Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Saturday, January 21, 2012

Chiều ba mươi Tết ở Mátxcơva

"Ốp" ASEAN vắng vẻ chiều Ba mươi Tết
Chỉ còn vài giờ nữa - (ở nhà bây giờ đã là bảy giờ tối rồi) – là giao thừa, cái giờ phút thiêng liêng đất trời chuyển sang mùa xuân mới. Không biết có về kịp để online đón xuân cùng gia đình hay không nữa đây vì còn phải đi ra chợ Việt Nam, vừa mua đồ ăn, vừa lấy “tư liệu” viết bài về Tết Việt Nam nơi xa xứ.
 

Vội vội vàng vàng, chúng tôi chạy ra metro rồi “chuyển khốt” (*) để đi đến “Trung tâm thương mại ASEAN”, tức là cái “ốp chợ” cuối cùng còn lại của người Việt tại Mát-xcơ-va để “nhòm ngó” xem bà con ta dọp dẹp về nghỉ Tết thế nào. Chiều 30 Tết năm nay ở Mát-xcơ-va bỗng nhiên ảm đạm, nhiệt độ tăng lên +2 độ, tuyết tan làm cho trời giá buốt, cũng làm tăng thêm cái cô đơn trong lòng những người ăn Tết xa nhà.


Năm nay là năm đầu tiên tôi không ăn Tết ở Việt Nam cùng gia đình, nên cái cảm giác cô đơn ấy càng ngấm. Tôi tự cười mình lẩn thẩn, vì thỉnh thoảng có suy nghĩ, kiểu như “chiều 30 Tết tàu điện ngầm chắc là vắng”, cứ như người Nga cũng đang “ăn Tết” vậy. Thật bất ngờ khi lên khỏi metro Đubrốpca thì có một người đàn ông Nga khoảng 55 – 60 tuổi, tay xách chiếc máy ảnh, bắt chuyện. Ông ta hỏi: “Chuẩn bị năm mới có phải không? – nhưng chợ đã đóng cửa rồi!”. Chúng tôi đoán phải chăng đây là một phóng viên đi tìm tài liệu về Tết người Việt tại Mát-xcơ-va? Chia tay, ông chúc chúng tôi nhân dịp năm mới cổ truyền và lên xe đi mất. Đúng như lời ông ta nói, chợ đã đóng cửa. Trên cửa có dán một tờ giấy A3, thông báo rằng chợ sẽ nghỉ từ 16h chiều 30 Tết, đến hết ngày mùng Một, sang mùng Hai thì lại bán hàng bình thường. Chợ đã đậy điệm hết, chỉ còn lác đác vài người bán hàng đang dọn dẹp nốt. Hỏi chuyện một chị phụ nữ có chất giọng Nam Định – Thái Bình gì đó, chị cho biết cũng sẽ về nhà thuê ở không xa, chuẩn bị thắp hương cúng giao thừa. Chị đã chuẩn bị sẵn xôi, gà, bánh chưng, mứt, vàng hương… vì chị bán hàng ngay trong chợ nên việc chuẩn bị không có gì khó khăn. Những người nhân viên của ban quản lý chợ đang đi lại tất bật vì còn phải dọn dẹp, kiểm tra các khóa cửa… để tiện bảo vệ và phòng cháy. Người tổ trưởng bảo vệ thấy hai gã đáng ngờ vác máy ảnh đi chụp “lăng nhăng” trong chợ vác ngay ra một thái độ không mấy vui vẻ để tiếp chúng tôi, cố gắng đuổi chúng tôi ra ngoài càng nhanh càng tốt – “Để chúng tôi còn khóa cửa!”. Đành phải ra khỏi chợ, hơi buồn vì không mua được mấy thứ đồ ăn dự định để tối liên hoan tất niên.

Lần đầu tiên họ được chụp ảnh
kỷ niệm trên đất Nga thế này
Bước ra cửa chúng tôi chạm phải một tốp nam nữ thanh niên đang đi vào. Đang định hỏi họ là ai thì chính các bạn trẻ hồn nhiên đề nghị chúng tôi chụp ảnh cho họ. Thế là chụp ảnh, bắt tay làm quen. Đó là những thanh niên từ nhiều tỉnh, toàn người Bắc, sang đây làm công nhân, hầu hết từ ngoài 20 đến xấp xỉ 30 tuổi. Hỏi chuyện một thanh niên trạc 27 tuổi – chưa nghe giới thiệu, chỉ nghe giọng đã nhận ra đồng hương Thanh Oai Hà Tây, tôi được biết họ làm cho một công ty Nga. Công ty chuyên sản xuất màu vẽ và các loại mực, ở cách đó 5 bến metro. Công việc các bạn làm là gấp hộp cáctông. Ngoài hộp để đóng hàng màu và mực, công ty còn sản phẩm hộp bao bì cho các đơn đặt hàng. Vì trong công ty có một số cổ đông là người Việt Nam nên các bác đó về “nhà” tuyển, đưa các thanh niên sang Nga làm việc. Ngoài ăn do công ty bao, thì tiền lương (chắc là theo sản phẩm) được khoảng 200 đôla một người một tháng. Công ty thuê cho họ chỗ ở ngay trong chợ ASEAN, tức là những cái đệm trải ngay trong các quầy làm chỗ ngủ. Chỗ ngủ không có nước nóng, muốn tắm thì phải đun nên hầu hết các bạn trẻ tắm ở công ty trước khi về. Có khoảng 300 công nhân người Việt như thế đang làm việc ở Công ty. Tuổi trẻ đang có những nhu cầu về thông tin, về giải trí, nhưng buổi tối ngủ ở chợ thì nào có cái gì để đáp ứng những nhu cầu chính đáng đó? Chúng ta chỉ vài ngày không có internet đã có thể điên hết cả người lên, nhưng đây họ ở như vậy hàng năm trời. Các thanh niên tâm sự, các bạn cũng sẽ cố gắng làm việc một vài năm nữa thôi rồi về, cố kiếm vốn để lập nghiệp ở nhà, về đến nhà thì họ đều xấp xỉ trên dưới 30 cả rồi. Tết Âm lịch, họ chỉ được nghỉ buổi sáng ngày mùng Một rồi từ 2 giờ chiều lại tiếp tục làm việc.

Ngày hôm nay 30 Tết rồi, họ đã cố gắng nhiều lần gọi điện thoại về nhà nhưng không được, mạng điện thoại ở nhà nghẽn quá. Họ nhớ nhà, nhớ bạn bè… cũng là điều dễ hiểu. Ngay cả việc trò chuyện với “những người khác” như chúng tôi, họ cũng ít có cơ hội.

Chia tay các bạn trẻ sau khi đã trao đổi số điện thoại, hẹn trả ảnh cho họ, chúng tôi cảm thấy trong ánh mắt họ có sự chờ đợi, chắc chắn không phải để có mấy tấm ảnh mà còn là mong muốn được giao tiếp với những người khác ngoài cái cộng đồng mà họ đang sống và lao động. Những suy nghĩ ấy cứ day dứt mãi cùng chúng tôi, cho đến tận giao thừa.

Mát-xcơ-va xin chào năm mới Mậu Tí!
_________________
(*) Từ người Việt Nam tại Nga thường dùng để chỉ việc chuyển sang tuyến tàu điện ngầm khác

Ảnh trong bài do Ts. Đỗ Minh Hà – ĐHTH quốc gia Mátxcơva chụp.

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment