Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Tuesday, March 19, 2013

Cuống cuồng cuồng

Trèo thang vào chùa Bái Đính 2013

Cách đây chục năm, tự dưng có một hội rủ đi lễ Yên Tử. Chủ trì và cũng là chủ chi luôn, một bà chị kế toán trưởng một Công ty Nhà nước. Chưa hiểu tình hình ra sao, nhưng thôi, ừ thì cứ đi đã.

Trèo leo đến là vất vả, nhưng quyết lên đến đỉnh, lễ cho “nó” thiêng, nó “linh”. Nghe ngóng ra, đoán chắc là “nàng” đang có chuyện rắc rối.

Đi về rồi mới thấy đúng thật – “nàng” và một số nhân vật trong Công ty đang có lôi thôi với pháp luật, do “làm ăn” trong công tác, tất nhiên. Có lần căng quá, nàng gọi điện hỏi: “Này, theo em thì liệu chị có qua được không?” “Sao em biết được?” “Nhưng mà đợt vừa rồi chị làm từ thiện nhiều rồi, lại còn tổ chức cho anh chị em đi lễ nữa, chị bao cả đấy!” “Vâng, chị làm là tốt, lúc nào cũng là tốt, và từ giờ trở đi chị cứ cố gắng tốt như thế là được. Còn thì sự việc xấu, nó đã là xấu nhất rồi, chị đừng quá lo lắng”. “Nàng” có vẻ yên tâm hơn.

Cũng chỉ biết động viên vậy thôi, chứ biết nói thế nào được? Làm phúc, làm từ thiện… để giảm nghiệp xấu, tăng cường phúc đức nó phải là một quá trình, chứ không phải ngày một ngày hai, hứng lên làm ào ạt một vài đợt mà được. Làm mà so đo tính toán, kể lể lại càng phản tác dụng. Giống như cái anh học trò lười, chơi suốt cả năm cả tháng, đến mai là thi hôm nay cuống lên học, may thì trúng tủ, không thì quay cóp… Mấy anh làm ăn gian dối tính lừa cả Trời Phật đâu có được.

Dạo này thấy xã hội đảo điên quá. Lãnh đạo đi khai ấn thắp hương tứ lung tung, núp dưới cái mác “truyền thống dân tộc” nhưng thực chất cũng chỉ là những trò mê tín không hơn không kém. Chùa chiền xây nhiều, toàn hoành tá tràng cả. Tiền ở đâu ra nhiều thế - “Phật tử” cúng tiến mà ra cả. Nhưng tiền đâu ra mà “Phật tử” cúng tiến nhiều thế - toàn “Phật tử đại gia”, “Phật tử quan chức” cả, chứ Phật tử ngồi nhà đọc sách như mình, lấy đâu ra mà cúng tiến. Lễ chùa may ra được chút tiền còm gửi Thày gọi là “giọt dầu”, thế là hết.

Làm ăn chụp giựt, ăn hối lộ, móc ngoặc bòn rút của Nhà nước, của nhân dân nay lo mất ghế, từ ghế nhỏ đến ghế to, thậm chí lo “đi nguyên cả dãy ghế” đâm ra cuống cuồng cuồng. Đúng là thời Mạt Pháp, đến cái sự lễ lạt cúng bái cũng không giống ai. Lễ lấy to, lễ lấy nhiều, Phật chùa này mới thiêng, thánh chỗ kia mới là thần thông quảng đại… rồi lên đồng lên cốt… đình chùa miếu mạo phủ nào cũng đông nghẹt xe. Báo chí nói thì sếp bỏ xe công đi xe tư, sợ cóc gì. Ghế sếp sếp phải lo, sá gì mấy ông nhà báo!

Viết sớ đi lễ ở Chùa Hương
Hồi Tết vừa rồi, thấy có bác kể trên Facebook là đi chùa Bái Đính (hoành tráng và tai tiếng) năm nay cái công ty quản lý chùa không cho đi xe vào trong nữa, cũng không cho đi bộ mà bắt đi xe ô tô điện với giá 60.000 đồng/người. Bà con ta xoay xở, đi xe bên ngoài vào tít phía trong, gửi xe nhà dân và dùng thang của dân bắc, trèo tường vào chùa với giá rẻ hơn nhiều.

Tại sao lại phải thế? Họ kinh doanh thần thánh, họ bóc lột thì nghiệp báo của họ chỉ có nặng hơn, và do đó, càng chứng mình Phật của họ không có gì là thiêng cả. Nhưng mà vì cần lễ Phật quá phải trèo tường, một hành vi vừa hèn, vừa ăn cắp… thì có nên không? Nếu Phật có ngồi trong đó thật, thì liệu Người có cảm động với tấm lòng vừa trèo tường đến với Người?

Vì thế, nên hàng ngày hàng giờ nghĩ đến “làm lành tránh ác” thì hơn, sám hối không bao giờ muộn, nhưng đừng nghĩ là “từ thiện lễ lạt thục mạng” mà kịp để rồi giữ ghế “chiến” tiếp, chẳng bao giờ linh nghiệm cả. Không báo ứng bây giờ, thì nghiệp nặng đến đời sau báo ứng. Vậy thôi.

No comments:

Post a Comment