tôi có thời gian dài không quá quan tâm đến hệ thống các giải đấu do các cơ quan ban ngành trong nước tổ chức cho học sinh, vì những lùm xùm tiêu cực nhiều của chúng, nhưng lại rất quan tâm đến những giải bơi mà như các phụ huynh khác cho rằng “không đạt được cái gì, chỉ tốn tiền” – ví dụ như giải của trường quốc tế U ở Hà Nội. Nhưng nếu đã tham gia rồi thì sẽ thấy giải được tổ chức rất chuyên nghiệp và trung thực, từ đó chính kết quả thi đấu của vận động viên sẽ được bất cứ trường đại học nước ngoài nào chấp nhận, trong khi huy chương giải học sinh của các Sở giáo dục thì chưa chắc.
7. Bạn Ngọc Hiển được cấp học bổng thể thao ở mức bao nhiêu?
Nếu bạn ấy giành được học bổng 100%, học phí và nhà ở của bạn ấy sẽ được chi trả; tuy nhiên, hầu hết những vận động viên bơi lội hàng đầu đều chỉ nhận được học bổng từ 50% đến 100% trong năm đầu tiên và học bổng có thể tăng trong năm thứ hai. Với trường hợp của trường Bloomsburg cấp cho bạn Ngọc Hiển là không phải nộp học phí và thêm 44.000 đô-la Mỹ cho 4 năm học/11.000 đô-la Mỹ cho một năm và có thể chỉ được hưởng như vậy một năm đầu tiên thôi.
Con số trên quy ra tiền Việt Nam thì có thể không nhiều, không hoành tráng như một số bạn vẫn nhận được (vì chúng tôi cũng không biết là học phí của trường là bao nhiêu tiền) nhưng nó là một khích lệ rất lớn với (1) trường hợp của Ngọc Hiển, vốn là một học sinh không xuất sắc trong mọi khía cạnh, chỉ có điểm nổi bật duy nhất là bền bỉ và kiên trì và (2) là khích lệ cực kỳ lớn với những bạn học sinh cũng đang chơi thể thao như Ngọc Hiển, đây là một hướng đi mới. Trong khi rất nhiều bạn có ước mơ du học, nhất là du học Mỹ, thì hướng đi này mở ra một cơ hội cho các bạn.
Từ góc độ xã hội, trường hợp của Ngọc Hiển sẽ giúp hình thành đội ngũ những học sinh, sinh viên mạnh khỏe về thể chất và có năng lực học tập, nghiên cứu, đồng thời về lâu dài các bạn ấy có khả năng cống hiến tốt hơn nhờ thể lực và sức chịu đựng tốt, có thể đảm nhận được những công việc khó khăn vất vả hơn là các bạn khác.
8. Sau một năm nhận được học bổng đó, lúc này bạn Ngọc Hiển đã như thế nào?
Rất đáng tiếc, ước mơ của bạn ấy nó lại không nằm ở du học
đại học Hoa Kỳ. Bạn ấy viết thư cảm ơn trường đã cấp học bổng, và quyết định
xin gia đình cho đi học một nghề khá đặc biệt mà tôi chưa được bạn ấy cho phép
chia sẻ ở thời điểm này. Đây lại là một câu chuyện khác mà tôi sẽ viết vào một
cuốn sách mới về con đường của con trai mình, dự định đặt tên là “Cùng con cất
cánh.” Hiện tại, Ngọc Hiển đang trải qua quá trình học tập và rèn luyện rất khó
khăn và có phần gian khổ, nhưng bạn ấy có nói với tôi khi chúng tôi chia tay
nhau sau buổi lễ khai giảng: “Con là vận động viên, quen chịu đựng sức ép rồi,
nên ba mẹ đừng lo.”
Tham gia thảo luận trên Fanpage tại đây
Bài trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment