Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thursday, August 8, 2013

Sợ!


Mình là người không may mắn. Mình từ nhỏ “cứng bóng vía”, chẳng biết sợ ma sợ mãnh gì sất. Sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn ven đô, nơi bóng tối ngự trị gần nửa thời gian của một ngày, nơi mà khái niệm “ruộng” gắn liền với khái niệm “bãi tha ma” – nếu “sợ” thì chẳng dám đi đâu ra ngoài vào buổi tối cả. Không biết “sợ” là gì, cũng là không may mắn.
 
Muốn đi xem nhờ tivi trên nông trường bộ, phải đi qua một cái bãi tha ma to. Buổi tối những đốm sáng lân tinh nhấp nháy, bay lên bay xuống, đến là vui mắt. Một lần hai lần, lũ trẻ đi qua đi lại suốt. Ban ngày vẫn những ngôi mộ quen thuộc đó là chỗ đánh trận giả, thì ban đêm, cũng chẳng có gì đáng phải “sợ”.

Nếu Google từ khóa “Sợ” mất 0,23 giây, được hoảng 44.500.000 kết quả. Con số này cho thấy, riêng người dùng internet tiếng Việt thôi, cũng đã quan tâm khá nhiều đến sợ Sợ hãi. Theo wiki tiếng Việt, thì “Sợ” hay “Sợ hãi” là cảm xúc đau buồn xuất hiện từ việc nhận thức các mối đe dọa. Nghĩa là, “Sợ” và “Mối đe dọa” sẽ là hai mặt của một vấn đề, thường đi kèm với nhau. Mối đe dọa có thể đến từ bên ngoài, hay đến từ tâm lý bên trong (lo lắng) hoặc cả hai, cả ngoài lẫn trong. Nhiều khi, mối đe dọa chỉ là mơ hồ và đến từ một linh cảm nào đó.

Khi người ta không hiểu rõ về Mối đe dọa đó, người ta sẽ sợ. Có lẽ, con người cũng đã quen với rất nhiều nỗi sợ hãi. Từ khi không biết bão bùng, sấm chớp là cái gì, thì người nguyên thủy sợ nó và tưởng tượng ra các thần thánh, khi họ nổi giận, cãi nhau… các hiện tượng thiên nhiên đó sẽ xảy ra. Khi khoa học chứng minh hoặc tìm ra được bản chất của các hiện tượng đó, thì chẳng ai còn sợ thánh thần nữa, và tất nhiên, họ sẽ chuyển sang dạng sợ khác.

Cái người đã hay sợ lung tung, thì bạ cái gì cũng sợ. Hơi tí là sợ, sợ vô cớ.

Có những nỗi sợ rất bình thường. Mình có một ông bạn, cùng cưới vợ với mình trong một tháng. Hắn lo lắng, sợ hãi, sợ không lo được một đám cưới đàng hoàng chu đáo, hắn huy động cả hệ thống bạn bè người này giúp việc này, người kia giúp việc kia. Mình thì một thân một mình lo lắng quen rồi, thấy mọi việc nhẹ như lông hồng. Đó là nỗi sợ không làm được việc, đơn giản thôi, nó xuất phát từ sự thiếu tự tin.

Có những nỗi sợ rất thú vị. Trên Facebook có “Hội Sợ Ma Nhưng Vẫn Thích Xem Phim Ma” có đến 161.000 người thích fanpage của nó. Theo một số công trình nghiên cứu, thì khi sợ, cơ thể sẽ tiết ra một chất nào đó (hoócmôn chẳng hạn) có tác dụng an thần, giảm đi nỗi sợ. Với người “cứng bóng vía” như mình, vì không sợ thì cơ thể chẳng tiết ra cái khỉ gì hết. Còn với người hay sợ, thì lượng “ma túy sinh học” đó tiết ra có thể nhiều gấp bội. Và nó gây nghiện. Do đó, họ đóng kín cửa, trùm kín chăn, họ thò mỗi mũi ra ngoài để thở và hé mắt ra để xem – tận hưởng cái sự nghiện ấy của họ. Thật là thú vị.

Có lần một ông đầu gấu giải nghệ mở cửa hàng “game online” cuống quít gọi điện: “Chú có quen ai ở chỗ nọ chỗ kia không? Hôm qua anh bị kiểm tra, lập biên bản vì cho chơi quá giờ”. “Thế anh cần quen để làm gì?” “Nhờ xin giúp” “Anh quá giờ bao nhiêu phút, theo biên bản kiểm tra?” “… phút” “Chờ em tí em xem lại văn bản” Lúc sau: “Anh bị phạt nhiều nhất 2 triệu đồng. Người quen ở chỗ nọ chỗ kia thì em có, nhưng anh nhờ xong quà cáp tốn quá con số đó, lại phiền hà. Nộp phạt đi anh!” “Cảm ơn em, không gọi được cho em thì anh lo lắm”.

Cũng lạ, cái anh đầu gấu đã từng chém người như ngóe kia, khi giải nghệ, lại cuống lên sợ cái biên bản kiểm tra. Đơn giản là anh ta không hiểu biết về pháp luật, nên anh ta sợ. Trong “kho” của mình còn hàng chục anh như thế, và từ khi ra trường đi làm đến giờ, mình còn kiêm luôn vai trò tư vấn luật cho đội “đầu gấu giải nghệ” như anh này, bất kể chuyện gì cũng alô. Mấy ai kiếm được cái chân như thế!

Từ hôm qua, mùng Một tháng Bảy Âm lịch, tháng của lễ Vu Lan “xá tội vong nhân”, thì trên mạng cũng xuất hiện hàng chục câu phàn nàn, lo lắng… về cái gọi là “tháng cô hồn”. Thậm chí còn có những lời nhắc nhở nhau phải làm chuyện nọ chuyện kia để tránh ma quỷ: không treo quần áo chỗ này, không nằm ngủ chỗ kia…

Với người học Phật, thì tháng Bảy Âm lịch là dịp để báo hiếu cha mẹ, để làm lễ cầu siêu cho các linh hồn chưa được vãng sanh, siêu thoát. Có các vong hồn như thế, họ cần được chúng ta giúp đỡ chứ không phải là ma quỷ đáng sợ. Họ chẳng có thể làm gì để hại được chúng ta cả. Cái hại chúng ta, là những gì chúng ta làm chưa đúng đắn ngày hôm nay, tuân theo “nhân, quả, duyên, nghiệp báo, luân hồi” chứ đâu phải mấy vị vong hồn đó.

Không có ma quỷ nào đáng sợ bằng chính ma quỷ trong lòng chúng ta.

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có thể gặp đủ các thứ chuyện. Nếu không được trang bị đầy đủ những kiến thức về cuộc sống, chúng ta sẽ sợ suốt ngày. Mối đe dọa có thể đến với chúng ta từ bất cứ đâu. Nó có thể là từ chuyện hàng ngày công ty chúng ta mở vẫn kinh doanh buôn bán và vẫn hàng ngày trốn thuế, do cán bộ thuế họ ăn tiền rồi cho qua. Một ngày, người cán bộ thuế đó bị bắt và chắc chắn chúng ta sẽ đối mặt với cán bộ điều tra. Nỗi sợ ập đến… nếu chúng ta hiểu biết và không sợ hãi, thì chúng ta sẽ hiểu, “không có việc gì là không có hướng giải quyết”.

Chỉ có điều, nhiều khi giải pháp thì có, nhưng chúng ta lại không thể chấp nhận được nó. Một án tù không tránh được, nhưng 5 năm tù hay 2 năm tù, cũng là một giải pháp. Nếu nhất quyết không muốn vào tù, thì sự việc là bế tắc. Việc giải quyết được hay không, có giải pháp hay không, do chính chúng ta mà thôi.

Mối đe dọa có thể đến từ bên ngoài. Công ty mắc nợ, chủ nợ cho người đến đòi, có cả đầu gấu rồi mấy ông nghiện mới ra tù. Đó là sự đe dọa. Đương nhiên, họ biết thóp chúng ta sợ bị đánh, bị giết, bị đâm kim tiêm dính máu HIV vào người, thì họ mới làm thế. Rồi cuộc sống làm ăn, nhiều khi có những người thích buông ra những lời đe dọa.

Tạm thời chúng ta không bàn tới những lời đe dọa của thằng Tàu nó đe chiếm Trường Sa của ta, hay ông Mẽo nào đó dọa đánh Iran. Chúng ta nói về cái thằng vừa va chạm vào xe ta ở đèn đỏ hôm qua và buông lời dọa đánh ta. Chúng ta nói về cái người làm ăn với ta nhưng lại không vừa ý về một việc nào đó, cũng lại buông lời đe dọa cho người đến xử ta.

Nhưng chúng ta cần hiểu, chính khi người ta buông lời đe dọa lại là lúc người ta sợ nhất. Vì cái nỗi sợ đó, nằm trong chính bản thân mỗi chúng ta, khi không hóa giải được nối sợ hãi đó, thì chúng ta cố gắng đẩy nối sợ cho người khác bằng cách đe dọa.

Có điều, nhiều khi chúng ta không nhận ra nỗi sợ hãi của mình, vì nó khôn khéo nấp dưới vỏ bọc sự tức giận, sự tự ái, ngã mạn…

Vì nỗi sợ lớn nhất là nỗi sợ cái chết. Ai cũng phải chết, ai cũng biết thế, nhưng ai cũng sẵn sàng làm tất cả để ngăn nó đừng đến sớm.

Với người học Phật, thì cái chết không đáng sợ đến thế, nếu như cái sự đến của nó được chuẩn bị một cách chu đáo. Chuyến tàu vẫn hàng ngày chạy, chỉ có tôi, bạn… ai là người lên trước, lên sau mà thôi. Tôi tin, toa tàu đưa tôi đến với Phật sẽ rất ấm áp và vui vẻ. Khi chuyến tàu của tôi đến, tôi sẽ rất hoan hỉ đón nó với niềm tin sâu sắc nhất vào các chư Phật sẽ đón tôi.

Vì thế, tôi chẳng có nỗi sợ nào cả. 

No comments:

Post a Comment